Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Đừng đánh giá qua bề ngoài, dù chỉ là một người lái xe ôm



Tình cờ hôm nay tìm thấy blog của anh chàng Mỹ gốc Việt John Trần, đi "lang thang" ở VN viết về những cảm nghĩ của John, một người trẻ có lòng với đất mẹ bằng cách đi và học hỏi? Xin giới thiệu với mọi người bài viết cảm động của John về một người cha. John viết bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh, quả là một sự cố gắng có lòng, một gạch nối cho hai thế hệ, cho cả những người ở hai bên bờ đại dương.

Nếu như bạn từng sống ở Việt Nam, xe ôm là một trong những điều rất quen thuộc. Họ là những người giúp bạn di chuyển, bên cạnh những đoàn xe buýt luôn đông đúc hay dịch vụ taxi đắt tiền. Họ thường hay xuất hiện ở trước cổng các trường đại học, trạm xe buýt, hay bất cừ nơi nào có nhiều người qua lại trong thành phố. Nhưng hãy cẩn thận. Từ kinh nghiệm của tôi, nhiều người lái xe ôm uống rượu rất nhiều. Sự hưng phấn từ rượu có thể phần nào giải thích sự liều lĩnh của họ trên đường phố, lượn, lách không một chút sợ hãi nào cả. Nếu đang vội, và đường phố thì tắc, bạn có thể nhờ một người lái xe ôm đưa bạn đến nơi đúng giờ. Tuy nhiên, có an toàn hay không thì lại là vấn đề khác.

Và cũng như những gì tôi thấy, tôi từng nghĩ rằng rất nhiều người sử dụng “nghề” này như một lý do để chơi bời đây đó và uống rượu. Họ là những kẻ say xỉn, trông chờ vào thu nhập của vợ. “Nghề” tay phải của họ có vẻ như là uống rượu. Đôi khi tôi bắt gặp những tiếng gọi trên đường “Em ơi, xe ôm”. Trên đường, tôi phải có đến hàng trăm lần như vậy, và thông thường thì tôi không đáp mà đi tiếp, vì đã quá quen rồi. Tuy vậy, đã có một trải nghiệm thú vị tại Tam Quan,
Quảng Ngãi, và nó đã thay đổi quan điểm của tôi phần nào.
Lúc đấy tôi đang đi bộ trên đường vào thành phố, và lại một người xe ôm nữa đến gần tôi. “Người Hàn Quốc”, ông ta nói, giống như một câu khẳng định hơn à một câu hỏi. Khó chịu bởi người ta thường hay nhâm tôi với người Hàn Quốc, tôi quay lại và nói “Người Mỹ gốc Việt” rồi tiếp tục đi. Người lái xe vẫn tiếp tục lái theo tôi và hỏi tôi đi đâu. Tôi không biết ông ta có uống rượu hay không nhưng trong đầu thì đã sẵn thành kiến rồi. Tôi vẫn đi, bỏ ngoài tai câu hỏi. Bất ngờ tôi nhận được lời mời lên xe và sẽ được chở miễn phí. Đó đang là tầm giữa chiều và tôi đã đi bộ cả buổi sáng thế nên tôi nghĩ rằng tại sao lại không. Tôi nhảy lên xe, không may bắp chân chạm vào ống bô nóng, có thể là dấu hiệu không tốt, tôi tự nhủ. Trên đường (quốc lộ 1A) tôi giải thích về chuyến đi của mình. Ông nói với tôi ông là cựu chiến binh và có thể nói được tiếng Anh. 

Chúng tôi đi khoảng 5 cây số cho đến trung tâm thị trấn Tam Quan và ông rẽ vào một cửa hàng thuốc. “Đây là nhà tôi”. Ông mời tôi một cốc nước mía và giải thích vì sao lại chở tôi. Ông nói rằng ông có hai người con trai, và con cả thì đang làm việc tại Sài Gòn, bác sĩ ở một bệnh viện nhỏ. Ông rất ngưỡng mộ con trai mình, một người dám theo đuổi ước mơ làm bác sĩ. Theo lời người đàn ông (tên ông là Trịnh Hộ), con trai ông đã học và làm việc rất lâu, thậm chí còn được hứa hẹn sẽ được đi du học ở Mỹ. Một bác sĩ người Mỹ từng làm việc Việt Nam nói rằng rất thích con trai ông và nói rằng ông ta sẽ tìm cách giúp con trai ông đi học ở Mỹ. Nhưng những lời hứa nửa vời chỉ đem lại những nỗi thất vọng. Thế nên chú Hộ xin tôi rằng nếu tôi có cơ hội, hãy giúp đỡ con trai chú du học, chú sẽ biết ơn tôi suốt đời. Chú nói với tôi rằng chú biết rằng chỉ những đứa trẻ giàu có hay có bố mẹ quen biết rộng mới có cơ hội đi du học, nhưng con trai chú xứng đáng có được cơ hội đó. “Bố nó (chú tự nói về mình) chỉ là một người lái xe ôm đang gắng hết sức giúp nó có được cơ hội”. Chú Hộ nói rằng ông từng là một học sinh giỏi, nhưng phải nghỉ học để phục vụ chiến tranh. Sau chiến tranh, chú đã có cơ hội tiếp tục học tập nhưng chú nói rằng chú đã hi sinh vì em trai. “Tôi biết rằng nếu tôi tiếp tục đi học thì em trai tôi sẽ phải sống một cuộc sống khó khăn, thế nên tôi đã quyết định nghỉ học. Giờ thì nó đã là bác sĩ nhưng chưa bao giờ nó học giỏi bằng tôi thời phổ thông”. Tôi nhìn thấy trong mắt ông một sự nuối tiếc, một sự hi vọng rằng nếu có cơ hội, ông sẽ làm lại từ đầu. Nhưng đó là quy luật của cuộc sống, bạn chỉ sống một lần. 

Là một người cha, chú luôn tự hào về đứa con thông mình tuyệt vời của mình và tôi không có lý do gì để nghi ngờ chú cả. Chú nói rằng xe ôm là nghề duy nhất chú có thể làm vì không được học hành và có một cái chân tật. “Chân tôi bị thương nặng trong một lần tôi bị ngã và không lành được. Lái xe cả ngày tìm khách không phải là thứ tôi chọn làm, nhưng là điều tôi có thể làm để hỗ trợ các con. Nắng hay mưa thì tôi cũng đi làm, cả ngày đến tối muộn.” Chú chỉ về bên cạnh nhà cao tầng gần đấy. “Khi trời mưa, tôi mặc áo mưa chờ ở đó, dù có lụt đi chăng nữa.”

Đó là một người đàn ông kiếm sống một cách trung thực và tôi không thể thấy có gì tệ hại trong đó cả. Chúng ta thường coi thường và đôi khi chỉ đơn giản là bỏ qua những người lài xe ôm, những người bán hàng rong, bán vé dạo, nhưng rồi cuối cùng, họ cũng chỉ đang cố gắng kiếm sống mà thôi. Nhưng đối với tôi, điều quan trọng ở đây là nhìn rộng ra, nhìn xa hơn những đánh giá ban đầu. Tôi không đòi hỏi mọi người phải làm bạn với những người lái xe ôm, nhưng hãy suy nghĩ một chút, cẩn trọng hơn một chút trong thành động. Và biết đâu đấy, khi bắt đầu nói chuyện, bạn lại thấy những điều mới mẻ. Ai trong số những con người đó đều có những câu chuyện của riêng họ, có điều chúng ta cần phải lắng nghe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog