Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Tính đa nghĩa của "Gangnam Style"

Mariano Turzi


Diên Vỹ chuyển ngữ

“Gangnam Style,” một bài nhạc rap của nghệ sĩ Psy ở Hàn Quốc, hiện là mốt văn hoá thời thượng toàn cầu. Nó được nhảy theo, được dùng làm nhạc hiệu của các chương trình truyền hình, và thậm chí được biến thành những phiên bản để châm chọc trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ. Sau khi được truyền tải nhanh chóng trên Twitter và Facebook, bài hát đã trở thành đoạn phim được xem nhiều nhất trên YouTube, với hơn một tỉ lần xem và vẫn tiếp tục tăng. Hiện tượng phi thường này đã gây ảnh hưởng đến nỗi nó được hoạ sĩ phản kháng Trung Quốc Ải Vị Vị cải biên quay thành phiên bản riêng của mình khi bị quản thúc tại gia. Bài hát thì vẫn thế, nhưng trong phim thì hoạ sĩ đang nhảy cùng với bè bạn ở xưởng vẽ tại nhà ở Thảo Trường Địa, ngoại ô Bắc Kinh.

Gangnam Style có thể mang dáng vẻ hoạt hoạ, nhưng bài hát được đan quyện chặt chẽ với cơ chế chính trị và xã hội Hàn Quốc. Đa số những người xem không nhận thức được rằng đoạn phim nhạc này là một chỉ trích gay gắt đối với xu hướng vật chất phi lý trong một xã hội tư bản giàu có. Toàn bộ đoạn phim châm chọc lối sống đang thịnh hành ở Quận Gangnam, Seoul. Khu vực này bao gồm những cư dân giàu có, xinh đẹp và thời trang, nơi tập trung những câu lạc bộ đêm thời thượng, những nhà hàng sang trọng và những khu mua sắm thượng lưu. Họ sở hữu và phô bày mọi biểu tượng về địa vị: lái xe Mini Cooper và phô trương những chiếc giỏ Louis Vuitton, tay cầm Ipad hoặc Iphone và nhấm nháp cà phê Starbucks. Họ là một tầng lớp toàn cầu, rành kỹ thuật, là giới nhà giàu mới nổi trong các quốc gia đang phát triển.
Qua bài hát của mình, Psy đã châm biếm ý nghĩa của lối sống kiểu “Gangnam” - thói phô trương vật chất, chủ nghĩa cá nhân vô điều kiện và thói hưởng thụ tuyệt đối. Khía cạnh thẩm mỹ được cố tình làm ra vẻ quái gỡ và kỳ cục, vì qua việc hạ nó thành hình ảnh ngớ ngẫn, người nghệ sĩ muốn chỉ ra sự vô nghĩa của phong cách Gangnam.
Câu chuyện đầy tương phản trong toàn bộ đoạn phim là kết quả của những sự kiện nhằm nhấn mạnh tính vô nghĩa trong việc theo đuổi một cuộc sống xa hoa phù phiếm, được minh hoạ bằng nhiều nỗ lực bất thành trong việc theo đuổi địa vị Gangnam. Psy có vẻ đang tắm nắng như một tay chơi, sau đó hoá ra anh lại đang ngồi trong một hố cát với trẻ em chung quanh. Anh dạo chơi với hai cô gái gợi cảm, và thay vì một cơn mưa hoa giấy thả xuống trên đầu, họ lại nhận được những mảnh báo vụn dơ bẩn. Nơi có vẻ như là một hồ bơi thượng lưu hoá ra chỉ là một nhà tắm công cộng. Có cảnh anh đang ngồi trên một chiếc ghế trang nhã, nhưng té ra chỉ là một cầu tiêu. Ta có thể thấy những chú ngựa trong suốt đoạn phim, nhưng Psy chỉ cưỡi một con ngựa gỗ quay. Có những chiếc xe sang trọng, nhưng anh ta lại nhảy nhót trên một bãi đậu xe. Anh tìm cách tham gia vào cuộc sống ban đêm của giới thượng lưu, nhưng kết quả là anh lại nhảy trên một chiếc xe buýt. Cuối cùng, anh gặp được người con gái trong mơ trên chuyến tàu điện thay vì trong một câu lạc bộ thượng lưu.
Một hiện tượng nghệ thuật phi thường luôn bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội. Nếu nghệ thuật có thể miêu tả được những mâu thuẫn trong một xã hội hoặc biểu lộ mối bất đồng cơ bản trong cơ cấu xã hội kinh tế thì phong cách Gangnam có thể được hiểu như là một việc lên án thói tư lợi và hưởng thụ ích kỷ của tầng lớp giàu có trong xã hội Nam Hàn. Việc cố tình châm biếm Psy như là một một gã diêm dúa và quá trình tìm kiếm địa vị xã hội đầy hài hước và ngược đời của anh cho thấy việc vơ vét của cải là một lối sống trống rỗng.
Phiên bản Gangnam Style của Ải Vị Vị cho thấy nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi cơ chế quốc gia. Cũng giống như cách Psy chế nhạo một tầng lớp xã hội, Ải Vị Vị châm chọc quyền lực chính trị. Phiên bản của ông được gọi là “Caonima style”. Caonima (Tảo Nê Mã) có nghĩa là con lạc đà không bướu nhưng tiếng Trung phát âm như là một tiếng chửi đầy thô tục, một chống đối trước nạn kiểm duyệt của chính quyền. Đoạn phim đã bị nhanh chóng rút xuống khỏi những trang như Thổ Đậu (Tudou) và bị chặn trên mạng YouTube ở Trung Quốc.
Cả ở Trung Quốc và Hàn Quốc, các chính phủ đều có chủ ý khuyến khích nền văn hoá nước nhà với mục đích khuyếnh trương “quyền lực mềm”. Nam Hàn chuyển từ thời kỳ đàn áp và giam giữ các nhạc sĩ sang việc phát triển và xuất khẩu K-pop trên toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang vất vả trong việc thể hiện quyền lực mềm của mình vào môi trường truyền thông phổ biến với những sản phẩm văn hoá cứng nhắc, mang tính đẳng cấp và tự tôn. Mặc dù được nhà nước bảo trợ và có giọng hát nổi bật, ca sĩ Trung Quốc Cổ Như Hàm vẫn chưa tìm được cách để có được một tiếng vang quốc tế nhỏ bé nào đấy so với Psy.
Điều kiện chính trị và kinh tế để kiến tạo, phát hành và thu nhận sản phẩm văn hoá giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc và Cộng hoà Triều Tiên thì không như nhau. Ở Hàn Quốc, không gian văn hoá mang tính cạnh tranh và thương mại hoá cao vì phải đi theo luật lệ thị trường, nhu cầu và biến động. Ở Trung Quốc, không gian nghệ thuật được phát triển dưới cái nhìn đầy soi mói của Đảng Cộng sản cũng như dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền về nội dung cũng như phương tiện truyền bá. Chính quyền hiểu - thậm chí sợ hãi - loại hình trình diễn nghệ thuật nào phản ánh hoặc nhận định thực tế xã hội, vốn có thể hậu thuẫn hoặc phá vỡ nền trật tự hiện tại. Thông thường những biểu hiện nghệ thuật tiên phong thì bị cơ chế quyền lực ngăn cản hoặc thâu nhận. Cũng vì những lý do ấy, ngay cả những biểu hiện thẩm mỹ đồng nhất lại biến chuyển bởi các yếu tố xã hội, kinh tế và chính trị áp đặt lên chúng. Có lẽ đây là lý do tại sao việc chỉ trích phong cách Gangnam của Psy lại nhắm vào tầng lớp giàu có thành thị, trong khi phong cách Caonima của Ải Vị Vị lại nhắm vào nạn kiểm duyệt của chính quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog