Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Thanh niên và Cổ Ngư

Bài này Góc nhỏ post lại không vì món "canh gà" mà vì tên một con đường, con đường Thanh Niên ở Hà Nội.  Khi đọc bài viết ở blog Người Hiếu Cổ nhắc đến tên con đường Thanh Niên, nhớ lại cảm giác khi tôi hỏi con đường Cổ Ngư người ta không biết nó ở đâu, chỉ người lớn tuổi mới biết đó là con đường Cổ Ngư,  cho nên nhắc đến chuyện xưa có những câu thơ cổ, mà không biết về lịch sử của một nơi chốn, thì con cháu về sau cũng chẳng hiểu đâu vào đâu, rồi sẽ lại có những câu chuyện như canh gà Thọ Xương, bởi ngày xưa có lẽ con đường Cổ Ngư còn có cảnh như trong đoạn văn của Hoàng Đạo Thuý, chứ ngày nay khó có thể tìm thấy điều ấy ở con đường Thanh niên ấy nếu tôi không lầm.  Cách nay 12 năm tôi thấy nó đã xô bồ bụi bặm lắm rồi.   
Bao nhiêu con đường, địa danh đã bị thay đổi, rồi đây các thế hệ sẽ rất khó khăn để nối kết những liên hệ với nhau qua những câu thơ, bài văn c, phải chăng? 


“Canh gà Thọ Xương” có thực sự là món súp gà hay không? 
Blog người hiếu cổ - Thời gian gần đây, nổi cộm trên các phương tiện thông tin đại chúng là chuyện cô giáo dạy cho các em học sinh câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương” rằng: “Canh gà Thọ Xương là món ăn nổi tiếng, đặc sản của làng Thọ Xương”. Ngay khi tin này được đăng thì dư luận đã có những phản hồi vô cùng quyết liệt, rằng cô giáo dạy sai. Ngay sau đó tôi lại đọc được thông tin rằng cô giáo đó đã bị đánh nhập viện!!!


Tôi trên những hiểu biết cá nhân thì thấy quả thực cô giáo này không đáng phải chịu búa rìu dư luận lớn đến vậy. Vì sao? Vì cô ấy quả thực đã sai, nhưng cái sai đó lỗi không hoàn toàn ở cô ấy…

Dưới đây, tôi xin viết đôi điều để bạn đọc có cái nhìn đúng đắn hơn về bài “ca dao” có cụm từ “canh gà Thọ Xương” gây tranh cãi:
Bài “ca dao” gây tranh cãi trên thường được biết đến với nội dung:


“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” (A)
Hoàn toàn ta thấy đây là một bài tả cảnh Hà Nội với các địa danh: chùa Trấn Vũ, ngõ/huyện Thọ Xương, làng Yên Thái (An Thái), và Tây Hồ. Tuy nhiên ngay về vấn đề văn bản của bài này đã là vấn đề không rõ ràng rồi, các sách giáo khoa cũng như các sách lịch sử văn học tôi cũng chưa thấy ghi rõ. Vì vậy, việc xác định văn bản học của bài thơ này chủ yếu dựa vào những ghi chép của các thế hệ đi trước. Trong cuốn sách “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” của Hoàng Đạo Thúy[1] có ghi chép khung cảnh Hà Nội:
"Những buổi sớm tinh sương mùa đông, khách dạn sương đi trên đường Thanh Niên không thấy trời, không nhìn rõ mặt nước, trên đầu cành lá rũ nặng giọt, bên trái lung linh ánh trăng úa hạ huyền; lúc ấy lòng lâng lâng, không ngâm mà cũng như ngâm câu thơ cổ: Phất phơ ngọn trúc trăng tà... Gà xóm bên hồ đã gáy, chuông hồi đã đổ dồn, đồng bào Bưởi đã dậy giã dó từ lâu. Mặt trời mới hé trên đê Yên Phụ mở ra một tấm gương phẳng lặng rắc phấn hồng
Qua mô tả của Hoàng Đạo Thúy, ta dễ dàng thấy được nội dung trùng khớp với bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê (1839 - 1902) với nội dung:
“Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái, mảnh gương Tây Hồ”[2] (B)
Vì vậy, “canh gà” ở đây không nói đến món canh/súp gà. Tôi cũng nghe một số biện giải của nhiều người là nghe kể ngày xưa ở Thọ Xương cũng có món canh gà nổi tiếng, nhưng đa phần đều là tư biện và không có căn cứ.
Tạm gác chi tiết “canh gà”, ta đi vào tìm hiểu một chút diễn biến văn bản của bài thơ này.
Sách Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm[3] , Dương Thiệu Tống là cháu của Dương Khuê có ghi dòng nhận xét về câu lục mở đầu: "Có người đã sửa đổi câu thơ này là Gió đưa cành trúc la đà, nhưng có lẽ là sai vì làm mất đi ý nghĩa ẩn dụ của toàn câu mà chỉ có ý nghĩa tả cảnh mà thôi".
Vấn đề nảy sinh ở đây là: Ai đã sửa câu lục trong bài thơ này thành “Gió đưa cành trúc la đà”?
Tôi liên tưởng tới một bài thơ khác tả cảnh Huế khá giống bài thơ của Dương Khuê là:



“Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Thuyền về xuôi mái sông Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay” (C)
Bài thơ này cũng đã được phổ thành nhạc trong bài hát “Thương về cố đô” của nhạc sĩ Châu Kỳ, khi đó bài thơ này đã được công nhận như một bài ca dao trong kho tàng Văn học dân gian Bình Trị Thiên (1987), nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ dùng nó như một chất liệu sáng tác mà thôi. Một hồi tìm kiếm, tôi mới thấy hai câu thơ đầu xuất hiện trong cuốn hồi ký “Mười ngày ở Huế”[4], nói về quãng thời gian ở Huế của học giả Phạm Quỳnh. Trong đó có viết một đoạn tả cảnh Huế như sau:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế.” (Phần IV)
Như vậy là học giả Phạm Quỳnh đã dùng ý tứ của thơ Dương Khuê để viết lại cho hợp với cảnh và địa danh ở Huế, có chùa Thiên Mụ và có làng chài Thọ Xương (còn có tên là Thọ Khương, Thọ Cương, Long Thọ). Chúng ta có thể đưa ra phán đoán:
-         Hoặc là Phạm Quỳnh viết dựa trên thơ Dương Khuê
-         Hoặc là sử dụng chất liệu văn hóa dân gian bản địa
Nhưng dù là trường hợp nào thì văn bản (C) cũng là một chi tiết quý giá.
Vì thế, bản (A) có thể được phán đoán bằng sự “lai” giữa hai bản (B) (C).
Cũng qua các chi tiết trên, mảy may không hề thấy chỗ nào đề cập đến món canh (súp) gà Thọ Xương. Hơn nữa, chúng ta cần hiểu logic bài thơ tả cảnh, đang có gió, có cành trúc, có tiếng chuông, có nhịp chày giã giấy, có mặt nước hồ long lanh, dẫu có thêm món canh (súp) gà vào cũng thật là vô duyên và không hợp lý.



[1] Cuốn đầu in bởi Hội văn nghệ Hà Nội năm 1969, tái bản nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010
[2] Trích lại tài liệu theo bài của Vô Ưu trên http://www.baomoi.com
Dẫn theo Trần Trung Viên trong Văn đàn bảo giám, cuốn 3, NXB Nam Ký, Hà Nội, 1926; Mặc Lâm tái bản, Sài Gòn, 1969, trang 159; tài liệu do nhà phê bình Đặng Tiến cung cấp. Trong Thơ văn Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên, cũng viết như vậy.
[3] Dương Thiệu Tống, Tâm trạng của Dương Khuê và Dương Lâm, Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 2005.
[4] Quý vị độc giả có thể đọc toàn văn hồi ký “Mười ngày ở Huế” tại Blog của Phạm Quỳnh ở địa chỉ:
Hoặc: Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, Nxb. Văn học, H.2001

Read more: http://nguoihieuco.blogspot.com/2012/10/canh-ga-tho-xuong-co-thuc-su-la-mon-sup.html#ixzz29tgjsrco




Theo web Dũng Lạc


ĐƯỜNG CỔ NGƯ HAY LÀ ĐƯỜNG CỔ NGỰA?


   Hồi còn nhỏ, vì ở gần, nên vào những dịp thuận tiện, nhàn rỗi, tôi vẫn thường cùng chúng bạn đạp xe rong chơi trên con đường Cổ-Ngư, một con đường tương đối ngắn, nhưng rất đẹp nằm về phía bắc thành Hà-Nội.
          Con đường khởi đầu từ đền Quan-Thánh, một bên là Hồ Tây, một bên là hồ Trúc-Bạch kéo dài ra mãi tận bờ sông, khoảng giữa có ngôi chùa Trấn Quốc, từ đó cuộc đất phình ra, rộng rãi, sạch sẽ như một vườn hoa, thường có mấy gánh hàng quà rong túc trực, đợi chờ…
          Ở đây ngày cũng như tối, nào là bánh tôm chiên ròn cắt từng miếng nhỏ, bằng kéo, vàng tươi, để trên đĩa rau sống ; Nào là bò khô, ướp ngũ vị hương, ăn với đu đủ xanh bào nhỏ như sợi bún, tưới thêm chút dấm chua, tương ớt, vài lá húng quế… Oi chao !!! Bây giờ hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay, nghĩ tới vẫn bắt thèm…Chẩy nước miếng !
          Khách thăm khu đất này không phải chỉ toàn đám con nít chúng tôi và các món ăn chơi ( thực ra là ăn thiệt! ) vừa kể, mà còn có một nhà cho thuê thuyền với những cánh buồm đủ mầu sắc rực rỡ dưới bến, có những cây bàng xòe tán rộng, thảm cỏ xanh mướt như nhung…hấp dẫn những cặp trai thanh gái lịch hò hẹn nhau ra cùng ngồi nhìn nước hồ, hứng gió, nói chuyện tương lai…
          Mỗi lần rong chơi, nói cho ngay, bọn trẻ chúng tôi chỉ muốn giết thì giờ, có một khoảng thời gian cùng nhau thôi, chứ đã qua lại không biết bao nhiêu lần rồi, những cảnh, những tình ở đây đối với chúng tôi chẳng còn xa lạ gì.
          Cho nên chương trình chỉ là phụ, hoặc nói đúng ra là không có, hầu hết lần nào cũng thế, trước là tụ tập nhau, ghé vào quán Trấn-Vũ, nơi có tượng thánh Trấn Vũ trong đền Quan-Thánh… vậy là tiện lắm vì đền Quan Thánh đang ngay trên đường đi, rồi mới tới chùa Trấn-Quốc xa xa bên phía Hồ Tây…
          Đền Quan-Thánh (#6) tọa lạc ngay ngã tư góc phố, để giảm bớt sự ồn ào, tấp nập, cát bụi thị thành, đền đã được bao bọc bằng những bức tường gạch cao. Đó là một vị trí không mấy thích hợp, nhưng bù lại, hướng đền nhìn về phía Hồ Tây, người ta gọi thế đất này là Minh Đường Thủy Tụ, rất tốt! Đình chùa có thế đất này thì linh thiêng, nhà phố có thế đất này thì làm ăn thịnh vượng.
          Bước chân vào khỏi cổng đền, là tới một sân rộng lát gạch, hai bên có những hàng cây cổ thụ, cành lá xum xuê, khiến cho bầu không khí phần nào yên tĩnh trở lại, khách vãng cảnh nghe tiếng chim ríu rít trên cành như tạm quên những hình ảnh phồn hoa vừa đập vào mắt ở bên ngoài.
          Qua vuông sân gạch, ngay bên trong, xừng xững một pho tượng thánh Trấn-Vũ bằng đồng đen thật lớn. Đây là một công trình mỹ thuật cổ truyền  rất đáng kể ở Bắc Việt. “Tượng này tạc vị thần ngồi, tay trái giơ một ngón trỏ lên như đang làm phép, tay phải tỳ vào thanh kiếm, chung quanh có cuốn con rắn và dựa trên mai con rùa.” Tượng thánh Trấn-Vũ cao đến 9 thước ta, chu vi 8 thước 7 tấc, nặng 6 ngàn 6 trăm cân!
          Có người nói là pho tượng này do vua Thiệu-Trị cho đúc rồi cúng vào đền, nhưng thiết nghĩ, sự thực không phải như vậy. Pho tượng ấy có từ thời nhà Lê, khi Thăng-Long còn là kinh đô, tấm bia đá trong đền và các sách cổ như Long Thành Dật Sử đều ghi chép rõ ràng. Lại nữa, Hoàng-Lê Nhất-Thống Chí của Ngô Thời Chí cũng đề cập tới qua một đoạn ngắn như sau:
          “Bây giờ tiền bạc trong nước phần nhiều thì bị các nhà giầu giấu cất, nhân dân rất khổ vì nạn khan tiền. Vật giá đắt lên vòn vọt. Chỉnh bèn xin vối triều đình ra lệnh thu hết tượng đồng các chùa đem về kinh đô mở lò đúc tiền…Duy có pho tượng đồng đen ở Quán Trấn-Vũ phía bắc kinh thành chúng không dám lấy mà thôi!”
          Vì sao bọn Nguyễn-Hữu-Chỉnh không dám lấy pho tượng thánh Trấn-Vũ nhỉ ? Có thể là pho tượng quá nặng, không đủ phương tiện mang về kinh đô, cũng có thể vì sự linh thiêng chúng đã biết nên chẳng dám đụng tới.
          Theo Tây Hồ Chí thì “Tích cũ truyền rằng, khi xưa, yêu, hồ, cùng lũ rắn, rùa làm hại nên đê sông Nhĩ thường vỡ. Nhà vua lập đàn cầu đảo… Huyền Thiên Trấn Vũ Chân Quân (còn gọi là Huyền Đế) giáng trần tại đó, rồi sấm xét, giông bão nổi dậy, yêu quái tuyệt tích, sông nước bình yên.
          Thấy vậy, nhà vua ban sắc dựng đền thờ ngay nơi thần giáng hiển đạt đó là Trấn-Vũ-Quán. Quán xưa nằm ở trong hoàng thành, năm 1472 vua Lê Thánh Tôn vì cần mở rộng cung điện nên mới di đền ra vị trí hiện nay.”
          Con sông được gọi là sông Nhĩ (không phải sông Nhị) vi` no’ đã uốn khúc vòng vòng như vành tai chung quanh Hà-Nội, và cũng vì thành phố Hà Nội nằm trong chu vi của một khúc sông Nhĩ nên đã được gọi là Hà-Nội (bên trong giòng sông.)
          Sau khi thăm đền Quan-Thánh, ít ai không tới vãng cảnh chùa Trấn Quốc vì hai thắng tích này rất gần nhau. Cư tiếp tục đi trên đường Cổ-Ngư về phía bờ sông chẳng bao xa, ở bên tay trái, bên Hồ Tây sẽ gặp chùa Trấn-Quốc .
          Chùa Trấn Quốc có thờ pho tượng phật Thích Ca nhập Niết bàn (phật nằm) rất độc đáo và hiếm có của nước Việt-Nam ta. Hồi đầu triều Lý chùa có tên là Khai-Quốc; Trước nữa lại gọi là chùa An-Quốc. Nhưng dù mới hay cũ, tên gọi ngôi chùa thời nào cũng đều nói lên được  sự quan trọng và lòng tôn kính của nhân dân đối với ngôi chùa biết là chừng nào!
          Nguyên trước kia, chùa tọa lạc ở bến Yên Phụ, trên bờ sông Nhĩ phía ngoài đê (5). Về sau, năm 1615 sợ bờ sông bị lở đổ mất ngôi chùa danh tiếng nên bà con thành Thăng-Long giỡ chùa vào cất nơi vị trí hiện tại (4) góp phần làm cho khu vực Hồ Tây trở thành một nơi thắng thưởng, giống như vườn Phù-Dung của  Đường Minh Hoàng…để những lúc bình minh, những buổi hoàng hôn, với tia náng nghiêng nghiêng, sóng nước lăn tăn, xa xa ngọn núi Tản Viên mờ ảo…cảnh chùa thật thơ mộng, man mác !
           Chùa Trấn-Quốc đã được Lý-Nhân Tông và Ỷ-Lan thái phi tới vãng cảnh nhiều lần, sau đó có thời ở vị trí hiện tại lại được dùng làm hành cung để mỗi tháng chúa Trịnh ra chơi chừng vài ba lần. Thơ của Bà Huyện Thanh Quan cũng có bài tả cảnh chùa, có câu “Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu.”. Hành cung được gọi là Trấn-Bắc vì nằm về phía bắc thành Hà-Nội.
          Kể từ năm 547, ngôi chùa xây dựng bởi Lý-Nam-Đế, sau bao lần trùng tu, di chuyển, công trình kiến trúc này vẫn được coi như rất cổ, có lẽ chỉ thua chùa Dâu một khoảng thời gian chẳng bao xa…
          Sau khi vãng cảnh chùa Trấn Quốc, khách nhàn du có thể tới đê Yên-Phụ, quẹo sang phía tay trái, về phía tây tới Quảng-Bá, Nghi-Tàm, tắm sông
Hoặc là rẽ về phía tay mặt tới Yên Hoa (8), Yên-Thành, Yên-Quang nơi gần đấy trước kia có Mã-Đầu hồ, một cái hồ nhỏ (9) chu vi trông giống cái đâu ngựa. Về sau hồ Đầu Ngựa cũng được lấp đầy và ngày nay không còn vết tích gì của hồ xưa nữa cả.
          Còn nhớ từ lâu, đọc cuốn Lều Chõng của Ngô-Tất-Tố, đến đoạn kể mấy người học trò dự thi ở Hà Nội, trong khi chờ xem bảng yết danh, đã rủ nhau đi chơi Hồ Tây, có đoạn tả như sau:
          “Rồi đó ai nấy đội khăn, mặc áo kéo thẳng lên nẻo Cửa Bắc và rẽ sang đường Cổ-Ngựa, lúc ấy cây cối đã đương đổi lộc, quanh hồ như vẽ một cảnh tiêu sơ, sau khi thăm Quán Trấn-Vũ cả bọn đủng đỉnh sang chùa Trấn-Quốc.”
          Xem qua tôi tự nghĩ, đường Cổ-Ngựa là đường nào kìa! Đường từ đền Quan-Thánh đến chùa Trấn-Quốc là đường Cổ-Ngư (độc đạo). Mấy người học trò trong truyện Lều-Chõng đã rẽ sang đường Cổ-Ngựa để thăm Quán Trấn-Vũ và rồi đủng đỉnh tới chùa Trấn Quốc…Vậy thì từ xưa, đường Cổ Ngư dám chính là đường Cổ-Ngựa lắm !
          Vả lại, cổ ngựa có lý hơn chứ cổ ngư chẳng có nghĩa gì cả. Cổ ngư là cổ con cá, mà cá thì làm gì có cổ !!!
          Nước Việt-Nam xưa không có nhiều thành phố lớn và hình như chưa có thói quen đặt tên các danh nhân, lịch sử cho đường đi…nên thường thấy đã gọi tên tùy theo những tính chất đặc thù của con đường.
          Có thể chính vì vậy mà con đường cộng với phần đất  phía bờ sông trông giống cái cổ ngựa thì mọi người quen gọi là đường Cổ-Ngựa. Con đường nằm dọc theo bờ tường gạch cao vút, kín mít của Hỏa-Lò nơi có biệt danh là The Hanoi Hilton,  thì có tên là đường Hỏa-Lò. Con đường có nhiều lò rèn làm dao, kéo, cuốc, xẻng đó là phố hàng sắt, lúc nào cũng rộn rã tiếng đập trên búa dưới đe…inh tai.
          Về sau vật đổi sao dời…như phố Hàng Lọng mà chẳng thấy có người thợ nào dùng những cuốn sách chữ nho cũ bằng giấy bản để bồi thành những cai tàn, cái lọng bầy bán; Phố Hàng Bông Thợ Nhuộm bấy giờ (Những năm 1954 về trước) lại thấy có tiệm thịt bò, nhà nhập cảng xe hơi Peugeot, nhà trồng răng Minh Sinh…
          Vấn đề tên gọi con đường Cổ-Ngư tưởng nói như vậy là tạm ổn rồi! Vì từ Cổ Ngựa biến thành Cổ-Ngư thì cũng dễ giải thích nhu từ nhà Trắng hóa ra Nha-Trang; Phai Phố trở nên Fai Foo vân vân và vân vân.
          Tuy nhiên về sau tôi lại được một vị cao niên cho ý kiến là Cổ-Ngư không phải xuất xứ từ Cổ-Ngựa mà từ Cố-Ngự!
                      Trên đê Cố-Ngự,
                      Nhớ chữ đồng tâm
                      Hỡi cô đội nón ba tầm
                      Có về chợ chính hôm rầm lại sang
                      Phiên rầm chợ chính Yên Quang
                      Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua!
          Và câu chuyện lại có một ngã rẽ khác, như sau:
          Trước thế kỷ 17 Hồ Tây và hồ Trúc Bạch là một hồ. Chưa có đường Cổ-Ngư. Khi chùa Trấn Quốc được rời vào vị trí hiện thời thì người ta cũng đắp một con đường nối đê Yên-Phụ, từ Yên-Hoa, với phường Khán-Xuân (7)
Có một tấm bia đời nhà Lê niên hiệu Nguyên-Hòa đặt trong chùa Trấn-Quốc ghi rõ việc này và con đường được nói đến là một cố ngự yến! Cố ngự là kiên cố ngăn giữ; Yến là con trạch, con đê nhỏ. Con đê này được đắp nên nhằm nhiều mục đích, thứ nhất ngăn giữ cho đê Yên Phụ thêm phần vững chắc, thứ nhì làm lối đi về cho khách vãng lai thăm viếng chùa Trấn-Quốc đồng thời cũng tiện lợi cho người dân qua lại hai bên bờ hồ.
          Như thế, từ Cố-Ngự Yến con đường dần dần được gọi là Cố-Ngự và từ Cố-Ngự, lại theo “luật” tam sao thất bản bây giờ nó đã trở thành đường Cổ-Ngư!
          Vậy còn vấn đề “đường Cổ Ngựa” trong cuốn Lều Chõng thì giải quyết làm sao ? Không lẽ Ngô-Tất-Tố viết sai! Tôi chắc chắn Ngô-Tất Tố chẳng thể nhầm lẫn! Đây có thể nhiều phần là lỗi sơ xuất cẩu thả của thợ sắp chữ,  thầy cò. (Sự sơ xuất này có khi gây ra chuyện dở khóc dở cười, thật khổ tâm cho tác giả thí dụ một bài thơ nói về xứ Huế trên tờ nguyệt san thuở nào có nhan đề là Bên Bờ Nam Hải đã trở thành Bên Bờ Năm Hợi chẳng hạn…)Và nếu đúng vậy thì người viết hơi áy náy bởi đã làm mất chút thời giờ của độc giả. Tuy nhiên, mặt khác,cũng mong mọi người niệm tình thông cảm cho…và phải công nhận là nhờ đó mới có bài tiểu luận này, bài tiểu luận đã gợi  lại đôi ba hình bóng quê hương; Nhắc nhở đến một vài sự tích có tính dân tộc sau năm mươi năm “tôi xa Hà-Nội”.
          Tóm tắt, Cổ-Ngư phát nguyên từ Cổ-Ngựa hay từ Cố-Ngự đều chẳng mấy quan trọng, nhưng, dù nhỏ hay lớn, cũng nên tìm hiểu cặn kẽ để xác định minh bạch nếu có thể được. ”Cái gì của Caesars thì trả cho Caesars”.    Song cũng may, khách quan, phải công nhận, đây là vấn đề không quá phúc tạp nhiều ẩn tình, như  chuyện mờ ám chính trị thí dụ “Ai giết tổng thông Ngô-Đình-Diệm?”. Hoặc  sự thiếu sáng tỏ trong văn học sử mà bây giờ có người đang cố gắng gom các tài liệu, bài viết in thành sách: “TTKH nàng là ai ? “ , nên ta dễ cùng nhau chấp nhận kết quả sau khi nêu ra những dữ kiện xác thực
          Viết lan man, có vẻ sắp lạc đề, nay xin trở lại, đến đây tên con đường đã được truy nguyên, làm sáng tỏ rõ ràng. Có điều muốn kể, như đã nói sơ ở đoạn đầu là con đê Cố-Ngự thật đẹp! Vì hai bên lề không có nhà cửa phố xá, chỉ toàn những gốc bàng xếp hàng cách quãng đều đặn, bờ cỏ xanh in bóng nước hồ…tất cả cảnh vật dản dị một cách thiên nhiên ấy đã xếp đặt tạo thành những nét cong cong rất mơ mộng, nên thơ…
          Con đường lại nằm trong một khu vực với nhiều di tích lịch sử và huyền thoại như người Tầu đã giấu vàng trong tượng thánh Trấn-Vũ, tích lũy ở đó rồi thỉnh thoảng mới dùng bùa phép lấy ra chuyển về Trung-Hoa…
          Sách Địa Cảo cũng kể rằng xưa kia có con trâu vàng trong núi Lạn-Kha, khi nghe tiếng chuông ở đền Quan-Thánh, nó tưởng là tiếng kêu của mẹ nó, nó vội vàng lồng tới, nhưng khi biết chẳng phải, bèn ẩn mình nằm trong Hồ Tây!
          Gần Hồ-Tây có làng Tây Hồ được đời nhắc nhở mãi vì là nơi cư ngụ của người đẹp Nguyễn-Thị-Lộ, “Em ở Tây Hồ bán chiếu gon!”, em đã làm mê mệt Quan-Phục Hầu Nguyễn Trãi và cũng là nguyên nhân gây nên một vụ án thương tâm u uất trong lịch sử nước nhà! Hai người gặp nhau lần đầu ở đâu nhỉ ? Hồi đó chưa có đường Cổ-Ngư, có thể vào một buổi chiều ngày rằm ở Yên-Quang khi tan chợ em về…
          Với giới hạn như tiêu đề, tôi xin dừng lại ở đây mặc dù nói về Hà-Nội thì còn nhiều di tích, thắng cảnh gắn liền với lịch sử rất đáng kể…nào là chùa Một Cột, gò Đống Đa…nào là phường Khán Xuân với Cổ Nguyệt Đường của Hồ Xuân Hương…và dù trải qua biển dâu đến mấy, hà-Nội vẫn là nơi ngàn năm văn vật. Hà-Nội nói chung và con đường Cổ-Ngư nói riêng đã khiến cho những người từng có một thời sống ở đó, bây giờ dù phiêu bạt nơi đâu, giữa những lần miệt mài với hiện tại thể nào cũng đôi lúc thấy lòng vương vấn, ray rứt, không thể nào quên được.
Tác giả: Nguyễn Phú Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog