Trong một bài trước, Cỏ May có nhắc tới lý do thứ nhứt đưa đến vợ
chồng ly dị nhau là “ngoại tình”. Lý do thứ nhì là “tiền bạc” . Số vợ
chồng ly dị ngày nay ở Âu châu rất cao, riêng ở Pháp, lên tới 46, 2%. Cứ
gần một cặp trên hai chia tay nhau. Số ly dị sau 3 năm cưới nhau đang
tăng lên 50%. Riêng năm 2005, số ly dị đạt kỷ lục, 52, 3% do thủ tục ly
dị vừa được đơn giản tối đa. Trong lúc đó, ở Việt Nam, hiện tượng xã hội
này vừa trở thành khá phổ biến. Lý do của sự chia tay nhau cũng không
khác ở Âu châu hay Pháp cho lắm. Tiền và Ngoại tình.
Từ 3000 năm
Hôn nhân như ta biết ngày nay chỉ là một sáng tạo gần đây của những
người nam nữ yêu nhau. Thực tế, họ đã yêu nhau và sống chung thành cặp
như vợ chồng nhưng không biết cưới hỏi đã có từ 3000 năm rồi. Từ Hi lạp
cổ thời cho tới khi đời sống ái ân hay tình dục của phụ nữ được giải
phóng, con người đã thử nghiệm qua hàng ngàn cách yêu đương và ái ân.
Tuy thời gian thử nghiệm dài như vậy nhưng người ta vẫn không thể giử
được đời sống lứa đôi bền vững. Ở những thành phố lớn Âu châu, ngày nay,
tính chung có tới 50% cặp vợ chồng chia tay nhau . Nhưng có dư luận cho
rằng đằng sau mặt tiêu cực đó có khía cạnh tích cực không thể chối cãi.
Đó là hôn nhân thật sự được thực hiện trên tình yêu trong sáng, bất vụ
lợi, điều này khác hẳn với hôn nhân của giai cấp trưởng giả trước đây,
họ cưới nhau vì quyền lợi vật chất như của hồi môn hay trao đổi những
quyền lợi chánh trị hoặc để có con cái nối dõi. Theo đó, hôn nhân không
gì khác hơn là một phương tiện xây dựng xã hội.
Ở Việt Nam còn cưới nhau theo tiêu chuẩn cùng vai vế xã hội, tức phải
môn đăng hộ đối. Những loại hôn nhân này đặt nhẹ tình yêu của trai gái,
hay không cần có tình yêu. Do đó việc ly dị trở thành khó khăn vì mất
quyền lợi. Vì không thể ly dị, ngươì đàn ông cần có nhiều người đàn bà
khác để yêu thương theo tình cảm chân thật hay chỉ để thỏa mản tính ái
dục. Ngày nay, phần lớn hôn nhân kết thúc bằng sự đổ vỡ do thiếu chung
thủy với nhau.
Vài nét về lịch sử đời sống ái ân
Ở thời xa xưa, xưa lắm, con người chưa biết sống kết ước thành lứa
đôi như vợ chồng ngày nay ta biết. Đàn ông hoàn toàn tự do tìm phụ nữ để
sống với thú ái ân của mình, miễn đừng pha trộn các thứ với nhau.
Theo nhà hùng biện hy lạp Apollodore vào thế kỷ thứ IV trước công
nguyên thì người ta tách rời các trường hợp quan hệ nam/nữ ra từng thứ
loại phân minh: Các “bà bồ” là để thỏa mãn thú vui tình dục, các “bà lẽ”
là để săn sóc mình hằng ngày, các bà vợ là để có con cái nối dõi chánh
thống và bảo quản gia đình.
Có nhiều bà cùng lúc, vậy người xưa sống chung và quản lý các bà như
thế nào để tránh cảnh nhà khỏi bị cháy? Người Hy-lạp cổ xưa có thể đem
về căn nhà của mình tới 50 phụ nữ trong đó có bà vợ chánh thức, bà vợ
thứ, tức phụ nữ cưới về không có hồi môn, các bà hầu và những phụ nữ nô
lệ. Tất cả đều thuộc sở hữu của người chủ đàn ông và phục vụ ông chủ
theo ý muốn của ông chủ. Thậm chí nhà hiền triết Socrate có một bà vợ
chính thức, một bà lẽ và một người tình trẻ đẹp. Ông còn có thêm bao
nhiêu nữ nô lệ nữa, không nghe nói tới.
Đối với người vợ chính thức, luật pháp chỉ đòi hỏi 2 điều: hồi môn và
trinh tiết của người phụ nữ vì hôn nhân là sự thương thảo giữa hai gia
đình. Thực hiện hôn nhân rất đơn giản: người đàn ông chỉ có bắt tay
người cha của người phụ nữ là hai người nam-nữ chánh thức thành vợ
chồng. Người vợ có nhiệm vụ sanh con, coi sóc nhà cửa và thỉ chung với
chồng. Nếu ngoại tình bị bắt được, người phụ nữ bị chồng bỏ rơi và có
thể bị đem bán như nô lệ. Người đàn ông có thể thôi vợ và cưới vợ khác
bao nhiêu lần cũng được, với điều kiện phải hoàn trả đủ hồi môn.
Ở La-mã cổ, vào năm thứ 16 trước công nguyên, Mécène thôi bà vợ
Terentia và cưới lại như vậy tới cả ngàn lần cứ mỗi khi gây gổ nhau. Đạo
lý xưa dạy điều quan trọng là đàn ông phải biết giữ tư cách đàn ông:
“Mình thôi, chớ đừng để bị vợ thôi”!
Trong thiên niên kỷ đầu của công nguyên, khi người Đức tiến chiếm
nước Pháp, họ đem tới những tập quán mới về quan hệ ái ân nam/nữ. Vua
chúa, giới quí tộc có thể lấy phụ nữ nô lệ làm vợ chính thức. Anh em họ
kết hôn nhau, đàn ông có nhiều vợ theo chế độ đa thê, …Các Linh mục phản
ứng chống lại những tập quán cho là thiếu văn minh này, nhưng các ông
không đủ sức thiết lập lại trật tự, đặt để lại cho mọi người nề nếp vợ
chồng phải là hai người khác giới tính và chỉ một vợ một chồng mà thôi.
Thời đó, phần nhiều các ông hoàng, nhà quí tộc đều có nhiều bà vợ cùng
lúc và xếp theo thứ tự: vợ chánh, vợ thứ I, II, III, … và những nàng
hầu. Được hiểu đó là một cách xây dựng một hệ thống gia đình và thiệt
lập quyền lực đàn ông là người chủ gia đình. Vì vậy, vào thế kỷ XI,
trong làng, người xa gần đều cùng họ hàng với nhau cả.
Đồng thời với hôn nhân giữa người khác giới tính, có cả hôn nhân giữa
những người đồng tính. Theo sử gia người Mỹ, Ông John Boswell, kể lại.
Hai người đàn ông, trước một vị Linh mục, long trọng tuyên thệ “ thương
nhau ” và hai người hôn nhau đắm đuối trước bàn thờ Chúa.
Vợ chồng được định nghĩa theo Phúc âm, “Người đàn ông sẽ rời khỏi cha
và mẹ để quyến luyến với người phụ nữ và từ đó hai người sẽ trở thành
một thân thể ”. Ở Âu châu, vào năm 1215, hôn nhân thiết lập giữa người
đàn ông và người phụ nữ và theo chế độ “một vợ một chồng”. Từ đó, hôn
nhân theo thiên chúa giáo được áp dụng cho mọi người như một giá trị qui
chiếu.
Hôn lễ được cử hành trước cổng nhà thờ, với sự tham dự và chứng kiến
của dân làng, của Linh mục. Hôn nhân vì tính long trọng đó nên không thể
hủy bỏ dễ dàng được, ngoài hai lý do: cùng huyết thống và sự bất lực
của người chồng. Tình yêu xuất hiện từ hôn nhân. Linh mục vì là người
hiểu biết rành rẽ và có nhiều kinh nghiệm về đời sống xã hội nên qui
định những điều kiêng cữ cho quan hệ vợ chồng như không được làm tình
ngày thứ sáu, ngày chủ nhật, vào mùa chay, vào chu kỳ kinh nguyệt của
phụ nữ, thời gian phụ nữ cho con bú hay mang thai, …
Từ đây, đời sống xã hội được hài hòa nhờ hôn nhân và gia đình ổn
định. Những tổ chức thanh niên ra đời đóng vai trò cảnh sát để theo dõi
sự chung thủy của các bà vợ và quyền lực của người chồng. Và đồng thời,
những đám cưới lậu cũng bùng nổ ầm ĩ. Thủ tục rất đơn giản, chỉ diễn ra
không quá 5 giây, trong vựa lúa hay ở tửu điếm, bằng sự trao đổi với
nhau quà tặng hay vài lời yêu đương, không cần Linh mục chủ lễ. Đôi khi
người ta làm đám cưới như đi chạy giặc. Một trường hợp được lưu truyền
cho tới ngày nay. Anh chàng nói với cô nàng “ Này em, để cho em đừng sợ
bị anh lợi dụng, trước tiên, anh để lưỡi của anh vào miệng em với danh
nghĩa “hôn nhân” giữa hai ta với nhau”.
Ở Việt Nam, ngày xưa có tập tục ở rể. Sau lễ hỏi, chàng trai tới nhà
vợ tương lai ở và làm việc nhà không công, tức làm việc chùa, cho nhà vợ
từ một năm. Sau đó mới làm lễ cưói và rước vợ về nhà của mình. Có khi
gia đình bên vợ chê anh chàng bất tài hay thiếu tư cách, từ chối lễ
cưới. Thế là anh chàng bèn ôm gói quần áo lặng lẽ ra về một mình. Không
biết khi ở rể, đã có được mấy anh có bản lãnh quơ sốt dẻo cô vợ tương
lai của mình để khi bị từ hôn không bị mất cả chì lẫn chàì?
Đàn ông lúc bấy giờ không ít người lui tới nhà chứa. Tất cả nơi đây đều do nhà thờ quản lý.
Vào thế kỷ XVI,Panurge, nhân vật trong truyện của Rabelais, cứ tự hỏi “Tôi có nên cưới vợ không?”
Ông hỏi hết mọi người. Từ nhà triết học, nhà thần học, thầy thuốc,
tới nhà chiêm tinh, … Ông mơ ước có được một bà vợ để vừa thỏa mãn yêu
đương, vừa giúp đỡ ông lúc bịnh hoạn, vừa có con nối dõi cho ông nhưng
ông vẫn lo ngại không tránh khỏi bị cặm sừng, bị đánh đập, bị ăn cắp của
cải, …
Vào thời đó, hôn nhân theo thiên chúa giáo đang trên đà phát triển và
trở thành khuôn mẫu xã hội duy nhứt. Trai gái phải gặp nhau qua chiếc
nhẫn ở ngón tay.
Giáo hội Công giáo qua Cộng đồng “Ba mươi” siết qui luật hôn nhân
thêm một vòng nữa cho chặt chẽ hơn bằng cách xác định long trọng tính
không thể ly hôn cho mọi cặp vợ chồng. Hôn nhân vì đó trở thành nhiệm vụ
của gia đình, của nhà thờ và của nhà nước. Với một mục đích đem lại một
đời sống vợ chồng tốt đẹp!
Năm 1804, Napoléon ban hành luật xác định “người chồng có bổn phận bảo vệ vợ và người vợ có bổn phận phải vâng lời chồng”.
Và cũng từ đây, trong văn chương, người ta xem hôn nhân là nhà tù nơi chưa có người đàn ông nào thoát ra được mà sống sót!
Ái ân trên hết
Năm 1833, ở Pháp có một “kinh thư ái ân” không biết tên tác giả, phổ
biến rất rộng rãi nhưng lậu, không công khai, tựa là “Nghệ thuật ái ân
40 cách” (Art de foutre en quarante manières).
Độc giả đông đảo, có khi phải chuyền tay nhau đọc. Do ảnh hưởng quyển
kinh thư này mà đàn ông ngoại tình trở thành một hiện tượng xã hội thật
sự nghiêm trọng. Sự vi phạm luật pháp và đạo lý được hiểu như là điều
kiện duy nhứt để hưởng lạc. Phụ nữ mang bầu ngoài hôn nhân chiếm tỷ lệ
kỷ lục chưa từng thấy.
Tới năm 1884, một đạo luật mới ra đời bảo vệ quyền tự do cá nhân cho
rằng sự ngoại tình của một trong hai người của cặp vợ chồng là một trong
ba nguyên nhân dẫn đến ly dị. Từ đây, tính bền vững của hôn nhân không
còn nữa.
Và nay là lần đầu tiên trong luật pháp của Pháp, với đạo luật mới
này, nam nữ bình đẳng trước pháp luật. Tình yêu và ái ân cũng khởi sắc
trở lại. Nam nữ yêu nhau có thể công khai hôn nhau ở miệng, điều trước
giờ bị cấm ngặt.
Việc ái ân lần lần tách rời khỏi nhiệm vụ sanh con cái và sự kiểm
soát của xã hội. Năm 1920, có tới 41.000 trường hợp ly dị trong đó có
60% do yêu cầu của phụ nữ. Đầu năm 1968, luật cấm nam sinh viên tới
phòng nữ sinh viên trong Đại học xá sau 21 giờ được hủy bỏ. Tướng De
Gaulle, lúc đó đang bị sinh viên phản đối, ngao ngán mà nhận xét kỷ
cương xã hội bị xé nát “Người ta cho chúng nó những ông thầy dạy học,
nay chúng nó đòi những cô giáo ” ( On leur offre des maitres et
maintenant, ils veulent des maitresses – Tiếng Maitresse có nghĩa là Cô
giáo mà cũng có nghĩa là Tình nhân ). Qua tháng 5/68, tuổi trẻ “đứng lên
làm lịch sử” đưa ra khẩu hiệu “Hưởng lạc không trở ngại”. Lập tức, các
phong trào nữ quyền hưởng ứng theo.
Ngày nay, tình yêu, ái ân trở thành những quan hệ đa dạng và hoàn
toàn tự do. Trai gái tự do cưới nhau, không phân biệt giới tính. Tự do
sống chung bằng hợp đồng hai người cùng ký trong nháy mắt. Sau đó vài
ngày, họ chia tay nhau. Một lần, hai lần, ba lần. Và nhiều hơn nữa …
Sử gia người Mỹ, Ông Dan Savage, phê bình hiện tượng tình yêu và ái
ân xả láng ở Pháp và Âu châu như ngày nay là do một sai lầm lớn. Âu châu
trước kia đã thần thánh hóa hôn nhân. Đặt hôn nhân dưới sự kiểm soát
gắt gao của nhà thờ. Mọi quan hệ nam/nữ đều bị nhà thờ dòm ngó, phán
xét. Tôn trọng sự thủy chung, thay vì sự nảy nở, như là tiêu chuẩn chủ
yếu của hôn nhân thành công. Nhưng điều mong đợi đó, trên thực tế, đã
dẫn tới thất bại thảm hại.
Ông Dan Savage, để có đời sống hôn nhân vững bền, muốn con người ta
ngày nay hãy quay trở lại với mô hình gia đình thời xa xưa, như ở
Athènes, với một vợ hay một chồng chánh thức cho quan hệ hằng ngày, và
nhiều bà thứ / ông thứ, nàng hầu / ông hầu,… để thỏa mãn ái ân.
Nhà sử học thường bị ám ảnh bởi quá khứ. Nhưng quá khứ không phải là
hiện tại. Nên không biết các ông ngày nay có chịu sống với cái quá khứ
của Athènes không?
© Nguyễn Thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét