Tôi sống ở một nơi có rất ít người Việt, tôi có thể đi chợ cả năm không hề thấy bóng người Việt, cho nên lâu dần ở trong thành phố. tôi cứ ngỡ ở đây chỉ có 4 gia đình người Việt, mà ba gia đình là họ hàng của chúng tôi. Còn một gia đình là một chị kỹ sư mà lâu nay tôi không còn liên lạc được, chẳng hiểu chị còn ở đây hay đã di chuyển về Bolsa. Vì thế thói quen của tôi mỗi khi chạy về thủ phủ người tỵ nạn cuối tuần, còn cách một tiếng đồng hồ thì tôi vặn nghe radio tiếng Việt, để không quên tiếng Việt. Và cứ mỗi khi nghe thì không khỏi cười buồn vì ngôn ngữ tiếng Việt rất khôi hài ở các đài VN của "thủ phủ tỵ nạn của người Việt".
Chẳng hạn ông hay bà "bác sĩ" nào đó sẽ giới thiệu một lọ thuốc nào đó chữa bá bệnh, không hiểu một lọ thuốc "tiên" như thế lại chẳng được trình cho FDA chấp thuận để cứu được bao nhiêu con bệnh ở nước Mỹ mà lại chỉ cứu có mỗi cộng đồng người Việt, hoặc thân nhân của họ ở VN, thật là uổng cho những vị "bác sĩ" tài hoa của nước Việt. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho dân Mỹ ngoài cộng đồng quá. Đã thế, lại có trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ đẹp mãi không già, có lẽ do những người tốt nghiệp ở Mỹ, nên tiếng Việt không thông thạo cho lắm, bằng cấp cùng mình, họ trở lại cộng đồng chăm sóc cho bà con ta, bán thứ thuốc gì đó được chế từ loại nho quí, vỏ táo hiếm nào đó mãi tận cái làng tít bên Tây, nên sản phẩm rất là "bí mật" đến nỗi câu văn giới thiệu một loại kem mà nghe qua, cỡ dân nhà quê tôi chân ướt chân ráo tới thủ phủ Bolsa, tôi chả hiểu họ bán cái gì mà bí mật tới nỗi "kem cover rất là natural", đấy là y chang câu văn, chưa kể người giới thiệu loại kem này luôn nhấn mạnh chữ "Bí mật của Nữ hoàng ", xin thưa, cô ấy không phải nói chữ bí mật đâu ạ, cô ấy nói bằng tiếng Mỹ nghe rất là giật mình mỗi khi cô nhấn mạnh. Tôi lại là ngưòi yếu tim nên mỗi khi nghe cô nhấn giọng là tôi giật thót cả tim luôn, đang lái xe muốn lạc cả tay lái.
Bán cho ai thứ kem ấy, mà phải nửa nạc nửa mỡ tiếng Anh tiếng Việt vậy hở trời. Cứ chê là người trong nước bày đặt nói tiếng Việt chêm ngoại ngữ nghe rất khôi hài, còn ở đây thì không biết là họ nói tiếng gì, tiếng Anh chêm tiếng Việt? Sao không nói là "kem che dấu khuyết điểm rất tự nhiên" hay ngắn gọn "kem bôi rất tự nhiên" . Đã thế những người chịu trách nhiệm phát thanh của đài sao lại không tuyển được những người nói năng cho ra ngô ra khoai, nhất là mang tiếng là đài tiếng Việt phát cho người Việt, để bảo tồn tiếng Việt, mà nghe như thế chả khác nào "khủng bố" người bị nghe. Cho nên dạo sau này nhờ có Iphone, Ipad, tôi download Shoutcast để bắt nghe các đài như Tiếng Nước Tôi hay Việt Nam Public Radio, nơi có những chương trình lịch sử, xã hội được soạn khá công phu. Tuy vẫn còn những chương trình quảng cáo thuốc khá khôi hài như ở trên, nhưng không có nhiều tính cách thương mại như của các đài ở Little Saigon.
Nghe mãi cũng chán nên tôi lại quay về cái đài NPR cố hữu mà tôi nghe hàng ngày trên đường tới sở, và thường vào lúc tôi bon bon xuống thủ phủ là có những cuộc đối thoại thú vị. Chẳng hạn như hôm nay họ nói về câu chuyện là có một cuộc nghiên cứu mới đây cho biết tại sao các ông hay mua hoa quà cáp cho vợ ngày tình nhân, là vì đàn ông thường hay lừa dối vợ, và khi họ lừa dối thì họ lại hay tỏ ra lịch sự bất ngờ với vợ, nên mua hoa, mua kẹo chocolate cho vợ. (Ở đây tôi xin phép nói nhỏ, tôi không có kinh nghiệm này nên chẳng có thể kiểm chứng được có đúng hay không?). Do đó, mấy ông thảo luận trong chương trình phát thanh hôm nay nói với nhau ngày Valentine năm nay họ sẽ không mua gì cho vợ hết, và nếu vợ có hỏi thì họ sẽ hùng dũng nói "Năm nay anh không có dự tính lừa dối em, nên anh không mua gì cả". Họ cho biết đó là cuộc nghiên cứu trên do hãng sản xuất Cereal Kellogg's bảo trợ, và họ nói thêm là cuộc nghiên cứu này có tên là "Frosted flakes". Do đó ông nào can đảm thì năm nay cứ bắt chước Kellogg's, hoặc mua hộp Frosted Flakes đem về, vợ hỏi thì kể lại câu chuyện trên. Chúc may mắn!
Happy Valentine!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét