Cuối tuần rồi tôi được hai ngày nghỉ không phải rời nhà về một thành phố khác để đêm đêm 12 giờ mới vào giường ngủ vì những công viêc cuối tuần như thăm cha, thăm con, thăm cháu như thường lệ. Ở nhà tôi nghe xong CD Tuấn Đức hát nhạc Phạm Duy mà cô em gửi cho tôi, mãi tôi không có thì giờ nghe cho đến ngày cuối tuần vừa qua, nghe xong vào đọc báo thì được tin ông Phạm Duy đã mất ở VN ngày 27-1-2013, thế là chưa đầy hai tháng gia đình họ Phạm có hai cái tang. Lập tức tôi nhận vô số email cũng như đọc trên net về ông PD.
Xin cầu chúc cho ông về cõi vĩnh hằng bình yên không nhiều tai tiếng như khi ở cõi trần.
Ông là một nhạc sĩ có tài mà những bài hát mỗi lần nghe lại nhạc của ông, tôi nhớ lại đúng thời gian đó tôi đang ở đâu, như nghe Đừng Xa Nhau, tôi nhớ lần đầu trong một căn phòng, có người đàn piano cho tôi nghe, tưởng đâu sẽ không bao giờ xa nhau, vậy mà xa nhau luôn :-), và thỉnh thoàng nghe lại Hoa rụng trên sông, lại nhớ người hát với tiếng đàn guitar ngày ấy, như một tiên đoán định mệnh một mối tình sẽ đến và tan đi ở cái tuổi học trò thì phải. Ngoài những bài hát phổ thơ như Ngày Xưa Hoàng Thị gắn chặt với tuổi học trò của thế hệ chúng tôi một thời, đặc biệt những bài hát thơ của Nguyễn Tất Nhiên với tiếng hát Duy Quang con trai ông, để không bao giờ phôi pha trong trí nhớ những ngày mưa ở một thành phố miền Trung, mà những góc đường là những ngôi trường trung học đầy những tà áo dài, áo trắng quần xanh. Bây giờ nghĩ lại không hiểu thời đó làm sao chúng tôi giữ được áo dài của mình trắng mãi trong những ngày mưa. Và có một bài hát đặc biệt là không hiểu sao tôi lại thấy buồn buồn mỗi khi nghe lại như chính mình có một cuộc tình như thế, mặc dù lúc nghe bản nhạc ấy lần đầu trong một lần cắm trại trên đồi Nam Ô của trường, tôi chỉ mới là con bé học lớp 9, chưa đủ tuổi cho bất cứ anh lính nào để ý tới, và nếu có đủ tuổi thì phải nói hồi đó tôi sợ mấy người mặc áo trận lắm. Đó là bài Kỷ vật cho Em, hình như lúc đó là tuổi bắt đầu biết buồn vu vơ, cho nên nghe bản nhạc quá buồn khi đứng trên đồi nhìn về thành phố biển, khi chiến tranh đang dồn dập tăng cao, bắt đầu có nhận thức về những cái chết của những người tuổi trẻ đã phải hy sinh. Bài hát của ông thể hiện sự mất mát của chiến tranh, còn với tôi, người nghe là sự chuyển đổi tâm tư của một con bé thành một cô gái, phải chăng? Cũng như mỗi khi nghe bài Em Bé Quê lại nhớ đó là bài hát duy nhất thủa bé mà mình nghêu ngao dù lúc ấy chả biết ai là tác giả. Rồi ngày đến Mỹ, mỗi khi nghe bản nhạc ông viết ngày 54 cha bỏ Bắc vào Nam, ngày 75 con bỏ nước ra đi, sao đúng với tâm trạng của rất nhiều người miền Nam thuả ấy.
Bây giờ ông đã về với cát bụi, người nghe thế hệ sau sẽ chỉ nghe nhạc của ông, để nghĩ về ông là một "Nhạc sĩ gắn liền với lịch sử Việt Nam”, người ta sẽ không còn phải nghe những điều ông nói nữa. Chỉ nên nhớ ông trong những lời ca, tiếng nhạc, chẳng nên nhớ một Phạm Duy ngoài đời, phải chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét