Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Những ‘con Rồng con’ ở Ba Lan


Tường Vi
Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Wietnam – Ba Lan” thực hiện cuối tuần qua để lại nhiều ấn tượng. Sau 3 tháng tập luyện, trẻ em Việt Nam đã ra mắt vở kịch đặc sắc mang tên “Con của Rồng”, cùng bộ phim tài liệu về người Việt tại Ba Lan. Sự kiện văn hóa diễn ra hôm thứ Bẩy vừa qua còn có thêm chương trình ẩm thực và hòa nhạc phối hợp Việt Nam – Ba Lan.
Cơ sở chịu trách nhiệm cho sự kiện văn hóa này là nhà văn hóa tư lập Scena Lubelska 30/32 do đạo diễn và nhà thiết kế sân khấu Dariusz Kunowski sáng lập.
Ông cũng là người đưa ra sáng kiến và chỉ đạo thực hiện chương trình, với sự hỗ trợ của Agata Brzozowicz – giáo viên sư phạm và Andrzej Marat – nhiếp ảnh gia. Phía Ba Lan đã liên hệ và đề nghị Tôn Vân Anh làm cố vấn, liên lạc viên trong một số công việc liên quan tới cộng đồng. Và sau đó Vân Anh đã nhận lời làm một phim tài liệu ngắn về người Việt tại Ba Lan.
Theo như lời giới thiệu về chương trình được in và phân phát trong buổi diễn, thì dự án có mục đích “thể hiện những khía cạnh rất đặc biệt của mình bằng ngôn ngữ nghệ thuật và tài năng riêng”.
Chương trình trọng điểm của dự án là mục diễn kịch do các em thiếu nhi Việt Nam và Ba Lan tham dự. “Con của Rồng” tổng hợp nhiều sự tích Việt Nam những chi tiết rất bất ngờ, và “happy end” diễn ra 2 lần trong cùng một vở kịch, khi Mị Nương đem lòng yêu người không chân không tay là sọ dừa; với Lục Xương và các cô chị hay ganh tị của công chúa; với vua và hoàng hậu biết hỏi ý kiến con gái khi gả chồng, đòi lá diêu bông và tre làm quà cưới.v.v.
Sở dĩ như vậy bởi kịch bản được dựa trên nhiều truyền thuyết và cổ tích do các nghệ sĩ – ban tổ chức sưu tập và đọc cùng các diễn viên. Sau một thời gian làm quen, đạo diễn chủ động đề nghị các em thiếu nhi nghĩ ra một câu chuyện và chọn vai diễn cho mình.
Các em đã nhập nhiều vai khác nhau để “thử thách” trước khi nhận vai diễn cố định. Hầu hết các diễn viên nhí đã nhập nhiều vai trong cùng một vở diễn. Cũng chính các em là tác giả của phông màn, trang trí sân khấu, tự vẽ các con vật…
Cứ chủ nhật hàng tuần, kể từ 3 tháng trở lại đây, đội ngũ diễn viên, đạo diễn đã chuyện trò, trao đổi cùng nhau trong không khí thân tình. Các buổi tập được diễn ra tại nhà hát tư lập của đạo diễn, một phòng diễn tập rất khiêm tốn nằm trong tòa nhà ở quận Praga.
Những buổi tập không hề gượng ép, luôn mang không khí vui vẻ đi kèm với đọc chuyện, vẽ đồ họa và rất nhiều thời gian trao đổi, họp hành, bàn thảo… Các diễn viên nhí cũng vì vậy gắn bó với nhau và rất quý mến các thầy cô trong tinh thần tôn trọng. Các em cũng đã tự viết nội quy được bổ sung mỗi lần có “sự kiện” không vừa ý xảy ra, ví dụ “không được giận dỗi mà không có nguyên do”, hay “chúng ta lắng nghe và không ngắt lời người khác…”, hoặc “tôn trọng thời gian giải lao”…
Vở kịch khiến cho không chỉ các phụ huynh mà tất cả khán giả hài lòng đặc biệt. Trong đó, các diễn viên vô tư tự tạo lời thoại, hoặc không tỏ ra quá bối rối khi không nói đúng kịch bản. Sự vô tư và lối diễn tự nhiên đúng phong cách ngây thơ của trẻ làm khán giả bị thuyết phục ngay từ những màn diễn đầu, để sau đó vang lên những tiếng cười đầy thú vị và tràng pháo tay nhiệt liệt khi vở diễn kết thúc.
Một điều thú vị khác là ngoài các diễn viên “gạo cội” của dự án là Nguyễn Thu Hà Hania, Piekarski Đức Anh, Piekarska Trâm Anh, Phùng Minh Thông Alek, Vũ Công Minh Mirek, Vũ Quỳnh Vân Maja, SnochowskaHania, Tôn Thiện Tường Vi Oliwia, Trần Diệu Linh Linda thì đã có khá đông “quần chúng tự phát” vì đi theo bố mẹ hoặc chị em tới sớm nhưng thấy thích thú đã ngỏ ý muốn tham gia và được vui vẻ chấp thuận. Các em đã ít nhất được tham gia múa Rồng trong màn đầu và cuối của vở kịch.
Buổi diễn ra mắt cũng được gọi là “màn kết” của dự án, coi đây là thành quả cuối cùng của 3 tháng hoạt động nghệ thuật sáng tạo. Tất cả đã diễn ra tại nhà hát của quận trung tâm thành phố, tại khu thành cổ, trong ngôi nhà cổ kính trước kia là “kho chứa pháo” được sửa sang thành nhà hát với 90 chỗ ngồi. Một số khán giả đã phải thưởng thức kịch ở tư thế đứng.
Cũng trong khuôn khổ dự án “Wietnam – Ba Lan”, nhiếp ảnh gia Andrzej Marat đã trình làng bộ ảnh chân dung tựa đề “Bông sen nhỏ” với những nhân vật ông đã gặp kể từ khi dự án được thực hiện. Bộ ảnh theo phong thái dùng nền giản đơn nhưng không tạo cảm giác tầm thường cho các bức ảnh, xem vào đó là một số nét khôi hài.
Cùng ngày kết thúc dự án, hôm 21 tháng 12 vừa qua, phim tài liệu tựa đề “Wietnamczycy” (“Người Việt Nam”) cũng được ra mắt lần đầu. Để những người Việt Nam tự nói về mình là động lực của tác giả khi làm phim. Bộ phim là tác phẩm đầu tay của Tôn Vân Anh, hình thành từ đề xuất chủ dự án.
Bộ phim tập trung vào lời kể của các nhân vật, thuộc nhiều thế hệ khác nhau từng gắn bó với Ba Lan, từ những sinh viên Việt Nam từ thời Ba Lan cộng sản, tới người đầu bếp vượt biên trái phép, rồi nữ sinh ra đời tại tỉnh lẻ nay đang chuẩn bị cho bước đường vào đại học.
Cũng có xuất hiện một số nhân vật với địa vị xã hội cao, kể về thời ấu thơ và những ngày tháng tha hương, chia sẻ cảm nhận về Ba Lan và con người tại đây. Bộ phim bị phê phán bởi hình ráp chưa chuẩn, mang tính mông má” và thiếu tựa đề tiếng Việt, khiến nhiều khán giả Việt Nam có mặt hôm đó không hiểu hết được nội dung. Nhưng bù lại đã hội tụ được nhiều nhân vật khác nhau với các câu chuyện đặc thù.
Phần ẩm thực có sự góp mặt của đầu bếp nổi tiếng – Jan Kuroń; và người dẫn chương trình là dịch giả văn học Ba Lan – Nguyễn Thái Linh. Bàn ăn với các món ngon hấp dẫn đã khiến cho phần lớn khán giả quên mất việc giao lưu với các nhân vật hay đạo diễn của chương trình.
Chương trình ca nhạc được hưởng ứng nhiệt liệt. Ban nhạc trẻ Yoga Terror trong do hai anh em họ Trương sáng lập, chơi nhạc phổ theo phong cách Á Châu. Buổi văn nghệ kết thúc bằng ca khúc Giáng sinh qua cây đàn bầu của các nhạc công Vũ Kim Vinh và Nguyễn Quang Sơn.
Buổi văn nghệ tràn đầy không khí gia đình, dường như không bị chê trách về tổ chức. Có thể cảm nhận được sự hân hoan của khán giả khi ra về. Sự có mặt của khá đông thanh thiếu niên ở những lứa tuổi khác nhau của hai sắc tộc làm không khí thêm tươi trẻ, vô tư và màu sắc.
Khán giả được vào cửa miễn phí tuy cũng có người Việt hỏi tìm “hòm quyên góp ở đâu”…
Được biết, dự án do thành phố Warszawa đài thọ, trong khuôn khổ các hoạt động cổ súy đa văn hóa và hội nhập dành cho cư dân thủ đô.
Đây không phải dự án lớn về kinh phí nhưng được các tác giả nhiệt tình thực hiện. Trước hết, phải kể tới công lao của nhiều bậc phụ huynh kiên nhẫn đặt lòng tin vào dự án khi chưa rõ kết quả như thế nào.
Các tác giả tâm sự, rất quý các diễn viên nhí sau một thời gian làm việc nghệ thuật gắn bó cùng nhau. Khá đông các nhà hoạt động xã hội trong cộng đồng cùng với các vị phụ huynh thì tỏ ra nối tiếc cho một buổi ra mắt ngắn ngủi sau bao công lao tập kịch, làm phim, chụp hình, lên khuôn cho phim tài liệu và cả triển lãm ảnh. Mỗi tiết mục đều mang lại nhiều điều thú vị, bất ngờ và hấp dẫn.
Cùng ngày hôm đó, TV Warszawa đã đưa tin và hình ảnh về sự kiện văn hóa phối hợp Việt Nam- Ba Lan này.
 Một số hình ảnh:
kich-3
kich-1
kich-2
kich-4
kich-5kich-6kich-7


© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog