Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Chuyện một đôi bạn

GN: Sáng nay đọc bài này đoạn nhà báo Nguyễn Tường Thụy khóc, tui cũng khóc luôn, tưởng tượng mình gặp một cô gái không những xinh đẹp mà còn can cường như thế, một chàng trai "nét cương nghị của một người đàn ông cứng cõi" theo mô tả của tác giả, tưởng tượng đến thế hệ Cô Giang, Nguyễn Thái Học truyền đạt tới Phương Uyên, Nguyên Kha, tới những bà mẹ của Uyên và Kha, những ngươì đàn bà cứng cỏi như thế hỏi sao không sinh ra những đứa con "anh hùng, anh thư" trong mắt một người mẹ bình thường như tôi. Sáng nay tôi cũng rấm rức theo, dù ở xa ngàn dặm cũng cầu mong phiên toà ngày mai sẽ cho Phương Uyên, Kha và Uy sẽ được trở về với gia đình, tiếp tục việc học việc làm.  Nhưng toà ở VN có khi nào tha bổng người ta vì chống Trung Cộng không?



Bổ túc: Chiều qua 16/8/21013 toà án Long An đã "tha bổng (đọc cho nó oai) thực ra là Phương Uyên bị 3 năm án treo, nghĩa là được về nhà sau phiên toà, còn Nguyên Kha thì "được/bị" bốn năm tù, ba năm quản chế, nghĩa là giảm xuống từ 8 năm tù.  Cũng mong là Nguyên Kha sẽ được về sớm hơn nữa, có khi nào ngày 2/9 Nguyên Kha được ân xá không nhỉ, chắc cũng chỉ là chuyện trong mơ của tôi.  Phải cám ơn những người mẹ đã sinh ra những người con như thế.



Mẹ của Uyên nói chuyện, bên cạnh là bà Dương Thị Tân vợ ông Điếu Cày, một người tù lương tâm.

GHI NHANH VỀ CHUYẾN ĐI THĂM UYÊN, KHA, UY TRONG TÙ

Huỳnh Ngọc Chênh




Đoàn khách thăm trước cổng trại tạm giam công an tỉnh Long An
Khi Nguyễn Tường Thụy, Lê Quốc Quyết, tôi và một vài bạn trẻ đến cổng trại tạm giam Long An thì cũng vừa lúc một một băng rôn đỏ rực " Nhiệt liệt chào mừng" được kéo lên treo trước cổng trại. Tôi nói đùa: "He he, họ nhiệt liệt chào mừng chúng mình đấy".
Đến gần hóa ra là " Nhiệt liệt chào mừng đại biểu dự lễ khánh thành trại tạm giam công an tỉnh Long An". Nhà tù mới được xây dựng rất to đẹp và hoành tráng trên một khu đất rộng mênh mông cách trung tâm thành phố Tân An (tỉnh lỵ Long An) khoảng chừng 10km. Vì vậy đường đi đến trại tạm giam rất thuận lợi, đỡ vất vả cho những người nhà đi thăm nuôi thân nhân trong trại.

Vào trong khu thăm nuôi, chúng tôi bất ngờ khi gặp các anh Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi, Mai Văn Muôn đại diện cho nhóm nhân sĩ trí thức Sài Gòn đến thăm viếng và tặng quà cho ba em Phương Uyên, Nguyên Kha và Nhật Uy. Và bất ngờ hơn nữa, khi thấy blogger Phạm Chí Dũng đang đứng quây quần bên cạnh nhóm bạn trẻ là bạn bè của Uyên, Kha và Uy. Phạm Chí Dũng đã từ sáng sớm, một mình cỡi xe gắn máy từ Sài Gòn chạy xuống đây. Gia đình Phương Uyên, bên cạnh anh Linh, chị Nhung là bố mẹ, còn có em trai nhỏ và cậu ruột từ Phan Thiết vào đi cùng với chị Tân vợ anh Điếu Cày. Gia đình Nguyên Kha, Nhật Uy thì ngoài mẹ Liên, chị Như là chị cả của Kha, Uy còn có cô vợ chưa cưới của Uy cùng các cháu nhỏ.
Sáng nay người đi thăm tù khá đông, chúng tôi cùng gom hết chứng minh nhân dân đưa cho chị Nhung vào đăng ký thủ tục thăm nuôi rồi ngồi chờ. Nhân viên trại tạm giam Long An làm việc khá nghiêm túc và chấp hành đúng quy định của luật pháp là cho phép tất cả chúng tôi được vào thăm tù nhân theo nguyện vọng. (Những trại giam khác như trại giam anh Điếu Cày, trại giam chị Tạ Phong Tần...ngăn cản người thân quen vào thăm tù nhân là làm trái pháp luật). Rất tiếc, khi chúng tôi đến thì gia đình chị Liên đã làm xong thủ tục đăng ký thăm nuôi Nguyên Kha và Nhật Uy nên chúng tôi chỉ làm thủ tục đăng ký thăm nuôi chung với gia đình Phương Uyên.
Nguyên Kha được ra trước tiên, do không đăng ký nên chúng tôi chỉ được đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Tuy vậy, tôi và Phạm Chí Dũng vẫn vào trong cùng với mẹ và chị gái của Nguyên Kha. Bên kia khung kiến, chàng trai trẻ cao lớn, mạnh khỏe và tươi tắn bước ra ngồi vào ghế. Nguyên Kha có khuôn mặt cân đối, ánh mắt sáng, hai hàng lông mày đậm và sắc tạo ra nét cương nghị của một người đàn ông cứng cõi. Kha cười khá tươi khi chào mọi người và trong suốt thời gian nói chuyện qua ống nghe với chị gái và cháu gái. Chị Liên, mẹ Kha ngồi hàng ghế phía sau cùng tôi, chị nói hôm nay chị không được phép nói chuyện với Kha. Tôi tỏ ra ngạc nhiên, chị giải thích: Những lần thăm nuôi và gặp gỡ trước đó chị đã nói nhiều, trong đó có những điều người ta cho là bất lợi nên lần nầy phải viết cam kết chỉ vào thăm chứ không cho tiếp xúc nói chuyện (?) Quy định chỉ cho mỗi tù nhân được 20 phút nói chuyện với người nhà, nhưng hôm nay, các giám thị tỏ ra dễ dãi, linh hoạt cho Nguyên Kha ở lại thêm 5 phút. Qua sắc thái tươi tỉnh của Nguyên Kha suốt buổi tiếp xúc với gia đình và qua hỏi chuyện chị của Nguyên Kha sau đó, chúng tôi biết rằng tinh thần em rất vững vàng cho phiên tòa ngày mai. Kha rất cảm động khi thấy các bạn của mình và biết có các nhân sĩ và blogger chúng tôi đến thăm và gởi quà. Em tươi tỉnh và đầy vẻ tự tin vẫy tay chào chúng tôi trước khi bước vào.
Tiếp theo sau đó là Phương Uyên và Đinh Nhật Uy, tất cả chúng tôi, trên 10 người đều được vào trong phòng để chờ cả hai bước ra. Tuy nhiên chúng tôi chỉ thấy mỗi Đinh Nhật Uy với chiếc áo thun vàng nổi bậc và nụ cười thật tươi bước ra vẫy tay chào. Tất cả các tù nam đều hớt tóc ngắn, riêng Đinh Nhật Uy vẫn để nguyên mái tóc dài như vẫn thấy các ảnh của em trên facebook, vì Uy chưa phải là phạm nhân (đến bây giờ chúng tôi thật tình vẫn chưa hiểu Uy bị bắt vì lý do gì, chẳng lẽ vì vài câu chống Trung cộng trên facebook mà áp em vào điều 258?). Hôn thê của Uy được ưu tiên nói chuyện với Uy suốt cả buổi thăm nuôi. Uy mới bị bắt nên biết rất nhiều người trong đoàn đến thăm, vừa nói chuyện với người yêu nhưng thỉnh thoảng vẫn vẫy tay chào chúng tôi bên ngoài. Sau người yêu là đến chị gái của Uy. Chị Liên cũng không nói chuyện với con trai, chỉ giải thích: Tôi mới làm việc với nó suốt cả ngày cách đây mấy hôm rồi. Lần này Uy ra tòa phúc thẫm vụ Uyên - Kha với tư cách người có trách nhiệm liên quan chứ không phải ra tòa vì chính vụ của Uy. Tài sản của Uy tại cửa hàng điện tử bị tịch thu trong vụ án Uyên - Kha, và Uy đã gởi đơn kháng nghị.
Phải chờ đến hơn 20 phút  thì mới đến lượt Phương Uyên ra.

Anh Huỳnh Kim Báu, đại diện các nhân sĩ trí thức trao quà cho Phương Uyên qua chị Nhung, mẹ Phương Uyên


Tất cả chúng tôi hơn 10 người đều đồng loạt bật đứng lên khi một cô gái trẻ thật xinh đẹp dưới màu áo trắng học trò còn mang bảng hiệu nhà trường bước ra. Chúng tôi xuýt vỗ tay vang trời nhưng chợt nhớ lại không được phép làm ồn tại phòng thăm nên dừng lại. Em sáng lóa và rạng ngời với nước da trắng ngần không thua  màu trắng tinh của chiếc áo nữ sinh mà em đang mặc. Khuôn mặt em đầy đặn và cương nghị với ánh mắt rạng ngời sau đôi kiếng cận gọng đen. Em chỉ nhìn chúng tôi gật đầu chào trước khi ngồi xuống mà cảm xúc chúng tôi dâng trào. Mắt Nguyễn Tường Thụy dường như đang nhòe đi. Chị Tân khẽ nhắc: Anh đừng khóc đấy nhé. Rồi nắm tay kéo Thụy ra sau trong khi tất cả chúng tôi dồn vào đứng vòng quanh sau lưng anh Linh và chị Nhung, bố mẹ của Uyên. Em trai 8 tuổi của Uyên được giám thị cho chạy vào bên trong ôm chầm lấy chị, hai chị em tíu tít hôn nhau.
Vì có tên đăng ký chính thức thăm Uyên nên tất cả chúng tôi đều được nói chuyện với Uyên. Sau một hồi tâm sự với nhau, ba mẹ Uyên nhường ống nghe cho chúng tôi. Anh Huỳnh Kim Báu nói trước. Anh giới thiệu thành phần trong đoàn đến thăm cho Uyên biết và động viên em tiếp tục cứng cỏi, kiên định nếu thấy rằng chọn lựa của em là đúng đắn. Cũng cần phải nhắc lại rằng anh Huỳnh Kim Báu là cựu tù 8 năm ở Côn Đảo trước năm 75. Sau anh Huỳnh Kim Báu là hai anh Kha Lương Ngãi và Mai Văn Muôn là hai nhà báo kỳ cựu của SGGP và đài VOV. Phạm Chí Dũng vừa ở tù ra nên có nhiều chuyện để nói với Uyên, anh cũng nói với Uyên về nội dung một cuốn sách mà anh vừa gởi tặng cho em. Tôi hỏi thăm em chuyện ăn ở trong tù và cho em biết tinh thần và thái độ của em ở phiên tòa sơ thẫm rất ấn tượng đã gây ra sự xúc động trong lòng mọi người, mong em giữ nguyên tinh thần đó trong phiên tòa ngày mai. Tôi hỏi em có nhắn nhủ gì với bạn bè bên ngoài, em nói: Cám ơn tất cả sự quan tâm của mọi người dành cho hai em và em tin rằng sự công bằng sẽ đến với hai em trong nay mai.
Nguyên Kha và đặc biệt là Phương Uyên là niềm tin, là nguồn cảm hứng của Nguyễn Tường Thụy nên anh đã viết đến 15 bài về vụ án của hai em. Từ lâu anh đã tự xem Phương Uyên là con của anh. Anh bay từ Hà Nội vào để dự phiên tòa và để mong gặp em. Cách đây hai ngày, anh đã gặp ba mẹ Uyên và nói lên nguyện vọng muốn nhận làm cha nuôi Phương Uyên. Anh Linh và chị Nhung rất cảm động nhận lời nhưng nói rằng cũng còn tùy thuộc vào Phương Uyên. Thế nên hôm nay, khi ngồi đối diện với Phương Uyên, cầm ống nghe lên và nghe Phương Uyên thốt lên chữ cha trìu mến, Nguyễn Tường Thụy đã bậc khóc, nước mắt anh ràn rụa. Một blogger cứng cỏi, một người lính kiên cường đã để cho sự nhạy cảm của một nhà văn lay động tấm lòng.
Lê Quốc Quyết và các bạn trẻ khác của Phương Uyên cũng được nói chuyện với Phương Uyên. Và dường như Phương Uyên đã truyền niềm tin đến cho mọi người. Nên sau đó, Lê Quốc Quyết đã ghi trên facebook:  Đi thăm Phương Uyên để động viên tinh thần em và gia đình, không ngờ khi gặp em thì mình được động viên tinh thần nhiều hơn. Liệu có quá không khi mình nói rằng "đất nước này cả thế kỷ giờ mới có được con người như em"!
Không quên cám ơn các anh cán bộ ở trại tạm giam Long An. Các anh đã làm việc rất nghiêm túc và đối xử hòa nhã, thân thiện với tất cả người đi thăm trong đó có anh em chúng tôi. Bên cạnh đó, do trại giam mới xây dựng nên cơ ngơi khá khang trang, chỗ chờ của thân nhân và phòng thăm nuôi khá lịch sự và thoáng mát. Tuy vậy vẫn có một nhân viên an ninh cầm camera liên tục chụp ảnh và ghi hình chúng tôi, không biết để làm gì trong khi đó chúng tôi đã gởi giấy chứng minh có hình ảnh và đầy đủ các thông tin cá nhân cho bộ phận tiếp nhận đăng ký thủ tục thăm nuôi.
Long An
15.8.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog