Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Lông bông vài vòng Bangkok [3]

tl1 
6.  VIẾNG THĂM ĐẠI HOÀNG CUNG (The Grand Palace)
Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ qua đi tám!
Mấy lời ca của nhạc sĩ Phạm Duy đã nhắc tôi trở về thực tại. (Bỏ qua tâm trạng buồn khi đi thăm trại giam IDC ngày hôm qua). Hôm nay tôi đi thăm đại hoàng cung của vương triều Chakri, được xây dựng từ năm 1782, bao gồm nơi ăn chốn ở, cung điện làm việc của hoàng gia và một vài cơ quan chính phủ, kể luôn Đền Phật Ngọc (Emerald Buddha Temple). Tôi đi chung với em hướng dẫn viên 00Rành cho có bạn, vì tuy ở đất Thái trên 2 năm, nhưng em 00Rành chưa có dịp và không có tiền để vào xem hoàng cung (400 Baht/1 người). Đã bảo là không-không-rành mà!
Đi cả ngày mới xem hết cung điện, gồm 35 dinh thự, chỗ nào cũng sơn son thiếp vàng, ngó thiệt là chói mắt. Lạ thì có lạ. Nhưng đẹp thì chưa chắc! Vì cái gì cũng nhọn hoắc, có lẽ tại tôi thích hình tròn hơn là hình tháp. Hình tháp là thời quân chủ, vua chúa là mũi nhọn trên cao, đè đồng loại nằm dưới đáy. Hình tròn là thời dân chủ, con người bình đẳng với nhau. Đấy là thành kiến chủ quan, không thích vua chúa, của tôi. Chứ cái nhà làm sao xây tròn cho được? Nhưng nếu tôi sinh làm hoàng tử thì tôi sẽ nghĩ cách khác!

tl6Trong khuôn viên hoàng cung là một sự pha trộn tài tình giữa kiểu mới. Đền đài thờ phượng vua chúa là kiểu cũ, còn dinh thự làm việc chính phủ xây theo kiểu mới của tây phương. Ở hai cổng vào theo trục nam-bắc của đền thờ đều có 2 ông thần hộ vệ gác cửa, mỗi ông mỗi vẻ, nhưng trông dữ dằn như nhau. Tôi tính gọi là hai ông ‘thiện-ác’, hay ‘hiền-dữ’, đang canh giữ cổng chùa; nhưng không được, mặt dữ quá trời, sao gọi là ‘hiền’ được?
Tôi tiếc quá, vô thăm The Chapel Royal of Emerald Buddha (Đền Phật Ngọc của Hoàng gia) mà họ không cho chụp hình. Tôi tính làm đại, nhưng ngại cảnh sát, vì mới thấy mặt mấy ổng hôm qua trong nhà tù. (Cảnh sát đi đường thì ngó dễ thương, còn cảnh sát trong tù thì trông rất dữ). Ai không tin thì thử cho bị bắt sẽ biết liền! Nhưng có một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên !!!!
Ngạc nhiên là vì trong đền thờ Phật Ngọc lại có một cái trống đồng, cũng sơn son màu vàng chói, đặt gần cửa đi vô. Tôi không tin được, nên rủ em 00Rành xem thử; em cũng ngạc nhiên không kém. Tại sao đền thờ Phật mà lại chứa trống đồng? Trống tuy làm theo kiểu ‘trống đồng’, cao khoảng 75 cm, nhưng không phải bằng đồng nguyên chất vì đã bị sơn màu vàng chói, không biết có trát vàng hay không? Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Riêng tôi cho rằng, nền văn minh nông nghiệp ruộng-lúa-nước (Thái-Lan sản xuất lúa gạo không thua kém gì ta, nhất nhì thế giới) đã bị Phật-hóa, nên ‘trống đồng’ đã biến thành trống vàng. (Phật giáo là quốc giáo của Thái-Lan).
Tức thiệt! Không chụp được bức hình ‘trống vàng’ để cho bà con coi chơi!
Ngoài sân trời nắng nóng, nhưng trong đền Phật Ngọc rất mát, khách thập phương ngồi trên sàn chắp tay, chiêm ngưỡng tượng đức Phật làm bằng ngọc thạch xanh lá cây được đặt trên bục rất cao. Tôi chắp tay, van vái cho đất nước VN sớm thay đổi và toàn vùng Đông-Nam-Á được dân-chủ-hóa, càng sớm càng tốt, để tránh khỏi cảnh bị Trung-cộng bắt nạt và thực dân.
tl2Vừa ra khỏi đền thờ Phật thì thấy trước cổng đền thờ quốc vương Rama (Đệ mấy, tôi quên rồi), là bức tượng đá của hai ông tướng Tàu mang áo giáp, râu 5 chòm rất uy nghi, đứng giữ cổng ra vô. Mấy ông vua Rama giỏi thật, để tướng thiên triều Đại Hán đứng ngoài cổng gác cửa.
Ngó qua cái tháp trát vàng đối diện lại là hình ảnh của quần thần Thái-Lan đang chống đỡ cho vương triều Chakri hơn 230 năm:
nhất tướng công thành, vạn cốt khô!
Biết bao nhiêu bộ xương khô đã xây dựng nên triều đại cho Rama; nhưng cái tài ba của Thái-Lan là các Rama đã giữ không cho Tàu cũng như Tây (Tây phương) vào nhà mình làm mưa làm gió trong suốt ba thế kỷ qua. Chính là nhờ lãnh đạo Thái-Lan biết tùy thời mà hành xử: có tháp quân-chủ mà cũng có đài dân-chủ, không cần theo bác Mác hay bác Mao gì ráo!
Còn cái, gọi là ‘cha già lãnh tụ’ của ta (thật ra chỉ là của đảng cộng-sản), được mang tiếng là tìm đường cứu nước, mà tài liệu giải bí mật của Nga và Tàu lại bật mí cho biết là nga-ài, thật ra, đã tìm nước cứu đường. Con đường tiến thân cho chính bản thân nga-ài. Nga-ài đã tinh thông về thuật mà trật vuột về . ‘Lý’ thì đã có bác Mác, bác Lê lo. ‘Thuật’ thì thuộc làu bài bản của bác Lin, bác Mao. Chỗ nào cho tiền là đút đầu vào để canh me cướp quyền, khiến cho dân tộc phải đảo điên và đàn em chịu nhiều oan nghiệt !?$
Đã đành cơ chế xứ Thái-Lan là theo quân chủ lập-hiến, có chính phủ điều hành đất nước theo hiến pháp dân chủ, nhưng con người và biểu tượng của quốc vương và hoàng gia đã ảnh hưởng đến vùng đất tự do này mấy trăm năm qua, quả là công không phải nhỏ. Rama IX, tuổi đã xế tà, không biết người kế vị có khả năng xứng đáng để có thể dẫn dắt quốc dân Thái trong thời đại mới, với tương lai tranh sáng tranh tối ở thế kỷ 21, là một thử thách lớn mà cũng là cơ hội tối ư quan trọng cho Thái-Lan.
tl3 
Sự tự hào và kiêu hãnh của tinh thần dân tộc là điều kiện tối cần cho sự sinh tồn của quốc gia nhưng chưa đầy đủ cho sự tiến hóa của nhân loại trong mai hậu. Tôi đang đứng ngắm mô hình Đế Thiên Đế Thích của xứ Miên ngay trong đại hoàng cung của xứ Thái. Đền đài Angkor Wat là của Thái? đất đai Miên là của Thái? Đầu năm 2011 vừa qua, Thái và Miên đã tranh giành ngôi đền cổ 900 tuổi dọc theo biên giới. Thái cho là đền của mình với tên gọi là Khao Phra Viharn. Miên cho đền của họ với tên gọi là Preah Vihear. Và cuối năm nay, toà án quốc tế giúp hoá giải xử sự, không biết có được chăng?
Song song với sự trổi dậy của siêu-cường Trung-quốc bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ 21 thì vấn đề tranh giành địa điểm, đất đai, ranh giới, đảo biển giữa những xứ trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông-Nam-Á (Association of South-East Asian Nations, gọi tắt là ASEAN) cũng nổi lên dày cộm. Mặt khác, sự lấn lướt và ảnh hưởng hung tợn của Trung-cộng vào mọi miền đất nước của Miến, Thái, Miên, Việt, Lào, … để tạo nên nguồn tài nguyên giới hạn mới (new limited resources) hầu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế (economic growth rate) cho Trung-quốc, chỉ mong đương đầu với Mỹ-quốc. Cách dùng thuật chủ nghĩa dân tộc của lãnh đạo Trung-cộng, một cách cực đoan và quá khích, đã biến họ trở thành những ‘anh hùng kẹt’ trong lịch sử nhân loại. Bị kẹt vì tứ bề thọ địch! Tối ngày chỉ nghĩ đến cách lấn lướt nhau để bành trướng.
tl4 
Nhiều câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là: Có sự liên hệ chính trị nào (political correlationship) giữa sách-lược (strategies) bá quyền của Trung-cộng và tình hình an ninh chung trong tinh thần đoàn kết của Đông-Nam-Á? Có bằng chứng khoa học nào về truyền thống đế quốc Trung-Hoa sau thời Châu-Tần-Hán? Có minh chứng nào về đối-thuật (tactics) văn hóa của vùng Đông-Nam-Á cổ đại trước thời Châu-Tần-Hán? Sách lược ‘chia-để-trị’ và ‘hợp-để- xây’, con đường nào hữu hiệu (effective) và hiệu năng (efficient) hơn cho văn minh loài người?
Ôi, nhức đầu quá !!!
Đang đi chơi mà nghe lảng vảng mấy câu hỏi hóc búa này trong đầu thì chỉ làm cho rối trí thêm, hết còn giải trí nữa rồi! Nhưng, du lịch mà bị đi lạc thì mới thích, vì biết được thêm cảnh vật mới; còn suy nghĩ mà ‘ra khỏi cái hộp’ (out of the box) thì mới đã, vì dám phá chấp! Bạn thử đi!
7. LÔNG BÔNG MỘT VÒNG LÝ SỰ: CHIA-ĐỂ-TRỊ HAY HỢP-ĐỂ-XÂY ?
Dưới tựa đề cuả bài này, Lông Bông Vài Vòng Bangkok, tôi đề bảng là SựLý Sự, khác hẳn với các bài ký sự khác. Sở dĩ tôi viết thêm mục lý sự này; vì sau khi đi thăm đồng bào bị giam giữ trong IDC, không có ai trông nom giúp đỡ, ngoại trừ chính phủ Thái-Lan phải cưu mang; tôi đã học hỏi và suy nghĩ thêm một vài quan điểm mới, nên muốn chia sẻ cùng độc-giả cho chuyến đi này, đượm nhiều mắm muối.
Còn bạn đọc nào muốn xem/nghe thêm các màn: tắm biển tắm nắng, vũ sexy, cụng ly kỳ nữ ở đảo Phuket và bãi Patong; hay muốn thưởng thức nữa các màn: ẻo lả của trai hóa gái, hoặc hôn mãng xà, rớ ngà voi, rờ đuôi cọp thì nên lên trên mạng youtube để mà coi. Nghề chơi nào cũng lắm công phu! Thái-Lan đều có đủ cả. Chơi nhiều cũng thấm mệt. Đã nói du lịch Thái là number one (số một) mà! Bà con lối xóm Đông-Nam-Á đều đang bắt chước để tranh đua và tranh thương với du lịch Thái.
Tôi có 5 cái lý sự, trong chuyến đi này, muốn thưa cùng quý vị. Về đất nước ViệtNam, tôi trộm nghĩ đến 2 điểm: trước hết là chuyện chống cộng và sau cùng là chuyện ngư dân lạc biển. Về chuyện thiên hạ, tôi nhớ ra 3 mục: một là, chuyện biển Đông-Nam-Á; hai là, chuyện tục trầu-cau-vôi; và ba là, chuyện Trống Đồng, Trống Cóc và Trống Vàng. Năm chuyện này dính chùm và liên hệ chặt chẽ với nhau trong chuyến đi vừa qua.
1.   Lý sự thứ nhất: Chống cộng
Nhờ đi thăm anh NTPHiềnSĩ, tôi học được nhiều bài học chống cộng. Chống cộng, thì cả thiên hạ đều chống vì nó phản tự nhiên, không ơn ích gì cho nhân loại. Thiên hạ đã bỏ và dẹp gần hết. Nhưng vấn đề tồn đọng là: ai là người cộng- sản? ai là người chống cộng? chống cộng để làm gì? chống cộng bằng cách nào? chống cho đã căm hờn và tức giận, rồi what is next?
Người Eskimo sống trên vùng Bắc-cực giá băng có nhiều danh từ để diễn tả trạng thái của tuyết. Tuyết trắng, tuyết vàng, tuyết nâu, tuyết xám, vân vân để chỉ rõ độ tan rã thành nước của tuyết trong cùng khung thời gian. Do đó, tùy theo trình độ hiểu biết để nhận dạng loại tuyết nào mà dân Eskimo khôn ngoan lựa chọn để sử dụng cho thích hợp với thời thế và hoàn cảnh. Chống cộng khôn ngoan cũng như thế, phải như dân Eskimo biết dùng tuyết.
Đảng viên cộng-sản ViệtNam, gọi tắt là Việt-cộng, cũng cùng trạng thái như các loại tuyết. Đảng Việt-cộng được nuôi dưỡng bởi Nga-cộng và Trung-cộng vì những người tiên khởi và giới lãnh đạo ViệtNam là cán bộ của quốc tế, dính kế ngoại bang, chỉ biết vận dụng tà-thuật chia-để-trị hầu cướp quyền, nhưng lại thiếu khả năng về -tưởng hợp-để-xây cho quốc dân, so sánh đối chiếu với đời vua hậu duệ Rama của Thái-Lan.
Thắng cộng là chuyện không khó, nhưng thắng mình còn có thể khó hơn, vì vừa vừa-tu-vừa-hành để giúp cho mình, và vừa chuyển hóa Việt-cộng trở về với dân tộc chân chính là điều phải đạo. Không thể có loại Việt-cộng chân chính. Một khi Việt-cộng bỏ cộng thì còn Việt, và Việt nhất quyết không diệt Việt, đây là lý (tưởng) của con người dân tộc đích thực. Bài học đuổi gà cửa trước, rước cọp cửa sau của cộng-sản không cần phải lặp lại.
Thắng mình là tự kiểm soát thực trạng tham-sân-si của mình để khỏi lâm vào kế chia-để-trị của Đại Hán Trung-cộng. Tham, sân và si là 3 bộ mặt của cùng một gốc tự hủy diệt. Cái tham nhũng (tham) của nhóm lãnh đạo ủng-cộng là bạn đồng hành, dựa trên lòng tức giận (sân) và sự dốt nát (si) của những người chống-cộng. Thái độ ‘trùm-chăn-hô-khẩu-hiệu’ sẽ làm mồi cho các mưu kế ‘câu-thời-gian’ của Việt-cộng.
2.   Lý sự thứ nhì: Ngư dân lạc biển
Nguồn tài nguyên đánh bắt trên biển cả của ngư dân ViệtNam bị cạn kiệt vì chính sách tằm thực của Trung-cộng đã lấn chiếm đảo biển của lân bang. Ngư dân ViệtNam bị lấn át nên phải xuôi nam, chen vào đánh lậu ở các vùng của lân bang hàng xóm. Lãnh đạo đương thời của Việt-cộng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc bảo vệ đời sống của nhân dân. Không thể nhường bước, nhịn nhục và nhút nhát trước các ‘tàu lạ’. Nếu không muốn dân ta ‘đánh lậu’ thì phải ‘đánh lạ’ trước!
Ông André Hồ Cương Quyết là một ông Tây rặt. Trước 1975, theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDT) chống VNCH; nay nhận thức được sự sa đọa của lãnh đạo Việt-cộng đã thờ ơ, a tòng theo Trung-cộng, hãm hại ngư dân ViệtNam, André đã tự động và can đảm đứng lên để giúp đỡ dân lành. Thế quốc tế của ông rất có lợi. Người quốc gia chống cộng hãy mạnh dạn ủng hộ việc làm của, không riêng gì Hồ Cương Quyết, mà của cả tầng lớp thành viên MTDT ngày xưa. Một lần nữa, MTDT đứng dậy tiếp tục giải phóng dân tộc thoát khỏi gọng kìm Đại-Hán. Đứng dậy vì đại cuộc cho dân tộc còn dở dang, chứ không phải theo đuôi cái đảng mê muội. Chúng ta không thể lái xe tiến về phía trước mà chỉ biết nhìn vào kiếng chiếu hậu.
Cao kế của Việt-cộng là vận dụng những người chỉ biết ‘trùm-chăn-hô-khẩu-hiệu’ để vô hiệu hóa các nỗ lực của lực lượng dân chủ ngày càng hội tụ. Việt-cộng, đang trên đường tiêu vong, cố vẫy vùng, khai thác các khuyết điểm tâm lý của phe cộng-hoà-hoài-cổ, và nặc danh đội lốt quốc-gia-chống-cộng để làm chậm bước tiến của các phong trào dân chủ hóa. Ngư dân có thể lạc biển, nhưng người cộng-hòa-đích-thực không thể lạc đường!
3.   Lý sự thứ ba: Biển Đông-Nam-Á
Tàu gọi biển phía nam của họ là Biển Nam-Hải, rồi tưởng tượng vẽ ra đường lưỡi bò, và xấc xược ngang nhiên đặt ra quận huyện Tam-Sa, Nam-Sa một cách vô lối. Ta phản ứng một cách cảm tính đặt là Biển Đông. Chưa hay lắm! Cần nên theo đề nghị của các nhà trí thức ViệtNam (Phạm Cao Dương, Vũ Quang Việt) gọi là Biển Đông-Nam-Á, vừa hợp tình hợp lý, vừa có ta vừa có người, nâng vị thế đoàn kết hợp-để-xây cho ASEAN. Tàu chỉ muốn dùng thủ đoạn song-phương để bẻ gãy từng chiếc đũa. ASEAN phải theo tiến trình đa-phương giữ nguyên bó đũa. Khai-dân-trí như cụ Phan Châu Trinh đã căn dặn, để nâng cao sự hiểu biết về sức/vốn địa-chính-trị (geopolitic forces) của chúng ta.
Hãy hợp sức với 54000 người thuộc 130 quốc gia khác nhau ký tên đòi đổi tên biển South China Sea thành biển Đông-Nam-Á như Nguyễn Thái Học Foundation (www.nguyenthaihocfoundation.org) đang làm. Tàu tuy đông, 1.3 tỉ người, nhưng chỉ là thiểu số so với 7 tỉ người trên toàn thế giới. Sự đông dân của Tàu là do sự ép buộc bằng bạo lực, chứ không phải do sự đồng thuận của các sắc tộc Miêu, Mãn, Mông, Hồi, Tạng … Thế giới đang chuyển mình, ý thức họa bành trướng và thực dân của Trung-cộng.
Mao Trạch Đông là trường hợp tái sanh của Tần Dinh Chính trong lịch sử Trung-Hoa. Xã hội Trung-cộng hiện đang chứa đựng đầy dẫy mâu thuẫn nội tại, nên không vững bền. Trung-cộng trên đà tiêu vong và Việt-cộng cũng thế. Trước sau đều giống nhau. Dân trung lưu Tàu và Việt hiện nay: tiêu cực thì bỏ chạy ra ngoài, tích cực thì đặt vấn đề thay đổi đủ thứ ngay trong nội bộ. Đó là cảnh nội-ưu-ngoại-hoạn: trong thì buồn phiền, ngoài thì đảo điên.
4.   Lý sự thứ tư: Tục trầu-cau-vôi
Nguồn gốc ăn trầu phát sinh từ những dân tộc Đông-Nam-Á cổ đại thuộc nền văn hóa Hoà-Bình có cả chục ngàn năm nay, trước cả thời đại Châu-Tần-Hán của Tàu ra đời ở miệt Hoa-Bắc trên Hoàng-Hà. Tập tục này vẫn còn tồn tại tại Miến, Thái, Mã, Nam-Dương, Đài-Loan và Việt (đã bị mai một). Ăn trầu không phải đem thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể mà để chuyên chở ý nghĩa hợp-để-xây. Ý nghĩa của trầu-cau là xây dựng sự hòa thuận của 3 yếu tố: trầu, cau và vôi, hợp lại làm một. Tổng hợp 3 khái niệm về trời (thiên thời), đất (địa lợi) và người (nhân hòa) trong việc xây dựng xã hội con người. Miếng trầu là đầu câu chuyện cho công tác ngoại giao và mâm trầu-cau-vôi là vật sính lễ trong việc cưới hỏi. Trầu-cau-vôi là một ẩn dụ (metaphor), mang tính phi vật thể, được dùng như một biểu tượng (icon) cho nền văn minh nông-nghiệp, đặc thù là ruộng-lúa-nước, cho toàn vùng Đông-Nam-Á cổ đại bao trùm luôn cả miệt Hoa-Nam (Quảng-Đông, Quảng-Tây và Vân-Nam).
Ứng dụng của trầu-cau-vôi đối chung với ASEAN như là một chủ trương đoàn kết, dựa vào truyền thống của Đông-Nam-Á ngày trước, lúc chưa bị Châu-Tần-Hán tha hóa. Đối riêng với ViệtNam, trầu-cau-vôi như 3 chất xúc tác để xây dựng xã hội hậu-cộng-sản với lá trầu (chất xanh), trái cau (chất xám) và bột vôi (chất keo). Chất xanh là kinh tế, là đồng tiền. Chất xám là giáo dục, là tri thức. Chất keo là tinh thần dân tộc để kết hợp xây dựng nội lực.
5.   Lý sự thứ năm: Trống Đồng, Trống Cóc và Trống Vàng
Rõ ràng là qua 4 xứ tôi đã thăm viếng: Mã, Miến, Thái, Việt đều có chứa trống đồng. Mã-Lai thì chỉ còn mặt trống vì lâu ngày tang trống đã bị mục nát. Miến-Điện thì còn nhiều trống cóc. Thái-Lan thì thấy có trống vàng như đã kể ở phần trên. Ở Quảng-Đông, Quảng-Tây và Vân-Nam (nói chung là miệt Hoa-Nam) đều tìm thấy trống đồng. Nhưng xưa cũ, và to, và đẹp, và có khắc chữ thì phải nói đến trống đồng Đông-Sơn của ViệtNam. Các loại trống khác chỉ là dị-bản. Giá trị của trống không phải ở bề ngoài biểu kiến hay số lượng đo đếm của chúng mà là ở ý nghĩa đạo lý của người xưa.
Trống là trống trơn, không có gì hết. Tâm trống vô-sở-trụ. Đồng là đồng lòng, cùng nhau. Ngày xưa, các dân tộc Đông-Nam-Á cùng nhau đồng lòng vì làng nào cũng chứa trống. Ngày nay, ASEAN tụ hội lại theo bản hiến chương thành lập, tương kính tương nhượng, thì sẽ tránh khỏi tai ương do siêu-cường đặt định. Trung-cộng sẽ cho là không tưởng và luôn ra tay phá bĩnh hoặc mua chuộc. Nhưng dân Đông-Nam-Á hiền chớ không có ngu!
Hãy xem kìa: có ai thù hận cho bằng Anh, Đức, Pháp, Ý trong thế chiến nhất và nhị; vậy mà bây giờ Liên-Âu đã biết hợp-để-xây, thành hình đùm bọc có nhau, siêu-cường nào mà phá cho được! Cần thấu tam-quốc-phân-tranh và rành xuân-thu-chiến-quốc giành giật thì sẽ biết rõ số phận của Tàu đi về đâu; cũng như cần ôn lại tinh-thần-Bách-Việt để xây dựng sự nghiệp của Ta.
Hai võ sinh 16 tuổi: Sitthichai và Phet Mae Rim biểu diễn quyền cước
Hai võ sinh 16 tuổi: Sitthichai và Phet Mae Rim biểu diễn quyền cước
Lý sự thì phải có qua có lại, văn chương bác học gọi là ‘biện’ hay ‘phản biện’ gì đó; giống như đánh box (boxing, hoặc đánh võ) có nhiều hiệp, có hiệp thắng có hiệp thua; cuối cùng thì mới biết hơn thua cũng chỉ là một cuộc mua vui giải trí.                           
 TẠM CHẤM DỨT
Câu đố:  vua khoái nhảy đầm gọi là long gì?
Câu trả lời:  long mắc ! nói lái là lắc mông
© Trương Như Thường
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog