Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Người hát rong lớn của thế kỷ đã về cõi vĩnh hằng

BS Ngọc
Thế là người hát rong nổi tiếng nhất của Việt Nam đã ra đi về cõi vĩnh hằng sau 93 năm rong ruổi cùng vận nước nổi trôi. Thân xác của ông đã trở về lòng đất mẹ, nhưng những lời ca của ông sẽ vẫn còn ngân vang. Và, như thế ông vẫn còn sống với đời, với chúng ta.
Cũng như nhiều triệu người Việt Nam khác, tôi sinh ra và lớn lên trong thế giới âm nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng … Nhưng trong những nhạc sĩ tài ba đó chỉ một mình Phạm Duy là tôi xem như một bậc kỳ tài. Tôi biết có người sẽ không hài lòng về nhận xét của tôi về Nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng thiết tưởng tôi có quan điểm và chính kiến riêng, nên không ngần ngại nói lên ý kiến của mình. Cũng như sẽ không có một Trịnh Công Sơn thứ hai, chúng ta cũng sẽ không có một Phạm Duy thứ hai. Sự ra đi của ông để lại những nuối tiếc của hàng triệu người cũng là điều dễ hiểu.
Trong những bài viết gần đây về Phạm Duy, tôi thích nhất bài của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Trong đó ông tóm lược một câu ngắn gọn: “Âm nhạc của Phạm Duy làm cho người Việt gần nhau hơn”. Quả đúng như thế. Nhưng tại sao âm nhạc Phạm Duy có cái hiệu ứng như thế? Tôi nghĩ tại vì mỗi chúng ta đều có thể tìm sự đồng cảm trong những lời ca của Phạm Duy. Mỗi chúng ta, từ bé đến già, từ anh nông dân đến chị bác sĩ, từ người bên lề trái đến kẻ lề phải đều có thể tìm thấy những ý tưởng mà Phạm Duy đã thay mặt chúng ta nói lên qua những bài nhạc bất hủ của ông. Chỉ cần một câu tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời cũng đủ để những người Việt có thể ngồi gần nhau hơn.
Âm nhạc của Phạm Duy dễ cảm hoá người nghe vì ông là một nghệ sĩ sống thật với mình. Cái sống thật đó có thể tóm gọn trong một chữ: đó là chữ đa. Đa tài. Đa tình. Đa đoan.
Phạm Duy là một con người đa tài. Điều này thì chắc chắn ai cũng ghi nhận. Ngay cả những người không ưa ông cũng công nhận ông là một nhạc sĩ có tài. Ông không chỉ nổi tiếng là tác giả của hơn 1000 ca khúc với nhiều chủ đề, mà còn là một nhà khảo cứu âm nhạc và có lúc là một ca sĩ. Không chỉ là một nghệ sĩ sáng tác, ông còn nổi tiếng là một người phóng tác. Tài phổ thơ thành nhạc của ông có lẽ vô song, xứng đáng với danh hiệu phù thủy âm thanh. Nói đúng ra, ông khởi đầu sự nghiệp bằng một bài phóng tác. Bài nhạc đầu tiên của ông là bài Cô hái mơ do ông phổ thành nhạc từ thơ của Nguyễn Bính. Ông đã phổ nhạc từ hơn 300 bài thơ. Có những bài thơ mới đọc qua có vẻ bình thường, nhưng qua tay Phạm Duy thì trở thành những bài ca nổi tiếng. Một nhà thơ có thể nói là “vô danh” (xuất thân từ cô bán vải trong Chợ Bến Thành) nhưng khi được ông phổ bài thơ Thuyền viễn xứ thì ai cũng biết đến Huyền Chi. Có thể nói không ngoa rằng ông là người “chấp cánh” cho những bài thơ và do đó những sáng tác của ông đã góp phần làm giàu thêm tiếng Việt.
Phạm Duy là một người đa tình. Ông cũng chẳng dấu diếm gì những “bê bối” tình cảm trong cuộc đời của ông. Trước 1975, trong những năm ở đỉnh cao sự nghiệp, ông là người có những cuộc tình sôi nổi. Báo chí Sài Gòn thuở đó dấy lên một phong trào đi tìm những cuộc tình của Phạm Duy mà ông không cách gì dập tắt được. Hồi ký của nhà thơ Hoàng Cầm cũng có những đoạn thuật lại chuyện Phạm Duy đa tình trong thời kháng chiến. Nhưng Phạm Duy không bao giờ tiết lộ danh tánh những người tình của ông, và ông vẫn trung thành với ca sĩ Thái Hằng cho đến cuối đời. Tình cảm là một chút xúc tác cho sáng tác. Công bằng mà nói những cuộc tình đó đã giúp cho ông sáng tác những bài tình ca rất hay. Có lần ông thú nhận rằng ông từng yêu tha thiết một nữ thi sĩ, người đã chia sẻ với ông hàng trăm bài thơ, một số sau này là những bài tình ca bất hủ. Trong những bài đó phải kể đến Chỉ chừng đó thôi, Ngày ấy chúng mình, Ngàn trùng xa cách.
Phạm Duy là một con người đa đoan. Ông có một cuộc đời sóng gió. Là người sống qua những thăng trầm của lịch sử, Phạm Duy là một chứng nhân của vận nước nổi trôi. Từ bỏ kháng chiến, ông “dinh tê”, rồi đi tuốt vào Nam. Miền Nam đã dung dưỡng ông và nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc khác. Đến năm 1975, ông lại một lần nữa tỵ nạn ở tận bên Mỹ. Phải 30 năm sau ông mới quay về đất mẹ và vẫn hăng say sáng tác cho đến ngày từ giã cõi trần. Trong quãng thời gian dài trôi nổi đó ông đã để lại cho đời nhiều ca khúc đánh dấu những giai đoạn bi luỵ của lịch sử nước nhà.
Một người đa đoan thì có nhiều người thương kẻ ghét là chuyện bình thường. Trước năm 1975 một vài người trong giới văn nghệ gọi ông là một tài năng hư hỏng. Một thi sĩ khá nổi tiếng từng phê phán Phạm Duy là một kẻ có tài vô hạnh. Mới đây, một vài quan chức văn nghệ CS cho rằng Phạm Duy “có tội với đất nước”. Thiết tưởng còn quá sớm để nhân danh một chủ thuyết ngoại lai đi phán xét một nghệ sĩ. Tôi nghĩ rằng những kẻ đang lớn tiếng phê phán Phạm Duy có tội mới chính là những kẻ thật sự có tội với dân tộc và đất nước vì chính họ đã góp phần huỷ hoại văn hoá dân tộc và làm cho đất nước nghèo hèn. Tất cả những người vừa kể có cái đặc điểm chung: họ là những kẻ sống bám vào thành kiến. Vì sống bám vào thành kiến, nên họ không đủ lý trí để phân biệt giữa cá nhân tác giả và tác phẩm của tác giả. Picasso có cuộc sống “lăng nhăng” thì cũng không ảnh hưởng gì đến giá trị tác phẩm của ông. Việc Phạm Duy dinh tê hay tỵ nạn không phải là cái tội. Không thể và rất hèn khi phải nhân danh thứ “đạo đức cách mạng” ngoại lai để đi phán xét nhân cách và sự nghiệp của một người nghệ sĩ dân tộc. Một trăm năm sau người ta vẫn còn ca nhạc của Phạm Duy nhưng thử hỏi mấy ai còn nhớ đến những bài nhạc gọi là “cách mạng” kia?
Tính đa đoan của Phạm Duy còn thể hiện qua 3 con người trong ông. Con người tình cảm. Con người thời cuộc. Con người tâm linh.  Con người tình cảm của Phạm Duy sáng tác ra những ca khúc để đời như Chỉ chừng đó thôi, Bao giờ biết tương tư, Nghìn trùng xa cách. Có thể kể Tình ca, Quê nghèo … nằm trong nhóm “tình cảm” – tình yêu quê hương và dân tộc. Con người thời cuộc của Phạm Duy là tác giả của những ca khúc bi tráng như Chiến sĩ vô danh, Bà mẹ Gio Linh, Ngày trở về, Kiếp nào có yêu nhau, Kỷ vật cho em và sau này là Ngục ca. Con người tâm linh của Phạm Duy đã cho ra đời những tác phẩm sẽ còn đi cùng năm tháng như Đạo ca, Tâm caHoan ca, hay thậm chí Trường ca Hàn Mặc Tử.
http://www.phamduy.com/img/binhtrithien.jpg
Tuy nhiên, trên hết ông chỉ nhận mình như là một người hát rong. Ông từng nói rằng “Tôi vẫn tự nhận tôi là một người hát rong. Thế thì nếu quí vị vui thì tôi là con chuồn chuồn tôi đến đậu; nếu quí vị làm tôi buồn thì tôi con chuồn chườn lại bay đi!” Hình ảnh ông mặc bộ áo bà ba, đội nón cối, với cây đàn đúng là hình ảnh của một người hát rong, nhưng là một người hát rong vĩ đại nhất của Việt Nam. Có thể thêm rằng đó là người hát rong đa tài, đa tình và đa đoan. Nay thì người hát rong đó đã đi xa, nhưng những bài hát của ông vẫn còn ở lại với chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog