Thứ Bảy, trời chừng muốn mưa nhưng chưa có giọt nào nhỏ xuống, mà nghe nói sẽ là những cơn mưa mang theo tia phóng xạ? Nghe cũng hơn ơn ớn đó, nhưng ("trời không mưa em cũng lạy trời mưa") tôi cũng mặc cho thật ấm, kéo cái khăn quàng cổ mấy vòng làm cứ như nó sẽ bảo vệ cho cái cổ khỏi bi bụi "phóng xạ" vậy, rồi lang thang ra chợ, ra phố. Về đến nhà thì đã gần trưa, bụng cũng không thấy đói, nhưng nhủ lòng thôi ăn đại cái gì còn có sức mà ...tập thể dục. Vậy thì đừng ăn để khỏi tập thì có được không nhỉ? Nói vậy thôi, tôi vẫn ăn tô mì gói, trên bếp thì nấu nồi nước để chiều ăn mì ... thật, và ăn chỉ là để ngồi nghe cho hết "Câu chuyện tình", câu giờ thế thôi, có rất nhiều điều chạy qua trong đầu tôi lúc này khi nghe lại bản nhạc này, ngày ấy tôi ở đâu. :-) Dĩ nhiên tôi sẽ kể lại trong blog, nhưng không ở blog này đâu, khỏi kiếm nhé, nào thôi mời bạn nghe bản nhạc của những ngày xưa.
Giai thoại tình ca : 40 năm nhạc phẩm Love Story
Cách đây đúng 40 năm, ngày 20/3/1971, nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Love Story nhảy vọt lên hạng đầu thị trường nhạc nhẹ Hoa Kỳ, để rồi ngự trị trên đỉnh cao trong vòng 4 tuần liên tục. Ca khúc ăn khách thời bấy giờ là của Andy Williams, nhưng sau đó đã đi vòng quanh trái đất với gần 800 phiên bản, ghi âm bằng 25 thứ tiếng, kể cả tiếng Việt.
Nhiều nhà phê bình cho rằng Love Story là một bản nhạc xuất sắc, xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác. Theo bình chọn của Viện Phim ảnh Hoa Kỳ American Film Institute, tác phẩm này nằm trong 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại. Nhạc phim Love Story đứng hạng thứ 9, chỉ thua các nhạc phim kinh điển như Casablanca, Cuốn theo chiều gió, West Side Story, Bác sĩ Zhivago nhưng lại vượt qua mặt My Fair Lady, Bố già, Titanic hay Đỉnh gió hú.
Bản nhạc chủ đề gắn liền với bộ phim đến nỗi ít có ai còn nhớ tựa bài hát ban đầu của nó là Where do I beginBắt đầu từ đâu). Khi nghe những nốt nhạc dạo đầu trỗi lên, có lẽ mọi người đều nhận ra ngay và gọi đó là bài Love Story. Một giai điệu nhẹ nhàng lãng mạn, miên man dịu dàng, gieo vào hồn người một chút cảm giác bâng khuâng, một thời xao xuyến rung động. Những nốt nhạc trầm khiến cho tâm hồn thoáng buồn, trong lòng khoảnh khắc tơ vương.
Một trong những nhạc phim hay nhất mọi thời đại
Trong làng nhạc quốc tế, một trong những giọng ca hát trội nhất nhạc phẩm Love Story (Where do I begin) trong tiếng Anh vẫn là danh ca Shirley Bassey. Phiên bản của Shirley rất dễ nhận ra nhờ khúc nhạc dạo đầu với bộ gõ. Ngoài cách nhả chữ độc đáo, hát thoát theo làn hơi nhưng vẫn rõ âm trong những đoạn cao trào, Shirley Bassey còn có sở trường chuyển nhịp hất câu, mà người nghe thường tìm thấy nơi Giọng ca vàng Frank Sinatra. Thành danh từ những năm 1962 – 1963, Shirley Bassey nhờ vào nhạc phẩm Love Story mà được đăng quang thành nữ hoàng của dòng nhạc phim vào thập niên 70. Hầu hết các ca khúc chủ đề của loạt phim điệp viên 007 trong giai đoạn này đều do bà ghi âm. Trong đó có nhạc phẩm Diamonds are Forever,Chuyện tình. Một giọng hát trau chuốt mài dũa tựa như một viên đá quý. Cũng từ đó mà giới chuyên ngành đặt cho Shirley Bassey cho cái biệt danh Diva kim cương (Diamond diva) phát hành vào năm 1971, tức là hầu như cùng thời với nhạc phẩm.
Trước khi nổi tiếng là một bản tình ca ướt đẫm nước mắt, nhạc phẩm Love Story trước hết là giai điệu chủ đề của bộ phim của đạo diễn Arthur Hiller. Bộ phim ra mắt khán giả vào cuối năm 1970 (nói cho chính xác là vào ngày 16/12/1970), dựa theo quyển tiểu thuyết vô cùng ăn khách của Erich Segal. Đối với ngành xuất bản, Erich Segal là nhà văn nổi tiếng nhờ một tác phẩm duy nhất, cho dù ông đã sáng tác nhiều cuốn truyện sau đó.
Từ tiểu thuyết phóng tác thành phim
Ban đầu được viết như một kịch bản phim, Love Story không được một hãng phim nào mua bản quyền, nên mới được viết lại thành truyện ngắn đăng trên báo, rồi được hoàn chỉnh thành một quyển tiểu thuyết dày 127 trang, phát hành đúng vào Ngày lễ tình yêu Valentine năm 1970. Khi được hãng phim Paramount chuyển thể lên màn ảnh lớn, bộ phim Love Story làm thổn thức rung động hàng triệu con tim trên thế giới với câu chuyện thương tâm của đôi tình nhân trẻ, yêu nhau ở trường đại học, nhưng lại bị gia đình cấm cản ngăn cách.
Mối tình dang dở ngang trái giữa Jenny một nữ sinh nhà nghèo với Oliver, chàng trai con nhà giàu trở thành tấn bi kịch đẫm lệ, khi căn bệnh ung thư máu cướp đi sinh mạng của cô gái hiền lành. Một lời thoại ở trong phim ("Love means never having to say you're sorry"...) trở thành một trong những câu nói bất hủ của lịch sử điện ảnh Mỹ. Cũng như câu ghi chú ở trang bìa quyển tiểu thuyết : Nàng yêu Mozart, Bach, nhóm Beatles…và Tôi. Có người nói đùa rằng : Nhờ phim này mà tác giả hái ra bạc triệu, các nhà sản xuất khăn mùi xoa cũng vậy.
Nhạc phẩm Love Story do được sáng tác cho bộ phim Mỹ cùng tên với Ali MacGraw và Ryan O’Neal trong vai chính và do đạo diễn Arthur Hiller thực hiện vào năm 1970, nên vẫn được xem là một ca khúc của làng nhạc Anh Mỹ. Thật ra, đây là một bản nhạc Pháp (Une histoire d’amour) do nhạc sĩ Francis Lai sáng tác. Ông nổi tiếng trong làng nhạc phim, từng sáng tác cho 70 phim truyện, trong đó có Un homme et une femme (Một người đàn ông và một người đàn bà) và Le passage de la pluie (Lữ khách đêm mưa).
Thân thế tác giả bài hát
Nổi danh cùng thời với các tác giả Pháp Maurice Jarre (Bác sĩ Zhivago, Lawrence of Arabia) và Michel Legrand (Thomas Crown – Les moulins de mon coeur), tên tuổi của ông đi vòng quanh thế giới sau khi các bài hát được chuyển lời sang nhiều thứ tiếng. Nhạc phẩm Chuyện tình đoạt cùng lúc hai giải Oscar và Quả cầu vàng dành cho ca khúc nhạc phim hay nhất năm 1971, tức cách đây vừa đúng 40 năm. Phiên bản tiếng Việt là do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời.
Sinh năm 1932 tại miền nam nước Pháp, nhạc sĩ Francis Lai tốt nghiệp nhạc viện thành phố Nice, trước khi đến Paris để lập nghiệp. Thời thanh niên, ông trao giồi thêm nhạc lý với nhiều bậc đàn anh, trong đó có tác giả Bernard Dimey, người đã hướng dẫn ông trong lãnh vực sáng tác nhạc phim. Nổi tiếng trên khắp thế giới từ những năm 1960 như là một trong những gương mặt tiêu biểu của trường phái lãng mạn, Francis Lai tách ra khỏi xu hướng hiện thực của dòng nhạc Pháp những năm 1950.
Tác giả Francis Lai quan niệm rằng âm nhạc là một ngôn ngữ không biên giới, chẳng cần đến ca từ mà vẫn có thể ăn sâu vào lòng người. Hầu hết các bản nhạc (kể cả bài Love Story) do ông sáng tác đều không có lời, ca từ tiếng Pháp hay tiếng Anh chỉ được đặt sau đó. Ảnh hưởng này phần lớn xuất phát từ việc ông rất mê nhạc jazz, thời còn trẻ ông ngưỡng mộ hai cây đại thụ là Charlie Parker và Stan Getz.
Trái với điều mà nhiều người lầm tưởng, nhạc khí sở trường của Francis Lai là phong cầm chứ không phải dương cầm hay vĩ cầm, cho dù ông dùng khá nhiều bộ đàn dây để phối khí hòa âm các sáng tác của mình. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc ăn khách trong làng nhạc nhẹ. Tính tổng cộng, có trên dưới 60 nghệ sĩ tên tuổi từng hát nhạc của ông, kể cả Edith Piaf, Dalida, Aznavour, Patricia Kaas, phía Pháp, Ella Fitzgerald, Elton John hay Carly Simon phía Anh Mỹ.
Giai thoại sáng tác, huyền thoại tình ca
Tính đến nay, Francis Lai đã soạn hơn 600 bản nhạc, hơn một nửa là nhạc phim không lời. Nhưng trong hoàn cảnh nào ông đã sáng tác giai điệu chủ đề của bộ phim Love Story ? Thật ra, ông đã thành danh trong làng nhạc quốc tế từ năm 1966, nhờ soạn ca khúc chủ đề của bộ phim Un Homme et une Femme của đạo diễn Claude Lelouch. Phim này từng đoạt Cành cọ vàng tại Cannes và 4 giải Oscar. Từ năm đó trở đi, ông rất bận rộn với công việc do được nhiều đạo diễn mời hợp tác.
Chính cũng vì thế mà ông đã hai lần từ chối khi hãng phim Paramount có dự án chuyển thể tiểu thuyết Love Story lên màn bạc, bởi vì vào thời điểm đó ông đang phải soạn nhạc chủ đề cho bốn phim khác nhau. Nhà sản xuất người Mỹ Bob Evans mới gọi điện thoại cho nam tài tử Alain Delon nhờ anh thuyết phục tác giả, vì biết rằng hai người là bạn thân của nhau. Vì nể tình bạn, nên Francis Lai lúc đó mới nhận lời, nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm ra được một giai điệu ưng ý.
Theo lời kể của chính tác giả thì ông tìm được khúc nhạc Love Story vào lúc nửa khuya, ban đầu sáng tác trên 4 nốt nhạc căn bản, nhưng làm như vậy thì lại gần giống với cấu trúc của một giai điệu vô cùng ăn khách hai năm về trước là nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Romeo & Juliette (A Time For Us của Nino Rota). Do vậy trong câu mở đầu của mỗi đoạn ông cho thêm một nốt nhạc, biến thành 5 trong khi các câu kế tiếp chỉ có 4, nhưng có lẽ cũng vì thế mà giai điệu trở nên lâm ly hơn. Hàng thập niên sau, bản nhạc này vẫn không có một vết nhăn, phần lớn cũng vì giai điệu tự nó đã đứng vững, không lời mà vẫn lôi cuốn. Nhìn lại, mỗi bài hát thường có một giai thoại. Trong trường hợp của Love Story, bản tình ca này đã đi vào huyền thoại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét