Trần Văn Giang
Lời rào trước:
Đây không phải là một bài phê bình văn học hay tranh luận nghệ thuật. Đây chỉ là một bài phiếm luận “bỏ túi” đọc để cho vui cuối tuần.
*
Tôi không hiểu tại sao phe ta cứ nhắm mắt nhắm mũi ca ngợi một số thi ca nhạc cận đại loại khơi khơi trích dẫn điển tích Tàu, rồi lại cất công công kênh các bài này lên thành “thi / nhạc phẩm bất hủ" của dân Mít. Vấn đề thương vay khóc mượn được thể hiện qua sự vô tình hay cố ý sử dụng các chữ xúc phạm (derogative wordings) đến cả danh dự dân tộc mình gồm những chữ Hán, điển tích Tàu, địa danh Tàu, nhân vật Tàu. Nói cách khác là tự mình chửi bố mình – self-humiliation!
Trong thời kỳ Bắc thuộc trên ngàn năm; và cũng ngay sau kỳ Bắc thuộc, vì văn hóa của dân tộc Việt bị Tàu vùi dập triền miên, khi bắt đầu chập chững tìm một lối đi trong giai đoạn mới dành độc lập... cho nên không trách được, vì còn ở tình trạng sơ khai, mới khởi đầu thì vấn đề cần phải vay mượn (y hệt như nhà nghèo muốn đi buôn phải tìm cách mượn vốn) từ Tàu cũng dễ hiểu. Chẳng hạn, nhìn qua một số tác phẩm văn chương cổ của Việt Nam như Bích câu kỳ ngộ, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Đoạn trường tân thanh... đều thuần túy vay mượn nội dung và hình thức văn hóa Tàu. Nhưng mà ngày nay, thế kỷ 21 rồi, “tự lo độc lập…” kể cũng đã hơi lâu rồi, vậy mà thơ văn nghệ sĩ vẫn còn ráng tiếp tục thương vay khóc mượn thì nghe thật bẽ bàng, thấy ngán ngẩm chè đậu...
Tôi xin nêu ra đây vài thí dụ điển hình.
1- Bài "Hòn Vọng Phu" của Lê Thương.
Tôi chẳng ưa gì cs, nhưng tôi thấy việc cs cấm bài "Hòn Vọng Phu 1" (qua lời phê bình thơ nô Chế Lan Viên) cũng có chuyện để nói.
“Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng.
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nuối ngàn trùng.
Người không rời khỏi kiếp gian nan,
người biến thành tượng đá ôm con…”
Nói về "Bên Man Khê" là ca ngợi việc Mã Viện đánh dẹp mọi ở phương Bắc (Tàu gọi dân phương Bắc là "rợ" Hồ). Mã Viện cũng đã tiêu diệt cuộc nổi dây của Hai Bà Trưng (Tàu cũng lại gọi Ta là 'mọi' - "Nam Man") ở phương Nam.
"Bên Tiêu Tương" ở đây là chỉ về đất bên nước Tàu, không phải là đất nước Ta, vì trong bài thơ của “Chinh Phụ ngâm khúc” bản tiếng Nôm của Đoàn Thị Điểm có đoạn:
“Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương...
Lịch sử chiến đấu chống xâm lăng của Tàu, hay “sự nghiệp mở mang bờ cõi” lấn đất của dân Chàm, Cao miên... của dân tộc Việt Nam ta làm gì mà có chuyện lệnh vua cho xuất quân tuốt luốt ở sông Tiêu Tương (Hàm Dương) mãi tận bên Tàu?! Bác Lê Thương kể ra hơi vung tay quá đà.
2- Bài "Hương Xưa" của Cung Tiến.
Bài này được ca ngợi không hết lời là một bài hát bất hủ của nền tân nhạc Việt Nam cận đại. Thử đọc lại một vài dòng trong bài hát này:
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
Xin nói cho rõ. "Nhị Hồ" ở đây không phải là địa danh “Nhị hồ” ở gần Huế mà là một loại đàn Nhị 2 dây của Tàu. Đàn này xuất xứ từ "rợ Hồ" có âm thanh ai oán (loại mất nước). Đàn Nhị Hồ đối với người Trung Hoa cũng giống như đàn vĩ cầm đối với người Tây phương.
“Cung Nguyệt Cầm” - Nghĩa đen là tiếng đàn Nguyệt. Đàn Nguyệt (From Chinese 月琴, literally "moon[-shaped] string instrument") là đàn cổ có hình tròn, cũng của mấy chú Ba. Thường thấy mấy em xẩm vẽ trong tranh Tàu thường âu yếm ôm đàn này coi rất lãng moạng.
Cũng tương tự cá mè một lứa như “Nhị Hồ,” hai chữ "Cô Tô" này hoàn toàn không phải là đảo Cô Tô ở Quảng Ninh Bắc Việt mà là Cô Tô Thành (hay Cô Tô Đài) cứ điểm cuối cùng, trận đánh cuối cùng mà Câu Tiễn và Phạm Lãi đã đánh để dứt điểm vua Ngô Phù sai Ngô Phù Sai (chữ Hán: 吳夫差 trị vì nước Ngô: 495-473 TCN) còn gọi là Ngô Vương Phù Sai (吳王夫差), tên thật là Cơ Phù Sai, là vị vua thứ 25 nước Ngô thời Đông Chu trong lịch sử Trung Quốc. Sau chiến thắng Cô Tô Thành này, Câu Tiễn thì lấy lại ngôi vua, còn Phạm Lãi thì lấy lại người đẹp Tây Thi. Đâu có cái quái gì ăn nhậu với lịch sử vẻ vang của dân Việt.
3- Bài "Ai về sông Tương" của Thông Đạt.
Phe ta nên biết là bản nhạc "Ai về sông Tương” là bài nhạc Việt được dân Việt ưa chuộng nhất hoàn cầu (căn cứ trên thống kê các lần yêu cầu bài hát này so với các bài hát khác trên tất cả các trang nhạc Việt online).
“..Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương,
bao ngày ôm mối tơ vương...”
Sông Tương (tiếng Trung Hoa là: 湘江 hay "湘水", theo chữ viết loại Pinyin là: Xiāng Jiāng, Xiāng Shǔi; Wade-Giles: "hsiāng chiāng" hay "hsiāng shuǐ") này cũng là Tương Giang hay Tương Thuỷ hay sông là một con sông, chi lưu chính của sông Trường Giang, chảy qua tỉnh Hồ Nam, Trung Cộng lục địa. Sông này có diện tích lưu vực 94.600 km², tổng chiều dài 856 km, lưu lượng bình quân 72,2 tỷ m³ một năm. Tương Giang bắt nguồn từ huyện Lâm Quý của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Hoa và chảy vào Hồ Nam,
Dân Việt ăn nước mắm, khác với dân Tàu ăn xì-dầu, đâu có ai hưởn, dư tiền mà mua vé xe đò, xe lửa đi đến tận Sông Tương tỉnh Quảng Tây Trung Hoa để mà trả lời dùm ông cái Thông Đạt mơ ngủ ban ngày này?!
4- Bài "Thu hát cho người" của Vũ Đức Sao Biển:
Ông Sao Biển có cái tên nghe rất "Nôm" mà lại chỉ thích chơi điển tích Trung Hoa, thích chơi chữ "Hán" của "Đường Thi / Thôi Hộ."
Hãy nghe lời hát bài "Thu hát cho người":
“Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ…”
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.
“Hoàng hạc” ở đây ông Sao Biển muốn ví von với cảnh ở mãi bên Tàu; Cho chính xác hơn, ông Sao quả tạ nhà ta muốn noái về "Hoàng hạc lầu" trong thơ Thôi Hộ đời Đường.
Hoàng Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
...
Lầu Hoàng Hạc
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay
Lầu hạc còn suông với chốn này
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
*
Lời đón sau:
Tại sao văn chương thi nhạc Việt Nam cứ cần phải câu nệ vay mượn như vậy mới có cơ hội trở thanh “bất hủ?”
Tôi cam đoan đất nước Tàu có cái gì thì đất nước mình cũng có cái đó không thua không kém thì cần gì phải vay mượn khi mình đã có đầy đủ… Thí dụ:
Về sông, tại sao cứ phải hát sông Dịch, sông Vị, sông Tương, sông Dương Tử… mà không dùng sông Bạch Đằng, sông Hồng, sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ Đông, sông Cầu Ông Lãnh…
Về núi, tại sao phải dùng sự to lớn hung vĩ để so với núi Thái sơn, Thái Hành, Thái Tỏi, Ngọa Long cương, Nga mi…. mà không xài núi Hoàng Liên sơn, Ba Vì, Tam Điệp, Cẩm Thạch, Bà Đen, Thất Sơn.
Người đẹp thì lại ca ngợi sắc đẹp Tây Thi, Đắc Kỷ, Dương Quý Phi… mà không dám ca ngợi Hai Bà Trưng, Trần Huyền Trân, Lê Ngọc Hân, Bùi Thị Xuân.
…
Cái tâm lý thích “hàng ngoại” truyền thống 4000 năm này, nhất là thích “hàng Tàu,” cần phải được dừng bước giang hồ ở đây… Nếu cứ tiếp tục thích hàng Tàu và để Tàu lấn chiếm đất biên giới phía Bắc dần dà như tằm ăn dâu, hàng ngày đe dọa cưỡng chiếm bỉển đảo ở phía Đông, và cho đám thợ Tàu, thương gia Tàu, mai phục ngay trong nội địa Việt Nam thì chẳng mấy chốc nữa dân ta phải nói trực tiếp tiếng Tàu chứ chẳng phải vay mượn chi nữa chi cho toát mồ hôi… trán.
Quý vị có còn nhớ 2 câu thơ loại “núi liền núi, sông liền sông…” từng bị hiểu lầm là do thi sĩ thượng đẳng “ass-kissing” vĩ đại Tố Hữu sáng tác (kể cũng hơi oan cho “ass-kisser” này)…
“… Bên kia biên giới là nhà
Bên ni biên giới cũng là quê hương….”
(Bài thơ “Cho uống thuốc” của Chế Lan Viên – 1954)
Thực ra, hai câu thơ “bất hủ” này do chính tay thơ nô Chế Lan Viên làm ra. Chế Lan Viên nghịch lý y như cái biện chứng cs. Xin nhắc lại, Chế Lan Viên là người đã phê bình, chỉ trích bài hát “Hòn Vong Phu 1” của nhạc sĩ Lê Thương là có lời ca đã ca ngợi Mã Viện và câu chuyện “người vợ trông chồng hóa đá” của bài hát là một câu chuyện “phản động;” không thích hợp với biện chứng cộng sản. Bởi vì dù rằng chồng mợ có đi vào Nam lạc đường ở Trường Sơn mất tích không biết đường về, hay là có lỡ bị quân VNCH cho sinh Bắc tử Nam hẳn hòi rồi thì vợ ở nhà vẫn phải “tuân thủ” 3-Đảm-Đang thì mới là tiêu biểu “phụ nữ cách mạng.” Chứ còn trông chồng hóa đá thì làm sao mà làm cách mạng được nè trời…
Vài lời thô thiển múa rìu qua mắt thợ.
Trần Văn Giang
Orange County
(Ngày 10/4/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét