Sống được và vượt qua
Tôi đã im lặng trước mất mát quá lớn mà dân Nhật Bản phải gánh chịu và đang từng ngày vươn lên. Nhưng đọc bài viết của ông Nguyễn Đình Đăng, tôi thấy mình phải chia sẻ sự đồng cảm của mình với ông và cả với một đất nước Nhật Bản kiên cường và vĩ đại. Lời nói của ông Đăng “một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong một thảm hoạ – có thể so với ngày tận thế – là một đất nước thực sự vĩ đại” là hoàn toàn chính xác.
Ông Hà Minh Thành có dẫn một câu nói của ký giả Vương Hy Văn “50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ” khiến tôi thực sự cảm thán.
Để so sánh, tôi chỉ viết ra những điều thấy tận mắt. Vợ tôi vốn làm trong một công ty xuất khẩu lao động sang Nhật, từ ngày xảy ra động đất đến nay phải đi như con thoi giữa các thành phố để khuyên nhủ tu nghiệp sinh Việt Nam đang nhảy cỡn lên đòi về nước. Trừ những tu nghiệp sinh ở vùng Fukushima phải di tản vì lo ngại ảnh hưởng phóng xạ còn lại các tu nghiệp sinh ở những vùng khác đều bình yên, việc làm ổn định, sinh hoạt bình thường. Vậy mà tất cả cứ nằng nặc đòi về nước làm mọi việc càng thêm hỗn loạn.
Có một chuyện cần phải nói rõ để chúng ta thấy tấm lòng người Nhật. Sau khi động đất xảy ra và sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima, tất cả tu nghiệp sinh Việt Nam trong vùng Fuikushima đã được người Nhật đưa đi di tản an toàn trong khi gia đình người Nhật ấy vẫn chưa liên lạc được. Vậy mà thêm tin đồn thất thiệt từ báo chí Việt Nam, thêm sự thúc giục của gia đình tu nghiệp sinh ở Việt Nam, hầu như tất cả đều muốn về nước.
Đừng nói đến cái văn hóa của người Việt Nam xấu xí theo chủ nghĩa cơ hội, chỉ một tấm lòng hướng về Nhật Bản bây giờ của tu nghiệp sinh cũng không có. Thật bất nhẫn biết bao nhiêu khi bình thường nước Nhật đã tạo công ăn việc làm cho tu nghiệp sinh Việt Nam, đã tạo điều kiện cho mọi người hội nhập văn hóa Nhật Bản, học tập kỹ thuật tiên tiến để về nước có thể giúp đỡ Việt Nam, vậy mà chỉ một cơn địa chấn, tất cả tu nghiệp sinh đều quay lưng bỏ chạy.
Đáng lẽ trong trường hợp này mọi người phải học tập thêm tinh thần kiên cường của người Nhật, phải cố gắng làm việc thêm để chia sẻ bớt nỗi buồn của một đất nước lân bang. Tôi không trách gia đình của tu nghiệp sinh ở Việt Nam vì thiếu thốn thông tin, lo lắng cho con cái mà thúc giục gọi về, cũng không trách báo chí Việt Nam đưa tin đồn thất thiệt về nhà máy điện nguyên tử Fukushima[1] mà chỉ trách chính tu nghiệp sinh, người trong cuộc, hiểu rõ tình hình mà vẫn cứ lợi dụng cơ hội người ta khủng hoảng, thì đòi về Việt Nam. Về Việt Nam thì an toàn hơn chăng? Tai nạn giao thông làm mỗi ngày cả trăm người chết, thức ăn đầy độc tố, cúm H1N1 lan tràn khắp nơi.
Tình hình Nhật Bản không phải là không nghiêm trọng. Ngay cả chuyện Thiên Hoàng phải chính thức thông báo sự lo ngại của mình về thảm họa ở Nhật trên truyền hình là điều chưa từng thấy. Trước đây Thiên Hoàng chỉ xuất hiện khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945. Nhưng hãy nhìn những nụ cười và ánh mắt quyết tâm. Đã vượt qua một thảm họa nguyên tử 1945, lẽ nào người Nhật lại không vượt qua được một thảm họa hạt nhân (nếu có) ở Fukushima? Tinh thần người Nhật làm tôi nhớ đến một câu nói của mẹ Teresa “không cần phải làm những việc vĩ đại mới trở nên phi thường, hãy cứ làm những việc bình thường một cách tốt nhất có thể, ta cũng sẽ trở nên phi thường”. Trong khi báo chí Việt Nam đao to búa lớn “Việt Nam sẽ học gì từ sự cố hạt nhân Nhật Bản?”, như giáo sư Trần Hữu Dũng trên trang mạng www.viet-studies.info“đã mỉa mai "Tóm tắt: Lò của VN sẽ hiện đại hơn lò của Nhật (Nhật dở thiệt!). Sự cố như của Nhật (mà hiện nay các nhà khoa học quốc tế vẫn chưa biết rõ là xảy ra như thế nào, kết cục sẽ ra sao!) không thể xảy ra ở Việt Nam. Ông Vương Hữu Tấn nói thế”, thì tôi nghĩ rằng chỉ với cách hành xử bấn loạn của người Việt Nam ở Nhật là đã nói lên nhiều điều. Khi nào dân Việt biết điềm tĩnh trong thảm họa vì đời sống này đầy bất trắc và vô thường, khi dân Việt biết xếp hàng và nhường nhịn, khi biết ơn những gì đã nuôi dưỡng mình đến ngày hôm nay thì cần gì phải lo đến “sự cố hạt nhân không ảnh hưởng đến Việt Nam.” [2]
Vùng Nagoya nơi tôi ở chỉ bị dư chấn nhẹ khoảng 3 độ. Từ ngày 11 đến nay tuy liên tục có dư chấn nhưng hầu như không bị ảnh hưởng gì. Mọi người đang cố gắng hết sức để làm việc như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhật Bản từ sau ngày 11/3 đã ngưng tất cả các kênh phát sóng để tập trung đưa tin về thảm họa trên khắp các kênh truyền hình nhưng từ hôm qua các kênh khác đã bắt đầu phát sóng bình thường với phim ảnh và các chương trình giải trí. Xen lẫn trong đó là những mẩu quảng cáo kêu gọi giúp đỡ lẫn nhau. Tiêu biểu là câu nói này “心は見えないですけど心使い 誰でも見える、思いは 見えないですけど 思いやり誰でも見える” [Cái tâm thì không ai thấy nhưng dụng tâm thì ai cũng thấy, tư tưởng thì không ai biết nhưng lòng thông cảm thì ai cũng hay].
Dù truyền hình dự đoán sắp tới miền nam Nhật Bản, đặc biệt vùng Tokai (Đông Hải) trong đó trọng tâm là tỉnh Aichi (Nagoya là thành phố lớn nằm trong tỉnh Aichi) sẽ xảy ra động đất cực lớn nhưng tất cả những người Nhật đều biết vậy để chuẩn bị và cố gắng hơn. Hầu như mỗi ngày đều có dư chấn khoảng 4 đến 5 độ. Khi tôi viết những dòng này truyền hình cũng thông báo ở vùng Kanto động đất 5 độ. Cá nhân tôi chưa bao giờ có ý định rời Nhật Bản dù gia đình có khuyên nhủ. Không chỉ vì Nhật Bản “cọp dữ mà quan hiền” như ông Nguyễn Đình Đăng và Đinh Trọng Hiếu đã trao đổi mà còn vì đất nước này đã dạy cho tôi biết thế nào là danh dự và lòng quả cảm bằng chính những hành động nhỏ bé thường ngày. Nếu được chết cùng người dân Nhật Bản, tôi nghĩ đó cũng là niềm một niềm vui lớn của cuộc đời này.
Đối với Nhật Bản, có nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng sau thảm họa này, “quyền lực mềm”[3] của Nhật Bản sẽ gia tăng. Sức lực con người dĩ nhiên là có giới hạn. Trong cõi thế này, tất cả đều tương đối và đều sinh thành hoại diệt. Nhưng sự cố gắng sức hết mình để sống, để vượt qua tất cả với một tâm trạng điềm nhiên chấp nhận như người Nhật Bản thì không dễ dàng gì. Nó là kết tinh của một sự tu dưỡng văn hóa cao độ mà nói thẳng người Việt trong vòng trăm năm nữa biết có được như thế hay không?
Thưa hai ông Nguyễn Đình Đăng và Hà Minh Thành,
Những lời tâm tình của hai ông khiến tôi thực sự xúc động. Kính chúc hai ông cùng gia quyến được bình an, khang kiện. Hy vọng một ngày mới sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hơn những bức tranh rất đẹp gần như của Salvador Dali trên Tiền Vệ hay những diễn đàn khác của ông Nguyễn Đình Đăng. Qua những lời tâm tình của hai ông, tự nhiên tôi thấy mình không còn lẻ loi nữa. Hơn hết cả, tôi thấy rằng con đường mình chọn đi nghiên cứu về văn học và văn hóa Nhật Bản hơn mười năm nay là đúng đắn.
Và nếu có duyên, biết đâu lại có ngày gặp mặt?
Nagoya, ngày 17/3/2011
Hoàng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét