(Trích trong cuốn "Những điều nên biết" của Nguyễn Văn Thái)
LTG: Mới đây, tôi được đọc một bài của Bác Sĩ Trần Tiễn Sum viết ngày 11 tháng 2 năm 2010 về một câu ca dao trong đó nói đến chùa Thiên Mụ. Bài viết này rất hay tuy nhiên khá dài. Vì thế tôi xin mạn phép thu gọn lại cho ngắn hơn, và cố gắng dùng những chữ dễ hiểu cho phù hợp với những độc giả trẻ tuổi. Ai muốn đọc toàn bài của BS Trần Tiễn Sum, hãy vào mạng www.khoahoc.net.
Gần đây một số nhà khảo cứu trong và ngoài nước đã đề cập đến câu ca dao nổi tiếng về thắng cảnh ở Huế nhưng lại nêu nghi vấn liên quan đến các địa danh ở Hà Nội.
Chùa Thiên Mụ, nhìn từ bờ Sông Hương, Huế
Câu ca dao đó là:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.Có ý kiến cho rằng, đúng ra phải viết là : Tiếng chuông Trấn Võ (Vũ), canh gà Thọ Xương.
Những câu hỏi được đưa ra là :
Địa danh nào xuất hiện trước trong câu ca dao trên?
Địa danh đó có đúng với câu thơ nguyên thủy không?
Lịch sử có liên quan gì giữa các địa danh của Huế-Sông Hương, và Hà Nội-Hồ Tây?
Tâm sự của cụ Dương Khuê với câu hò này như thế nào?
Bài viết này cố gắng đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi nêu trên.
1. Tiếng chuông chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Hoàng (năm Tân Sửu, 1601) , tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc xã Hà Khê (cũ), nay là xã Hương Long, thành phố Huế mặt nhìn xuống dòng sông Hương. Đến năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một cái chuông lớn để dùng cho chùa. Tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của loại đồng được chế tạo bằng một kỹ thuật đặc biệt của Phường Đúc ở Huế, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền âm thanh tự nhiên.
Bên dòng sông Hương lững lờ thơ mộng, tiếng chuông cứ ngân dài lan tỏa trong không gian. Không gian càng rộng, càng yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng. Chỉ một tiếng chuông nhưng đã cô đọng bao nhiêu là buồn vui, khắc khoải của một đời người. Cũng tiếng chuông này nhưng âm thanh mỗi mùa mỗi khác. Mùa xuân tiếng chuông nghe trong vắt tươi vui. Mùa hạ, tiếng chuông nghe thảnh thơi thoáng mát như là sự bao dung của trời đất. Vào mùa thu, tiếng chuông đi qua cây lá, nghe nhẹ nhàng mơ hồ như một hơi thở. Sang mùa đông, Huế rét mướt, tiếng chuông nghe như buồn bả, chậm rải hơn bao giờ hết.
Câu ca dao xưa, có lẽ xuất hiện từ ngày chùa Thiên Mụ có chuông lớn, tả cảnh đẹp thơ mộng xứ Huế và nỗi lòng ai đó nhân một đêm trăng dạo chơi bằng thuyền trên sông Hương. Ngày xưa cũng như hiện nay, hình ảnh chiếc thuyền êm đềm trôi trên dòng sông Hương thật đẹp và thơ mộng. Thơ mộng nhất là đoạn sông trước chùa Thiên Mụ mà phía bên kia sông là làng Long Thọ (xưa kia là Thọ Xương) lúc nửa đêm về sáng khi được nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ và đồng thời nghe tiếng gà gáy từ vùng Thọ Xương của cố đô Huế.
Qua các sử liệu, rõ ràng ở Huế có một địa danh, qua các thời kỳ mang bốn tên khác nhau: Thọ Khương, Thọ Xương, Thọ Cương, và cuối cùng là Long Thọ.
Vậy Thọ Khương, Thọ Xương, Thọ Cương và Long Thọ đều là một và đã tồn tại bên bờ sông Hương từ xa xưa, với những bụi trúc soi bóng nước; phía bên kia sông là chùa Thiên Mụ, cảnh đẹp làm rung động lòng du khách, thi nhân. Theo cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm, câu ca dao “Tiếng chuông Thiên Mụ” là một lời ca hồn nhiên hiền hòa, của một cô lái đò trên dòng sông Hương; có thể nó đã xuất hiện từ thời kỳ lập chùa hồi đầu thế kỷ 18 (sau năm 1710), mang âm điệu của một câu hò dân gian với thổ ngữ Thiên Mụ từ 1710 -1862; và Thọ Xương thì chỉ thông dụng trong khoảng hai thập niên 1802-1820 mà thôi, rồi dần dần ít người biết đến địa danh này nữa.
Hiện nay, những danh từ chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) và Long Thọ thông dụng hơn trong dân chúng Huế. Tuy nhiên, trong câu ca dao thì địa danh Thọ Xương vẫn còn hiện diện vì nếu thay nó bằng hai chữ “Long Thọ” thì câu ca dao không còn giữ đúng âm vận nữa, nghe mất hay đi.
2. Tiếng chuông chùa Trấn Võ (Vũ)
Chùa Trấn Vũ ở Hà Nội
Không biết từ lúc nào, câu ca dao xứ Huế với “tiếng chuông Thiên Mụ” đã trở thành câu thơ miêu tả phong cảnh Hà Nội với “tiếng chuông Trấn Vũ”. Người ta cho rằng cụ Dương Khuê là người đầu tiên đã đưa “tiếng chuông Thiên Mụ” ra Hà Nội trong một bài thơ lục bát của cụ. Một trong những bài thơ bốn câu lục bát, niêm luật rất nghiêm chỉnh, được ưa chuộng nhất của cụ Dương Khuê là bài ca tụng bốn cảnh nên thơ của Hà Nội:
Hà Nội Tức Cảnh:
Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.
Lâu nay, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng bài Hà Nội tức cảnh là một bài ca dao (không có tác giả). Nhưng, sự thực thì bài thơ này là của cụ Dương Khuê (1839-1902). Điều này đã được chứng minh bởi gia phả nhà họ Dương; và tiến sĩ Dương Thiệu Tống đã chép lại bài thơ này từ cuốn Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm (Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1995). Tiến Sĩ Dương Thiệu Tống còn kèm theo một nhận xét như sau:
"Có người đã sửa đổi câu đầu bài thơ này là ‘Gió đưa cành trúc la đà’, nhưng có lẽ là sai vì làm mất đi ý nghĩa ngầm của toàn câu mà
chỉ còn ý nghĩa tả cảnh (nổi) mà thôi."
Các nhà thơ Việt Nam, trong đó có cụ Dương Khuê, thường có thói quen làm thơ để gửi gấm tâm sự của mình. Dưới đây là một vài nét về tiểu sử của cụ Dương Khuê:
Dương Khuê sinh năm 1839, đỗ cử nhân năm 1859 (lúc 20 tuổi), đỗ tiến sĩ năm Mậu Thìn (1868). Vì quê ở làng Vân Đình (thuộc tỉnh Hà Đông) cho nên người ta gọi cụ là “ông Nghè Vân Đình”. Cụ làm quan dưới triều vua Tự Đức; cụ thấy vua Tự Đức quá nhân nhượng với người Pháp, bị người Pháp chèn ép quá đáng cho nên cụ đã dâng biểu (*) lên vua Tự Đức đề nghị là phải cứng rắn với người Pháp. Nhưng, vua Tự Đức không nghe và phê vào tờ biểu rằng “Bất thức thời vụ” (có nghĩa là không biết gì về thời cuộc). Rồi, vua giáng chức của cụ hai lần. Cụ Dương Khuê rất bất mãn với cung cách xử thế của nhà vua cho nên cụ đã làm bài thơ Hà Nội tức cảnh để gửi gấm tâm tư của mình trong đó.
(*) Biểu là một bài viết của quan hoặc dân dâng lên vua; bây giờ gọi là bản kiến nghị.
Sơ lược về mấy địa danh trong bài Hà Nội tức cảnh:
Ở Hà Nội, địa hạt của huyện Thọ Xương xưa thuộc nội thành gọi là Vĩnh Xương, nay tương đương hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, gần hồ Gươm hiện nay. Năm 1805 vua Gia Long đổi huyện Vĩnh Xương thành Thọ Xương. Bây giờ huyện Thọ Xương chỉ còn là một phố nhỏ với đường Thọ Xương (nối đường Phủ Doãn và Lý Quốc Sư quận Hoàn Kiếm) có di tích Văn Chỉ Thọ Xương mà thôi. Còn lại 3 địa danh kia trong bài Hà Nội tức cảnh là thuộc vùng Hồ Tây. Hồ Tây là một cái hồ lớn nhất ở nội thành Hà Nội, từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng nên các nho sĩ thời đó thường hay ví Hồ Tây ở Hà Nội với Tây Hồ rất nổi tiếng thuộc tỉnh Hàng Châu của Trung Hoa.
Quán Trấn Vũ, còn gọi là Chân Vũ hoặc Quán Thánh, nhưng người ta quen gọi là đền Quán Thánh, nằm phía nam Hồ Tây. Nơi này thờ Huyền Thiên Trấn Vũ Chân Quân, là một vị thánh của đạo Giáo (còn gọi là đạo Lão, theo triết thuyết của Lão Tử - Taoism), để trấn giữ yêu quái ở phía bắc kinh thành. Vua Lê Hy Tông, cho đúc tượng Trấn Vũ bằng đồng đen cao lớn, mặc áo đạo sĩ mầu đen, xõa tóc, không đội mũ, chân đất, tay trái giơ lên bắt quyết (tức là làm phép phù thủy), tay phải chống kiếm xuống lưng một con rùa, có rắn lượn quanh kiếm. Ở gác tam quan có treo một quả chuông (cao gần 1,5m) được đúc cùng thời với tượng Trấn Vũ. Đền Quán Thánh là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội từ xưa đến nay.
Làng giấy Yên Thái hay An Thái còn có tên là làng Bưởi. Trong sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi viết vào nǎm 1435 đã nói đến nghề làm giấy từ vỏ cây của làng này cho nên có tiếng chày giã giấy trong đêm sương mờ. Nhịp chày Yên Thái có nghĩa người dân phải dùng cối và chày để giã vỏ cây dó (papyrus) thành bột, đem nấu rồi mới cán mỏng ra làm giấy. Tiếng chày giã vào cối đá lớn phát ra âm thanh vang cả vùng Yên Thái.
Ý nghĩa ẩn hàm (implied) của bài thơ.
Phất phơ ngọn trúc trăng tà. Ngọn trúc chỉ người quân tử; mặt trăng chỉ nhà vua; tà có nghĩa là xuống thấp, đang suy thoái. Câu này ám chỉ người quân tử (cụ Dương Khuê) đang đứng trước tình trạng nhiễu nhương, uy tín của triều đình Tự Đức đang suy thoái.
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Cụ Dương Khuê ước chi có được “tiếng chuông” và “tiếng gà gáy” lúc ban mai để đánh thức vua, quan, và dân chúng đang “ngủ vùi” trong tình trạng bi đát của đất nước. Có thể là cụ Dương Khuê muốn gián tiếp làm thức tỉnh vua quan tại triều đình Huế cho nên Cụ đã cố ý dùng câu thứ hai của câu hò xứ Huế (Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương) nhưng thay bằng địa danh của Hà Nội: Trấn Vũ thay cho Thiên Mụ. Tiếng chuông Trấn Vũ để đánh động người dân Bắc Kỳ đứng lên chống Pháp. Hà Nội và Huế đều có địa danh Thọ Xương cho nên Cụ dùng bốn chữ “canh gà Thọ Xương” để nói lên lòng ao ước của mình, ước gì tiếng gà gáy sáng ở vùng Thọ Xương (Huế) sẽ đánh động vua quan tại triều đình Huế về tình hình nước nhà đang gặp nguy biến.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương. Ám chỉ tình hình nguy biến của đất nước.
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ. Câu này nói lên lòng mong ước của cụ Dương Khuê; mong rằng cả nước từ vua đến quan, đến dân đều một lòng trong công cuộc chống Pháp để người dân có được một cuộc sống an bình (nhịp chày An Thái; an = an lành; thái = thịnh vượng) và phẳng lặng như mặt nước Hồ Tây.
Thời điểm xuất hiện của câu ca dao và bài Hà Nội tức cảnh.
Chùa Thiên Mụ được xây năm 1601, vào thời Chúa Nguyễn vào nam lập nghiệp. Chuông chùa Thiên Mụ được đúc năm 1710. Vì chùa ở trên đồi cao cho nên tiếng chuông vang đi rất xa. Phong cảnh hữu tình được tạo ra bởi tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy sáng, bụi trúc ven sông, và dòng sông Hương thơ mộng đã là động lực giúp cho thi nhân xứ Huế sáng tác ra câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà; tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.”
Bài thơ Hà Nội tức cảnh của cụ Dương Khuê được sáng tác vào khoảng thập niên 1870, sau nhiều năm cụ sống tại Huế. Do đó ta có thể nói rằng câu ca dao trên đây đã thấm nhập vào trí óc cụ Dương Khuê. Vì thế, khi cụ trở ra miền bắc, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, cụ làm bài thơ Hà Nội tức cảnh để gửi gấm nỗi lòng của mình. Hai dòng đầu của bài thơ, cụ đã mượn câu ca dao nói trên nhưng thay đổi địa danh cho hợp với phong cảnh của Hà Nội: Chùa Thiên Mụ đổi thành chùa Trấn Vũ. Rất may là Hà Nội cũng có địa danh Thọ Xương cho nên cụ không cần phải đổi địa danh này.
Có điều khác biệt là, Thọ Xương ở Hà Nội, ngày nay vẫn còn mang tên Thọ Xương; trong khi Thọ Xương ở Huế đã thay đổi tên nhiều lần theo dòng thời gian, từ Thọ Khương, đến Thọ Xương, đến Thọ Cương, và nay là Long Thọ.
Vì không rành về địa danh cho nên nhiều tác giả đã nhất quyết cho rằng chùa Trấn Vũ phải đi kèm với Thọ Xương thì mới hợp lý để tả phong cảnh Hà Nội; và rằng chùa Thiên Mụ đi kèm với Thọ Xương thì không hợp lý tí nào cả vì Huế không có địa danh Thọ Xương [sic]. Trong số những tác giả này có Trần Trung Viên, và mới đây (tháng 9-2010) Giáo Sư Vũ Quốc Thúc cũng có cùng lập luận như vậy.
Năm 1987, khoa Ngữ Văn (Đại Học Sư Phạm Huế ) đã ấn hành cuốn Văn học dân gian Bình Trị Thiên, trong đó có bài ca dao "Biết đâu" như sau:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết đâu (*) tâm sự đôi đường đắng cay?
(*) Nếu đã gọi là “Văn học dân gian Bình Trị Thiên” thì không ai nói là “biết đâu”, mà phải nói là “biết mô” mới đúng ngôn ngữ xứ Huế.
Trong thực tế thì người dân xứ Huế ít ai biết để hát hò bài ca dao “Biết đâu”, mà họ thường hát bài không tên, khác với bài “biết đâu”:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Thuyền về xuôi mái sông Hương,
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay.
Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, sách báo tại Hà Nội đều nhất loạt theo chủ trương đổi câu:
"Phất phơ ngọn trúc trăng tà. (thơ Dương Khuê)
thành ra:
"Gió đưa cành trúc la đà, (ca dao Huế)
Vì thế, nhà văn Vũ Ngọc Phan, mặc dù không đồng ý với việc thay đổi thơ của cụ Dương Khuê, nhưng muốn được yên thân, cũng phải viết đúng theo cách của sách báo cộng sản Hà Nội, nói khác đi là phải "viết theo lề phải", là:
"Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương. "
Tuy nhiên, ông cũng không quên chú thích rằng có bản chép là "Phất phơ ngọn trúc trăng tà" để cho lương tâm của ông khỏi bị cắn rứt.
3. Tóm tắtTa thấy có sự khác nhau giữa câu ca dao xứ Huế:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Và bài thơ Hà Nội tức cảnh của cụ Dương Khuê:
Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.
Chúng hoàn toàn khác nhau về ngôn từ cũng như về ý nghĩa. Câu ca dao, không có tác giả, diễn tả phong cảnh hữu tình, thơ mộng của miền sông Hương núi Ngự vào một buổi sáng sớm khi gà vừa gáy canh năm; trong khi bài thơ Hà Nội tức cảnh do cụ Dương Khuê sáng tác để gửi gấm nỗi lòng của mình đối với hoàn cảnh đất nước. Trong bài thơ, cụ đã biến đổi địa danh Thiên Mụ (ở Huế) của câu ca dao thành ra địa danh Trấn Võ (ở Hà Nội) cho hợp với phong cảnh Hà Nội.
Huế và Hà Nội đều có địa danh “Thọ Xương”. Thọ Xương của Hà Nội vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay; trong khi Thọ Xương của Huế đã bị đổi tên nhiều lần mà hiện nay có tên là Long Thọ. Chính vì không hiểu rõ lịch sử về sự đổi tên này mà nhiều người cho rằng Huế không có địa danh Thọ Xương, gây ra những cuộc tranh cãi đến nay vẫn chưa chấm dứt.
***
Ngày 27 tháng 11 năm 2010
Nguyễn Văn Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét