Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Nguyên quán?

Sáng nay photo bản sao khai sinh của ông cháu mà giật cả mình, tới giờ này nó là cháu mình, nó sinh ở VN, bố nó sinh ở VN, cả hai có quốc tịch VN, nhưng giấy tờ ghi nó là người Hoa.  Nếu giấy tờ ghi như thế thì chả trách khi Việt Nam có biến với Trung Quốc, ông cháu tôi có khi là sẽ vì "quê cha đất tổ" của nó, mà làm con ngựa thành Troy mất, bởi vì không khéo bây giờ ở VN có không biết bao nhiêu người Hoa và mấy đời sau vẫn là người Hoa rồi họ bảo đất VN của TQ đâu có sai.  Tự dưng tôi tức thằng cháu, tức luôn bố mẹ nó, ăn ở sinh sống ở VN, nói tiếng Việt, cũng ghét Trung Quốc mà không chịu cãi khi làm giấy tờ "tôi là người Việt" cho đỡ ngứa mắt bác nó.  Nếu giấy khai sinh của nó bảo là dân tộc gì thì còn nói, đàng này ghi nguyên quán nó ở tận Trung Quốc, trong khi bố nó sinh ở Cần Thơ.

Cho nên tôi phải đi tìm hiểu ý nghĩa của chữ nguyên quán/quê quán ra sao, thì mới thấy thiên hạ cũng bối rối vì mấy chuyện này ở VN.  Ừ thì thôi cứ theo định nghĩa mà họ bàn cãi thì tôi tóm tắt lại như thế này:

Nguyên quán: nơi sinh của ông bà nội, ngoại
Quê quán: nơi sinh của cha mẹ
Sinh quán: nơi sinh của mình
Trú quán: nơi hiện tại sinh sống
Dân tộc:  nguồn gốc tổ tiên
Công dân: quốc tịch

Vậy thằng cháu tôi
Nguyên quán: Quảng Đông (lẽ ra phải ghi thế nhưng lại ghi là Trung Hoa)
Quê quán: Cần Thơ
Sinh quán: Sàigòn
Trú quán: Sàigòn
Dân tộc:  Hoa
Quốc tịch: Việt Nam 

Thế thì bây giờ nó là người Việt gốc Hoa, nhưng tới đời con nó sẽ là người Việt gốc Việt chứ? Bởi vì lúc đó con của nó có ông nội nguyên quán ở Cần Thơ chứ nào phải Quảng Đông? Rồi mai đây nó sang Hoa Kỳ sinh sống, nó sẽ có quốc tich Hoa Kỳ, con nó sẽ là dân tộc gì, chả lẽ suốt đời nó là người Hoa trong khi cha mẹ là người sinh trưởng, sinh sống ở VN.  Và tôi cũng thấy có nhiều người Việt gốc Hoa sống mấy đời ở VN, nhưng khi bị trục xuất không hiểu có vì lý do đó mà ghét VN nên họ tự nhận họ là người Hoa luôn và con họ sinh ở Mỹ cũng là người Hoa nốt, lẽ ra theo cách định nghĩa trên thì họ con cái họ đã trở thành người Mỹ gốc Việt mới đúng.
 
Mà ai biết cái nguồn gốc dân tộc nói chung chung của người Hoa là người gì, người Đường Minh, Tống, Thanh hay Nội Mông vv... nếu ghi đúng thì phải ghi đúng là dân tộc gì, chứ Quảng Đông thì xưa kia nghe sử sách cũng là của dân tộc Việt cơ mà, sao tự nhiên bây giờ lại là Hoa hết cả. 

Đã là người có quốc tịch Việt thì là người Việt, muốn ghi gốc Hoa cũng không sao.  Như người Việt gốc Kinh/Mường chẳng hạn.  Nhưng ghi và dịch tiếng Anh là người Hoa gốc Hoa có quốc tịch VN nghe nó chướng biết chừng nào.  Dưng không tờ giấy nhỏ sẽ làm cho một người Kinh/Mường nghĩ dù sao VN cũng là đất nước của họ bởi vì trên thế giới làm gì có đất Kinh hay Mường, còn "người Hoa gốc Hoa" như thằng cháu tôi thì muôn đời sống ở VN nhưng sẽ cứ tưởng (bở) quê hương của nó là Trung Quốc nơi nó chưa hề đặt chân tới?
 
Ngay như người Việt dân tộc Kinh, có ai biết được cha mẹ ông bà mình có khi là dân tộc Mường, Thái, Lèo hay Chân Lạp? Nhưng hễ thấy giọng không lơ lớ như người Hoa thì mấy người làm sổ sách cho là Kinh hết ráo.  Nếu tôi hỏi bố tôi có biết ông cố nội người gì không, chưa chắc bố tôi đã rõ, thí dụ tôi nghe người Cao Lan nói chuyện tôi thấy họ nói giọng miền Bắc mà tôi nghe quen hơn là cái giọng miền Bắc hiện nay vẫn nghe ở radio, TV, có khi ông cố bố tôi là dòng họ Cao Lan mà vẫn ghi là người Kinh? Vua Lê Lợi còn là người gốc Mường cơ mà.

Rắc rối thế đấy, rồi bây giờ bao nhiêu người con VN ở xa xứ, như thằng cháu khác mới sang chơi, bố mẹ nó ở bên Tiệp đã mấy chục năm, nó sinh ra ở bên Tiệp, bố mẹ nó vẫn có quốc tịch VN, tôi hỏi nó cháu là công dân ở đâu, nó bảo là VN vì nó không có quốc tịch Tiệp, nhưng nó chả sống ở VN.

Lý lịch của nó sẽ là



Nguyên quán: Mỹ Hào
Quê quán: Hải Dương
Sinh quán: Praha
Trú quán: Praha
Dân Tộc: Việt
Quốc tịch: Việt Nam
 
Ai hỏi nó sẽ bảo nó là người Việt Nam, có biết gì về VN không thì nó bảo không biết, thế thì cái lý lịch nó có bị ép không? Con cháu nó sau này ghi nguyên quán ở Tiệp? Thế mai đây nó dọn về VN ở,  cháu nó sinh ra ở VN nhưng có nguyên quán ở bên Tiệp?

Còn cô cháu tôi
Nguyên quán: Nam Định
Quê quán: Phan Thiết
Sinh quán: Kurla Lumpur
Trú quán: San Jose
Dân tộc: Việt
Quốc tịch: Hoa Kỳ

Ai hỏi, chẳng hiểu cô có phải dài dòng văn tự là người Mỹ gốc Việt hay người Mã có quốc tịch Mỹ, và cũng chả biết quái gì về VN, chả lẽ bảo là người Mã Lai Á, mai đây con cháu cổ sẽ khai nguyên quán là Mã Lai?

Cho nên chỉ nên đơn giản ghi Người Việt, sống ở đất Việt, quốc tịch Việt, dân tộc gì thì tuỳ, đừng như khai sinh của cháu tôi ghi trong bản dịch tiếng Anh là người Hoa, nguyên quán Trung Hoa.  Khi bà nội nó đi bộ sang Việt Nam từ lúc 16 tuổi, bây giờ bà đã gần 90 tuổi. Dòng họ ông nội nó thì sang VN từ thời nhà Minh sụp đổ, tức là mấy thế kỷ rồi.

Tại sao đối với người Việt thì ghi nguyên quán là một thành phố nào đó mà đối với người nước ngoài lại ghi tên một nước.  Nếu ghi tên nước thì tất cả người Việt sẽ có nguyên quán là Việt Nam, còn nếu tên thành phố thì kể cả người ngoại quốc chỉ ghỉ tên thành phố mà ông bà nội họ được sinh trưởng hay sinh sống, nếu không biết thì bỏ trống, coi như nguồn gốc của họ đã thay đổi khi cha mẹ họ đã sinh trưởng ở nơi khác. 
Cứ như ở Mỹ, chỉ hỏi nơi sinh, dân tộc chỉ chia thành Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Nam Mỹ.  Một thế hệ ở Mỹ có thể là người Việt mang quốc tịch Mỹ, nhưng đời con cháu họ sẽ là người Mỹ gốc Việt, chứ không phải là người Việt gốc Việt. 

Cho nên nhìn bản khai sinh được dịch ra ông cháu là người Hoa gốc Hoa quốc tịch VN tôi đâm lo, nó là người Việt nam có cha mẹ sinh ở VN mà còn thế, đã đến lúc nên dẹp hai chữ nguyên quán hay sửa đổi cách định nghĩa của nó. 

Thật tình gõ xong cái blog này tôi cũng rối mù vì cách phân biệt của VN.  Ở bên Mỹ mà làm vậy là sẽ có chuyện nói là kỳ thị địa phương hay chủng tộc.  Cứ đơn giản người ở đâu tuỳ thuộc vào quê cha đất tổ, nơi cha mình sinh ra chứ có phải là ông mình đâu, đất tổ thì đất của tổ tiên để lại, có thì ghi, không thì coi như vô sản, khỏi ghi.  Cha sinh ở Cần Thơ thì quê nó ở Cần Thơ, chứ tổ tiên nó có để cho nó miếng đất nào ở Trung Quốc đâu, thử hỏi nó về nó nhận chắc ai đã cho? 

Cứ như xưa ai hỏi, tôi nói tôi có gốc rau muống cho nó xong chuyện. Chứ thời tôi người ta định nghĩa quê quán là nơi chôn nhau cắt rún, thì "quê tôi" chắc đã mất sau bao lần thành phố thay đổi, chả biết cái nhà bảo sinh ở miền thuỳ dương cát trắng có còn!

1 nhận xét:

  1. Đúng thế bạn, rắc rối, lủng củng.
    Mình là người già còn chữ hiểu nổi lấy gì lớp trẻ.
    Như cột Trình độ Văn hóa trong lý lịch, thật mơ hồ.
    Có mẫu thêm cột Trình độ lý luận nữa, hài thiệt!

    Trả lờiXóa

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog