Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Nương Chiều

Mẹ một cô bé du học sinh sang thăm con thấy tôi nghe nhạc, cô bảo tôi có gu nghe nhạc giống cô, cô về gửi cho mấy cái CD trong đó có cái CD Ngày Trở Về của Phạm Duy. Để mãi cả mấy tuần tôi không có thì giờ nghe cho hết.  Nên hôm qua trên đường rong ruổi, tôi nghe hết cả hai CD trong tập nhạc ấy.  Ngẫm nghĩ có lúc tôi không thích cách ông Phạm Duy về nước mạ lỵ lại cộng đồng hải ngoại, làm phụ lòng những người đã lắng nghe nhạc của ông hơn nửa thế kỷ qua.  Và tôi có lẽ cũng như đa số khó có thể phủ nhận sức sáng tác và đóng góp của một người nhạc sĩ, tôi còn mua toàn bộ hồi ký của ông để đọc, qua ông để hình dung thế hệ của ông đã sống ra sao, bởi vì tôi thích nghe chuyện của người đi trước.  Thế nhưng lắm lúc tôi cứ tiếc phải chi ông là ngưòi của công chúng, ông đã nói được câu nói như cô ca sĩ Mỹ gốc Cuba Gloria Estefan từng nói khi được phỏng vấn từ cuối thế kỷ trước, cô nói cô "Không trở về Cuba khi đất nước cô vẫn còn cộng sản".
Không biết từ khi cô nói câu ấy cô có trở về không, thì tôi không rõ, nhưng không nghe thấy cô phát biểu câu nào có thể làm phật lòng cộng đồng tỵ nạn Cuba. Dù sao nghe CD Ngày Trở Về của ông Phạm Duy, ngoài phần phối khí hoà âm hay đẹp, các bản nhạc trong CD chưa phải là những bài một thời thịnh hành nổi tiếng được nhiều người thích hát, có lẽ mục đích CD như một giải thích cho sự Trở về của ông, nên đa số là những bài từ thời kháng chiến, một vài bài tình ca phổ thơ.  Nghe toàn bộ mới thấy lý do ông trở về cũng đúng thôi, để ít ra gần hai thế hệ trẻ có thể nghe được dòng nhạc của ông. Có thể ông phải làm thế, phải "quị lụy" chính quyền để âm nhạc của ông được phổ biến, có lẽ ông quan tâm đến nền âm  nhạc của VN, đến thế hệ trẻ nên ông trở về, cứ nghĩ thế đối với một cụ già? 
Để thấy, qua CD Ngày Trở Về là hình ảnh quê hương, âm thanh chuyên chở  tình yêu đất nước, gắn bó với ruộng đồng đến với người nghe.  Vừa đi vừa nghe, tôi nghĩ đến điều tôi sẽ gõ, nhưng về nhà tôi nghĩ bài của ông Hiệu Minh hay hơn, nên tôi xin giới thiệu lá thư của ông HM thay cho lời kết về một quê hương.  Hãy cứ tưởng tượng bạn chạy trên cánh đồng, qua lời nhạc Nương Chiều của Phạm Duy nhé. (và xin phép đặt tên cái post này theo bản nhạc của ông PD, chứ thật ra tôi cũng chưa từng có hạnh phúc được biết nương chiều ra sao cả)


Thư gửi các quan huyện  


Khổ từ tấm bé. Ảnh: CLC
Thưa các quan
Người ta bảo, chủ tịch huyện bây giờ quyền to lắm. Cả nước có gần 700 huyện, thị trấn, quận, tương đương có 700 quan huyện. Chính quyền huyện có cảnh sát, công an, bộ đội riêng. Chế độ tồn hay suy vong là do 700 vị quan. Họ là những viên gạch vững chắc cho quốc gia và cũng có thể là sâu mọt làm lụn bại chế độ. Vì thế mới có thư này.

Chuyện của cha tôi
Tôi muốn kể về cha tôi và ruộng đồng cách đây nửa thế kỷ. Ông sống gần hết thế kỷ 20, từng bôn ba sang Lào kiếm ăn, nhưng rồi thất bại nên quay về với đồng quê Hoa Lư (Ninh Bình).
Lúc 5-6 tuổi hồi cuối 1950, tôi vẫn nhớ cảnh nông dân được chia ruộng, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Người ta xướng tên, cả làng reo hò, hoan hô, chủ được nhận văn tự. Bố mẹ tôi được 5 sào ở đồng sâu gần ngòi Cuôi, 3 sào ở đồng cạn, vài sào mầu, có lẽ tổng cộng hơn mẫu ruộng, thưở đó là to lắm.
Nhà 10 miệng ăn, số ruộng ấy cũng chỉ đủ lần hồi. Cha mẹ tôi, những người chịu thương chịu khó suốt một đời, đã đổ bao mồ hôi và nước mắt, cấy hái và trồng trọt trên mảnh đất yêu quí.
Mỗi lần đi thăm ruộng, cha cho tôi lon ton chạy theo. Những cánh đồng lúa cao nhút đầu người, đang chửa có đòng, hương thơm ngát. Ông bảo tôi, con đi đừng chạm vào lúa, vì lúa đang làm đòng rất dễ gẫy.
Tới chân ruộng, ông đi dọc ngang mấy sào ruộng để ngắm lúa và sờ tay xuống đất, xem nước có đủ, nâng niu như một kho báu.
Thế rồi những ngày mùa, các con được bưng bát cơm trắng thơm lừng, những con cá, cua, mẹ bắt ở ruộng mang về. Tôi đi khắp bốn phương trời nhưng chưa bao giờ thấy cao lương mỹ vị nào ngon hơn bát cơm thời đó.
Còn hạnh phúc nào khi người nông dân chất phác như cha tôi được làm chủ ruộng đồng của mình. Ông bảo, con lớn lên sẽ cùng cha, làm thật nhiều thóc trên những cánh đồng này, và nhà mình sẽ giầu thôi con ạ.
Nhưng rồi hạnh phúc cũng chẳng được tầy gang. Hợp tác xã nông nghiệp đã xóa tan đi giấc mơ làm giầu của cha tôi trên mảnh ruộng.

Mồ hôi và nước mắt từ đây. Ảnh: HM
Nhớ hôm giao ruộng cho hợp tác, cha tôi đứng lặng, không nói lời nào, có lẽ ông khóc mà tôi không biết. Ông lặng lẽ cất mấy cái văn tự ruộng đất vào ống bương, nhét lên mái nhà.
Ông bảo, cái gì cũng là tập thể, cha chung không ai khóc, rồi sẽ nghèo đói thôi. Ruộng đồng không có chủ sẽ không sinh ra lúa gạo.
Không học hành nhưng cha tôi đã có dự cảm đúng về cái cách đối xử với đất bằng duy ý chí.
Hồi về già, mỗi lần có chuyện về xã Trường Yên, từ xóm Tụ An, ông rất thích đi bộ qua mấy mảnh ruộng mà xưa kia cả nhà từng còng lưng cầy cấy. Và ông ước, khi chết, con nhớ chôn cha ở mảnh ruộng nhà mình.
Ruộng vườn với người nông dân là nơi chôn rau cắt rốn, là khổ đau và hạnh phúc, là nơi cuối cùng về thế giới bên kia.
Vài suy tư về vụ Tiên Lãng
Tôi viết thư này từ một nơi cách xa các quan tới nửa vòng trái đất vì suy tư về vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng gần đây.
Một bộ đội giải ngũ, con một đảng viên trung kiên, có bằng đại học, bỗng nhiên vác súng chống lại chính quyền của các ông.
Hàng triệu người tự hỏi, sao đến nông nỗi này. Có phải các quan đã dồn người nông dân hiền lành, chịu thương chịu khó, đến chân tường.
Giấc mơ làm giầu của anh Đoàn Văn Vươn không khác giấc mơ Mỹ của Bill Gates hay Steve Jobs, những người đã và đang thay đổi thế giới.
Với 20 năm bám biển, anh Vươn thay đổi bộ mặt của cả một vùng rộng lớn hàng trăm hecta rừng ngập mặn, giúp bà con vùng này tránh được bão tố, mưa sa.
Nếu anh Vươn ở bên Mỹ, sẽ trở thành triệu phú Mỹ và có khi xa hơn là tỷ phú đô la. Bởi vì đất do anh chinh phục được giao quyền làm chủ và bảo vệ bằng pháp luật quốc gia.
Giá như quan huyện Tiên Lãng hiểu và yêu ruộng đất như cha tôi, sẽ hành xử khác với gia đình nhà anh Vươn.
Có thể đoán, vào những ngày này, hai quan Liêm và Hiền ở Tiên Lãng đang hối hận về những gì đã gây ra cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn trong vụ cưỡng chế động trời.
Tôi tưởng tượng thế này. Vào một ngày đẹp trời, nghe lời một số quân sư quạt mo, hai quan Liêm-Hiền lượn xe hơi quanh khu đầm, và nghĩ “Trời, nơi đây trước kia là vùng khỉ ho cò gáy nhưng bây giờ là đất vàng, và nó phải thuộc về ta. Quyền sinh sát trong tay, ta mà đánh tiếng, đố đứa nào dám trái lời.”
Chuyện cưỡng chế chỉ là bước tiếp theo. Nhưng hai anh em nhà họ Lê lại không ngờ sự phản ứng mạnh của hai em nhà họ Đoàn, đưa sự việc ra ngoài tầm kiểm soát.
Để rồi,  hôm nay anh em Liêm Hiền đang ngồi trên đống lửa, mong thoát tù tội đã là may lắm. Sự nghiệp của họ tan nát như ngôi nhà hai tầng của nhà anh Vươn bị máy xúc san phẳng. Anh em nhà họ Đoàn cũng trong song sắt vì sai lầm của các quan.
Ai thắng, ai bại
Sau tuyên bố của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng, người ta tự hỏi, ai là người thắng trong vụ này. Theo tôi, không ai thắng cả.
Hai họ Lê và Đoàn ở xã Vinh Quang đều thất bại và mất mát không thể cân đong đo đếm. Mất chức, mất tiền của, có thể bị án phạt nặng.
Luật đất đai thất bại trong thực tế vì lạc hậu, lại được phụ họa bởi những qui định chồng chéo, những cán bộ huyện không hiểu luật ngồi lên luật.
Công an và bộ đội, lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, cũng thất bại vì đã can thiệp nhầm vào những sự việc hoàn toàn mang tính dân sự.
Lãnh đạo Hải Phòng và cấp cao hơn cũng thất bại, vì để sự việc Tiên Lãng bùng phát, chứng tỏ sự bất bình trong xã hội đã lên tột đỉnh mà không ai thèm để ý. Thất bại vì họ không nghe được tiếng dân cho đến khi súng nổ vào tai.

Anh Vươn có thể thành Steve Jobs
Báo chí và truyền thông tưởng rằng, đưa vụ Tiên Lãng ra ánh sáng là chiến thắng lớn? Hoàn toàn không. Trong nhiều năm qua, quyền lực thứ tư đã mất hết vì không biết đưa tin về những bất công xã hội, báo động về sự suy đồi của nhiều cấp lãnh đạo và để rồi không ai “nghe thấy”.
Luật pháp đã thất bại vì không bảo vệ được lẽ phải, không bảo vệ người lương thiện, mà bị chính quyền can thiệp trắng trợn.
Nền giáo dục và hệ thống chính trị cũng chẳng hơn vì đã tạo ra công bộc thành kẻ cướp giữa ban ngày.
Nhân dân mất lòng tin vào chính quyền, thì đó là thất bại tầm quốc gia.
Kể ra còn nhiều thất bại khác.
Tất cả bắt đầu từ vài chục hecta đầm ven biển và lòng tham vô đáy của vài quan như các ông. Chuyện đó xảy ra khắp nơi. Nếu không tin, xin gọi điện hỏi chị Ba Sương và hàng vạn dân oan khác, để kiểm chứng.
Win-Win cùng chiến thắng
Để chuyển bại thành thắng, tôi muốn viết thêm về thời hội nhập. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ thua, ôm đầu tháo chạy. Người Việt tổn thất vô cùng to lớn, từ 3 đến 5 triệu người đã chết, lòng người ly tán.
Phương Tây bỗng nhận ra, tại sao không tìm cách nào đó để giải quyết xung đột Đông Dương để cả hai bên cùng có lợi.
Bài học Việt Nam nảy sinh chiến lược Win-Win, hay còn gọi là hai bên cùng có lợi, hoặc cả ba và hơn thế nữa.
Bây giờ người Mỹ dùng ngoại giao mềm, đi đâu cũng tìm cách Win-Win để thuyết phục đối tác. Anh có lợi, tôi có lợi và chúng ta cùng chiến thắng.
Thời hội nhập, các công ty đa quốc gia, muốn thành công trên thương trường, phải lấy nguyên tắc này làm kim chỉ nam cho chiến lược phát triển. Để thành đạt họ cần tới năm chữ “Win” cho năm đối tượng: nhân viên công ty, khách hàng, cổ đông, đối tác, và cộng đồng xã hội.
Điều này đúng cho chính quyền cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tầm quốc tế.
Nếu hai quan Hiền Liêm mà hiểu nguyên tắc sơ đẳng Win-Win thì có lẽ đã không có vụ nổ súng vào “người thi hành công vụ” của người dân nghèo lương thiện Đoàn Văn Vươn. Họ muốn cướp không của người khác nên mới bị bắn vào mặt.
Giá như họ, với quyền lực trong tay, bàn với anh Vươn, anh Quý, làm thế nào biến khu đầm hàng trăm hecta thành nơi cung cấp hải sản cho cả nước, kể cả xuất khẩu.
Chủ đất được lợi, người cho thuê được lợi, ban lãnh đạo từ xã đến thành phố và cao hơn là quốc gia cùng lợi, dân quanh vùng được lợi, người ăn hải sản được lợi, dịch vụ gia tăng, và hiệu ứng xã hội tốt đẹp khó mà đong đếm. Win-Win từ nhiều phía.
Kẻ chinh phục biển Đoàn Văn Vươn rất có thể thành tỷ phú như Steve Jobs, người khởi nghiệp trong chiếc gara bỏ không.
Thế đó, hai bên cùng có lợi, hay kết thúc bằng cả hai vào tù. Xin các quan hãy nghĩ cho kỹ trước khi ký bất kỳ một lệnh cưỡng chế nào tới đây.
Win-win chính là cách giúp nông dân lương thiện như cha tôi hay anh Vươn có một giấc mơ ấm no hạnh phúc và giúp cho cái ghế của các vị vững như bàn thạch.
Chúc các ngài quan lộ hanh thông.
Hiệu Minh. 11-02-2012

3 nhận xét:

  1. Chị ơi, cám ơn chị đã viết post này, và trả cái link lại 100 bài do em tuyển chọn cách đây cũng 6,7 năm rồi. Tà tà rồi em thấy Phương Nam hình như cũng dựa vào danh sách đó để xin những bài trong đó.

    Phải chi, vâng, phải chi ... Thôi em chỉ biết nghe nhạc, còn những chuyện khác mình không phải là người làm ra nên cũng không hứng trách nhiệm và cũng khỏi thắc mắc để bực mình.

    Thấy chị đi từ Hà Nội xuống Hà Tiên thích quá, hy vọng 20 năm nữa khi retired năm nào em cũng sẽ đi VN chơi để thăm lại quê mình, vừa đi vừa bật máy nghe ...

    Chúc chị vui nhe,

    Trả lờiXóa
  2. Hi Học Trò,

    "Trả lại cái link" là nghĩa làm sao, hơi khó hiểu đó, không muốn nghĩ là không cho link? Hay là rời VN có 20 năm, quên mất tiếng Việt rồi, hi hi. Học Trò nói là "nối link" đó hả, còn nếu không cho nối thì Yes or No nhé :-).

    Đúng, mình nghe nhạc, hay thì mình khen, không nhất thiết thần tượng hoá một ai, phải không?

    Ở được đi nhiều nơi cũng là một cái duyên nhưng vậy mà những nơi nổi tiếng của VN thì vẫn chưa biết.

    Chúc HT thực hiện được một chuyến xuyên Việt trong tương lai nhé.

    Chúc một tuần vui,

    Trả lờiXóa
  3. Chào Chị,

    Tiếng Việt em tệ thật chị, em nói theo nghĩa tiếng Anh, là backlink đó :-) Chứ chị nối tha hồ, chị biết tính em mà, ai lại đòi gì kỳ cục zậy, hi hi

    Em đi thì cả bầu đoàn thê tử tốn tiền lắm chị ơi, chắc sắp nhỏ vô đại học hết rồi mới dám đi, chứ tụi nó đi thì biết gì đâu mà appreciate.

    Chúc chị nhiều niềm vui!

    Trả lờiXóa

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog