Cả ngày tôi cứ nghĩ đến ông
cụ bố chồng tôi, ông đã ngoài 93 tuổi. Thứ Bảy rồi, ông làm một việc
rất lạ với tôi. Vưà chào ông xong, ông đã bước từ phòng ra và ngồi xuống
salon, ông xếp lại mấy cái gối như để cho ông và cho tôi ngồi xuống
cùng trên chiếc ghế dài đó, tôi định ngồi nhưng chợt nhớ tôi không phải
là con gái được phép ngồi bên cạnh bố mình, nên tôi loay hoay tìm chỗ
dựa lưng, đứng.
Ông
bắt đầu câu chuyện. Điều mà từ trước tới giờ ông không bao giờ làm, đó
là nói chuyện với con dâu. Con dâu từ trước tới nay trong gia đình tôi
chỉ là cái bóng mờ, cái bóng rất nhỏ ở sau bếp. Ngày tôi về làm dâu, con
dâu phải ăn sau ở dưới bếp, dù gia đình là một gia đình giàu có...
nhưng khá cổ chứ không phải không có ghế cho tôi ngồi ở mâm trên:-). Bây
giờ đã khá hơn, nhưng sự việc nói chuyện với con dâu chưa bao giờ xảy
ra.
Thế
mà hôm ấy, ông cụ đã nói rất nhiều với tôi, và chỉ mình tôi thôi. Không
có con trai con gái của cụ chung quanh, tôi chết trân đứng nghe ông
nói, không dám ngồi bệt xuống thảm vì sợ không biết ông nói tới lúc nào,
nhưng rồi tôi đứng mỏi cả chân. Tôi mới thấy tôi không thể kiếm cớ bỏ
đi, vì nỗi cô đơn của ông cụ, ông cần được sống lại một thời trai trẻ,
một thời "hoàng kim" của ông, ông cần được ai đó nghe ông kể chuyện ngày
xưa của ông. Điều gì chứ điều này thì tôi đủ kiên nhẩn, tôi vốn thích
nghe người già kể chuyện, tôi muốn nghe họ nói đến đời sống ngày xưa của
họ ra sao, cái nhìn về lịch sử thời cuộc của họ thời ấy, họ là những
nhân chứng sống của thời đại. Bố chồng tôi tuy đã lớn tuổi nhưng ông còn
khoẻ mạnh và trí nhớ còn tốt, mấy năm nay năm nào ông cũng đi VN mà sức
khỏe không là vấn đề, có lẽ nhờ trà xanh ông uống mỗi ngày từ thời còn
trẻ.
Tôi tiếc là tôi không có máy ghi âm lúc ấy để tôi ghi lại những gì ông đã trải qua, một ngươì đàn ông ở tuổi gần 40 vào Nam với một đàn con 5 đứa lúc đó, chưa kể sau này ông còn có thêm 3 cô con gái nữa. Làm thế nào mà họ nuôi nấng một đàn con như thế trong thời đói 45 tới 20 năm chiến tranh? Ông kể và đôi mắt ông mơ màng nhớ đến một thời đã qua của ông, bà cụ đã mất mấy năm nay, ông không còn ai bên cạnh để ôn lại. Ông kể cho tôi nghe bà là ai, làm gì và ông đã làm gì bên cạnh nhau từng ấy năm lo cho con cái. Những điều ông kể không phải để dạy bảo tôi, mà để chỉ nói lên nỗi cô đơn vô cùng của ông, con cái ông chắc là không muốn ngồi nghe ông kể vì có thể họ cũng là nhân chứng trong đời sống ông. Ông kể cho tôi nghe, vì tôi là người ngoài (muôn đời là người ngoài), để tôi thấy được ông rất nhớ những gì ông đã trải nghiệm dù xấu hay tốt, tất cả đều đã thành những kỷ niệm đáng nhớ và chia xẻ. Thế mà chẳng còn mấy ai ngồi nghe ông kể nữa. Thỉnh thoảng trong câu chuyện ông như thầm kể, ông có thể đã lấy một người khác, ông đã tiếc một bà cụ nào đó. Có bao nhiêu người như ông, đã sống, đã nhìn và rồi cũng phải mang theo tất cả xuống đáy mộ. Tôi thấy thương cảm cho ông. Tôi hiểu lý do tại sao ông thích đi về VN, ở nhà con gái bà cụ ngày xưa lẽ ra phải là vợ ông, con gái bà cụ ấy chắc cũng thích nghe chuyện xưa của ông, vì không biết gì về ông cả (?).
Liệu một ngày nào tôi có thọ như ông, tôi có phải nói một mình như ông? Thế giới của tôi có nhiều màu sắc để tôi ôn lại như ông, hay vẫn chỉ một màu xám. Nghĩ đến đó tôi bỗng lo lo. Từ đây đến đoạn đường như ông còn tới hơn 40 năm nữa, eo ơi. Có con gái của ông cụ nào (ngày nay) lúc ấy sẽ nghe tôi kể chuyện không? Ôi chao, chuyện chưa tới, mà có khi không bao giờ tới, vì biết tôi có sống tới từng ấy năm, rõ chán, có uống trà xanh hàng ngày đâu mà lo lại lo bò trắng răng.
======
Viết xong đoạn trên tình cờ tôi ngồi đọc được Con yêu ai nhất
Câu truyện không chỉ nói lên nỗi khắc khỏai của một đứa bé, truyện còn mô tả nỗi cô đơn của một cụ già qua đôi mắt trẻ thơ.
06-09-2008
NG
06-09-2008
NG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét