1.
Nhà toán học đi làm thơ, nhà thơ đi làm báo, nhà báo đi làm quảng cáo, nhà quảng cáo đi làm từ thiện, nhà từ thiện đi lừa đảo, bọn lừa đảo đi… (tùy các bác điền).
Nhưng điền gì thì điền, một xã hội như vậy hơi bị lộn con bà nó xộn.
2.
Có người bảo: Hồng quý hơn chuyên.
Hồng xưa là lập trường tư tưởng vững vàng, hồng nay là… (tùy các bác điền)
Gợi ý:
Có người ngày xưa bảo: Trong khi Tố Hữu kiên cường đấu tranh chống thực dân can đảm vào tù, bọn Xuân Diệu Huy Cận mơ theo trăng vơ vẩn cùng mây làm thơ lãng mạn ru ngủ quần chúng thực tế là tiếp tay cho thực dân. Đúng là thơ lãng mạn bạc nhược phản động.
Có người ngày nay bảo: Trong khi Hoàng Sa bị chiếm, dân nghèo mất đất, tham nhũng hoành hành, có bọn nhạc sĩ đi viết tình ca, bọn toán sĩ đi làm toán, bọn thiên văn sĩ đi soi trăng sao, thậm chí có bọn có học hành đi bình luận bóng đá (hehe, bắt quả tang Dương Thụ!), chẳng giúp ích gì cho tổ quốc cho dân nghèo cho tiến bộ xã hội, bọn sĩ dởm ấy thực là đồ bỏ.
3.
Có trí thức bảo: Trí thức trùm chăn không phải là (vì không phản biện) trí thức.
Chị bán cháo bảo: Nếu thế, trâu trắng không phải là (vì không đen) trâu.
Em hỏi: Chị bán cháo không phản biện xã hội, có gọi chị là trí thức trùm chăn được không?
Trí thức bảo: Hỏi ngớ ngẩn.
Em hỏi: Thế phân biệt chị bán cháo với trí thức trùm chăn thế nào nếu không động đến cái định nghĩa về trí thức, cái định nghĩa láo toét, cái định nghĩa đầu hàng của thằng cu gì làm toán năm ngoái các anh khen.
4.
Có trí thức bảo: Trí thức là phải phản biện.
Cụ uống hớp nước, rồi vuốt râu, giảng tiếp:
Mà phản biện là đặc tính chỉ trí thức mới có. Anh lái taxi phản biện tôi phong anh ấy làm trí thức ngay.
Trí thức nào cũng phản biện, người phản biện nào cũng là trí thức. Hóa ra 2 tập hợp này trùng khít lên nhau à? Hóa ra tiếng Việt thừa từ à?
5.
Phản biện phải dùng đầu óc của mình. Ông cổ vũ (và nhắc lại) 1 lời phản biện hay của ông khác, cũng rất đáng quý cho xã hội, em gọi ông là nhà hoạt động xã hội (bên tây chúng nó có chính khách, thủ lĩnh công đoàn, nhà đấu tranh nhân quyền, nữ quyền, động vật quyền…), 1 nghề cũng rất cao quý. Nhưng em không gọi ông là nhà phản biện được, vì muốn phản biện thì phải biết biện.
Đại loại:
Ông Nguyễn Quang Bê dân văn thơ không biết gì kinh tế cả, nhưng ông Nguyễn Quang A ông ấy đã bình luận vụ Vinashin chắc là phải đúng liền nói theo ông ấy, thêm tí thủ pháp văn chương cho sinh động.
Đôi khi ông A nói đúng, nhưng vì thêm chút sinh động vào mà ông B lại thành ra nói sai, thế mới bỏ mẹ.
6.
Nếu chỉ dùng đầu óc của mình mà dám phản biện mọi nơi mọi chỗ thì hoặc ông là kẻ dũng cảm đến liều lĩnh hoặc ông là Mr.Biết tuốt vạn sự thông. Chúc ông đừng như mấy anh nhà văn phớp Maupassant với cả Dumas phản biện quả tháp Eiffel, chúc ông thật lòng!
7.
Có cô gái nọ yêu một anh nhạc công. Biết chuyện, ông bố vội can:
- Á à, nghệ sĩ à! Con đừng yêu bọn nghệ sĩ. Bọn nghệ sĩ đứa nào cũng giai gái đĩ bợm tình ái loăng quăng, lấy nghệ sĩ đời con sẽ khổ.
Một hôm nể nang quá ông đi nghe hòa nhạc, lúc về ông bảo con:
- Mày lấy nó được đấy con ạ, nghệ sĩ chó gì nó, đánh đàn như cứt!
Trong truyện cười này có đến 3 cách hiểu từ nghệ sĩ. Trong cuộc tranh luận về trí thức cũng có 3 cách hiểu từ trí thức nên ông hỏi bằng tiếng Tuy ni di, bà đáp bằng tiếng Thổ nhĩ kỳ, cuộc thảo luận không giống truyện cười mới lạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét