Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Bến không chồng

Cú Đỉn (BerlinNguoiViet.de)
Chiếc xe Bus cuối cùng chạy nhặt khách đi làm đêm về muộn, luôn thể nhặt nốt những cơ thể dặt dẹo, liêu xiêu say lướt khướt tay vẫn không rời cái vỏ chai rỗng, thỉnh thoảng theo thói quen vẫn đưa cổ chai lên cái miệng lè nhè, ném về cái tổ ấm của họ. Bữa nay có mỗi mình tôi bước lên chiếc xe rỗng không. Xe chạy qua cái bến mà người Việt Berlin quen gọi một cách vừa thân, vừa xót xa là... "Bến không chồng". Cửa sổ đèn nến đã tắt, chắc mọi người đã đi ngủ hết vì hôm nay là ngày bình thường. Chứ ngày cuối tuần những cửa sổ kia chắc còn sáng đèn, trong phòng chắc chắn có những con bạc cả nam, cả nữ đang sát phạt nhau. Một nỗi buồn khó tả cứ gặm nhấm, day dứt len lỏi trong tôi

"Bến không chồng" cách trung tâm Thành phố Berlin chừng 13 km. Hình minh họa (Internet)
"Bến không chồng" cách trung tâm Thành phố Berlin chừng 13 km. Hình minh họa (Internet)

Bến có tên đặc biệt này nằm cách trung tâm Thành phố Berlin chừng 13 km, là một chung cư lớn có rất nhiều phụ nữ Việt nuôi con một mình. Trước khi giải thích vì sao chị em ta lại tụ về đây và phần lớn là phụ nữ độc thân, tôi phải lật phật đôi điều về nguyên nhân dẫn tới câu chuyện này, cũng dài dòng một tí.
Đất nước Việt Nam ta, theo như báo chí tung hô là một nền kinh tế trẻ, một đất nước sắp hóa rồng với những cái gọi là xu thế thời đại, là những chính sách vĩ mô, vi mô, là một nền kinh tế vừa bảo đảm sự phát triển cao nhưng vẫn đảm bảo tính chất an sinh xã hội có tên nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chả mấy mà đuổi và vượt hàng xóm trong khu vực. Hoành tráng quá, mĩ miều quá, lung linh đèn nến quá đi. Cái cơn lốc của nền kinh tế thị trường này nó quét một vệt lớn qua các làng quê xứ Việt ta, kể cả những nơi xa nhất, heo hút nhất. Nó làm biến đổi hết, lộn tùng phèo tất cả mọi giá trị đạo đức cổ truyền. Các bạn không tin à, hãy rời bỏ ánh đèn Neon, hãy xa chuỗi đèn lập lòe, chịu khó đi hơn chục km về các vùng phụ cận thủ đô thôi sẽ rõ ngay mà. Các dịch vụ đèn xanh, đèn đỏ cứ lập lòe nhức mắt đến mất ngủ của các quán Karaoke, gội đầu máy lạnh trá hình. Các cao ốc chọc trời của các "nhóm lợi ích" cứ dần dần đẩy lùi, khoanh hẹp những vùng đất canh tác. Người dân phải rời khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình vơ vội mấy đồng tiền "bồi thường" bèo bọt mà lùi, mà tính kế sinh nhai.

Các cao ốc chọc trời của các "nhóm lợi ích" cứ dần dần đẩy lùi, khoanh hẹp những vùng đất canh tác. (Trong ảnh minh họa: Mô hình một phần dự án Ecopark Văn Giang. Nguồn: Internet)
Chả thế mà cái chàng nhạc sĩ Lê Minh Sơn kia, người con của Hà Nội đó đã phải khóc bằng những bài hát của mình, được thể hiện qua giọng hát rất xịn của ca sĩ Trọng Tấn: "Đất bán hết rồi, trâu đi về đâu". Khi trâu đã hết chỗ đi về thì cái việc xưa chưa có, nay xảy ra để minh chứng cho một sự "thần kì" về sự phát triển vượt bực của nền kinh tế thị trường diễn ra tại những căn nhà ngói mới xây bằng tiền bồi thường là... là "ngực cau mới nhú" đã phải đi xa. Vâng ạ, chúng tôi là những người lao động, chúng tôi không biết những từ vĩ mô to tát kia, những xu thế thời đại ghê gớm đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra. Chúng tôi chỉ biết phải sống, phải tồn tại đã. Mặc dù các vị cứ kêu đến rã cả cổ họng, tiền lương cán bộ nhà nước không đủ sống, nhưng sao các vị vẫn chiếm hữu cái nhà, mảnh đất to thế? Con cháu các vị có đỗ hoặc không đỗ đại học đi nữa, chuyện nhỏ như muỗi, các cậu ấm cô chiêu đó sẽ du học nước ngoài, mà toàn các trường của bọn đế quốc to nhé. Vài năm sau về nước lại biến thành những kẻ lên xe, xuống ngựa, rao giảng đạo đức cho chúng tôi, cầm cân nẩy mực cho cái nền kinh tế thị trường này... ha ha ha... Chúng tôi hết tin rồi, hàng ngàn vạn con em chúng tôi đứng xếp hàng cho bọn Hàn Quốc, Trung Quốc xem xét định giá phân loại kiểu như mấy câu tục ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng: khô chân gân mặt, đắt mấy cũng mua, gà trắng chân chì, nuôi chi giống ấy. Tệ hơn nữa, tậu trâu thì xem lông xem khoáy, tậu vợ thì vén váy xem... bề hê... he he hê...
Tại sao có một bài toán đơn giản như thế này mà chúng tôi lại bỏ qua nhỉ? Con em chúng tôi lớn rồi, đã đến tuổi ngực cau nhu nhú rồi, trượt cái đại học hay cao đẳng chi chi đó, đất thì bán rồi, tiền cầm rồi, làm chi để sống bây giờ? Đằng nào cũng xếp hàng cho bọn ngoại bang lật lên, lật xuống như xem mớ rau, con cá. Chúng tôi "đầu tư" thêm cho chúng, vay mượn, giật tạm họ hàng, bạn bè lo lót cái suất đi Tây. Mà thời ni cái chuyện sang Tây nó nhỏ như con muỗi, cứ có "xiền" là vọt. Sang đấy, chúng sẽ tự lo lấy cái bản thân, rồi người đi trước sẽ dẫn dắt người mới sang. Trời sinh voi, trời sinh cỏ, trăng đến rằm trăng tròn sợ đếch gì nhỉ. Nghe nói bên Tây có cái hội đồng hương xã cũng lên tới ngót 500 đứa kia kìa. Kệ chúng, là gái, chúng dặt dẹo ít lâu, vất vưởng ít lâu rồi bạn bè, anh em môi giới cho một thằng Tây, hoặc "thằng" đồng hương... già già một chút, hoặc đang sống hạnh phúc trong cái tổ ấm, bẫy họ, xin một đứa con. Rồi khi có bầu lôi cổ nó ra kí vào cái giấy chứng nhận sản phẩm là xong. Rồi hi hí... ha há...
Xin một thằng Tây hoặc đồng hương một đứa con.
Nhà nước Đức sẽ cấp cho cái giấy "Quyền ở lại" với bao nhiêu chế độ ưu đãi đi cùng cái quyền ấy. Này nhé, một mẹ một con được tiêu chuẩn một căn hộ với giá thuê nhà gần 500 eu rô, ngoài ra tiền để nuôi hai mẹ con với mức tối thiểu khoảng xấp xỉ 700 eu rô nữa. Thiếu cho một cuộc sống hoang phí, nhưng lại thừa cho cuộc sống tằn tiện, mà phụ nữ Việt Nam ta vốn có tính tần tảo, tiết kiệm. Rồi thì với số tiền ấy, cộng thêm cấu xé, vặt vãnh. Thí dụ đằng nào cũng nuôi con, trông thêm một đứa trẻ nữa để bạn có cùng cảnh ngộ như mình đi làm, thừa đủ cho chuyến về thăm nhà hàng năm của hai mẹ con. Đấy, bài toán bước đầu hết sức đơn giản như vậy, sao chúng tôi không tính nhỉ. Những khái niệm đạo đức cổ truyền ư? Xin lỗi cám ơn, chào nhé! Thử hỏi, hoa hậu chân dài, đại gia chân ngắn con cháu các ông cứ thay bồ như thay áo, tại sao lại bắt con cái chúng tôi vào khuôn, vào phép... hão quá. Các ông có chính sách giáo dục vĩ mô, mà sao để tình dục (tình hình giáo dục) nước nhà lởm khởm, nham nhở thế? Thôi thì chúng tôi cứ tự cứu lấy mình trước. Các cụ dạy rồi, lẳng lơ thì cũng ra ma, chính chuyên thì cũng khiêng ra ngoài đồng. Con cái chúng tôi sang đấy, chúng tôi không phải lo gì. Mà thỉnh thoảng chúng còn gửi tiền về cho chúng tôi, thuê người sắc thuốc đấm bóp đấy, sướng chưa? Vẫn biết là chúng không yêu đương gì, không tìm hiểu gì chỉ "ập vội" vào một đối tượng nào đó kiểu chuồn chuồn dúng nước để xin đứa con. Rồi các Liền anh, Liền chị lập tức hát câu "Giã bạn" ngay sau khi sản phẩm ra đời (có khi còn đang có bầu)... Những đứa con ra đời kiểu ấy sẽ thiếu hụt rất nhiều thứ, có khi hệ lụy hỏng cả một thế hệ. Chúng tôi biết cả đấy. Nhưng xin hãy làm gì cho những đứa em gái chúng tôi đang ở nhà khỏi phải bước tiếp gót chân chúng tôi, chứ đừng vận động, học tập nữa. Biết rồi, khổ lắm... nói mãi.

Mehrere Frauen mit Kinderwagen und Kindern vor einem Stadtcafé; Rechte WDR (TV-Bild)
Tại "Bến không chồng" này luôn có cả một đám đông phụ nữ Việt Nam bên cạnh những chiếc xe đẩy, với những đứa con lai và không lai...(Hình minh họa: Internet) 
Cái chung cư mà rất nhiều phụ nữ Việt đến ở là bởi xa trung tâm, việc thuê nhà dễ, nên tiếng lành đồn xa, bạn bè mách nhau quần tụ về đây để mỗi khi tắt lửa tối đèn, giúp nhau. Các nơi khác gần trung tâm hơn thì khó thuê. Chủ nhà ngại những người ăn trợ cấp xã hội, không muốn cho thuê, cho dù tiền thuê đã được Sở xã hội trả thẳng cho chủ nhà. Rồi còn hàng ngàn lí do khác để chủ nhà tránh những đối tượng này như tránh nạn dịch: họ nghèo, hay phá bĩnh, họ nhiều thời gian đồng nghĩa luôn với việc ăn tàn phá hại, là nơi những ổ dịch bệnh (cờ bạc, chích choác...) dễ phát sinh. Nếu mùa hè nắng đẹp, các bạn đến cái chỗ có tên "Bến không chồng" này, đài phun nước rào rào, cả một đám đông phụ nữ Việt Nam bên cạnh những chiếc xe đẩy, với những đứa con lai và không lai và cả những phụ nữ bụng bầu sắp cho ra đời những đứa bé có tên thuần Việt như Tèo, Tí, Nụ, Bưởi... hoặc những cái tên nửa ta, nửa tây như David Nguyễn, Kevin Trần, Julia Vũ... nói chuyện râm ran, lúc hỉ hả lúc rười rượi.
Các bạn hãy cởi mở, hãy thông cảm chia sẻ với họ những câu chuyện tình, chuyện đời bên canh cái máy CD-Player luôn phát ra bài hát "Hit" của đôi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly: "Sao em (anh) nỡ đành quên... " sẽ khối điều thú vị đến rơi nước mắt.
Berlin, 03.11.2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog