Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Tuổi phong sương ta vẫn gắng đi tìm.

Bùi Thanh Hiếu
Bố tôi có một có một cái hòm gỗ dài chừng 80cm, rộng hơn 50 và cao chừng 25 cm. Đó là hòm đồ nghề kiếm sống nuôi một gia đình gồm 6 đứa con khi ông ra tù. Khi mở nắp ngửa ra thì cái nắp treo những chiếc kính, bút máy. Còn trong hòm có ngăn trên và ngăn dưới, ngăn trên bày phụ tùng của kính, bút như gọng kính, mắt kính, ruột bút, vỏ bút, ngòi, nắp bút.


Chỗ ông hành nghề là vỉa hè đường Nam  Bộ, hồi ấy là năm 1976, ga Hà Nội chỗ đường Nam Bộ ( nay đổi là Lê Duẩn ) gần ra đầu Khâm Thiên. Hàng ngày ông chất cái hòm lên đằng sau chiếc xe đạp nam gióng ngang, tôi ngồi ngất ngưởng trên cái hòm. Hai bố con ra vỉa hè quen thuộc, bố tôi mở hòm và ngồi đợi khách. Tôi tha thẩn chơi trong ngõ Vũ Lợi gần đó, giữa ngõ có cái cầu thang tụt cho trẻ con và một cái đu quay. Lúc bé tôi hiền và nhát, bố tôi gọi trêu tôi là thằng đồng cô. Mặc dù khi mẹ tôi sinh tôi ra, ông và bà xem tử vi bảo tôi lớn lên làm tướng cướp, bất trị lắm. Vì thế ông bà đặt tên tôi là Thanh Hiếu cho nữ tính. Bố mẹ tôi hy vọng lớn lên cái tên sẽ làm thay đổi tính cách mà tử vi của tôi nói.



Dạo ấy vừa thống nhất, người đi lại miền Nam, miền Bắc rất nhiều. Nên chỗ đường Nam Bộ là nơi mua bán nhiều thứ của khách đi lại Nam Bắc. Bố tôi mài mắt kính thay cho khách, lắp cái ngòi, thay cái ruột. Tôi mới chỉ hơn 4 tuổi, chơi quanh quẩn bên bố. Một hôm bố tôi mua được cái bút cũ của người khách, bố tôi ngồi lau cái bút một lúc, bỗng mắt sáng lên. Bố ngắm nghía ngòi bút một lúc rồi tự gật gù, sau đó bố đóng hòm lại, bảo tôi ngồi lên nắp hòm trông. Bố dắt cái bút vào túi áo đạp xe đi, tôi biết bố tôi đến nhà ông Thịnh chột ở chỗ chắn tàu Cửa Nam bán lại cái bút. Ông Thịnh Chột là người buôn lớn, có cửa hàng, bố tôi là người làm vặt vỉa hè. Nhưng khi chưa đi tù, bố tôi là người sản xuất bút máy gia công, có nghĩa bố tôi là ông chủ, có khuân máy, có thợ, làm vỏ bút, ngòi bút để hoàn chỉnh một cái bút. Bố tôi đi tù vì không vào hợp tác xã mà tự kinh doanh sản xuất trái phép. Bởi thế ông Thịnh coi trọng bố tôi hơn người vệ tinh khác nhiều nhan nhản ở vỉa hè đường Nam Bộ. Tối hôm đó về nhà, bố vui lắm, bố gọi tôi và thằng em tôi đi ra phố Tạ Hiền, bố bảo hôm nay cho hai anh em ăn  phở xào.



Chao ôi ! Tôi đi mà chảy nước miếng. Đừng nói phở xào, mà chỉ cần nói đến cái rau xà lách trộn dấm đường của món đó thôi đã khiến tôi thèm rỏ dãi. Tôi hỏi sao hôm nay bố con mình lại đi ăn sang thế. Bố nhìn tôi cười bảo.



- Hôm nay bố mua cái bút đó, ngòi bằng vàng con ạ, bút Pắc Ke ( parke).



Tôi ngồi nhấm cái cọng rau xà lách mà người ta bưng lên trước trong khi món phở xào đang làm, nó ngon và ngọt làm sao, hơi chua nữa. Tôi thầm cám ơn cái bút đã cho tôi một bữa ăn ngon, thậm chí đến bây giờ hương vị của món rau và phở xào đó vẫn còn đọng trên lưỡi tôi khi tôi ngồi viết những dòng này. Ở bàn bên cạnh có một người vừa đứng dậy, trên đĩa ông ta còn mấy miếng chim quay, tôi nhìn tiếc ngẩn ngơ là mình không thể có mà ăn, những miếng chim quay tẩm mật ong mầu nâu sẫm óng ảm bóng nhẫy dậy mùi thơm. Quán ăn ở Tạ Hiền là những quán đặc sản của Hà Nội lúc đó, món phở xào hình như là món thuộc loại ít tiền trong thực đơn.



Sau hôm đó tôi để ý đến những chiếc bút, tôi hỏi bố tôi về loại bút, bố chỉ cho tôi từng bộ phận cái bút, đây là ngòi, lưỡi gà, ruột cao su, ruột thép có nẫy bấm hút mực....nhưng chỉ có bút Kim Tinh, Hồng Hà....không có cây bút nào ngòi vàng cả. Tôi vẫn không được nhìn cây bút Pắc Ke ( parke) mang lại bữa ăn ngon tuyệt hôm nào. Thinh thoảng có khách đến thay mắt kính, hoặc thay cái vít ở chân gọng, có những chiếc kính khách để đó hẹn quay lại. Có những chiếc kính người ta ngồi chờ lấy, bố tôi cầm cái kính rất nhẹ nhàng, cẩn thận. Tôi hỏi kính đó đắt tiền à bố, bố tôi gật đầu, bố bảo kính đó bọc vàng. Bố giải thích cho tôi về khác nhau của mạ vàng và bọc vàng. Năm đó tôi mới 5 tuổi, chắc bố nói vì niềm say mê nghề nghiệp, vì tôi há hốc mồm nghe, chứ chắc bố tôi nghĩ tôi không hiểu gì về kính và bút.



Đến năm 1979 thì bố tôi yếu không ngồi đó nữa, ông về nhà nhận làm lặt vặt cho khách. Mẹ tôi lại thay bố ra vỉa hè đi bán dép nhựa rong, tôi lại đi tha thẩn theo mẹ. Cái hòm gỗ kính bút để dưới gầm giường, bụi mờ. Khi bố tôi mất, cái hòm chỉ còn lại những thứ vô giá trị, rồi cái hòm cũng bị làm củi đun vì mục nát. Cái hòm mà tôi thường ngồi lên trên. Bố tôi thường tiếc không ai theo nghề của ông, anh trai tôi theo được một thời gian thì bỏ đi làm nghề khác. Cái nghề sửa chữa mua bán kính bút mà bố đã nuôi anh em chúng tôi đến lớn giờ không còn ai trong nhà nhắc tới.



Gần 40 năm sau, một sự nào đó của số phận mà chắc bố và mẹ tôi không nghĩ thằng con bất trị như tôi lại có ngày tháng lượn lờ ung dung tít tận bên Châu Âu. Một lần đi dạo ngắm các món hàng cũ ở Paris , tình cờ tôi thấy những chiếc bút cũ người ta bán. Tôi mua đại chơi, thế nào về ngắm lại có một chiếc bút hiệu Parke. Thế rồi tuổi thơ trở lại, từ tiềm thức xa xôi về những chiếc bút, chiếc kính khiến tôi có mối đam mê là đi lùng mua chúng. Nếu tôi mua được nhiều, tôi sẽ đóng một cái tủ gỗ kính và bày bán ở nhà, lời lãi chắc chẳng quan trọng. Chả có khách thì thôi, nhưng một chiếc tủ kính có chứa những cây bút, chiếc kính  bày trong nhà như một lời nhắc nhở về hình dáng của người bố đã tần tảo nuôi anh em tôi khôn lớn.



Đôi khi tôi nghĩ, chả hiểu sao tôi sống phần nhiều sau này ở phần tăm tối nhất xã hội mà tôi vẫn khác những người bạn giang hồ. Có lẽ những gì khiến tôi khác họ là những mảnh thời gian đâu đó trong tuổi thơ còn sót lại đã giữ tôi không buông thả mình theo mạch sống không mấy lương thiện ấy.



Đây là những chiếc bút Paker, chiếc nào trong số đó giống chiếc bút đã cho bố con tôi món phở xào năm ấy, để giờ còn đọng hương vị trong miệng tôi, giữa hôm bão tuyết của xứ sở này. Có lẽ tôi sẽ dành cho Tí Hớn một cây để nó viết ở nhà, mang đến trường sợ mất. Rồi khi rảnh tôi sẽ kể cho con tôi nghe về trước bút và tuổi thơ tôi. Biết đâu những câu chuyện nhỏ như thế, sẽ là hành trang mang theo cho Tí Hớn trong cuộc sống sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog