Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Facebook

Bạn bè hay diễu đùa tôi thuộc vào loại "hi-tech" ý là nói hỏi mấy cái chuyện linh tinh vớ vẩn trên net thì tôi cũng có thể làm vớ vẩn được, thế nhưng mỗi chuyện social networking như Twitter, Facebook, MySpace hay chi chi đó thì tôi .. mù tịt, chả là vì tôi vốn nhát nên gõ tới blog là đã quá ... mạng rồi :-). Do đó lâu lâu có bạn hay cháu chắt mời gọi tham gia Facebook thì tôi lại lắc đầu chào thua, không phải tôi không biết đường vào Facebook vì tôi còn từng đăng ký dùm cho người khác cơ mà, nhưng cho tôi thì "no way". Hôm nay đọc bài sau thì lo lo cho mấy cô bạn xử dụng Facebook ở VN chắc là rầu rĩ lắm đây.  

Thôi ráng nhé, hay là tham gia vào cuộc biểu tình mạng để đòi hỏi Facebook, mong là họ sẽ dành lại Facebook cho VN, chứ riêng tôi thì ngày vào Facebook chắc chờ về hưu vậy, thêm một "project" cho ngày hưu.  Ghi danh cho chính mình một Facebook để tìm các cụ ông cụ bà bạn học. Mong là  ngày ấy họ chưa chuyển sang một mạng xã hội khác, heaven knows!!!.

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Cánh thiệp cuối năm

Cánh thiệp cuối năm

Khi bạn đứng tần ngần trước một quầy hàng bầy thiệp giáng sinh, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm thì mọi chuyện (kể như) đã lỡ. Chúng ta lại chậm trễ mất rồi.
Năm ngoái, cũng vào khoảng thời gian này đây. Nghĩa là cái lúc mà Noel đã đến sát tận lưng, và tết Dương Lịch đang lù lù trước mặt thì (không dưng) bạn nhận được dăm ba cánh thiệp muộn màng.
Thiệp có đặc tính chung là thường chuyên chở một thứ nội dung làm sẵn, và hoàn toàn đã nhẵn – đại loại như:”…một mùa giáng sinh tràn đầy ân sủng Chúa và một năm mới tràn đầy hạnh phúc.” Ân sủng Chúa, nếu có, e cũng khó mà có thể phân phát tùm lum cho toàn thể nhân loại được.
Chúng ta đông quá, và mỗi lúc một thêm đông. Sức Chúa, cũng như sức người, có hạn thôi chớ bộ.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Tình sử Bùi Giáng

Nghệ sĩ Kim Cương đã nói khi ông Bùi Giáng mất "...Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống".  

Tuổi 70

Đầu tuần có người phụ nữ gọi từ VN cho tôi, bà hỏi tôi bao nhiêu tuổi, bà nói bà xem hình tôi trông trẻ quá, và nói tuổi bà bảo tôi còn nhỏ quá :-), bà so với bà đã gần 70. Thế nhưng bà cứ một hai gọi tôi bằng chị, làm tôi cứ ớ ra không biết gọi bà bằng gì, lúc thì gọi bà bằng bà sau lại gọi bằng chị, đúng là tôi còn con nít quá, chưa biết cư xử ở đời ra sao cho đúng.  Nếu trẻ là trẻ như thế chứ nhìn mặt mũi không nhìn hình thì bà sẽ không còn khen như thế nữa. Cho nên năm 2011, có ai khen trẻ thì đừng xuất đầu lộ diện kẻo làm buồn lòng người ....khen:-)

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Dở hơi

Bạn gọi mắng cho là "dở hơi" lúc thì mở blog lúc thì đóng, lúc thì mở he hé. hihi, mệt quá đi mất thôi, đã nói mòn cả cổ là tôi nào có ý tưởng gì hay ho hay là muốn viết cho ai đọc đâu, chẳng qua là vì "ngây thơ vô số tội" nghe lời bạn xúi mà mở blog cho bạn mà chả ai tham gia đành đưa mấy chữ quèn của mình ra "bôi" lên blog, rồi tới lúc mệt quá thì muốn đóng, dự định có thì giờ đi học lại, hay làm công việc gì khác có ích cho đời hơn là gõ linh tinh như tớ,

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Lời chúc cuối... năm

Tự nhiên sáng nay ngồi nhớ thủa xưa, cuối thập niên 80 đầu 90 có chương trình TV "Where in the World Is Carmen Sandiego" rất thú vị cho trẻ con học địa lý, vì thời ấy thống kê trẻ con Mỹ dốt nhất về điạ lý. Cho nên khi không nhớ, rồi buột miệng nói với mình "Where in the World are all my friends".  Cuối năm, ngày Lễ mới nhớ tới nhau? Không, đã gọi nhau là bạn thì mình vẫn nhớ tới nhau chứ, có thể không phải là hàng giờ hàng ngày hàng tuần hay hàng tháng.

Mập phì

Đọc cái tin trẻ con Việt ở quận Cam mập phì hơn các dân tộc khác mà không khỏi "ngậm ngùi" cho trẻ con Việt Nam, ngay cả trẻ con con nhà khá giả ở VN cũng mập phì chứ đừng nói gì trẻ con ở quận Cam. Nhưng mà phải nói với cái nhìn của cư dân sống ngoài quận Cam lâu lâu về Bolsa, đứng ở các tiệm ăn mà tôi cảm thấy thương cho các cô/cậu bé con.

Thư của Hội Phan Châu Trinh

Để chuẩn bị cho lễ Giỗ Cụ Phan Châu Trinh vào tháng 3/2011, sau đó là Lễ Kỷ-niệm 60 năm thành lập Trường và Đại-hội Cựu HS Phan Châu Trinh tòan thế-giới vào năm 2012

Chúng tôi tha-thiết kêu gọi sự góp ý của Quý Anh/Chị về 4 vấn đề sau:
   1. Phương-cách để Hội phát-triển và tập-hợp được tối-đa Cựu Học-Sinh.
   2. Bài vở đóng góp cho Tập-San kỷ niệm 60 năm thành-lập trường
   3. Xin Anh/Chị vui lòng cho biết:
            - Họ và Tên
            - Lớp và năm vào trường PCT
            - Địa chỉ hiện nay, số điện thọai, và địa chỉ Email.
   4. Anh/Chị nếu biết người nào khác là cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng trước tháng 4/75, cũng xin vui lòng cho thông tin như mục 3.

Xin email về vudinhhuan@yahoo.com

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Huyền Thoại

Chao ơi, hôm rồi vì thấy nhà văn Dương Thu Hương trả lời sắc sảo nên post lại cho bà con nghe cho vui.  Bỏ qua cái vụ chính trị, chính kiến, sở dĩ post là vì sự sắc sảo đó thôi.  Blogger Trần Hùng thì vào khen trong khi hôm nay một ẩn danh vào chửi bà DTH thậm tệ bằng một thứ ngôn ngữ rất khả ố, kỳ thật, khi không phản biện sự bất đồng thì quay ra chửi.

Hôm nay đọc blog khác có giới thiệu một phụ nữ khác, mà nghe giới thiệu là một thiếu nữ 17 tuổi,  bỏ qua chính kiến của cô thế nào, phải khâm phục cô này có một kiến thức rộng rãi, đủ thứ chuyện trên trời duới đất.  Những điều mà có thể bạn hay tôi đều đã biết nhưng cô hay hơn chúng ta là có thể có một trí nhớ và có thể nói liên tục mấy tiếng đồng hồ với một giọng điệu cũng chua ngoa hài hước mà không dễ gì ai có thể nói như thế. Có thể bạn cũng đã nghe đã biết , đã nghe những nguời phụ nữ nói liên tục, nhưng có khi họ chỉ nói chuyện vui, chuyện shopping, chuyện đàn ông đàn bà? Riêng cô Huyền Thoại thì nói về lịch sử, chính trị mà không phải phụ nữ nào cũng chú ý.
Post lại đây, nhưng phải "cảnh cáo" mọi người trước nhé, nghe để thư giãn và "listen at your own risk" đó nha.


Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Tuyết

Hôm qua xem ở Yahoo có mấy tấm hình Paris bị tuyết bao phủ, giữ lại để làm postcard cho những ngày lễ :-), nhưng nhìn tấm nào trong những tấm hình sau mà làm Season's Greetings thì rầu quá, người chụp hình như chụp lại không chỉ là một trận bão tuyết đổ về Paris mà cả sự cô đơn của con người giữa mùa Đông thì phải. Nhìn lại những khung cảnh mà mới mùa Hè vừa qua, chúng tôi nóng chảy mỡ bây giờ bao phủ trong tuyết, tự nhiên thấy bồi hồi, như cảnh cũ quen thuộc mà mình bỏ quên điều gì nơi ấy, một mùa Đông? Nhìn tuyết, tôi nhớ tôi phải viết một cái thư gửi về xứ Tây ấy khi muà sắp qua.

Và xin chúc tất cả bạn đọc dù ở đâu cũng có một mùa Lễ thật đầm ấm với gia đình, người thân.!!!











Cuối Thu

Nghĩ hôm nay phải dậy thật trễ nên tôi che mắt lại, bởi tôi thuộc loại early bird, chút ánh sáng cũng đủ cho tôi thức giấc.

Khi không còn thể nằm nữa, choàng dậy trong ánh nắng nhìn ra sân lá vàng tràn ngập cả sân. Lâu lắm tôi không ra sân, cũng chẳng nhặt cỏ dại. Cả năm nay công việc ấy hoàn toàn dành cho một người. Nhưng lá vàng hôm nay khiến tôi muốn ra sân quét lá, nghe tiếng lá xào xạc vui tai. Chưa có trận gió cuối năm đủ để thổi đi những lá hồng còn sót lại trên cây, trơ lại những quả hồng cho chim đến ăn hộ như mọi năm. Công việc khác của tôi khi nhìn thấy hoa đèn giăng khắp nhà trong khu xóm của tôi là lôi cây thông bằng nhựa cũ kỹ ra để kỳ này tôi vác đi trưng bày ở nhà con , tôi dùng cây cũ vì nó mang theo những hình ảnh trang hoàng cũ kể cả tấm hình của con từ thuả còn bé.  Một dịp Noel đối với gia đình tôi chỉ là quây quần nhìn lại những kỷ niệm đã đi qua trong một năm và cộng thêm những tiếng cười cho một năm sắp tới phải chăng.

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Một hứa hẹn

Bài viết sau đã lâu nhưng nay đọc lại chợt nhớ chị M., chị kể chuyến đi Nhật vừa qua làm chị muốn dắt con gái và cháu chị đi lần tới. Chị nói xứ Nhật họ dậy con rất kỹ và nghiêm minh, được giáo dục một tinh thần tự lập và kỷ luật từ bé. Chi nói ra đường thấy trẻ con Nhật chị 4, 5 tuổi thôi, khi chúng nhìn thấy rác ở dưới đường là chúng nhặt bỏ vào thùng rác.  Khi thấy người ngoại quốc xả rác, chúng đứng bên cạnh chờ rồi nhặt bỏ vào thùng rác. Chị nói trẻ con bên ấy được giáo dục kỹ lưỡng từ bé như thế, hỏi sao một xã hội mà người đi đường dù có bỏ quên thứ gì trên xe bus, tàu hỏa vẫn có thể quay trở lại lấy ở nguyên chỗ cũ mà không phải đi tìm ở đâu dù sở cảnh sát chăng nữa.  Tôi chưa đến Nhật nhưng nghe chị nói tôi thấy tiếc là mình không có dịp được học hỏi ở một nền giáo dục như thế để dậy dỗ con cái mình.  Nhưng nhất định sang năm tôi sẽ rủ con đi sang bên ấy xem sao, biết đâu vẫn còn cơ hội cho chúng tôi học hỏi những điều tốt đẹp về một nền giáo dục không Tây và cũng chẳng Đông của Nhật Bản.

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Tự trách

Đọc tư liệu nói về cụ Phan mà ngậm ngùi, từ thời cụ, cụ đã lập hội Hội Đồng Bào Thân Ái, mục đích: 

1. Giúp sinh viên Đông Dương xa gia đình có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, đến chơi và giúp đỡ nhau trong trường hợp rủi ro, bệnh hoạn.
2. Học chung với nhau để trao đổi kiến thức khoa học và văn chương.

Tưởng tượng

Sáng nghe cái tin ngày này 30 năm trước John Lennon bị bắn chết. Nhớ lại hồi đó, tôi nghe nhạc ông hát chứ có biết ai vào với ai đâu, chỉ nhớ thời gian biết bồi hồi nghe bản nhạc này vào những buổi tối buồn ơi là buồn của căn phòng trọ, nói phòng trọ cũng không đúng, chỉ là những ô phòng trong toà nhà nội trú ở Đà Lạt. Đêm đêm đứng từ ô cửa nhìn xuống thành phố sương mù, chỉ có chiếc radio nhỏ nghe những chương trình nhạc FM đài Mỹ phát sóng. Ôi cái thời con nít bày đặt làm người lớn sao mà đi nhanh quá, người hát thì đã sang bên kia thế giới. Người nghe thì vẫn nghe văng vẳng "I hope someday you'll join us", xem cái video này thì thấy ...ơn ớn, đúng là nghệ sĩ họ tưởng tượng hơn người bình thường tới mấy cung bậc.
Nghĩ lại, có khi nào vì những câu hát của ông mà mình thành dân ly hương không nhỉ, chả là ông kêu gọi "join us" đó thôi. 

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Làm văn!

Những câu văn ngô nghê dưới đây hẳn là có nhiều người đã đọc, nhưng mà mỗi lần đọc lại, lại ngậm ngùi cho trẻ con VN "được" học hành thế này đây. Sáng đọc tiếp hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê về giáo dục, cụ viết thời ấy (thập niên 80) chỉ những học sinh dốt và trốn nghĩa vụ mới vào sư phạm học, thầy thế thì hậu quả cả một thế hệ "làm văn "như sau không có gì là lạ. 

Em hãy phân tích tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ trong chuyện "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân:

Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, hàng ngày chúng ta đã từng được thưởng thức rất nhiều loại lòng, như lòng lợn, lòng gà, lòng vịt … chúng đều rất ngon và có vị riêng biệt khác nhau, nhưng tất cả đều không thể bằng lòng mẹ.

Em Thuý

Sáng đọc một bài viết hay từ blog Hiệu Minh nên copy post lại để giữ, tôi vốn chỉ đưa link không post lại nhưng dạo sau này nhiều blog bị mất nên "đành" xin phép các blogger cho copy post lại làm tài liệu cho chính mình.  Nhìn tấm hình trong tranh đẹp quá nhất là đôi mắt đen tròn, đôi môi chúm chím và đôi vai ngồi như nói với hoạ sĩ "bác ơi vẽ nhanh lên", thấy cả một tuổi thơ của ngày xưa của Hà nội, phải không?


Hiệu Minh mải đuổi theo các Sư tử ở Sing, ở Nhật, ở Úc…Nên KD lại gửi bài viết này về một người đàn bà Hà thành, từng là nguyên mẫu cho bức tranh nổi tiếng của danh họa Trần Văn Cẩn.








Em Thúy. Tranh của HS TV Cẩn

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Các cụ

Độ rày vì công việc nhà nên tôi hay đi lại trên xa lộ và tới Bolsa hơi (bị) nhiều. Như sáng thứ Bảy này thức giấc sớm chạy ra chợ mua hoa đi thăm bà nội, cầm bó hoa hồng rực rỡ bước đi, lại quay trở lại mua thêm bó nữa, mua cho bà nội mà không mua cho bà ngoại thì không được, dù bà ngoại chả có "tạm cư" ở đây.

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Chị em nhà họ Đoàn

Chưa hề nghe tên nữ văn sĩ Đoàn Lê tức là chưa hề đọc sách của bà, nhưng hôm nay đọc bài blog nói về chị em bà, đâm ra tò mò về 9 chị em trong một gia đình gia giáo của xã hội miền Bắc quả là hiếm quí.  Cho nên ghi lại đây để từ từ đọc thêm về truyện của bà sau.

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Cô bạn tôi bảo, cô thích đọc e-truyện vì công việc nhàn hạ, suốt ngày ngồi nên cứ mở net ra đọc. Tôi thì không đọc nổi ở trên net lâu, thích cầm cuốn sách trên tay, và tôi cũng thuộc vào loại như một blogger khác là không đánh dấu gì trên sách của mình và giữ sách rất kỹ (điều này cũng bất lợi là lắm lúc muốn tìm lại một đoạn nào thì không biết đâu mà mò), cho ai mượn mà giả vờ quên không trả lại là tôi không bao giờ muốn cho mượn nữa.

Mấy ngày lễ này có lúc bận có lúc không, nên tôi cũng thử đọc trên net xem sao, dĩ nhiên cứ mở ra mỗi ngày đọc một khúc thôi. Ngày xưa, tôi đọc nhiều sách Học làm người của ông Nguyễn Hiến Lê, nay đọc tập hồi ký Nguyễn Hiến Lê tập III này của ông thấy thú vị vì giọng kể của ông (đây chỉ là một đoạn, tìm đọc thêm ở trên trang web Diễn đàn Thế Kỷ) . Ông cứ kể như người kể một câu truyện phim, mà trong đó tôi cũng là một nhân vật của cuộc sống ấy ngày xưa sau thời 75. Nếu ai thích đọc lịch sử, văn hoá, muốn tìm lại những sinh hoạt của người VN ở 1/4 cuối thế kỷ 20, tôi nghĩ sẽ tìm được nhiều chi tiết để viết nên những câu truyện khác. Cũng như chúng ta đọc văn của ông Hồ Biểu Chánh để hình dung ra đời sống của miền Nam ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Nhà văn Dương Thu Hương

Đang ngồi nghĩ tới mẹ chồng tôi, thì tôi nghe nhà văn Dương Thu Hương nói về thảm hoạ Bắc triều mới thấy bà sắc sảo quá, phải chi tôi có được 1/10 sự sắc sảo ấy thì có lẽ đời đỡ bị ... bắt nạt :-)
Không tin cứ nghe bà nói thì rõ.

Đọc bộ hồi ký "Thời đại của tôi" của Giáo sư Vũ Quốc Thúc


Trong năm 2010 này, nhà xuất bản Người Việt đã phát hành một lúc hai tác phẩm mang tên chung là Thời Đại Của Tôi của giáo sư Vũ Quốc Thúc, cuốn I có tên riêng là Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử, cuốn II là Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến.

Cuốn thứ nhất, Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử, dày hơn 400 trang hẳn nhiên là một cuốn sách về lịch sử, nhưng được tác giả khẳng định không phải là một thiên khảo luận về lịch sử Việt Nam, cũng không phải là một luận đề về chính trị hay xã hội học, mà chỉ là một bản tóm lược những điều mà tác giả thâu thái được trong khi cố gắng tìm hiểu về thời đại của mình. Không kể phần Phụ Lục, sách chia ra làm năm hồi: Hồi thứ nhất: Việt Nam dưới chế độ thuộc Pháp; hồi thứ hai: Việt Nam trong cuộc thế chiến 1939- 1945; hồi thứ ba: Việt Nam tranh đấu giành lại độc lập; hồi thứ tư: Việt Nam trong cảnh qua phân lãnh thổ; hồi thứ năm: Việt Nam tái thống nhất dưới chế độ Cộng sản. Trong mỗi hồi, tác giả chia ra từng giai đoạn hay từng vấn đề để xem xét riêng rẽ, trong mục đích, như tác giả khẳng định từ đầu, là để cố gắng tìm hiểu thời đại của mình. Đó là những đề tài tác giả khai triển lịch sử phần nào theo cái nhìn riêng, cốt để nhấn mạnh đặc tính của giai đoạn đó mà không bị bóp méo đi như một số tài liệu khác. Nhìn chung, cuốn thứ nhất chính là cái khung thời gian và không gian cần thiết phải được giới thiệu trước để chuẩn bị cho cuốn sau trong đó tác giả kể những sự việc của đời mình qua từng giai đoạn. Đây là công việc phần nào mang đặc tính của một nhà giáo, rất sư phạm: đó là, trước khi kể chuyện đời mình, tác giả đã vẽ ra trước cho độc giả thấy cái bối cảnh rộng lớn làm nền cho cả tấn kịch đời của tác giả sẽ được kể trong cuốn II. Sự chuẩn bị đó rất cần thiết, có lẽ tác giả nhắm cho các thế hệ độc giả mai sau để hiểu được câu chuyện sẽ được kể trong từng giai đoạn lịch sử tương ứng với tất cả đặc điểm của nó.

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Dòng Tên, Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ:

Phong Uyên - Dòng Tên, Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ: cơ hội canh tân đất nước bị bỏ lỡ cách đây 400 năm

Lịch sử Tin liên quan:


Nhiều học giả coi cuốn tự điển Annamiticum Lutsitanum et Latinum (Việt - Bồ - La), công trình của giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes được xuất bản tại Rome năm 1651, như bản khai sinh của chữ quốc ngữ. Như vậy chỉ còn 1 tháng nữa đến năm 2011 là chữ quốc ngữ được tròn 360 tuổi. Nhân dịp này tôi xin kể qua lịch sử dòng Tên và những hoạt động nổi bật nhất của nó ở nhiều nơi trên thế giới từ khi Dòng được thành lập cách đây gần 5 trăm năm cho đến ngày nay. Tôi cũng sẽ xin nói thêm là chữ Quốc ngữ là di sản quý báu nhất mà dòng Tên đã để lại. Tiếc là các vua chúa thời đó đã bỏ lỡ cơ hội không biết dùng nó thay chữ Hán để thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc về tư duy và canh tân đất nước.

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Sư tử hiền

Xem xong bài blog Câu chuyện có thật về chú sư tử tình cảm Christian

Ai sẽ bảo dữ như sư tử?
Kiểu này thi hẳn có người vẫn cãi cố, sư tử thì ... hiền nhưng sư tử Hà Đông thì ... không :-)

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Bếp núc

Ngày lễ Tạ Ơn của Mỹ đã qua nhưng bếp núc thì vẫn còn nóng hổi, bởi ăn chưa xong thì lại lo ăn bằng mắt.  Sáng sớm tôi tà tà xách hai chai xì dầu hiệu Mely "Product of French" đi bộ sang nhà ba tôi cách đó hai cây số.  Đi mà nghĩ bụng chả biết xì dầu thật hay giả đây mà mua cho cố, mang về cho mấy cô em.  Nhãn hiệu gì mà ngay chỗ sản xuất thì cứ như bị in xoá lên, lòng nghi hoặc thế mà cứ vác về, để sáng nay lại lo xách đi, cô em trêu bảo sao chị không cầm hai tay hai chai cho đều coi như cầm tạ. Tới nơi cô cho tôi "ăn" tiếp màn ăn uống do Luke Nguyễn, một đầu bếp của nhà hàng Redlantern, một trong top ten nhà hàng ở Sydney do hai anh em người Việt (boat people) làm chủ.  Anh chàng Luke này với giọng Úc nói thao thao giới thiệu món ăn VN và văn hoá ẩm thực của người Việt rất chuyên nghiệp, người ta có thể đọc được những menu các món ăn  mà anh chàng này biểu diễn ở trang web sau đây.
Thế là xem xong lại lội bộ đi về cho tiêu khúc bánh mì với bơ "sầu riêng" mà cô em giới thiệu cho ăn, lại nghĩ tới một món nào đó cho ngày Holidays sắp tới.  Ôi ăn với uống.  Không biết có con đường đưa tới điềm đến nào dài hơn cho tôi tiêu đi một ít mỡ!!!

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

15 Điều để suy gẫm

 Email sáng nay có cái thư này, và tôi nghĩ ai đó đã thu góp từ blog Trần đình Hoành những điều sau, cũng tốt cho mình đọc một lần để suy gẫm.
 
15 Điều để suy gẫm
 
Danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta.
 
Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được. Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả.

1. Sống trong hiện tại
 
Phật hỏi đệ tử:
- Cuộc sống người ta được bao nhiêu?
Các đệ tử thay nhau trả lời:
- 80 năm.
- Sai.
- 70 năm.
- Còn sai.
- 60 năm.
- Sai.
- Vậy người ta sống bao lâu?
Phật mỉm cười đáp
- Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở.
Lời bình
Đừng quá coi trọng quá khứ hoặc tương lai mà quên hiện tại…Hiện tại còn quan trọng hơn. hãy sống với thực tại.
 
 2. Sau khi chết người ta đi về đâu?
 
Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku.
- Bạch thầy, sau khi chết, người ta đi đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao thầy không biết?
- Vì tôi chưa chết.
- ???
Lời bình
Khi sống, con người nên thưởng thức những vẻ đẹp và bí ẩn của cuộc sống theo cái nhiều người sống. Hãy sống trọn hôm nay, đừng quá lo cho ngày mai vì chuyện ngày mai thì mai mới xảy ra.
 
 3. Định mệnh nằm trong bàn tay
 
Thời xưa, có vị tướng quyết tấn công địch dẫu quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường
tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng
xu và nói lớn với quân sĩ:
- Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo.Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng còn ngửa thì quân ta sẽ bại.
Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh. Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống
đất.
- Sấp rồi ! Chúng ta sẽ thắng ! Hãy xông lên chà nát quân thù ! - Ba quân reo hò phấn khởi.
Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân:
- Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh.
Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xoè tay đưa đồng tiền ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp.
Lời bình
Thiên đàng rất công bằng đối với tất cả mọi người, không thiên vị dành riêng cho ai. Chỉ có chính bạn mới cứu được bản thân bạn, đừng quá trông chờ vào người khác !!!
 
4. Con sóng nhận thức
 
Nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, con sóng nhỏ tỏ ra bực mình:
- Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao sao ta yếu đuối thế này.
Con sóng to cười đáp: - Đó là vì không nhận ra gốc gác của mình mà bạn buồn bực thế.
- Tôi không là sóng thế là gì?
- Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong bản chất của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra
bản chất của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn
buồn bực gì nữa.
Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:
- À, bây giờ thì tôi hiểu. Bạn và tôi tuy hai mà một.
Lời bình
Con người cho rằng "ngã" là ta nên xảy ra phân biệt ta và người mà buồn khổ. Cứ so sánh, suy bì thì chỉ làm ta thêm đau khổ mà thôi. Thực ra loài người được cấu tạo cùng một bản chất trong thiên nhiên bao la.
 
5. Thiên đường địa ngục
 
Một vị tướng quân đến gặp thiền sư Ekaku hỏi:
- Bạch thầy, thiên đường hay địa ngục có thật hay không?
- Thế ngài là ai?
- Tôi là tướng quân.
Bất ngờ, thiền sư cười lớn:
- A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm tướng vậy, trông ông giống anh hàng thịt.
Tướng quân nổi giận, rút gươm:
- Tao băm xác mi ra !!!
Thiền sư vẫn điềm tĩnh:
- Này là mở cửa địa ngục.
Chợt giác ngộ, vị tướng sụp xuống lạy:
- Xin... xin thầy tha lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi.
- Này là mở cửa thiên đường - thiền sư Ekaku mỉm cười.
Lời bình
Thiên đường, địa ngục không phải là chỗ con người tới sau khi chết mà nó ở vào cách suy nghĩ và hành sử của bạn!  Lành, dữ đều do tư tưởng. Cửa thiên đường địa ngục mở ra bất cứ lúc nào.
 
6. Thiên đàng địa ngục đều do tâm tạo
 
Có một bà lão biệt danh "mụ già hay khóc". Trời mưa, mụ cũng khóc, trời không mưa mụ cũng khóc. Có người hỏi bà:
- Bà lão ơi, sao bà lại khóc?
- Tôi có hai con gái, cô chị bán giày vải, cô em bán dù. Khi trời nắng ráo, lão nghĩ tới con em bán dù không được. Khi trời mưa, lão lại lo cho con chị, mưa gió không có khách nào chịu mua giày.
- Lão nên nghĩ rằng khi trời đẹp đứa lớn sẽ bán được, khi trời mưa đứa nhỏ bán dù rất chạy.
- À, ông có lý.
Từ đó, "mụ già hay khóc" thôi khóc. Bà lão cười suốt ngày dù trời mưa hay nắng.
Lời bình
Một điều lợi hay bất lợi sẽ tuỳ thuộc vào cách nhìn, cách suy nghĩ của bạn. Hãy nhìn mọi thứ theo hường tich cực thay vì theo hướng tiêu cực thì bạn sẽ luôn vui sống…
 
7. Phật tại gia
 
Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi:
- Cậu đi đâu đấy?
- Tôi đi cầu Bồ Tát.
- Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không?
- Tìm Phật ở đâu bây giờ?
- Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật.
Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên
người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng.
Lời bình
Người ta tìm chân lý nhưng điều cần là thực thi ngay trong lòng, không thì khó mà gặp được. Đ ừng khổ công đi tìm hạnh phúc từ những gì cao xa,  những điều nhỏ nhặt hàng ngày quanh ta chính là hạnh phúc. 
  
8. Ngón tay chỉ mặt trăng
 
Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng:
- Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói:
- Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu.
- Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được? - Jincang rất ngạc nhiên.
Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp:
- Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này,
chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không?
Lời bình
Ngôn ngữ văn tự đều là biểu tượng để diễn đạt chân lý. Đừng lầm chữ nghĩa với chân lý như đã lầm ngón tay với mặt trăng.
 
 9. Ai đó
 
Kitagaki, thống đốc bang Kyoto, đến viếng đền Tofuku để thăm Keichu - vị sư trưởng đền này.
Đệ tử của Keichu vào báo:
- Kitagaki, thống đốc Kyoto muốn diện kiến thầy.
- Ta không biết thống đốc nào cả - Sư trưởng trả lời.
Đệ tử chạy ra nói với Kitagaki:
- Thầy tôi yêu cầu ngài lui gót vì không quen thống đốc nào cả.
Kitagaki hiểu ra:
- Nếu vậy, hãy báo với thầy anh có Kitagaki
muốn diện kiến.
- Để tôi thử lần nữa.
Lần này, sư trưởng ra đón tận nơi:
- Ồ, Kitagaki đấy à. Mời vào nhà.
Lời bình
Khi có danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta. Vì vậy, nếu quá coi trọng những thứ đó sẽ làm con người ta lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được.
 
10. Càng vội càng chậm (dục tốc bất đạt)
 
Một thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh để học kiếm thuật. Anh ta hỏi vị sư phụ:
- Thưa thầy, nếu con luyện tập chuyên cần thì phải bao lâu mới thành kiếm sư?
- Có lẽ 10 năm.
- Cha con đã già rồi và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì mất bao lâu?
Lặng yên suy tư một lúc, vị sư phụ đáp:
- Trường hợp này có lẽ phải 30 năm.
Anh thanh niên không giấu được vẻ nôn nóng:
- Trước thầy bảo 10 năm, bây giờ 30 năm. Con sẽ vượt qua mọi trở lực để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn nhất.
- Thế thì anh cần phải ở lại đây 70 năm - Vị sư phụ mỉm cười.
Lời bình
Những người càng nôn nóng muốn đạt kết quả nhanh thì hiếm khi thành công.
 
11. Đèn đã tắt
 
Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi:
- Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác.
- Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh.
- Ồ, vậy thì được.
Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát:
- Bộ không thấy đèn hả?
- Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà.
Lời bình
Hãy là chính mình, đừng làm con vẹt, nói những điều mà mình không biết. Người nào dùng lời kẻ khác để dạy người có thể giống anh mù này. Đèn đã tắt từ lâu, tuy nhiên anh ta không biết điều đó.
 
12. Bình thường tâm
 
- Bạch thầy, sống theo Đạo một cách siêng năng là thế nào?
- Khi đói hãy ăn, khi mệt hãy ngủ.
- Đó là những điều mà mọi người thường làm mà?
-Không, không ! Hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Khi ăn, mọi người đầy những suy tư, ao ước và khi ngủ lại đầy những lo toan.
Lời bình
Rất ít người mà mỗi sáng thức dậy mà đầu óc không bận bịu những chuyện quá khứ?
Con người phải vứt bỏ những điều nguy đã gây ra bão tố nội tâm và sống theo bản chất nguyên thuỷ của họ vì Đạo nằm ngay trong đời sống hằng ngày.
 
13. Thiền trong chén trà
 
Vị giáo sư đại học đến gặp thiền sư Nan In để tìm hiểu Thiền. Nan In mời ông uống trà. Nan In rót đầy chén trà rồi mà cứ thế rót thêm. Giáo sư nhắc:
- Kìa thầy, chung trà đầy tràn rồi, xin đừng rót nữa.
Nan In cười đáp:
- Như chung trà này, ông cũng đầy ắp những quan niệm của ông. Nếu trước tiên, ông không
cạn chén thì sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được.
Lời bình
Đừng cậy mình giỏi giang mà điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả. Người khiêm tốn thì mới học cao, biết rộng được. 
  
14. Con quỷ bên trong
 
Nhà sư nọ mỗi khi bắt đầu nhập định đều thấy một con nhện khổng lồ làm ông bối rối. Nhà sư
liền vấn ý sư Tổ:
- Mỗi khi con bắt đầu nhập định thì luôn có một con nhện khổng lồ xuất hiện, dẫu có đuổi thế nào nó cũng không đi.
-Lần tới, nếu thấy con nhện xuất hiện, con hãy vẽ một vòng tròn to làm dấu xem nó từ đâu đến.
Nhà sư làm đúng như vậy. Khi ông vẽ vòng tròn to vào bụng con nhện, con nhện chạy đi, ông lại có thể tiếp tục thiền định. Sau buổi thiền định, nhà sư rất bối rối khi thấy vòng tròn nằm ngay trên bụng mình.
Lời bình
Trong cuộc sống, con người gặp phải nhiều xáo trộn và âu lo, phiền nhiễu. Nhưng âu lo tệ nhất thường là từ chính bản thân mình mà ra. Mọi sự nhiều khi do chính mình làm cho thêm phức tạp.

15. Đích tới có một đường đi không cùng

Một tăng đồ hỏi Thiền sư Baling Haojian:
- Nghĩa lý của sư tổ và ý nghĩa của giáo lý có gì giống và có gì khác nhau?
- Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh chúng đậu trên cây.
Lời bình
Lạnh vẫn lạnh nhưng phương thức tránh lạnh lại khác nhau. Cùng một mục tiêu nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ có một con đường, không phải ai cũng đi theo một con đường. Hãy khéo chọn cách nào phù hợp và tốt nhất đối với mình...

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Lau xe

Xem ra tôi có ngày thứ Bảy hôm qua làm rất nhiều mà ăn chẳng bao nhiêu. Ở nhà một mình, thì tôi bỏ bớt cái vụ nấu nướng làm khổ tôi, ăn mà không tập trong thời gian chân đau đã làm cho tôi lên 2 kg.

Cho nên cả ngày ở nhà tôi loay hoay làm đủ chuyện mà chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, đang dọn bỗng nhớ trời đang mưa. Thế là tôi lùi xe đang đậu trong garage ra ngoài đường cho ..Trời rửa hộ. Khi xong việc trong nhà thì trời cũng vừa tạnh cơn mưa. Khệ nệ vác cái thang đúng ra chỉ là cái stepping stool có 2 bậc thôi. Tôi vác khăn ra lau lại và leo lên thang, ôi chao trông tôi cứ như chú lùn trước cái xe, bình thường mình cứ nghĩ thuộc vào loại cao trung bình, vậy mà giờ lau cái xe này, quẳng cả xải tay với cái khăn cũng chưa lau nổi nửa cái mui xe. Chán mớ đời. Thế là người và thang cứ chạy lòng vòng chung quanh cái xe. Vợ chồng con nhỏ hàng xóm vác xe đi chợ, đã muốn tránh cho nó khỏi nhìn mình trông buồn cười quá, nhưng mà vợ chồng nó cũng phải kéo cửa xe xuống nói một câu cho .. hả dạ. Say hi chán rồi bảo "I love your car", làm tôi phải đính chính "con tôi mua cho tôi đó thôi", rồi thì chào nhau.

Mà thiệt lái cái xe đến phát ngượng, ở cái xóm bình dân, khu xã cũng bình dân, khi không lái xe vào xóm, thiên hạ hẳn nghĩ mình chắc buôn lậu hay sao mà lái cái xe sang nhất xóm, ra đường người ta nhìn là biết cũng một loại xe nhưng xe mình thì "full load", bước xuống xe thì người ta dám nghĩ "ngữ ấy làm chi có tiền" . Eo ui, sao mà khổ thế, đâu phải ai cũng có thể lái xe chiến được, phải là người ngợm thế nào chứ.

Bây giờ lại cứ như chú lùn rửa xe thế này trông chả giống ai. Phải như Bạch Tuyết thì đã đỡ, có khi lại có năm bẩy chú lùn tới rửa hộ. Còn bây giờ thì cứ đóng vai chú lùn leo lên lại leo xuống, ôm lau cái xe, trông cứ như phim hoạt hoạ thế nào ấy. Thôi lỡ rồi, ai bảo làm biếng nhờ Trời tưới hộ bây giờ phải lau thôi. Hàng xóm chắc lại có một buổi chiều xem phim vui cười...free. Còn tôi lau xong cái xe, chắc là xuống được 200 gr!!!

======

Viết cái bài này blog ở một "góc riêng" , post lại đây để người đọc rút kinh nghiệm cho khỏi "khổ sở" như tôi.   
Chả là bạn tôi đọc xong cười cho tôi một mẻ, sao mà khờ thế, đã lái cái xe như thế mà không chịu bỏ tiền đem đi "body wash", ờ nhỉ sao mà ngu thật í chứ.  Con trai dặn đừng có mang ra "car wash" vì máy nó rửa, nó quẹt quẹt mấy cái giẻ bằng cao su ấy thì xướt hết cả xe, nhưng mà mang đi body wash thì có lý lắm chứ, chả là bây giờ có dịch vụ mới đây tôi thấy báo đăng là có những nơi mấy cô gái ăn mặc rất là.. nghèo đi rửa xe cho thiên hạ. Bạn tôi còn giải thích rõ cho là người ta đầy đặn như thế mà "wash" thì làm sao mà xướt xe được:-)  Không biết chỗ nào thì bảo con trai nó mang đi,  nó sẽ tìm ra Bikini Car Wash ngay thôi.  Không biết có nên nghe lời ... xúi dại này không
Chỉ không biết lúc ấy con trai rửa xe hay rửa mắt!!!

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Lá thư trong hộp quà

Thưa thầy. Do món quà của em đặc biệt hơn món quà của tụi cùng lớp, nên em không dại gì đem đến trường tặng thầy trong ngày Nhà giáo 20/11, vì sợ giữa đống quà, thầy nhận không ra quà này của ai. Hoặc mở hộp xem xong, sơ ý thầy để lộn sang hộp quà của đứa khác thì thiệt thòi cho em lắm! Em cũng không thể đích thân mang đến tặng thầy, hẻm vào nhà thầy chật ních, xe hơi hoành tráng giá trị tiền tỉ của ông bô em mà chạy vào thì dễ có nguy cơ bị trầy xước vì va quẹt. Do vậy chỉ còn một giải pháp theo kinh nghiệm đầy mình của ông bà bô em thường làm, là sai người giúp việc cầm tới nhà “theo lối cửa sau” là đắc sách nhất mà thôi.
Quà của em là một “con dế” rất xịn, giá hơn chục chai, trong đó có gắn sẵn cái sim số đẹp để ông bô tiện việc hú thầy đi nhậu vào những ngày em sắp làm bài kiểm tra, vào các kỳ thi. Thầy đừng ngại ngùng, cứ vô tư nhận đi. Vì thứ này em chẳng hề bỏ tiền mua đâu, thực ra nó là “của chùa” đấy! Vì hôm tết trung thu vừa rồi, mấy tay “lính” của ông bô em đem tới nhà biếu mấy cái lận, họ nói với ổng là “Để cháu nó vui đón trăng rằm” đó thầy.
Nhân cơ hội tặng quà, xin thầy cho em được có đôi lời phân bua để thầy hiểu vì sao em thuộc diện con nhà giàu mà học… quá dốt. Nguyên do thường “đội sổ” không phải tại em, mà tại ở ông bà bô nhà em đó. Nếu em nhớ không tồi thì “bên I-rắc” có câu “châm chích ngôn” dạy rằng: “Muốn con hay chữ thì yêu – lấy thầy”. Theo sự động não của em, câu ấy có nghĩa là người mẹ nào muốn đẻ con đặng nó học thật giỏi, thì phải “yêu” rồi “lấy” thầy giáo. Em hiểu vậy là thông minh đột xuất lắm phải không thầy? Con thầy giáo thì phải học giỏi rồi, cũng giống như ở trong sở thú “hổ phụ sinh hổ tử” là cách “sinh đẻ rất tự nhiên”, nếu làm con thầy giáo mà học “ý ẹ ơi” như em thì người ta sẽ nói “hổ phụ sinh hổ… thẹn” mắc cỡ chết thầy ha? Nghe đâu hồi còn con gái, bà bô em luôn miệng rằng “lấy giáo chức có mà dứt cháo” cả đời. Giữ vững lập trường như vậy nên vào “một thời để yêu và một thời để… đỏng đảnh” bả nhắm tịt, hổng thèm cho “anh giáo” nào lọt vào mắt xanh cả. Ngược lại cố tình để chui tọt vào đôi mắt giả nai một anh chàng bụng phệ, đầu đinh con của một sếp lớn, vốn chữ tuy ít, nhưng vốn liếng thì nhiều. Anh chàng tốt số ấy bây giờ chính là ông bô của em đó.
Em không phải con thầy giáo, nên học hành dù dỡ cũng không có gì mắc cỡ cả, bởi “rau nào sâu nấy” nên nó phải vậy. Hồi nhỏ ông bô em nào có chịu học hành gì đâu, lớn lên chỉ cần bỏ ra mớ tiền mua cái bằng là có điều kiện ngồi vào cái ghế ông nội em dọn sẵn. Mai mốt em cũng theo “con đường xưa ông bô đi, vàng lên…”, lo gì.
Viết dzậy chắc là thầy biết tỏng em rồi, bây giờ hãy lo đọc sách hướng dẫn để biết sử dụng điện thoại cho rành đi. Hổng chừng tối nay ông bô em gọi thầy, rủ đi lai rai vài ve chúc mừng ngày Nhà giáo đó.

Học trò của thầy: Trần Trùng Trục (đã ký)

Người lụm được lá thư trong hộp quà: Nguyễn Ngọc Sáng

Blog này cũng chỉ đọc ké thôi.:-)

Câu thơ

Tính dọn cái desktop thì thấy tấm hình này chả biết ai gửi cho, ở đâu tới, tiếc câu thơ tấm hình, thôi post lên đây để mọi người cùng thưởng thức. Chợt nhớ người bạn gửi cho software để viết theo lối thư pháp thế này, mà cả năm rồi chẳng buồn install nó, đủ biết lươi huyền tới mức nào, có lẽ một phần tại mình không biết làm thơ, chứ biết thì cũng bày đặt viết tặng bạn ngay thôi.

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Thầy Cô

Hôm nay 20/10 ngày mà ở VN gọi là ngày của Thầy Cô. Sáng thức dậy tôi nhớ mấy hôm trước có nhận mấy email của một người Thầy, Thầy không gửi cho riêng tôi, thỉnh thoảng thầy nhận cái gì hay ho thì Thầy gửi cho cả một "lũ học trò", cho nên tôi xem rồi để đó, nghĩ bụng thôi để 20 tôi gửi thư thăm hỏi Thầy luôn. Thế nhưng sáng thức dậy cứ đứng ngẫm mà chẳng biết viết gì thăm Thầy, lại hẹn hay thôi Noel, mà cái kiểu hẹn lần hẹn lửa như tôi là không xong rồi, như hôm qua cô bạn hét ầm lên là không chịu gặp nhau để còn đi ăn, chứ đợi với chờ lỡ cô lăn đùng ra ..thì làm sao. Đúng là bấy giờ không có chuyện chờ đến ngày mai.
Thôi thì chưa gõ thư được, chỉ xin gửi Thầy lá thư cảm động của một học trò khác vậy.
Đàng nào Thầy cũng đã hết ngày 20 nơi Thầy ở, học trò làm biếng đành chờ một ngày khác thư thăm Thầy. Thầy biết tính học trò, làm gì cũng chậm chạp ù lì, cho nên nó mãi là người đến muộn.

Note: Nhân ngày Thầy Cô, có câu chuyện Dậy học xin được link lại về chuyện Thầy trò hiện nay ở VN.

Mưa

Cơn mưa đổ xuống từ nửa đêm, hôm nay thức dậy trong tiếng mưa rơi đều, ngoài vườn đầy những lá vàng, những nụ hoa Magnolia mùa đông đang chờ ngày nở, những nụ hoa Fuchsia hồng thắm e ấp trong cơn mưa, làm đẹp cho khung cảnh ngôi vườn đang mang một vẻ cũ kỹ thế nào, đã lâu tôi mới có dịp vén lại bức màn nhìn ra ngoài cửa sổ trong cái tĩnh lặng của buổi sáng với cơn mưa.  Tôi đã xuôi ngược trong nhiều tuần qua, bởi những trói buộc của đời sống. Định hôm nay sẽ lang thang xuống phố trước khi chuẩn bị cho một ngày lễ Tạ Ơn, nhưng cơn mưa giữ tôi lại trong căn phòng.  Cơn mưa đến sớm, đã đến từ tháng Mười và những cơn gió lạnh báo trước một mùa Đông rất ướt át và lạnh lẽo (?). 
Có được một buổi sáng không phải làm gì, chỉ nghe mưa với ly nước trà nóng và tiếng nhạc, rất bình yên. Làm sao tôi có thể than vãn điều gì lúc này phải không ?



Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Bùi văn Nam Sơn

Cuộc đời vui quá không buồn được

(Tựa đề tạm đặt theo cuốn sách của anh Trần Nhã Thụy và than vãn vì những gì thích thú nhất không phải lúc nào cũng được public ra...)


* Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Duy Xuyên - Quảng Nam. Ông học triết ở SG rồi tiếp tục học từng học ở Đại học J. W. Goethe, Frankfurt/M, CHLB Đức, đã từng giảng dạy triết học ở Đức và hiện sống tại VN.

Các tác phẩm gần đây của Bùi Văn Nam Sơn (dịch – chú giải):

- 2 cuốn sách của G.W.F.Hegel: Bách khoa thư các khoa học triết học 1 và Các nguyên lý của triết học pháp quyền.

- 3 cuốn sách của Immanuel Kant: Phê phán lý tính thực hành, Phê phán năng lực phán đoán và Phê phán lý tính thuần túy (Giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế - 2006 của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh)

* *
Chỉ với 5 năm gần đây, bằng nhiều bản dịch - giới thiệu - chú giải, Bùi Văn Nam Sơn đã mang hai tượng đài triết học của thế giới là Kant và Hegel đến gần với người Việt hơn bao giờ hết. Nhưng TTCT trò chuyện với dịch giả triết học Bùi Văn Nam Sơn lần này còn ở một góc độ khác, góc độ một người thầy bởi có lẽ ít người biết ông vẫn đang dành thời gian cho những người học trò say mê triết mà ông gọi họ là thân hữu.

Tự do không đồng nghĩa với mất trật tự và vô kỷ luật!

* Những người may mắn được là học trò của thầy có nói rằng, ngạc nhiên nhất là thầy có khả năng chia sẻ những triết lý cao siêu nhất của triết học một cách giản dị để học trò của thầy dễ nhập tâm? Đó là khả năng sư phạm của thầy hay thầy đã “ngộ” được triết đến độ có thể nói ra một cách đơn giản?

- Triết học nghe thì mơ hồ vậy thôi nhưng thực ra nó là khoa học nên nó có tính chính xác, hệ thống và chặt chẽ. Khi mình tiếp cận một vấn đề hay một câu hỏi triết học thì mình phải hiểu nó như một vấn đề khoa học với đầy đủ các đặc tính của nó. Tất nhiên là khi giảng triết thì tôi cũng tùy cơ ứng biến để làm sao cho người học có thể hiểu theo trình độ của họ. Nhưng nhớ là triết không phải là nghệ thuật hay kỹ thuật – nó có những đặc thù riêng, trừu tượng hơn, luôn luôn là giả định chứ chưa kết luận gì cả. Nó cũng không có những công thức như khoa học. Và tính chính xác bất biến nội tại của nó khiến cho ai muốn nghiên cứu triết học cũng nên có một đầu óc tỉnh táo, sáng sủa. Tuy vậy, tự do tư tưởng và sáng tạo là đương nhiên nhưng cũng cần có kỷ luật, trật tự.

* Khi thầy giảng dạy, có cách nào nhanh nhất để thầy biết trong đám học trò kia, có người đang say mê với môn triết và không thiếu những kẻ chỉ đang cố gắng để say mê?

- Tất nhiên là biết ngay chứ. Thực ra tôi coi họ như những thân hữu anh em đến trao đổi với nhau một cách tự do, đầu vào đầu ra thoải mái. Và đó chính là điều khó khăn nhất bởi tôi sẽ phải cố gắng làm sao cho những vấn đề được đặt ra, được đem ra bàn thảo nó thích hợp với tất cả trong một trình độ như nhau.

* Nhưng cũng phải thừa nhận rằng cả trăm người mê triết đi nữa thì cũng có con số rất ít những người có thể trở thành một triết gia. Thêm nữa, kinh thánh có câu: sự cùng quẫn cuối cùng của con người là cơ hội của Chúa. Trong số những người tìm đến triết học bên thầy, chắc hẳn không hiếm những người đang tìm một chìa khóa giải quyết cho sự bế tắc mà họ gặp phải trong cuộc sống?

- Cũng đúng. Triết học có hai ba phương diện. Có phương diện thuộc về kiến thức cơ bản phổ quát cho tất cả mọi người. Ai cũng cần biết, ai cũng cần hiểu. Bởi vì triết học làm việc với những khái niệm phổ biến không phụ thuộc vào lãnh vực cụ thể nào cả, và càng học triết thì anh càng có công cụ tư duy để ứng phó với mọi chuyện trên đời này. Hàng ngày mình mở miệng nói ra rất nhiều khái niệm triết học một cách rất vô tình mà không biết đó là những thành tựu của triết học. Triết học giúp cho anh công cụ để suy nghĩ và để làm việc. Nếu mình mơ hồ thì uổng thôi. Triết học cũng có tính chất cân bằng khi cho người ta thấy mặt này trong cuộc sống cũng có thể thấy mặt kia, có thể suy nghĩ rộng hơn kích thước bình thường. Đó chính là nhu cầu tìm một sự cân đối, yên bình, một hướng khai phóng cho nội tâm. Nhưng điều này cũng có thể kiếm tìm ở tôn giáo hoặc văn chương. Phương diện thứ ba mới là phương diện chuyên môn, dành cho những người chuyên sâu nghiên cứu. Đó là triết học theo nghĩa đen, theo nghĩa hẹp. Đó là khoa học. Chọn phương diện nào là tùy ở sở nguyện và năng lực của mỗi người.

* Có một lần thầy đã nói rằng muốn suốt đời làm người học trò như vế đầu câu nói “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” của Khổng Tử. Nếu như thế thì lấy ai truyền thụ triết học đây khi không ít người đã nói rằng VN đang thiếu một nền tảng triết học báo động đến mức muốn tạo dựng nó thì có khi phải cần đến 10 ông Bùi Văn Nam Sơn?

- Học nhi bất yếm cũng chỉ là một cách nói. Nhưng phải hiểu là trước khi mình muốn tự hào với sự trưởng thành thì một quốc gia hay một cá nhân cũng cần có khoảng thời gian tích lũy. Tôi thấy mình còn phải học nhưng không phải nghĩa là suốt đời sẽ chịu kiếp đi sau. Mà mình rõ ràng mình lạc hậu, tụt hậu rất xa về mọi lãnh vực. Nhưng muốn vươn kịp ngang trình độ người ta thì phải hiểu người ta đã. Khi đã nắm vững rồi thì mình sẽ đối thoại bình đẳng với họ. Chứ đừng vì sự tự ái muốn đi nhanh, đi tắt đón đầu mà bất chấp những quy luật rất khắc nghiệt của khoa học. Chữ học đó không có nghĩa mãi mãi mình chịu trong vai trò học trò, cũng không nghĩa thụ động tiếp thu mà vẫn có thể đối thoại. Căn bản là mình vẫn thiếu nền tảng của nhiều ngành, nhiều lãnh vực trừ một số cá nhân đặc biệt suất sắc. Như Ngô Bảo Châu là một trường hợp đặc biệt.

* Theo thầy, triết học nên đưa vào giáo dục từ lớp mấy để học sinh có thể yêu được đã, trước khi biết say mê? Rõ ràng có rất nhiều em đã bộc lộ thiên hướng say mê toán hoặc văn từ khi còn rất nhỏ, nhưng triết học thì sao? Những tranh luận gần đây cho thấy, dường như việc môn học đạo đức bị coi nhẹ chính là một nguyên nhân cho tình trạng đạo đức xuống cấp của học sinh, sinh viên?

- Cũng dễ hiểu thôi. Chúng ta có quá nhiều định kiến, những định kiến nguy hiểm và ám ảnh cả xã hội. Ví dụ chúng ta luôn cho rằng thế hệ trẻ hay sinh viên bây giờ xuống cấp về mặt đạo đức. Điều đó có số ít là thật nhưng toàn cảnh mà nói còn quá nhiều các em sinh viên học sinh khác rất ngoan mà. Tôi không thấy bi quan khi gặp họ. Họ có quá nhiều thông tin, cũng biết cách chủ động mạnh dạn bày tỏ ý kiến, biết chọn lựa sống thế nào. Đạo đức không phải là một môn học dù cũng cần giáo dục điều đó nhưng nó đòi hỏi cả một sự chuẩn bị cho không khí đạo đức, một bầu không khí tạo cho người ta cảm hứng quan trọng hơn là người ta muốn biết cái gì. Đứa trẻ bản thân đã rất tội nghiệp vì sau này nó sẽ bước vào cuộc đời rất khó khăn, bao thử thách đang chờ đợi thì vì lẽ gì một khoảng thời gian ngắn khi còn đi học không cho nó được một không khí dễ chịu, trong lành?

Có gì trong đầu chưa mà đòi phản biện?

* Ở VN, đạo làm trò để ứng xử với thầy một các lễ phép, kính trọng rất được đề cao. Nhưng chính điều đó phải chăng cũng là cản trở để học trò thiếu đi thói quen phản biện? Họ không dám tranh biện với thầy một cách tương đối ngang hàng mà thường thụ động vì bất cứ sự tranh biện nào cũng có thể bị gán rằng trò đang “cãi” thầy?

- Đây là vấn đề rất lớn và tế nhị liên quan đến tâm lý và kỹ năng sư phạm. Bản thân việc đặt ra câu hỏi này đã cho thấy một cái nhìn định kiến rằng đương nhiên học sinh phải chủ động, phải phản biện. Nước nào cũng vậy thôi, việc đầu tiên phải hiểu rằng anh có gì trong đầu không mà đòi phản biện? Bao giờ cũng phải có một kỷ luật nhất định nào đó. Cái quan trọng nhất là tự thân cả một nền giáo dục có khuyến khích, khêu gợi được tinh thần tự do tìm tòi, đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau và biết không cố chấp. Chính môi trường đó mới làm cho học trò có tinh thần đối thoại rồi thậm chí là phản biện. Còn trong một xã hội chưa nghiêm ngắn thì việc đòi đưa vào tinh thần phản biện nhiều khi chỉ gây ra một sự mất trật tự và vô kỷ luật. Riêng đại học thì khác, bản thân giáo dục đòi hỏi anh phải phản biện, nếu không thì coi như anh đã thất bại.

* Nhưng việc thầy có một chiếc micro để nói khi giảng bài và học trò cắm cúi ghi chép cũng là một rào cản vô hình tước đi của sinh viên quyền được nói, được phản biện rồi, đúng không ạ?

- Hoàn toàn đúng. Phải thực tế là đây là cả một quá trình cải cách giáo dục mà thế giới đã tìm đủ cách để làm nhằm đào tạo được nhiều hơn những chuyên gia, nhiều hơn những nhà trí thức. Có một thời kỳ ngay cả phương Tây cũng vậy thôi, thầy đọc trò chép. Bởi người ta quan niệm rằng giải đường đại học là nơi các anh tiếp thu kiến thức của những bậc thầy truyền đạt. Một hình thức cổ điển có tên là: giảng bài, giảng giáo trình. Cái uy của ông thầy lớn lắm và sinh viên thấy mình xa với thầy quá vì trình độ của mình quá kém so với thầy. Thế nên tự động sinh viên không dám nói gì cả vì hiểu thầy thôi cũng đủ chết rồi!

Nhưng khi bình diện thông tin mở rộng thì bản thân người học cũng khá lên, họ thấy những điều thầy giảng họ không cần phải nghe vì họ có thể đọc sách hoặc tìm trên internet. Họ sẽ ngãng ra! Điều đó đã xảy ra ở phương Tây vào giữ thế kỷ 20 trở lại đây. Và bây giờ chỉ có những đại giáo sư nào tự tin rằng mình giảng sinh viên sẽ lắng nghe bởi mình có những kiến thức mới, những công trình thực sự có giá trị, nơi đó là nơi mình trình bày những học thuyết, phát minh của mình thì mới có can đảm giảng bài giữa giảng đường. Và bài giảng đó thực sự có giá trị, sinh viên ùn ùn đi nghe không ai dám mở miệng.

Nhưng việc giảng bài ở phương Tây chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là sự trao đổi kiểu seminar. Nơi mà sinh viên cần trao đổi với nhau cũng như hỏi ông thầy một số ý kiến hướng dẫn. Thầy và trò cùng làm việc chung. Thầy và trò cùng đọc cùng thảo luận cùng tìm tòi. Nghe thì hấp dẫn thế đấy nhưng muốn làm được thì phải có sách, có văn bản để thầy và trò cùng làm việc. Phải có đủ phòng thí nghiệp để thầy và trò cùng thí nghiệm. Còn không có gì hết thì thầy đọc trò chép là đúng rồi!

* Đấy có phải lý do mà thầy đã nhiều lần đau lòng thốt lên rằng môi trường tri thức cũng như giáo dục ở VN quá thiếu sách?

- Đúng hơn phải nói là không có sách! Sách nghiên cứu, sách giáo dục toàn bằng tiếng nước ngoài làm sao đòi sinh viên hiểu được? Nước ngoài cũng thế thôi, sinh viên Mỹ làm sao đọc được tiếng Pháp nếu cuốn sách đó không được dịch sang tiếng Anh? Làm sao làm seminar cho sinh viên được khi thiếu sách? Điều kiện vật chất rất quan trọng cho giáo dục. Hình thức seminar thành công ở phương Tây bởi họ đã có thời gian chuẩn bị sách rất kỹ. Học về tác giả nào cũng có sách để đọc, để nghiên cứu sâu hơn, cùng nhau đọc thì mới cùng nhau giải thích hoặc tranh cãi. Xu hướng chung của thế giới, mình không muốn bị lạc hậu thì phải chuẩn bị những cơ sở vật chất chứ không phải chỉ nguyện vọng thấy Tây 80% seminar trong giáo dục ta cũng bắt chước y như thế.

* Thầy có nói là ở phương Tây học sinh lớp 6 đã được hướng dẫn để biết cách học từ sách. Vậy nguyên do gì ở VN không có thói quen đó? Chúng ta cứ đổ lỗi cho các phương tiện giải trí khác lôi kéo các em ra khỏi sự say mê học tập. Nhưng ở phương Tây, việc giải trí sẽ phong phú hơn chứ?

- Đúng thế. Và học sinh VN bị nhồi nhét quá nhiều. Số lượng bài tập quá nhiều để các em giải quyết được hết cũng đủ chết. Nếu các môn học ít lại, thời gian kết thúc các bài học ở ngay trong lớp thì các thầy mới có thể tập cho các em thói quen đọc sách. Điều này giúp cho các em có thói quen chủ động dù ngây ngô khi đọc rồi trình bày lại cho các bạn cùng nghe. Khi đó các em từ bé đã có thói quen có những kỹ năng chủ động trong việc học. Mà kỳ cùng cũng là phải có sách mà thôi. Vào một trường tiểu học hay trung học đi nữa, thì cái đầu tiên phải được nhìn thấy là sách, là thư viện của trường. Đầu tư một lần như vậy đáng vô cùng mà không quá tầm tay, chỉ là sự đổi phương pháp sư phạm mà thôi và có thể cải thiện được nhiều lắm. Một sai lầm trong giáo dục có thể mất nhiều vô cùng mà không thấy, không như vụ Vinashin mất bao nhiêu tiền là thấy ngay… Thế nên học hỏi kinh nghiệm giáo dục từ các nước gần ta như Hàn Quốc hay Singapore sẽ tiết kiệm được nhiều lắm.

* Nhưng quan điểm này có mâu thuẫn với điều mà thầy hay nói là học triết thì nên đến thẳng với Phật chứ không nên thông qua các nhà sư?

- Không, hai chuyện này khác nhau. Chúng ta đang không nói chuyện riêng về ngành triết, ta đang nói rộng ra về ngành giáo dục. Giáo dục bao giờ cũng cần những người hướng đạo. Còn trong các lãnh vực ở trình độ cao rồi thì đôi khi người ta có thể “vô sư” mà tự mình mày mò.

* Kant nói “hãy dám biết”. Có phải chăng đó cũng là tinh thần của người học triết, thưa thầy?

- Kant nói câu này không chỉ đơn thuần là sự dũng cảm, liều lĩnh làm bừa. Đây là sự khơi gợi sự tò mò, xây dựng năng lực tưởng tượng, khao khát và mơ mộng. Đó chính là “dám”. Khi đó anh mới có sự mạnh dạn của sáng tạo để đưa ra giả định.

* Thầy đã từng so sánh hài hước rằng người mê triết đôi khi cũng giống nàng kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu khi thấy “lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn”, nhưng khác là nàng kỹ nữ thì mong “đừng bắt em phải gặp lòng em”, còn triết gia thì lại mong gặp lòng mình để suy ngẫm. Câu hỏi ở đây là các triết gia thì nghĩ gì về văn học?

- Triết học và văn học bà con với nhau ghê lắm, và là hai đỉnh núi cao ngang nhau, hội tụ ở rất cao và cùng một gốc rễ nhưng ở giữa thì phân ra vì hai bên làm việc với hai phương tiện khác nhau. Triết học suy nghĩ bằng khái niệm phổ quát, văn chương suy nghĩ bằng cá biệt, cụ thể, đơn nhất. Nhưng cả hai cùng xuất phát từ nhân sinh và hội tụ ở điểm cùng muốn mang lại sự hoan lạc cho con người.

Và những kẻ nhân danh số đông để giết người

* Hình như rất nhiều người nghiên cứu triết học VN coi triết gia Trần Đức Thảo là một bậc thầy phải không ạ? Nếu nói về Trần Đức Thảo, thầy sẽ có những nhận xét như thế nào?

- Đó là một trong những người Việt hiếm hoi được học hành đến nơi đến chốn về triết học và cho thấy người Việt mình cũng có thể tiếp cận rất gần với triết học thế giới. Đi cụ thể vào tư tưởng, thành tựu của Trần Đức Thảo thì khác. Có lẽ do bối cảnh đặc thù, không có điều kiện tiếp thu với bên ngoài cộng hưởng nhiều yếu tố dị biệt của thời cuộc đã khiến cho Trần Đức Thảo không còn thấy những chân trời của cụ. Cụ không còn mở cửa đối thoại mà tự giao cho mình trách nhiệm phòng vệ: bảo vệ cái có sẵn, cái gì xa lạ là bác bỏ thay vì tiếp thu cái mới để có thể phê phán hay không đồng ý nhưng sẽ phát triển. Mà điều này không đúng với tinh thần của một triết gia. Triết gia là phải tranh luận để tiếp tục, để mở thêm những chân trời chứ không phải để khép lại các chân trời. Không ai dám phủ nhận chất lượng triết học của bản thân Trần Đức Thảo, nhưng đáng tiếc, có thể nói Trần Đức Thảo là tù nhân của bản thân.

* Để lý giải bằng triết học cho trường hợp án tử hình của Nguyễn Đức Nghĩa, thầy đã nói nếu xử tử hình anh ta chính là đã cho anh ta cơ hội được là một con người? Và sau đó là những tiếng vỗ tay trong phòng xử án khi tòa tuyên anh ta bị tử hình?

- Đây là quan niệm khác nhau về sự trừng phạt. Trong lịch sử có nhiều cách hiểu: sự trừng phạt có thể là sự trả thù, những dân tộc ít văn minh sẽ trả thù, truy sát rất dai dẳng, có thể đến vài ba đời. Vì thế mới đẻ ra luật pháp với đại diện là quan tòa- người không liên quan đến mối thù – sẽ dùng luật pháp phán xử để ngăn chặn sự trả thù. Lúc này, sự trả thù được mặc định là sự phạm tội.

Luật pháp cũng không nhắm đến việc răn đe. Giết một con mèo không phải để đe dọa những con chuột. Hiểu luật pháp để răn đe chính là một cách hạ nhục con người, xem con người như ác thú. Quan niệm tiến bộ hơn, hình phạt là sự công bằng và tạo điều kiện để thừa nhận anh là con người. Hình phạt đó hợp lý vì anh gây ra thì anh nhận lấy để phần nào bù đắp.

Nhưng tùy cái nhìn thôi, thế giới cũng đang giảm dần án tử hình bởi luật pháp dù có đại diện cho ý chí của số đông đi nữa thì cũng không biện minh được tại sao mình có quyền lấy đi mạng sống của người khác. Việc những người trong khán phòng xử Nguyễn Đức Nghĩa vỗ tay khi tòa tuyên án tử hình anh ta chính là một cách biểu lộ sự trả thù, sự hả giận. Nguyễn Đức Nghĩa nhân danh cá nhân để giết người còn những người kia nhân danh số đông để giết người. Đều là cách nghĩ không văn minh, không có cơ sở đạo lý gì cả.

* Đạo Khổng có nhấn mạnh rằng trong một xã hội, nếu nhẹ lễ thì sẽ nặng hình. Lễ nghi không được coi trọng thì mới cần đến hình phạt, luật lệ?

- Đó là cách suy nghĩ lý tưởng khi nghĩ đến lúc nào các hình phạt sẽ không còn cần thiết nữa. Thực tế thì không như vậy. Có điều cũng nên đi theo xu hướng của thế giới, tránh các hình phạt mang quá nhiều dấu vết của quá khứ, và theo tôi nên bỏ án tử hình trong mọi trường hợp.

* Thầy có nói về một vài cách “xử thế tiếp vật” đầy hiền minh của những bậc tiên hiền như Aristotle đành lòng rời Athens vì không muốn quê hương mình “phạm tội ác lần thứ hai” đối với triết học (lần thứ nhất là giết hại Socrate). Vậy thì tại sao thầy lại trở về khi mà VN còn quá thiếu những nền tảng và điều kiện để “nuôi sống” được triết?

- (Cười) Mọi cái bây giờ cũng đã khác nhiều chứ. Thành thực mà nói rằng tôi gắn bó với quê hương và tôi thấy đóng góp của tôi trong nước hiệu quả hơn ở nước ngoài. Như nhiều người bạn Hàn Quốc của tôi họ cũng trở về nước hết để đóng góp cho sự thay đổi hiệu quả của xã hội nước họ. Bây giờ có lẽ đang cần dù có thể 50 năm nữa không cần. Sự chọn lựa về sống ở quê nhà của tôi hoàn toàn là vì lý do tình cảm.

* Trân trọng cảm ơn thầy.

Cát Khuê (thực hiện)

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Ý kiến thiểu số?

Mới đọc đoạn văn đây trong Blog nhân quyền xong copy lại để tính hôm nào sẽ "bình loạn" về cái chuyện mà lâu nay cứ nghe trên mạng là "ở xứ dân chủ thiểu số phải phục tùng đa số", nghe thì nghe thế, tôi thấy cứ trái khoáy thế nào ý. Lẽ ra tôi không bình loạn chuyện xã hội chính trị trong cái blog này nhưng mà hôm nay phá lệ một chút.

Bởi vì tôi thấy xứ tôi ở, lúc nào cũng ngược lại, đa số, thiểu số gì cũng đều lên tiếng rồi bầu bán, rồi thông báo công khai cho thiểu số biết mình bị thua thì vác chiếu ra toà, kiện đa số cho bằng được, kiện làm sao để cho ý kiến của đa số bị toà ngưng lại không cho thực thi, chờ đến khi toà xử xong rồi mới tính, có khi lúc đó thì lại thêm một cuộc bầu bán nữa. Cứ thế mà nhì nhằng mãi chả đâu vào đâu cả, lắm lúc là dân cũng thấy bực mình lắm cơ, vì phe nhóm thiểu số nhất định không chịu nghe theo đa số viện vào đủ lý lẽ, mà mình nghe mãi thì thấy bên nào cũng có lý cả, nhưng đó là dân chủ, và dân chủ là "ý kiến của thiểu số phải được lắng nghe và tôn trọng" để lần sau có làm ra nghị quyết, dự án nào thì ý kiến của thiểu số sẽ được mang lên bàn hội nghị để thảo luận tránh cho một cuộc tranh biện, ra toà làm tốn tiền của dân là vì thế. Nhưng nghĩ thì nghĩ thế nhưng tôi nào có dám lên tiếng "vì cũng tại bị thì là" tự cho mình dốt, dựa cột mà nghe, mãi hôm nay có ông tiến sĩ Nguyễn Quang A viết y chang ý nghĩ của mình nên tôi copy lại đây.

"Không ai, hay không cơ quan nào, không mắc sai lầm cả.
"Cái khác nhau là ở chỗ có người, có cơ quan biết lắng nghe để sửa chữa, hay tranh luận lại một cách xây dựng với những người phê phán mình để cả hai cùng hiểu đúng hơn, cùng làm tốt hơn công việc của mình.
"Đấy là cách tạo “đồng thuận” tốt nhất, nếu cần đến đồng thuận; và cũng là một nội dung cốt yếu của dân chủ: tranh luận công khai, tôn trọng ý kiến thiểu số."

Copy xong thì lại đọc được blog sau của Trương Duy Nhất, thì ra cũng có người ấm ách như tôi chứ có phải mình tôi đâu, hi hi. Thế là ít nhất cũng có hai "thiểu số". Còn chuyện hỏi tôi ấm ách chuyện gì, thì nhiều thứ lắm, làm sao mà list hết ra đây được, list ra hết không chừng tôi lại được đội thêm cái mũ "bà già lắm chuyện". Cứ coi như là xứ dân chủ làm gì có chuyện thiểu số phục tùng đa số, họ chỉ phục tùng luật lệ khi luật lệ được nghiêm minh và họ yên tâm phục tùng khi họ biết là tiếng nói của họ sẽ được bảo vệ. Tiếng nói của họ sẽ được để ý trong lần bầu bán sau, chẳng hạn. Hôm nay tiếng nói của họ là thiểu số nhưng biết đâu lại là tiếng nói hợp lý dùm cho một nhóm rất đông thầm lặng khác sẽ trở thành đa số ngày mai. Thế mới là dân chủ, đúng không? Và những người làm chính trị mà không hiểu điều này thì thất bại là đúng thôi phải không nào?

hi hi, viết xong, sao tưởng chừng nghe ai đang mắng tôi "ngồi đó mà xạo sự đi". Thiệt khổ !!!

Trần Như Vĩnh Lạc - Đòan Thế Ngữ

Tình cờ theo đường link đến một blogger trích đọan bài viết của tôi về Trần Như Vĩnh Lạc- Đòan Thế Ngữ có link nhiều clip về ông, nên ghi lại giới thiệu đến người đọc, một dương cầm thủ, một MC nói không mệt mỏi về những vấn đề liên quan tới âm nhạc mà theo tác giả Trịnh Thanh Thủy đã viết trong bài "Nhỏ mà không học lớn làm MC" như sau

"Nhắc đến những MC trên sân khấu âm nhạc, chúng ta không thể không nhắc đến MC Vĩnh Lạc như một nhân vật gây nhiều ấn tượng và rất được giới trẻ yêu nhạc ái mộ. Ông là một dương cầm thủ (concert pianist) nên có kiến thức vững vàng về âm nhạc, lại có khoa ăn nói nên khi làm MC cho các chương trình hoà tấu hay trình diễn âm nhạc, ông khéo léo đưa các vấn đề liên hệ vào. Vĩnh Lạc có một trí nhớ tốt, chịu khó đọc cặn kẽ, lại thuộc Kiều nên hay mang những nghiên cứu về Kiều như những dẫn chứng Đông Phương. Những kiến thức triết học về Kant, Nietzsche, Bach, Mozart… cũng được ông mang ra phân tích khi bàn đến một nhạc phẩm, khiến người nghe có cái cảm giác hoà hợp dung dị giữa hai nền văn hoá Đông Tây trong một bài hát Việt Nam. Mỗi MC có một tài năng, thế đứng riêng. Nghe Vĩnh Lạc nói lưu loát về một đề tài, khung cảnh, cách nói, sẽ thấy ông mượn phong cách, âm hưởng, cấu trúc của Tây phương, nghĩa là ông nói như một người Tây về một chuyện Tây, khiến khán giả có cảm tưởng Vĩnh Lạc thoát ra khỏi cái cung cách nghiêm nghị, tẻ nhạt mà một MC Việt thường có."

Nhắc tới bài viết trên của tác giả Trịnh Thanh Thuỷ, nhân tiện cũng xin kể là mấy tuần trước vô tình đọc được trên một blog khác đăng nguyên bài lấy từ trang báo ở VN nhưng lại đăng tên tắt của một người khác xong lại đóng mở ngoặc là theo "T.Th.Thủy" ý là bài viết này do một "nhà báo" nào đó viết lấy theo ý của tác giả Trịnh Thanh Thuỷ, nhưng lại không dám ghi tên tác giả chỉ viết tắt.  Ăn gian tới mức đó, mà có theo ý đâu, copy nguyên bài.  Và blogger post lại có lẽ vô tình hay không hiểu nên cứ thế ghi. Tuy nhiên mấy hôm sau có lẽ ai chỉ cho nên không thấy trên blog Văn Nghệ Sài Gòn nữa, nhưng tôi đóan tờ báo nào ở VN thì chắc vẫn sao y bản chính.  Chán!!!

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog