Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2008

Khôn dại

viết ngày 06.11.2002


Tục ngữ là kết quả của những kinh nghiệm mà chính cổ nhân đã trãi qua và muốn truyền lại để răn dạy chúng ta. Chúng ta cứ theo đó mà sống thì sẽ tránh được những điều gian truân cuả cuộc đời. Cây ngay không sợ chết đứng, người ngay không sợ lời thật mà lời thật thì lại mất lòng. Cái câu tục ngữ này là một trong những câu tục ngữ Việt Nam mà chúng ta thường hay được nghe đến. Nghe nhiều đến độ nhàm chán luôn. Nó được lập đi lập lại như những luận điệu mà những kẻ làm đấng ông chồng như chúng ta hàng ngày cứ vẫn phải nghe thường xuyên đến độ cùng cực thốt lên "biết rồi nói mãi" mới hy vọng yên thân được vài phút trước khi cuộc sống tôi mọi được tiếp tục tái diễn. Tuy đã được nghe nói đến rất nhiều nhưng tôi hỏi thật các bạn có hiễu rõ ý nghiã cuả câu tục ngữ này không? Riêng tôi thì vẫn cảm thấy câu này có cái gì không ổn, mới nghe qua thì có lý nhưng ngẫm nghĩ lại thì thấy không đúng cho một vài trường hợp. Cổ nhân nếu đã thương chúng ta thì phải thương cho trót chứ , tại sao lại cứ ấm ấm mở mở nói vòng vo cho chúng ta phải thắc mắc lầm lẫn tai hại ?

Chúng ta đã khổ lên khổ xuống với cái ởm ờ muôn thuở của kẻ khác phái không đủ sao mà cổ nhân còn muốn hành hạ chúng ta thêm nưã ? Biết và hiểu được ý của tục ngữ là khôn, chưa biết hoặc hiểu sai ý là dại. Cái khôn cái dại tuy khác nhau rõ rệt nhưng lại rất gần nhau. Khôn dại hơn thiệt nào ai thấy rõ, khôn đó rồi lại dại đó . Hay là "chẳng khôn chẳng dại, chỉ ương ương ?" Bạn muốn như thế nào ? Khôn , dại hay ương ương ? "Chẳng khôn đành dại chớ ương ương" Nếu khôn thì phải khôn thật tày trời để ai đó nể sợ, còn dại thì dại cho rõ ràng để cho người ta thương, chớ có ương ương thì chỉ tổ nhừ đòn mà thôi.

Vậy mà có kẻ cũng ráng gân ráng cổ ra mà cải : "Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây . Khôn kia dễ bán dại này" . Nghe thế rồi lại uà ra than : "Biết ai là dại, biết ai khôn ?" Khôn tài láo lếu là khôn dại, dại người đúng chổ là dại khôn . Người độc thân thì chê kẻ có vợ là dại, vì để cho bà chủ bắt làm việc như trâu mà còn bị mắng nhiết, và cho mình là khôn vì đã chọn cuộc sống tự do, không bị cưỡng bách lao động . Còn kẻ có vợ thì chê kẻ độc thân là dại, vì không có vợ thì sẽ có ngày đói khát, nhất định ngày nào đó cũng sẽ bị em nhí nó lường, và cho mình là khôn vì thường ngày có cơm ăn, có nhà để ở (đợ) , khỏi bị nhí nó lừa.

Bên nào cũng tự cho là mình khôn và cảnh cáo lẫn nhau : "Khôn thì sống, dại thì chết". Khổ một cái cổ nhân cũng có nói : "Khôn cũng chết và dại cũng chết, biết thì sống" như thế thì phải biết cái gì và sống như thế nào mới được ? Vì vậy biết suy biết nghĩ rất là quan trọng. Biết suy nghĩ để nhận diện đúng sự vật (ai là chủ của mình). "Làm người mà chẳng biết suy, đến khi nghĩ lại còn gì là thân" Khi đã biết suy xét thì có thể phân biệt được khôn với dại để hành động khỏi sai lầm . "Khôn thì ngậm miệng, dại thì chắp tay (lạy bà)". Nếu đã khôn thì phải khôn thật thà ngay thẳng, chớ có khôn vặt thì hóa dại. ``Khôn ngoan không bằng thật thà" "Khôn trong nhà, làm cha thiên hạ , dại trong nhà, làm tôi mọi người" Cái biết thêm nữa ngoài cái biết suy là biết sợ . Có sợ thì mới thủ được thân, và chính vì sợ nên đâm ra thật thà . Nhưng, cũng lại chữ nhưng nữa, thật thà quá thì đâm dại. Trẻ khôn qua già lú lại, khôn ba năm nhưng dại một giờ . Chỉ cần dại một phút cũng tiêu đời rồi chứ cần gì đến một giờ. Thế nào bạn muốn khôn hay dại ?


Dr. Tran

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog