Gõ cái tựa sau lễ Tạ Ơn, chẳng phải tôi có điều gì hay ho để kể, vì tôi không đi shopping Black Friday bao giờ, tôi không có con gái nên cũng ít bận tâm chuyện mua bán sắm sửa, bây giờ già rồi, lắm lúc tôi nhìn mình sao độ rày mình ăn mặc "xuống cấp" dữ, chân lúc nào cũng xỏ vào đôi dép lẹp xẹp để đi cho chắc ăn, dù giày dép ở nhà cứ xếp hàng chào.
Gõ chỉ để "thông báo" nếu bạn đọc thấy lâu tôi không gõ gì nữa là vì tôi rất ư bận rộn, chẳng qua tôi còn một tủ sách chưa đọc, cái TV mới sau một thời gian không xem TV, bây giờ tôi phải "khám phá" tất cả các TV app để khỏi phụ lòng con trai mua cho. Và cũng vì cuối tuần qua, dù đã năn nỉ con đừng mua gì cho mẹ, vậy mà một ông con đưa cho mẹ cái Nexus 7, còn ông con khác đưa ipad4 cho tôi, khiến tôi phải sang nhượng cái Galaxy tab cho cô em, chỉ giữ lại cái Xoom để check email trong sở. Thế là trong những ngày sắp tới tôi sẽ rất bận rộn với mấy cái Android tab và ipad, và để khỏi phí thì giờ tôi sẽ làm nhiệm vụ "bà vú" nghiên cứu mấy cái app cho trẻ con cho thằng cháu của tôi. Thế nhé, mời bạn đọc bài của Hoàng Nhất Phương về người phụ nữ Nga Anna Karenina, người mà tôi có cuốn sách để trong tủ ... vẫn chưa đọc.
Hoàng Nhất Phương
Câu chuyện xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 19 trong bối cảnh xã hội vương
giả của nước Nga. Anna Karenina (Keira Knightley) là thiếu phụ trẻ, xinh
đẹp, quyến rũ, giàu sang, thuộc giới thượng lưu qúy tộc. Chồng cô là
Alexei Karenin (Jude Law), một quan chức cao cấp của triều đình, một
người đàn ông lớn tuổi, khô khan, cằn cỗi, khuôn sáo và giả dối. Như lời
tự giới thiệu ở đầu phim: "Tôi kết hôn năm 18 tuổi, nhưng đó không phải là tình yêu." Dù
sống trong nhung lụa, Anna luôn cảm thấy cô độc, thậm chí căm ghét cuộc
hôn nhân của mình. Thế giới vật chất xa hoa, không thể đem lại hạnh
phúc cho cô. Nguồn vui và lẽ sống của Anna là đứa con trai. Cô đem tất
cả tình yêu của đời cô đặt vào tình mẫu tử, đã vui sống vì con. Có lẽ cô
sẽ sống lâu, sẽ chết bình an trong nhà, nếu như cô không gặp bá tước
Vronsky (Aaron Johnson). Sự xuất hiện của Vronsky đánh thức khát vọng ân
ái trong lòng Anna. Cô cố gắng tranh đấu với bản thân, nhưng không thể
được. Như con thiêu thân, Anna lao vào vòng tay của Vronsky, và có thai
với chàng sĩ quan trẻ tuổi. Ông Karenin biết, không ghen tuông, không
oán trách, chỉ lo lắng cho danh tiếng của bản thân. Ông tha thứ cho
Anna, chăm sóc cô và đứa con gái nhỏ như là con của ông. Sự cao
thượng giả tạo của Alexei Karenin không thể giữ được Anna. Cô bỏ nhà ra
đi cùng Vronsky, bỏ lại đứa con trai mà cô hết lòng thương yêu. Nhưng
rồi hạnh phúc của Anna và Vronky cũng không trọn vẹn, vì cả hai luôn
phải chịu áp lực mạnh mẽ trước những lời công kích, lên án của dư luận.
Cuối cùng giống như người công nhân bị tàu hỏa cán chết, Anna đã để vòng
bánh xe lửa oan nghiệt đưa vào ngàn thu. Nỗi niềm thống hận của cô vang
giữa âm sắc bi thương của tiếng còi tàu.
"Anna Karenina" do Joe Wright đạo diễn, với các tài tử chính
Keira Knightley, Jude Law và Aaron Taylor-Johnson, công chiếu lần đầu
tiên tại Liên Hoan Phim Toronto 2012. Kịch bản của bộ phim dài 130
phút này do Tom Stoppard viết, chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên
của đại văn hào Leo Tolstoy. "Anna Karenina" là phim tình cảm
đầy bi kịch, được dàn dựng với ngân sách 31 triệu bảng Anh, do hãng phim
Universal Pictures phát hành tại Vương Quốc Anh ngày 7-9-2012, và hãng
phim Focus Features phát hành tại Hoa Kỳ ngày 9-11-2012. Trước Keira
Knightley, những siêu sao điện ảnh như Vivien Leigh, Sophie Marceau,
Greta Garbo từng đóng vai "Anna Karenina," và cũng từng làm đau lòng khán giả khi thể hiện trên màn bạc cuộc đời bị hủy diệt vì tình cảm bế tắc của Anna.
Khi được hỏi nhân vật Anna Karenina có gần gũi với tâm tình của mình không, Keira Knightley cho biết: "Đọc
Anna Karenine lúc độ chừng 19 tuổi, tôi nhớ tôi nghĩ Anna Karenina vô
tội, còn mọi người đều sai lầm. Và rồi trước khi bắt đầu quay phim, tôi
đọc lại câu chuyện. "Mọi sự hoàn toàn không giống như tôi từng nghĩ."
Nhân vật khó hiểu hơn tôi tưởng; đột nhiên những câu hỏi về vai trò của
Anna được đặt ra...Bạn biết không, tôi nghĩ bởi vì quyển sách được gọi
là Anna Karenina, nhiều người gọi như vậy. "Chúng ta phải cảm thông với
Anna mãi mãi." Và tôi không hiểu rằng đây chính là vai trò của Anna
trong tiểu thuyết. Tôi không nghĩ Tolstoy muốn vai trò của Anna có hiệu
quả, năng động. “Đây là người ai cũng muốn tồn tại.” Tôi nghĩ lúc nào
Tolstoys cũng dùng nhân vật Anna như một lời cảnh báo. Thật độc đáo và
thú vị khi tôi biết đạo diễn Joe muốn thể hiện điều này, ông đưa Kitty
và Levin vào nội dung, trong khi hầu như các phim khác đều cắt bỏ. Nội
dung nói về Kitty và Levin chứa chan hy vọng, một đặc điểm lãng mạng
trong một câu chuyện tuyệt hảo. Anna phải bị hủy diệt, và tôi cho rằng
chỉ bởi vì Kitty và Levin…Chúng tôi cảm thấy như là chúng tôi có thể
đưa Anna đến…một nơi chốn khó hiểu hơn." (*)
Keira Knightley bày tỏ: Để biểu lộ cá tính phức tạp của Anna Karenina
- một phụ nữ tình cảm, một người vợ ngoại tình, một người yêu thác
loạn, một người mẹ hết lòng thương con - cô phải học hiểu cảm xúc của
nhân vật này. Khi đã biết rõ, cô thể hiện trên nét mặt, bằng cử chỉ, qua
ánh mắt…Và hy vọng người khác cũng sẽ có thể hiểu được điều người nhập
vai muốn diễn tả. "Anna Karenina" không phải là quyển sách dễ
đọc. Nhân vật Anna Karenina không phải là người đơn giản. Nhưng Keira
Knightley thật xuất sắc khi nhập vai Anna Karenina. Một đề cử giải Oscar
mới đang sẵn sàng chào đón cô.
Thông điệp của Leo Tolstoy khi viết "Anna Karenina" và của
đạo diễn Joe Wright khi dàn dựng thành phim thật rõ rệt: Danh vọng, tiền
bạc, tình cảm, nếu không thể tiết chế hay không được giải quyết êm đẹp,
đều có thể dẫn dắt người ta đến hiểm họa nghiệt ngã là cái chết. Sự
phán đoán, bình phẩm cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của một cá
nhân. Anna Karenina đã tự tử vì không thể giải quyết bi kịch trong tấn
tuồng đời của cô. Cô không thể nào dung nạp cùng một lúc nhiều tâm
trạng, không thể vừa là mẹ hiền vừa là người đàn bà bỏ nhà ra đi, càng
không thể sống hạnh phúc bên một người đàn ông khác, khi trên pháp lý
vẫn là vợ ông Alexei Karenin. Cô không chịu nổi áp lực của dư luận,
không có khả năng nói dối, và không thích sống giả dối, nên cô tự kết
liễu cuộc đời. Tình thế tiến thoái lưỡng nan về luân lý đạo đức của thời
Anna Karenina, bây giờ có còn không? Xin thưa vẫn còn, và vẫn là bi
kịch. Có nhiều người không chấp nhận ly hôn, những đứa con trở thành đề
tài tranh chấp giữa cha và mẹ. Thậm chí có người đã sát hại cả nhà, cũng
chỉ vì tranh chấp quyền nuôi dưỡng.
Sống một đời như Anna Karenina quá buồn. Hãy nhìn vào cảnh nhà đầm ấm
của Kitty-Levin để thấy giá trị thật sự của hôn nhân, khi người ta chọn
đúng "nửa kia" của đời mình.
4:06am Thứ Sáu ngày 23 tháng 11 năm 2012
Hoàng Nhất Phương
(*)http://www.examiner.com/article/keira-knightley-talks-anna-karenina-fashion-and-more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét