Hoàng Nhất Phương
Cuối Tháng Mười Một. Thành phố Santa Ana chìm trong giá lạnh. Chẳng thấy mây bay chẳng nghe gió thổi, nhưng rét buốt vẫn thấm vào đến tận linh hồn người ta. Nắng thủy tinh rạng rỡ lẩn khuất giữa hư vô, nhường chỗ cho mưa rơi từng giọt nhẹ. Không gian mênh mông phủ trùm vạn vật trong màu khói, mở sẵn con đường dẫn đưa lòng tôi trở về kỷ niệm. Quá khứ là thơ, đem thơ phổ thành ca khúc, hát lên niềm vui dung dị của thời lên năm lên bảy:
"- Cái mốt, cái mai. Con trai, con hến. Con nhện giăng tơ. Quả mơ, quả mận. Cái cận, lên bàn đôi. Đôi chúng tôi. Đôi chúng nó. Đôi con chó. Đôi con mèo. Hai chèo ba. Ba đi xa. Ba về gần. Ba luống cần. Một lên tư. Tư củ từ. Tư củ tỏi. Hai hỏi năm. Năm em nằm. Năm lên sáu. Sáu lẻ tư. Tư lên bảy. Bảy lẻ ba. Ba lên tám. Tám lẻ đôi. Đôi lên chín. Chín lẻ một. Mốt lên mười. Ngả năm mươi. Mười vơ cả. Ngả xuống đất. Cất lên tay. Xoay ống nhổ. Đổ tay chuyền. Chuyền chuyền một, một đôi tay…"
Tôi mơ hồ nhìn thấy trái banh đánh bổng, tiếng nẻ kêu răng rắc, đôi tay thoăn thoắt chuyền. Lại nhớ "- Qua cầu lặn cỏ, núi đỏ như ma, hầm sa mây sắc. Bắt con cá, chặt đuôi, chặt đầu. Têm miếng trầu, hầu chén rượu. Ai có tiền, ngồi liền lên ghế. Ai không tiền, liệu thế liệu thần. Sang tay nẻ, khẻ chân…" Bài đồng dao ngỡ đã quên, bất ngờ giữa ngày đông chí hiển hiện rõ ràng trong tâm tưởng. Đánh thẻ chuyền-đánh banh đũa là trò chơi thuở xưa bé gái nào cũng thích. Nắm nguyên bó đũa sáu chiếc hay nhiều hơn trong tay, khi vừa thảy banh lên phải trải đũa ra thật nhanh, để bắt cho được trái banh. Cứ thế tuần tự vừa ném banh, vừa bắt từng chiếc đũa. Bắt đầu là một chiếc, hai chiếc, rồi ba chiếc, cho đến khi hết. Banh vừa được tung ra, tay nắm đúng số đũa cần lấy, rồi bắt lại trái banh; bởi vì nếu để banh rớt xuống đất xem như thua, phải nhường cho bạn khác chơi. Tuổi thơ thuộc thế hệ của tôi là như vậy đó, ai cũng say mê các trò chơi đơn thuần, bàng bạc những câu đồng dao đầy vần điệu.
Mỗi bài đồng dao đều đi kèm với một trò chơi, như bài đồng dao
"Đánh Thẻ Chuyền." Hay đi kèm với động tác minh họa, như bài "Con Công." "- Con công hay múa, nó múa làm sao?Nó rụt cổ vào, nó xòe cánh ra. Nó đỗ cành đa, nó kêu ríu rít. Nó đỗ cành mít, nó kêu vịt chè. Nó đỗ cành tre, nó kêu bè muống. Nó đỗ dưới ruộng, nó kêu tầm vông. Con công hay múa ..."
Nhưng cũng có những bài chẳng dính dáng gì đến trò chơi hay động tác, chỉ cốt giúp trẻ em khi ngân nga đọc sẽ thấy vui. Chẳng hạn bài
"Ông Tiển Ông Tiên." "- Ông tiển ông tiên. Ông có đồng tiền. Ông giắt mái tai. Ông cài lưng khố. Ông ra hàng phố. Ông mua miếng trầu. Ông nhai tóp tép. Ông mua con tép. Về ông ăn cơm. Ông mua mớ rơm. Về ông đánh thổi. Ông mua cái chổi. Về ông quét nhà. Ông mua con gà. Về cho ăn thóc. Ông mua con cóc. Về thả gầm giường. Ông mua nén hương. Về ông cúng cụ!"
Hầu như bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong thập niên 1950, 1960, và những năm đầu của thập niên 1970 đều biết các trò chơi của tuổi thơ
"Đánh Thẻ Chuyền, Dung Dăng Dung Dẻ, Trồng Nụ Trồng Cà, Rồng Rắn, Thả Đỉa Ba Ba, Chơi U Mọi, Tay Trắng Tay Đen"…v.v…Và những bài đồng dao quen thuộc "- Nu na nu nống. Cái cống nằm trong. Cái ong nằm ngoài. Củ khoai chấm mật. Phật ngồi Phật khóc. Con cóc nhảy ra. Con gà ú ụ. Nhà mụ thổi xôi. Nhà tôi nấu chè. Tè he cống rụt...Nu na nu nống. Đánh trống phất cờ. Mở cuộc thi đua. Thi chân đẹp đẽ. Chân ai sạch sẽ. Gót đỏ hồng hào. Không bẩn tí nào. Được vào đánh trống. Nu na nu nống…"
Văn minh khoa học tiến bộ, tất nhiên sự giải trí cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời đại kỹ thuật số. Trên khung trời cyber, có muôn vàn trang web chuyên trình bày các trò chơi. Người ta say mê những màn đấu trí mới, bị cuốn hút vào thế giới phong phú đa dạng của trò chơi điện tử. Không cần một nhóm người ôm nhau rồng rắn lên mây cũng chẳng cần tập tầm vông tay không tay có, người ta có thể chọn những games mình ưa thích ngồi thinh lặng hàng giờ chơi trên máy tính, trên Laptop, trên iPhone, chơi với bạn hữu ở khắp năm châu bốn bể. Những người tham dự chỉ biết nick name của nhau, rất hiếm khi biết rõ ai là ai, thành viên không cố định, nay "gặp" người này mai "thấy" người khác. Không giống như xưa, mỗi một trò chơi đều phân chia thành nhóm thực tế, dù còn thơ ấu trẻ em cũng chỉ chơi với những ai được gọi là bạn hữu thân tình. Bây giờ cõi ảo không tỏ mặt người, game over mỗi người một ngả, rất hiếm có những tình bạn chân thực, chẳng hề liên lạc lâu bền. Cũng không thể nói ngày xưa kết giao có tình có nghĩa hơn, hay bây giờ mối quan hệ giữa người với người thật hời hợt. Bởi vì mỗi thời đại mỗi thế hệ có một xu hướng riêng. Cõi người ta tự giao lưu thư giãn theo cách mà họ cho là thích hợp nhất, thoải mái nhất, vui vẻ nhất. Chỉ biết rõ một điều: Những bài đồng dao gắn liền với các trò chơi dung dị ngày xưa, đã không còn sức thu hút. Hương đồng gió nội của những câu có vần có điệu càng xa vắng, khi người ta chọn đất khách là nhà.
Qua biết bao hừng đông, qua biết mấy chiều tà, những cô bé cậu bé ngày xưa bây giờ đã thành lão niên, hay đã bước vào tuổi trung niên. Trong tiềm thức của họ cũng như tôi, may ra còn sót lại dư âm những bài đồng dao gần như đã mai một theo năm tháng. Hàng trăm bài đồng dao, hàng trăm trò chơi, hàng trăm bài hát của các tác giả vô danh, truyền khẩu khắp ba miền Bắc-Trung-Nam của Việt Nam từ đời trước nối tiếp đời sau, từ vùng này qua vùng khác, đã bị biến đổi, bị sai lạc, bị thất truyền, và bị quên lãng. Người hoài cổ muốn tìm một thoáng hương xưa, phải đọc những quyển sách biên khảo về văn học dân gian của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Ôn Như Nguyễn Văn Học, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Trương Anh Thụy…v.v…Vì ghi chép theo ký ức và theo địa phương nên có nhiều dị bản, khó có thể khẳng định văn bản nào đúng nhất. Thí dụ như chỉ riêng bài
"Chi Chi Chành Chành," đã có hai văn bản. Một là
"Chi chi chành chành. Cái đanh thổi lửa. Con ngựa chết trương. Ba vương ngũ đế. Chấp chế đi tìm. Ù à ù ập." Hai là "Chu tri rành rành. Cái đanh nổ lửa. Con ngựa đứt cương. Ba vương tập đế. Cấp kế đi tìm. Ú tim òa ập!"
Lặng nghe tiếng mưa rơi giữa đêm khuya, tôi nhớ ngày xưa đã cùng bạn hữu ngâm nga "nu na nống, đánh trống phất cờ," đã chơi "oẳn-tù-tì, bàn tay trắng bàn tay đen, tay ma-rốc đen xì, tay Việt Nam trắng nõn," đã đếm…năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm, ba mươi… một trăm…Những người muôn năm cũ bây giờ ở đâu? Làm sao có thể nhìn thấy nhau khi quá khứ đã lùi vào bóng tối, khi đường xa thăm thẳm viễn phương, bên ni bên nớ vô thường cõi chơi. Thời gian ly tán xa vời, câu thơ kỷ niệm sầu rơi bến nào. Từ bến luân hồi thương cảm, tiếng gọi thuyền sang sông vang trên mặt nước tối om. Gió nghiêng chiều say. Gió lay ngàn cây. Gió nâng thuyền mây. Gió gieo sầu miên. Gió đau niềm riêng. Gió than triền miên….[1] Tưởng như tìm nhau giữa rừng thu ảo. Tìm nhau trở giấc chiêm bao. Tìm nhau sắc không pháp bảo. Tình khúc đông phương kiếp nào. Tưởng như cõi ngoài mây trắng đông hiên, tình trong ý ngỏ thương hiền hữu ca. Buông dây phím mộng hoàng hoa, tiếng đàn kỳ ngộ giang hà quán không. Thật xa đồi núi mênh mông, còn chăng chiếc bóng về trông gặp hình. Một thoáng gió vào làm mắt cay, xui giục lòng tôi thương nhớ những bài đồng dao thuở ấu thời.
Hoàng Nhất Phương
1:54am Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2013
[1]. Ca khúc "Đêm Đông." Nhạc: Nguyễn Văn Thương. Lời: Kim Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét