Đầu tuần có người phụ nữ gọi từ VN cho tôi, bà hỏi tôi bao nhiêu tuổi, bà nói bà xem hình tôi trông trẻ quá, và nói tuổi bà bảo tôi còn nhỏ quá :-), bà so với bà đã gần 70. Thế nhưng bà cứ một hai gọi tôi bằng chị, làm tôi cứ ớ ra không biết gọi bà bằng gì, lúc thì gọi bà bằng bà sau lại gọi bằng chị, đúng là tôi còn con nít quá, chưa biết cư xử ở đời ra sao cho đúng. Nếu trẻ là trẻ như thế chứ nhìn mặt mũi không nhìn hình thì bà sẽ không còn khen như thế nữa. Cho nên năm 2011, có ai khen trẻ thì đừng xuất đầu lộ diện kẻo làm buồn lòng người ....khen:-)
Người ta không thể bớt tháng năm cho cuộc đời, nhưng người ta có thể thêm hương sắc cho nóNguyễn Đăng Hưng
Thế là còn ít ngày nữa thôi, ngày 1/1/2011, tôi sẽ bước vào lứa tuổi 70.
Không như thời Đỗ Phủ, ngày nay tuổi bảy mươi không phải là cổ lai hy nữa.
Theo thống kê năm 2008, tuổi thọ trung bình tại Việt Nam là 74 tuổi. Tại những nước phát triển như Canada, Úc, Nhật, Thụy Điển, Pháp…, tuổi thọ trung bình còn cao đến trên 80. Chỉ có một điều chắc chắn: tôi đã thuộc thành phần cao tuổi.
Nhờ trời sức khỏe hiện nay cũng không đến nỗi nào chỉ những chứng di căn không có thuốc chữa mà phải chung sống với chúng nó mà thôi. Năm lên 60 bị chứng đau lưng, đi bác sỹ, bị nhắc nhỡ như sau: nên cố gắng ngồi thẳng lưng, thêm gối phía sau chứ với tuổi này tật ấy làm gì chạy chữa được. Đây là lầu đầu tiên tôi đã phải ý thức rằng mình đã bước vào tuổi già, đoạn cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi. Năm ngoái thình lình bị chứng đau bụng liên tục nhức nhối kinh khủng, chỉ mong xui tay cho nhanh chứ chịu hết nỗi. Bác sỹ tìm mãi không ra căn cơ. Bí quá viết thư điện tử về Bỉ cầu cứu con gái rượu. Bác sỹ trẻ này ở xa lại chuẩn đoán ngay và chính xác: “Ba đi khám mật đi, có lẽ bị chất chứa quá nhiều sạn”. Vào bệnh viện mười ngày, cắt ngay túi mật là trở lại bình thường. Rồi lại thêm bệnh tiểu đường, phải uống thuốc cầm chừng nhưng chưa phải kiên cử gắt gao. Kính cận thì phải thay liên tục. Vợ tôi hay nhắc nhở sao nghe không nhạy, phải lặp nhiều lần, hình như khả năng nghe có vấn đề! Đi khám thì máy bảo màng nhỉ cảm nhận tần số cao kém nên mua máy hỗ trợ khả năng nghe!
Victor Hugo đã từng nói: “Người cao tuổi không những được cái ơn huệ là đã có tuổi mà còn có một cùng một lúc đủ các lứa tuổi” . Đức Khổng Tử cũng nói:“Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” nghĩa là khi đã bảy mươi tuổi thì hễ nói hay làm một điều gì là tự nhiên thể hiện đúng chủ tâm của mình, không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý hay lẽ phải.
Tôi thấy trí tuệ vẫn còn minh mẫn và tinh thần vẫn còn độ nhạy trước cái đau của người đời. Tôi vẫn còn nhiều cảm nhận vui buồn, kinh ngạc hay phẫn nộ trước những nghịch cảnh của xã hội, những phi lý của cuộc đời, trước sai trái của những chính sách. Nhà văn Pháp André Gide đã từng nói nói: “Khi tôi không phẩn nộ nữa, tôi đã bắt đầu già”. Như vậy, ít ra về mặt tinh thần tôi vẫn chưa già lắm.
Họa sỹ Henri Matisse có lần nói là: “Con người không thể tránh tuổi già. Chỉ có thể tránh trở thành già thôi ». Tôi cũng nghĩ là người ta không thể bớt tháng năm cho cuộc đời, nhưng người ta có thể thêm hương sắc cho nó.
Chính vì vậy mà tôi dùng những ngày nghỉ hưu cho những việc mà khi còn trẻ tôi hằng mơ ước: sinh hoạt văn nghệ, du lịch khám phá. Hưu trí quả là một ân huệ của những nước phát triển ổn định. Tôi không phải thức sớm chuẩn bị đi làm, lên bục giảng mỗi buổi sáng, tôi không phải có lịch dày đặt cho cả tuần, cả tháng, cả năm nữa. Tôi chẳng phải lo toan thêm cho cơm áo gạo tiền. May mắn thay, trừ thằng út còn học trung học, các con tôi đều thành đạt và có vị trí vững chắc trong xã hội. Chúng nó chẳng đòi hỏi gì thêm ở cha mẹ, chúng nó đã trở thành những người mẹ hiền, người cha tốt, biết chu toàn cho thế hệ mới, các đứa cháu ngoan đông đảo của tôi.
Jean Rostand nói rất đúng: “Người ta chưa già khi còn biết tìm tòi”. Tôi khám phá là âm nhạc chẳng những nâng cao tâm hồn mà có thể là vị thuốc tuyệt vời cho những buồn đau sầu muộn. Nhất là tôi say mê thanh nhạc, học được cách thể hiện âm nhạc, diễn tả được phần nào thông điệp của tác giả.
Đi du lịch đó đây khắp thế giới, tôi khám phá ra sự kỳ vỹ của thiên nhiên, tính mong manh của các nền văn minh, sự vĩnh hằng và phổ quát của tình nhân loại. Ngày trước, đi nhiều và xa vì công việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học, đại diện cho trường đại học Liège, cho khoa, cho nhóm nghiên cứu, tham quan du lịch chỉ là phụ. Ngày nay chỉ đại diện cho chính mình, tìm hiểu lịch sữ, tham khảo tập quán văn hóa là chính. Tôi ghi chép đầy đủ hơn, có thì giờ ngồi lại viết bút ký, sắp xếp các hình ảnh số, chuyển tải trên sổ tay điện tử để chia sẻ cùng bạn bè khắp năm châu. Thật là một ân huệ được sống thời đại của thế giới phẳng, giai đoạn bùng nổ của tin học. Cánh tay như được kéo dài ra vạn dăm, trí nhớ như mở rộng ra cho mọi vấn đề. Và hiện tượng Internet như làm con người trẻ lại, sâu sắc hơn, thâm thúy hơn…
Tuổi già sống nhiều với nội tâm và người ta ngày càng đi sát gần hơn những giá trị tâm linh. Tôi cũng bị ám ảnh bỡi cái bao la nhiệm mầu của vũ trụ. Ta từ đâu đến ? Ta sẽ về đâu ? Sau vô biên chỉ là vô biên ư ? Sau thời gian có phản thời gian không nhỉ ? Nếu có phản vật chất thì phản hình hài tôi đang ở nơi đâu ?
Tôi thường miên mang với những câu hỏi mang màu sắc triết học như vậy, trong những đêm trằn trọc khó ngũ, thức dậy ra lan can ngồi một mình nhìn trăng sao với những câu hỏi bỏ lững vào không gian vô tận….
Tuổi già chợt đến như một cơn mưa rào, tôi thấy như dần dần thấm vào lòng đất. Tôi nghĩ sẽ có ngày mình bị khỏa lấp để cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Tôi xem viễn cảnh này như một điều hiển nhiên và tôi cố gói ghém những ngày còn lại để sẽ khỏi phải vướng bận hay tiếc nuối điều gì. Tôi cũng sẽ bố trí để ngày ra đi như sẽ bước lên một chuyến tàu êm ả. Tôi quan niệm gặp lại người thân phải đem lại niềm vui và khi đi xa người phải ghi lại kỷ niệm đẹp.
Tuổi già của tôi vẫn còn nhiều ước mơ, còn nhiều kỳ vọng… Chỉ có ước mơ và kỳ vọng sẽ rất ít cho mình mà nhiều hơn cho người thân, cho bè bạn, cho quê hương đất nước, cho những giá trị vĩnh hằng và phổ quát mà tôi đã bỏ ra chừng ấy năm để thâu thập, đi chừng ấy quảng đường để chiêm nghiệm, vẫn chưa được nở rộ cho mọi người, cho những vùng thân thương của thời thơ ấu…
Sài Gòn ngày 27/12/2001
____________________________________________________________
Tham khảo :
Victor Hugo (1802-1885), Văn hào người Pháp : L’un des privilèges de la vieillesse, c’est d’avoir, outre son âge, tous les âges
André Gide (1869-1951), nhà văn Pháp : Quand je cesserai de m’indigner, j’aurai commencé ma vieillesse
Henri Matisse (1869-1954), họa sỹ người Pháp thuộc trường phái dã thú: On ne peut s’empêcher de vieillir, mais on peut s’empêcher de devenir vieux
Jean Rostand (1894-1977), nhà sinh vật học, nhà văn Pháp: On est pas vieux tant que l’on cherche.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét