Độ rày vì công việc nhà nên tôi hay đi lại trên xa lộ và tới Bolsa hơi (bị) nhiều. Như sáng thứ Bảy này thức giấc sớm chạy ra chợ mua hoa đi thăm bà nội, cầm bó hoa hồng rực rỡ bước đi, lại quay trở lại mua thêm bó nữa, mua cho bà nội mà không mua cho bà ngoại thì không được, dù bà ngoại chả có "tạm cư" ở đây.
Thế là tơn tơn cầm hai bó hoa mà lòng nhẹ nhàng trong buổi sáng ở Bolsa, dọc đường thỉnh thoảng nhìn thấy một ông cụ hay một bà cụ đầu đội nón lá sáng sớm đi lẻ loi đi trên đường. Các cụ cũng hội nhập đời sống ở đây, sáng sớm đi tập thể dục? hay đi lễ? Trông hình ảnh các cụ buồn quá đi, cụ nào trông cũng bé nhỏ, các cụ như cành cây gập mình bé nhỏ rất bất ngờ. Tôi nghĩ thầm, tôi sẽ làm gì nếu tôi về hưu, hay là tôi dọn về đây, sáng sớm xách xe ra đường thấy cụ nào lang thang ngoài đường thì tôi sẽ tấp xe lại mời cụ lên xe, tôi sẽ chở cụ đi tới đâu cụ muốn, free. Nghĩ xong tới đó, tôi bỗng nghĩ lỡ gặp cụ nào cắc cớ sau đó cứ mè nheo gọi mình hoài chở đi shopping hay đi đánh bài thì làm sao ? trả lời làm sao, cũng có những cụ như thế lắm chứ. Ồ, thì mình cứ ghi tên tuổi làm lý lịch, cụ nào mà dở quẻ, thì tài xế nghỉ việc luôn. Tào lao một mình trên xe, biết bao giờ tôi mới về hưu, và biết khi nào tôi mới định cư ở thành phố này? Cho nên tôi cứ nhìn các cụ già VN ở thành phố này mà thấy xót xa chứ tôi biết tôi chỉ có ...nghĩ chứ có làm được gì đâu, nghĩ thì ai chả nghĩ được đúng không? (hmn, bạn tôi mà nghe được chắc gõ đầu vì cái tội hay nghĩ tào lao quá).
Cuối cùng thì tôi cũng tới nơi, vào thăm cụ ông, mà tôi giật mình không ngờ cụ vừa bị một tai nạn nguy hiểm quá, thằng con tôi bảo phần lớn người già chết chỉ vì ngã, đúng là cụ vừa thoát. Mặt mũi cụ sưng vù vì ngã làm tôi hoảng hồn. Nhìn cụ nằm cứng đơ trên giường đôi mắt như nhỏ đi sau vết sưng bầm chung quanh mắt, thấy thương cho cụ ông quá. Tim tôi cứ thắt lại, tôi chẳng khi nào dám nắm tay cụ khi cụ khỏe, nhưng hôm nay phải hỏi cụ bị đau ở đâu để tôi xoa bóp cho cụ. Và vì vậy mà tôi mới biết hai cánh tay đã gầy guộc đi rất nhiều. Cụ mặc ở bên trong lớp áo len của cụ bà, hai khuỷu tay áo đã rách nát, tôi biết chắc con cái cụ không phải để cho cụ mặc áo rách, mà tại vì cụ muốn gìn giữ lại hương của cụ bà, dù chiếc áo đã tả tơi, cụ vẫn xỏ vào để đêm đêm nằm trên chiếc giường nơi hai cụ đã nằm suốt 20 năm ở xứ người. Đôi mắt cụ nhìn vào xa xăm, cụ bảo cụ chỉ mong đi theo cụ bà, có lẽ cụ là một trong số rất nhỏ người đàn ông sống dai hơn vợ, người ta hay diễu, ông chồng thường hay ra đi trước vì không chịu nổi bà vợ, nhưng trường hợp cụ thì hẳn cụ bà không gây stress cho ông mà ngược lại nên cụ bà ra đi trước chăng?
Tôi không rõ nhưng nhìn hình ảnh cụ, tôi thấy thương cho những người già cô đơn nơi xứ người, có con cái đông đủ lo lắng đầy đủ nhưng cũng không thể nào bù đắp nổi hình bóng của một người bên cạnh mình mấy chục năm trời, tôi đoán cụ lấy vợ từ thuả 20, nay tuổi cụ chỉ còn thiếu 5 năm là đủ 100, thì đủ biết quen hơi quen tiếng biết bao nhiêu lâu rồi, hỏi sao cụ không nhìn tôi mà muốn khóc "buồn quá, lang thang nên mới ra nông nỗi", cụ ngã "từ nay chừa" cụ hứa.
Tôi nghe trong lòng mình như oà ra những giọt nước mắt, may quá chỉ nóng hổi ở đâu ... trong ruột í. Tôi bỗng nhớ các cụ già sáng nay tôi nhìn thấy ở những con đường của Bolsa, cầu mong đừng có cụ nào ngã!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét