Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Như chưa hề bỏ nước ra đi, tỵ nạn

Lâu lâu tôi phải tìm xem các phim bộ cho ba tôi xem ở Youtube, nhưng ba tôi thì không thích xem VN, vì khung cảnh bây giờ trong phim thường có bối cảnh những gia đình giầu có, có vẻ khoe khoang một xã hội có khi là giàu hơn cả những xã hội tư bản khác, cứ nhìn những bộ bàn ghế, những cánh cửa bằng gỗ khắc tinh xảo đù biết là VN đã phải đốn bao nhiêu cái cây trên rừng, trong khi ngoài đời còn đầy dẫy cảnh ngộ nghèo khó khác. Một điểm đặc biệt là những phim VN sau này hình như có kèm thêm một hai nhân vật "Việt Kiều" mà ở đó mô tả quá khứ các nhân vật này là những người thuộc băng đảng tội phạm làm ăn bất hợp pháp nên phải trốn ra nước ngoài, rồi trở về như một Việt Kiều hay là một VK là tội phạm ở nước ngoài trở về để mở đường kinh doanh trong nước.  Đại khái là vậy. Không có một Việt Kiều nào bỏ nước ra đi tỵ nạn nay trở về công thành doanh toại để giúp đất nước (hay có mà tôi chưa xem thấy chăng?).  Dù rằng cũng có một số VK đã trở về được nhà nước trao bảng vàng này nọ, được khen thưởng là khúc ruột chi đó, nhưng trong phim thì mô tả những VK là cặn bã dù bỏ đi hay trở về.  Vì thế mà ba tôi ngán không thích xem.  

Bây giờ đọc những bài báo nói về Khánh Ly "sẽ" về nước trình diễn, có một đoạn như sau mà không khỏi buồn cười như thể Khánh Ly chưa hề bỏ nước đi tỵ nạn CS,  Khánh Ly không đưa con cái đi, mà là đi theo gia đình sang định cư như là được ai bảo lãnh?  Một lối nói lừa bịp những người sinh sau 75, không hề biết hay quan tâm chuyện gì đã xảy ra trước vào những ngày tháng 1975, những người khó có thể hiểu tại sao đã có cả triệu người bỏ nước (xem ra tốt đẹp hiện nay của họ) ra đi và chết ở biển những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước.  Khánh Ly đã bỏ nước ra đi, đã cực khổ sống như một culi như  câu chuyện bà đã có lần kể, và bà đã vươn lên từ cuộc sống ấy.  Bà không hề theo gia đình sang Mỹ định cư như một số người sau này, bài báo cần phải trả lại lịch sử của một người một cách đúng đắn.  Đôi lúc tự hỏi nếu không có hàng vạn người liều chết ra đi ngày ấy thì ngày nay VN có được dể thở, kinh tế có lúc "thịnh vượng" như hôm nay không nhỉ?

"In 1975, Khanh Ly, along with thousands of Vietnamese refugees, crossed the Pacific Ocean and settled in America. Like many, she struggled to find jobs on American soil to provide for her four children. Even though the first few years were difficult, Khanh Ly's renowned status did not fade from the music world. Within the late 70s and throughout the 80s, Khanh Ly was invited back to Japan on numerous occasions by Nippon Columbia Label, Toci Film, and Japans largest television station to record and perform." (Khánh Ly)

Chứ không phải như cái đoạn văn tơ lơ mơ sau đây
 
"Sau năm 1975, nữ ca sĩ theo gia đình sang Mỹ định cư. Từ đó đến nay, bà về nước hai lần nhưng chủ yếu để thăm gia đình chứ không biểu diễn. Năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC của Anh ở Mỹ, Khánh Ly cho biết, về Việt Nam luôn là ước mơ nằm trong trái tim bà."


Câu chuyện chủ nhât - Khánh Ly biểu diễn tại Việt Nam? Tình, tiền và những nghịch lý
Lê Diễn Đức
Trước hết khoan vội vã nghĩ về nghĩa bóng với ý xấu nào đó trong tựa đề bài viết của tôi. Những từ ngữ trong tựa đề có vẻ giật gân nhưng tôi chỉ muốn nói tới ngữ nghĩa đen đích thực của nó.
 


Ảnh Khánh Ly chụp năm 2010  - foto: Ngọc Lan (báo Người Việt)
Tình...
Lên đường về Việt Nam (VN), trong hành trang của mình, Khánh Ly mang nặng chữ tình theo nghĩa rộng. Tình yêu quê hương; tình cảm với một quá khứ sống động thời tuổi trẻ ở miền Nam; tình yêu âm nhạc, nghệ thuật; tình cảm dành cho quần chúng hâm mộ trong nước; tình bằng hữu, đồng nghiệp; và những băn khoăn trước thái độ không mấy hài lòng của một bộ phận trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản (CS), mà Khánh Ly là một thành viên không thể tách rời.
Tôi chưa bao giờ có cái nhìn khắt khe với bất kỳ ai từ nước ngoài về thăm VN. Là người Việt ly hương, mong được trở về quê nhà, dù dưới bất kỳ lý do nào, làm ăn hay thăm thân, tôi đều cho là nguyện vọng chính đáng. Điều cần đánh giá là thái độ và việc làm của họ trong thời gian ở VN, cách ứng xử với nhà cầm quyền của chế độ CSVN, một chế độ mà họ đã tự nguyện trốn chạy, muốn đoạn tuyệt, dù đã phải đối diện với nhiều hiểm nguy, mất mát, thậm chí cả mạng sống.
Tôi cũng giữ quan điểm đúng mức, trung dung trong việc các ca sĩ từ nước ngoài về VN biểu diễn hay từ trong nước qua Mỹ, như là chuyện bình thường. Tôi đã chứng kiến người Việt ở Mỹ vui vẻ chào đón các ca sĩ từ miền Bắc qua như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Thu Hà, Thu Phương, v.v... Một số người cưới vợ, lấy chồng, sống hoà hợp và bình đẳng trong cộng đồng. Những trường hợp bị chống đối dường như rất ít và thường có lý do chính đáng, như Đàm Vĩnh Hưng, hay Hồng Vân. Chỉ khi thật sự đặt mình vào hoàn cảnh của những người căm ghét chế độ CS vì chế độ này đã gây ra bao nhiêu tai ương, tội ác cho họ và thân nhân, hiện vẫn đang tiếp tục chà đạp công lý và quyền tự do ở trong nước, thì mới có thể thông cảm và chia sẻ cho sự chống đối này. 
Khánh Ly không phải là người đầu tiên trong giới ca nhạc hải ngoại về VN và chắc chắn không phải là nguời cuối cùng. Trước Khánh Ly đã có Elvis Phương, Hương Lan, Chế Linh, Tuấn Ngọc, v.v... cũng là những ca sĩ đã được nhìn nhận ở đỉnh cao trong làng ca nhạc VN ở nước ngoài.
Khánh Ly thường nói "VN luôn nằm trong trái tim", chân thật và giản dị như với bao người VN khác sống xa đất nước. Trong thâm tâm, tôi mong muốn Khánh Ly bình yên, thanh thản về nước, thực hiện nguyện vọng chờ đợi từ rất lâu của mình và mang tiếng hát về VN cho những người hâm mộ.
Khi nói đến dòng tân nhạc miền Nam trước năm 1975 và của người Việt hải ngoại sau năm 1975, ca sĩ Khanh Lý phải là một trong những người nằm ở vị trí hàng đầu, có thể xem là ca sĩ số một, thể hiện xuất sắc nhất, có hồn nhất các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Khánh Ly không chỉ nổi tiếng với người miền Nam trước và sau năm 1975, mà tên tuổi và giọng ca của Khánh Ly đã vượt không gian, thời gian đến với hàng triệu người miền Bắc yêu thích các ca khúc trữ tình, những "bài hát da vàng" của dòng nhạc Trịnh.
Bỏ qua mọi định kiến, yêu, ghét, khó ai phủ nhận được Trịnh Công Sơn là khuôn mặt tài năng nổi bật trong di sản âm nhạc hiện đại của Việt Nam. Nếu toàn bộ tác phẩm của ông là đứa con nghệ thuật, thì Khánh Ly, có thể nói, do duyên phận và định mệnh, là một nửa cơ thể của đứa con tinh thần và nghệ thuật đó.
Hạnh phúc nhất của nguời nghệ sĩ chính là lòng mến mộ và quý trọng của đông đảo công chúng. Tôi không nhìn qua lăng kính chính trị hẹp hòi để đồng nghĩa chuyến lưu diễn của Khánh Ly tại VN với cách suy diễn dễ dãi, thiếu thiện chí như là sự phục vụ, hát cho chế độ CS nghe. Trong hoàn cảnh nào người nghệ sĩ cũng hạnh phúc khi thấy tiếng hát của mình có ý nghĩa cho cuộc sống, tài năng nghệ thuật có cơ hội thể hiện, cống hiến cho những người ái mộ, dù chỉ là một số nào đó trong những hoàn cảnh nghiệt ngã.
Công chúng hôm nay đến với Khánh Ly dường như chắc chắn không phải đến với giọng ca của một nữ ca sĩ đã ở tuổi 67. Họ đến với Khánh Ly trong con người bằng da bằng thịt, trong hình ảnh của huyền thoại "Nữ hoàng chân đất", "Nữ hoàng sân cỏ" với chất giọng trời cho "không giống ai", "giọng ca thật như nói", truyền cảm đặc sắc tâm tư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua những nhạc phẩm của ông.
Tôi tin rằng, từ Sài Gòn, Đà Nẵng, tới Hà Nội, bằng những lời ngợi khen công khai của số ít, hoặc bằng suy nghĩ của số đông thầm lặng, nhưng với tất cả công chúng, Khánh Ly là đứa con của miền Nam, là biểu tượng của một nền văn hoá và âm nhạc tự do của Việt Nam Cộng Hoà, mà nếu không có nó, sẽ đồng nghĩa với không có nghệ sĩ Khánh Ly nổi tiếng hôm nay. Nó cũng tương tự như hình ảnh của Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler. Nếu không được trưởng thành và hưởng một nền giáo dục tốt đẹp của nước Đức dân chủ tự do, trong chế độ CSVN một cậu bé mồ côi sẽ khó vượt qua được thân phận của "con sãi ở chùa lại quét lá đa".
Một hình ảnh đẹp và tự hào như thế của Việt Nam Cộng Hoà, trước công chúng, ngay trong lòng chế độ CS, giữa Hà Nội và Sài Gòn, há chằng phải là tuyệt vời sao!
Nếu không về lúc này, khi còn có thể hát, nguyện vọng của Khánh Ly trở lại hát trên quê nhà sẽ thui chột tỷ lệ nghịch với sự tăng lên của tuổi tác, là điều đáng tiếc cho cuộc đời của một nghệ sĩ tài hoa. Ca sĩ Thanh Tuyền cũng đã nói: “Khánh Ly đã 67 tuổi rồi. Cũng mong được về nước để hát trên mảnh đất quê hương mình. Chị ấy muốn về trước khi quá muộn”- (Giaoducnet.vn).
Tiền...
Có người vội vã nhận định về chuyến lưu diễn của Khánh Ly tại Việt Nam: "Money first!".
Tôi được biết, tour diễn của Khánh Ly sẽ được công ty Đồng Dao trả tiền cát-xê rất cao. Ngoài bao ăn ở đi lại, mỗi show của Khánh Ly được trả 20 ngàn đôla. Cho cả tour diễn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Khánh Ly sẽ thu được từ 100 ngàn tới 200 ngàn đôla, phụ thuộc vào số lượng show lớn nhỏ có thể thực hiện. Với mặt bằng cát-xê chung hiện nay, Khánh Ly nằm mơ không có được một số tiền lớn như thế ở Mỹ trên sàn diễn. Nó không chỉ hấp dẫn mạnh mẽ với Khánh Ly, một người không phải thuộc giới giàu có, mà với tất cả.
Khi đồng ý chi một số tiền lớn như trên, công ty Đồng Dao, nhà tổ chức, hẳn đã phải tính toán rất kỹ thành quả từ show diễn của Khánh Ly, ý thức rất rõ ca sĩ Khánh Ly sẽ cuốn hút số lượng người xem như thế nào. Số tiền lớn này có sức mạnh cám dỗ là đương nhiên. Có ai không thích tiền? Nhưng Khánh Ly hoàn toàn xứng đáng nhận nó, vì nó là thành quả lao động nghệ thuật mà Khánh Ly đã phải làm việc miệt mài và tích luỹ trong suốt 50 năm qua.
Nghịch lý...
Nhưng tất cả xem ra không đơn giản trong hỗn mang của các nghịch lý.
Trước hết phải nhìn nhận Khánh Ly là "persona non grata" của chế độ CSVN.
Khánh Ly đã hai lần bỏ chạy khỏi chế độ CS, lần đầu lúc còn bé theo gia đình vào Nam năm 1954, khi CSVN cai trị ở miền Bắc, và lần thứ hai di tản qua Mỹ, năm 1975, sau khi Sài Gòn bị thất thủ và CSVN cai trị trên cả nước.
Tâm trạng của Khánh Ly trong hai lần chạy trốn chế độ CS có thể mô tả qua nhạc phẩm "Xin đời một nụ cười" của nhạc sĩ Nam Lộc:
"Tôi bước đi
Vì không muốn làm kẻ tội đồ,
Vì tôi muốn lại kiếp con người
Muốn cuộc đời có những nụ cười
Tự Do ơi, Tự Do, em đổi bằng thân xác 
Vì hai chữ Tự Do ta mang đời lưu vong"...
Trong thời gian sống ở Mỹ, Khánh Ly đã tham gia rất nhiều chương trình văn nghệ chống cộng của hội đoàn người Việt. Với những nhạc phẩm "Đêm Việt Nam" của Hà Thúc Sinh, "Ai trở về xứ Việt" của Phan Văn Hưng, "Đêm Chôn Dầu Vượt Biển"của Châu Đình An, "Hát trên những xác người" của Trịnh công Sơn, v.v... Khánh Ly không làm nhà cầm quyền căm ghét mới là lạ.
Khánh Ly cũng đã từng tuyên bố "Tôi chỉ về khi không còn chế độ cộng sản nữa mà thôi”, theo tờ "Giaoducnet.vn" ngày 7/8/2012 trong bài "Sự tráo trở của Khánh Ly".
Lời tuyên bố của Khánh Ly rồi cũng nhạt nhoà theo những đổi thay và các biến động của thời gian. Khánh Ly đã về VN hai lần trong năm 1996 và 2000, về chơi thăm thú, chứ không phải về biểu diễn. Nhưng Khánh Ly duờng như bị "cấm cung" tại Đệ Nhất Khách Sạn, quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất, đi lại bị an ninh theo dõi, kiểm soát ngặt nghèo.
Cuối năm 1994, nhân chuyến lưu diễn Âu châu của các ca sĩ hải ngoại, trong đó Khánh Ly là nhân vật trung tâm, những bạn hữu tổ chức ở Đức đã phối hợp với chúng tôi ở Ba Lan, lần đầu tiên mời đoàn qua Ba Lan. Đại sứ quán CSVN tại Ba Lan lúc ấy đã ra chỉ thị cấm nghiên cứu sinh, đảng viên đi xem. Chúng tôi thuê Cung Văn hoá làm nơi biểu diễn, nằm ở trung tâm thủ đô Warsaw, thời cộng sản là nơi tổ chức các đại hội đảng hoặc hội nghị nhà nước. Cung Văn hoá chứa được khoảng ba nghìn chỗ ngồi hôm ấy kín hết. Bất chấp lệnh cấm của toà đại sứ quán CSVN, tôi nhìn thấy một số nghiên cứu sinh quen biết ngồi trong đám đông. Còn cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã dành cho các ca sĩ hải ngoại sự chào đón nồng ấm lạ thường. Khánh Ly nói chưa bao giờ được hát trên một sân khấu sang trọng như thế. Khánh Ly bị khán thính giả cuồng nhiệt "hành hạ" hát theo yêu cầu liên tiếp và tặng không biết cơ man nào là hoa, đến mức ba quầy bán hoa tại chỗ hết sạch, chúng tôi đã phải chạy ra ngoài tìm nguồn cung cấp thêm.
Sự kiện này cho thấy nhà cầm quyền CSVN không ưa thích Khánh Ly không chỉ trong nước mà còn vượt ra cả ngoài biên giới VN. Nhưng bên cạnh đó cho thấy dân miền Bắc cũng rất ái mộ ca sĩ này, bỏ qua mọi khác biệt về môi trường sống và nhãn quan chính trị.
Sự chuẩn bị cho cuộc hành trình về VN lần này chẳng mấy dễ dàng. Nguyện vọng của Khánh Ly về VN biểu diễn được nói đến gần hai năm nay. Lẽ ra nếu "cơm lành canh ngọt", Khánh Ly đã có thể về cùng chuyến với ca sĩ Chế Linh hồi cuối năm 2011, nhưng Khánh Ly chưa được nhà cầm quyền chấp thuận.
Trong số những người có công vận động nhà cầm quyền cấp giấy phép biểu diễn tại VN cho Khánh Ly, trước hết phải kể đến Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên. Ở đây cũng nói thêm, ông Khế là người được em gái của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, trao lại bản quyền của các tác phẩm nổi tiếng của anh trai mình, trả ơn ông Khế đã cứu chồng thoát án tử hình trong một vụ án. Trong chuyến lưu diễn của Khánh Ly, Nguyễn Công Khế sẽ được công ty Đồng Dao trả một số tiền bản quyền không nhỏ. Tất nhiên để lobby cho Khánh Ly, ông Khế không chỉ múa may bằng tay và nước miếng với các quan chức CS có thẩm quyền. Thế là ơn nghĩa sòng phẳng, có đi có lại, trong sự ràng buộc của cả cuộc chơi.
Với những nghịch lý nêu trên, từ việc nhà cầm quyền CSVN đồng ý cho Khánh Ly về VN biểu diễn, xuất hiện nhiều giả thiết, những ý kiến ủng hộ, chống đối cũng là hiển nhiên.
Giống như các trường hợp của Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, những người đã làm cho rất nhiều người trong cộng đồng tị nạn CS trên thế giới thất vọng, sự có mặt của nghệ sĩ Khánh Ly trên sân khấu tại Việt Nam, mặc nhiên nằm trong mong muốn của nhà cầm quyền CSVN cho chính sách tuyên truyền "đoàn kết dân tộc", "cởi mở" và nghị quyết 36 lừa mị và dối trá.
Khánh Ly về nước đúng vào thời điểm nhà cầm quyền CSVN đang sử dụng bàn tay sắt bóp nghẹt dã man nhất quyền tự do tư tưởng và bày tỏ chính kiến ôn hoà, bằng bản án 39 năm tù và quản chế cho ba bloggers Điều Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn, trong ngày 24/9 vừa qua. Một đồng nghiệp miền Nam của Khánh Ly, nhạc sĩ Việt Khang, đang ngồi tù chỉ vì viết những khúc ca yêu nước, chống bành trướng xâm lược Trung Quốc và lên án sự đàn áp tàn nhẫn, côn đồ của công an CSVN đối với những người tham gia biểu tình yêu nước. Hơn 150 ngàn chữ ký của cộng đồng người Việt gửi Tổng thống Barack Obama kêu gọi can thiệp trả tự do cho Việt Khang và các nhà tranh đấu dân chủ khác đang bị giam cầm, cũng như lời kêu gọi của chính ông và nhiều chính phủ các nước, của các tổ chức bảo vệ tự do báo chí, nhân quyền, đã chẳng mảy may động lòng trắc ẩn của những tên đao phủ CS Ba Đình.
Lời kết
Trong ngổn ngang của tình, tiền và những nghịch lý, về VN biểu diễn, ca sĩ Khánh Ly phải đối diện với bộ máy kiểm duyệt của chế độ, bên cạnh những mưu đồ, cạm bẫy khó lường khác, chắc chắn không bao giờ Khánh Ly có thể sống và thể hiện như một nghệ sĩ của tự do - nguồn cảm hứng quan trọng nhất của người nghệ sĩ. Tôi chia sẻ tâm tình của Khánh Ly rằng, "nhập gia tuỳ tục", vì chẳng thể nào khác, nhưng muốn hay không, mặc nhiên đây là sự thoả hiệp trên thế yếu, chấp nhận tinh thần tự do, khai phóng của nguời nghệ sĩ bị cầm tù!
Dù thế nào đi nữa, kể cả trên thế yếu, tôi mong rằng, Khánh Ly sẽ cố gắng giữ toàn vẹn hình ảnh của mình, hình ảnh cao đẹp của một biểu tượng văn hoá, nghệ thuật tự do của miền Nam, của Việt Nam Cộng Hoà, một quốc gia tuy không còn trên thực tế, nhưng đã tạo nên đứa con âm nhạc Khánh Ly. Rất nhiều người lính đã hy sinh xương máu cho sự tự do ấy, trong đó có người yêu của Khánh Ly. Nếu khác đi, môt bên sẽ là sự hả hê của những kẻ đã thành công lợi dụng hình ảnh Khánh Ly cho mục đich tuyên truyền bịp bợm, một bên khác là hàng triệu con tim trong cộng đồng người Việt tị nạn CS trên thế giới, đau buồn vì vết thương sau 37 năm chưa lành bị khoét sâu thêm.
Là người của công chúng, Khánh Ly giờ đây không thể thay đổi quá khứ và rũ bỏ nó, càng không thể cho phép bản thân chỉ sống cho riêng mình!
Lucius Seneca, nhà hiền triết La Mã, nghệ sĩ hài đương thời, một tên tuổi lớn của văn học La Mã, đã nói: "Nhiều người quan tâm đến danh tiếng, nhưng ít người chú trọng tới lương tâm".
Hy vọng rằng Khánh Ly sẽ đứng vào số nhiều vế trước và cả số ít vế sau của câu danh ngôn.
Xin cho tôi được bỏ vào hành trang của Khánh Ly lời ca của nhạc phẩm "Ai trở về xứ Việt":
"Ai trở về xứ Việt
Ta gửi về theo một ít tự do
Tự do, tự do và nhiều lắm, nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù chia bớt chút buồn lo"...
Được biết Khánh Ly là tay chơi phé có hạng ở California. Ván bài về VN kỳ này khó khăn và phức tạp hơn hai kỳ trước nhiều. Tôi hy vọng và tin rằng Khánh Ly không để hở bài và sẽ thắng.
Đừng ngộ nhận về bản chất độc ác, dối trá và cách cư xử tráo trở, bạc như vôi của chế độ CS và cũng đừng ảo tưởng về bất kỳ sự thay đổi bản chất nào của nó! Đừng để phạm sai lầm để rồi hối tiếc khi đã ở vào mùa Thu của cuộc đời, ca sĩ Khánh Ly ạ!
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog

Khánh Ly, con chim đầu đàn “Sơn Ca 7”
Khánh Ly, người nữ ca sĩ rất đặc biệt với công chúng người Việt Nam. Chị trưởng thành và nổi tiếng từ thời Việt Nam Cộng Hòa của miền nam, di tản vào dịp 30 tháng tư năm 1975 sang Mỹ và ở đó cho đến nay. Trong thế giới âm nhạc Việt Nam, chị cùng với nhạc Trịnh Công Sơn đứng ở một cõi riêng biệt, không chung đụng với dòng nhạc nào, cũng chẳng lẫn lộn với người khác, từ giọng hát đến cá tính…, và rất gần gũi với sinh viên và trí thức.
Sau năm 1975, người miền bắc biết đến danh ca Khánh Ly qua cuốn băng cassette “Sơn Ca 7”, chứa đựng một loại nhạc được gọi là “vàng”, bị cho là ủy mị và đồi trụy, bị cấm lưu hành và chỉ được phổ biến “chui”. Từ đó người miền bắc gọi ca sĩ Khánh Ly một cách thân quen là “Sơn ca 7”.
(Khánh Ly “Sơn ca 7” - Nguồn hình: BBC.co.uk)
Từ phía nhà nước Việt Nam, thông qua văn bản mà ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ phòng trà ca nhạc Đồng Dao đã công khai, thì ca sĩ Khánh Ly đã được cấp phép về Việt Nam hát. Ông Vương Duy Biên, thứ trưởng Bộ Văn Hóa, người cấp giấy phép ngày 24.09.2012, nói rõ là giấy phép được cấp sau khi đã xem xét và nghiên cứu kỹ. Chính thức là trước đó, vào tuần đầu tháng 8, cục quản lý nghệ sĩ A83 đã nhất trí đề xuất viêc câp phe´p cho Kha´nh Ly về biểu diễn ở Viêt Nam. Ông Nguyễn Thành Nhân, trưởng phòng Quản lý biểu diễn và băng đĩa của Cục Nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam nói: "Chúng tôi muốn thể hiện chính sách cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về Tổ quốc, có thể trở về biểu diễn cho đồng bào mình, ngay trên quê hương".

Sau 37 năm, nhà nước Việt Nam vừa có chủ trương để cho danh ca Khánh Ly về hát!
Khác với tất cả các ca sĩ khác - ngay cả với ca sĩ vượt biên Chế Linh - mọi người có thể về Việt Nam hát mà thủ tục cấp phép không rườm rà từ bộ phận nọ qua cơ quan kia. Trường hợp của ca sĩ Khánh Ly hết sức đặc biệt, cuối cùng thì trong “sổ bìa đen” ghi tên những nghệ sĩ hải ngoại chỉ còn trật lại một mình chị ấy, nữ danh ca Khánh Ly.
Ngoài xã hội, ca sĩ Khánh Ly là người ít nói, nhưng luôn thể hiện quan điểm chính trị của mình một cách rất rõ ràng. Chị yêu chuộng tự do và hòa bình, luôn đề cao nhân bản và quyền con người. Những người gần gũi với chị đều biết chị không phải là người chống cộng cực đoan, nhưng lại rất dứt khoát với sự độc đoán và áp đặt. Ảnh hưởng của Khánh Ly cũng theo hơi thở của chị đi sâu vào trong giới nghệ sĩ nói riêng, và ở ngoài công chúng nói chung. Cũng chính vì những điều này mà lý lịch của chị bị nhà nước khoanh tròn, bị qui vào đối tượng phải được “quản lý chặt”. Việc bây giờ nhà nước mới cấp phép cho chị vào Việt Nam biểu diễn nhưng thời gian bị giới hạn (chỉ đến hết tháng 12) là minh chứng cho điều này.

Khánh Ly có (nên) về hát hay không?
Dè dặt và cân nhắc cũng là bản tính của người nghệ sĩ này. Khánh Ly dễ nhân nhượng và hòa đồng nhưng chắc chắn không cầu toàn như ông Nguyễn Ngọc Sơn nói, chị không chấp nhận sự việc bằng mọi giá. Hơn nữa Khánh Ly là người có khí tiết. Người viết hoàn toàn không ngạc nhiên về sự im lặng của chị trong lúc này, thay vì tuyên bố nhăng nhít.
Trong suốt quá trình lưu vong - và cũng vừa mới đây – Khánh Ly luôn nhấn mạnh rằng “rất lấy làm tiếc (vì chưa xảy ra) và rất muốn làm điều đó (về Việt Nam biểu diễn)”. Người viết tin rằng Khánh Ly nói điều này từ trong đáy lòng nói ra. Dù nhìn từ góc độ nào đi nữa, đây là một ước nguyện mang tính nhân bản, hướng về cội nguồn của một người nghệ sĩ đối với dân tộc của mình. Còn những ai nắm quyền hành, họ có cho phép hay không, và với điều kiện nào được đặt ra, thì đấy là quyền của họ. Nhưng, ở mức độ nào, và chấp nhận được hay không? lại là quyền của người nghệ sĩ. Trong trường hợp này là của ca sĩ Khánh Ly.
Là một con người có nhân cách, trong quá khứ, Khánh Ly đã từng từ chối lời mời trong tình trạng điều kiện ở quá mức có thể chấp nhận được. Ngược lại, Khánh Ly lại là ca sĩ hải ngoại đầu tiên công diễn ở Đông Âu. Vào năm 1990, khi bức tường Bá Linh vừa sụp đổ, mặc dù nước Đức chưa thống nhất, chính phủ Cộng Hoà Dân chủ Đức vẫn còn tồn tại, một cách độc lập, Khánh Ly đã cùng với ca sĩ Thanh Tuyền lưu diễn ở Đông Đức (Đông Berlin và Plauen) với khán giả hoàn toàn là những người miền bắc đi lao động hợp tác, và sau đó lần lượt ở các nước lân cận như Tiệp Khắc, Balan… .
Trong bài phỏng vấn của BBC ngày 24/9 [1] vừa qua, người ta nhìn thấy nỗi niềm và sự băn khoăn thật lòng - nói đúng hơn là nỗi buồn thực thể - của chị, chứ không phải những lời “Ỡm à… Tản mạn” [2] được mò rồi ph(đo)án. Có gì là lố bịch khi vào nhà người ta phải ý tứ một cách cần thiết? Có gì là xấu xa trong tình huống - dù không do mình tạo ra - mỗi người nhường nhau một bước?
Người ta bảo rằng Khánh Ly đang đòn phép với dư luận để rồi âm thầm và đột xuất về Việt Nam hát. Quả thật là quá ấu trĩ! Những người này chắc chắn chưa từng gặp Khánh Ly ngoài đời thật nên không biết gì về con người của chị ấy cả. Chính ngay cả ông chủ phòng trà ca nhạc Đồng Dao Nguyễn Ngọc Sơn cũng hớ hênh và không biết mình đang đứng ở chỗ nào, xác nhận đi xác nhận lại, thông báo lui thông báo tới cái chuyện giấy phép liên quan với ca sĩ Khánh Ly (dù đã trắng đen) - trong khi khả năng là chị ấy còn phải xem xét lại - thì có phải là trống đánh xuôi kèn thổi ngược không? Đâu có ai đặt vấn đề giả-thật của cái giấy phép ấy. Người viết cũng không thể hiểu nổi khi ông Sơn nói ca sĩ Khánh Ly muốn thực hiện chương trình kỷ niệm 50 năm đời ca hát ở tại Việt nam. Thực tình người viết cũng không biết ca sĩ Khánh Ly sẽ nói gì hát gì và diễn gì với chương trình kỷ niệm 50 năm này ở trong Việt Nam, khi mà cái nhìn của một số quan chức nhà nước còn hạn hẹp, khi mà quá trình 50 ca hát của chị ở trong vùng bị coi là “nhạy cảm” (chế độ VNCH cũ và ở Cộng đồng hải ngoại).
Lại còn cái chuyện một người nào đó hậu đậu - tự xưng là “thân với chị như em gái” - phát biểu thiếu cẩn trọng. Ca sĩ Khánh Ly còn sờ sờ ra đấy, chị ấy chưa (không) phát biểu thì thôi, cắc cớ nói nhảm rùm beng làm rối ren tình huống, phương hại lẫn nhau. Cái tin Khánh Ly sẽ âm thầm về hát cứ như là chuyện Khánh Ly về Việt Nam đánh du kích bất chấp tổn thương và hậu quả. Chuyện buồn cười của đám trẻ con. Vừa ngu vừa nhiệt tình cộng lại thành phá hoại! (Tục ngữ dân gian của người miền bắc). Đúng là nhanh nhẩu đoảng.
Bây giờ, sau khi nhà nước đã cấp phép, thì việc còn lại: Hát hay không hát là tùy thuộc vào quyết định riêng của con chim đầu đàn “Sơn Ca 7” Khánh Ly, hay nói đúng hơn là tùy thuộc vào sự tuyên bố và điều kiện mà nhà nước cùng cơ quan quản lý có liên quan đặt ra với chị(?!). Xin nhắc lại: Khánh Ly là một người tôn trọng nhân cách. Đặt thêm trường hợp có về hát: Còn những áp lực nào mà danh ca Khánh Ly còn phải đối mặt nữa đây?!
(Sẽ hát ở Việt Nam? - Nguồn hình: Tienphong.vn)
Phạm trù “Hòa hợp-Hoà giải” người viết không (dám) đặt ra ở đây. Có lẽ một môi trường thành thật nhất, thực sự phù hợp với “sự thể hiện chính sách cởi mở” của nhà nước nhất, “bằng chứng hùng hồn” nhất của “chính sách đại đoàn kết dân tộc”, và cũng thực sự phù hợp với tinh thần của ca sĩ Khánh Ly nhất, là đừng ôm đồm gì cả. Hãy bình lặng để cho ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam với khán thính giả của chị ấy (như chị ấy đã từng mong mỏi) và hát những bài tình ca, phục vụ quần chúng, không mang mầu sắc chính trị, không phục vụ cho một thế lực nào, bất chấp những sự kích động của các phe nhóm cực đoan, từ mọi phía. Như vậy có hợp lý và tình người hơn không?!

Đinh Phương

_________________________
[2]http://danluan.org/tin-tuc/20120929/vietsoul21-om-a-tan-man-ve-khanh-ly

Post xong bài này hôm trước, hôm sau đọc thấy bài trả lời của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối với bài viết của ông Lê Diễn Đức ở đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog