4. TƯỢNG ĐÀI KỶ NIỆM DÂN CHỦ
Trong khi đi xe buýt, tôi thấy một tượng đài khá đẹp được đặt ngay giữa giao điểm các trục lộ giao thông. Hỏi ra thì được biết tên của công trường này là Quảng trường Dân Chủ. Ở Bangkok có tất cả 3 tượng đài nổi tiếng: đài Chiến Thắng (Victory Monument), đài Độc Lập (Independence Monument) và đài Dân Chủ (Democracy Monument).
Đài Chiến Thắng xây theo kiểu Âu-Mỹ là mũi nhọn chọc trời, giống như các tượng đài ở Pháp và Hoa Kỳ. Đài Độc Lập xây theo kiểu tháp chùa của Ấn- Độ, Miên, Miến, hoặc Đông-Nam-Á. Riêng tượng đài Dân Chủ, theo thiển kiến của tôi, chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt, không riêng gì cho Thái-Lan, mà còn cho cả lân bang, hàng xóm láng giềng?
Bạn thử nghĩ xem: nói về chiến thắng thì ai thắng ai? đấu đá với nhau, tranh danh ảo anh hùng, hy sinh chết cả đống người để dành độc lập giả? Giành được độc lập rồi, sẽ đi về đâu? có lợi gì cho quốc dân và đất nước? hay vùi đầu theo đuôi đế quốc khác? bơ vơ trước ngã ba đường, tấn thoái lưỡng nan?
Hình ảnh búp sen bốn cánh với nhụy vàng ở giữa là một ẩn dụ sâu sắc của tượng đài Dân Chủ. Nhà nước thấp nhỏ, giữ vai trò trung cung để điều hợp bốn cánh buồm sinh hoạt: văn hóa, kinh tế, chính trị và giáo dục. Chưa chắc nghệ nhân sáng tác tượng đài Dân Chủ mang ý nghĩa dân chủ như vầy; nhưng kết quả hiệu năng của xã hội Thái-Lan cho chúng ta ấn tượng rõ ràng như vậy! Bốn cánh nhọn bốn góc của quảng trường còn gợi lên bốn quyền tự do căn bản của con người về ngôn luận, lập hội, báo chí và tranh cử trong một nền dân chủ chân chính.
Có thể tôi đã lý sự trước các bức tượng vô tri vô giác, hay chỉ để diễn tả thái độ tức-cảnh-sinh-tình của một con người không vô giác vô tri?
Chưa hết! bạn hãy nhìn kỹ hai tượng hình chim và rắn ở phần đáy, dưới mỗi cánh hoa dân chủ. Trong văn chương ViệtNam có câu nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng để nói lên thứ tự to lớn của bốn con vật: chim (điểu), cá (ngư), rắn (xà) và voi (tượng) trong môi sinh của dân tộc Á Đông. Tôi đang tưởng tượng: hình tượng đầu-chim-ngậm-mình-rắn (mũi tên đỏ) ở bốn góc công trường biểu hiện cho huyền thoại Rồng-Tiên của ta. Chim là tiên và rắn là rồng. Có ý tưởng thì mới sinh ra hình tượng. Theo huyền thoại của Thái: Garuda là Vua Chim (điểu-vương), Naga là Vua Rắn (xà-vương), dựa theo chuyện thần thoại của Ấn-Độ giáo và Phật giáo.
Thần Chim và Thần Rắn, tuy là anh em nhưng mỗi người một tánh, lúc nào cũng tranh đua lẫn nhau. Rốt cuộc, Chim tượng trưng cho hạnh phúc, luôn bao trùm, chế ngự và vượt qua khỏi quyền lực, được tượng trưng bằng hình Rắn. (Chim ngậm/bắt Rắn, chứ không phải là cắn/giết Rắn, vì cả hai hạnh phúc và quyền lực đều hiện hữu). Các nền văn minh của Champa, Khơme, Lào, Thái, Mã-Lai, Nam-Dương … đều phảng phất tính liên hệ giữa Garuda và Naga, và muốn nhấn mạnh đến quyền lực phải phục vụ cho hạnh phúc.
Hai thái cực chim và rắn, tương sinh tương khắc với nhau, tùy thuộc vào sự khôn ngoan lựa chọn của giới cầm quyền đương thời. Lãnh đạo Thái-Lan đã lựa chọn chim-ngậm-rắn, biểu hiện cho sự quy tụ lòng dân để xây dựng, chứ không cần dùng đến tà thuật phân tán để chia mà trị như bài bản cộng-sản.
Tôi đã trao đổi cách nhìn chủ quan của mình với em hướng dẫn người Việt, vừa mới quen hôm qua, về ý nghĩa của tượng đài dân chủ và cảnh chim-ngậm-rắn. Cuộc đấu khẩu giữa tôi và em hướng dẫn viên (tour guide) về vấn đề lãnh đạo đất nước càng tăng tốc và bốc khói, khi chúng tôi trao đổi với nhau về tầm quan trọng của dân-chủ tại ViệtNam. Anh ta cho tôi biết, trong dân gian, thiên hạ thường bàn tán về thế kẹt của lãnh đạo cộng sản hiện nay:
Theo Tàu thì mất nước. Theo Mỹ thì mất đảng
Bỏ điều 4 hiến pháp. Theo Ta đáp an toàn!
Tôi hỏi đố: Nhưng theo Ta là theo ai? Anh ta đáp: Đó là theo nhân-dân, một cách đúng nghĩa của nhân và dân. Cần thiết phải có nhân-chủ và đầy đủ phải có dân-quyền. Đút đầu theo xã-hội chủ nghĩa mà bỏ bê chủ nghĩa cá- nhân là không được. Trung dung, trung lập là gì khi không chứa được cả hai?Thôi thôi! Tôi mướn em để chỉ đường đi chơi, chứ không phải làm ‘thầy đời’ cho tôi nha! Mới nghe qua, tôi và độc-giả có thể không đồng ý với người bạn trẻ, đang sống bất hợp pháp tại Thái-Lan. Nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy anh ta nói có lý quá xá! Sẵn muốn biết về cuộc sống bất hợp pháp của một số người Việt tại Thái-Lan, tôi hỏi thêm các tin tức từ anh bạn trẻ này.
5. ĐI THĂM ĐỒNG BÀO LÁNH NẠN CỘNG-SẢN ĐANG BỊ GIAM GIỮ TẠI IDC
Bạn hướng dẫn cho tôi biết, có khoảng tám hay chín trăm đồng bào ViệtNam đang lánh nạn cộng-sản tại Bangkok. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại một vài mốc điểm lịch sử của người Việt sinh sống, hay đi du lịch, hay chạy tỵ nạn tại Thái-Lan trong quá khứ.
Chừng 50 ngàn người Việt đã di cư chạy lánh nạn qua Thái, chứ không phải đi du lịch, từ thời các vua nhà Nguyễn cấm đạo Thiên-chúa vào giữa thế kỷ thứ 19. Vào đầu thế kỷ 20, phong trào dân tộc của cụ Phan Bội Châu đã gầy dựng được nhiều cộng đồng người Việt tại vùng bắc và trung Thái-Lan. Một mặt, vì phong trào dân tộc thiếu tổ chức và nhóm lãnh đạo đang bị đế quốc Pháp đàn áp ruồng bắt; mặt khác, lãnh đạo của nhóm cộng-sản người Việt được nhiều trợ giúp của Nga-cộng và Tàu-cộng, đã tuyên truyền, dụ dỗ và chủ động hơn, để cuối cùng lôi cuốn được dân tình người Việt theo phía cộng-sản, (theo tài liệu trong Tập San Sử-Địa của VNCH trước 1975, và hồi ký Giọt Nước Trong Biển Cả của Hoàng Văn Hoan, 1987).
Trong giữa thế kỷ 20, hai chính quyền ViệtNam cộng-hòa (miền Nam) và ViệtNam cộng-sản (miền Bắc) đều có sách lược ngoại giao để ảnh hưởng đến dân tình người Việt tại Thái chọn phe. Trong khi đó, nhà nước Thái giữ lập trường theo khối tự-do của Mỹ để đương đầu với khối cộng-sản của Nga-Tàu; họ gửi quân sang giúp VNCH và cho Mỹ đặt căn cứ quân sự tại đất Thái. Tuy nhiên người Việt sống ở Thái-Lan lại lâm vào cảnh nồi da xáo thịt, không kém gì người Việt tại ViệtNam đã xáo thịt nồi da.
Sau năm 1975, một đợt người Việt tỵ nạn cộng-sản, đủ cả hai dạng ‘thuyền nhân’ và ‘chân nhân’ (đi bộ) chạy đến Thái-Lan mong tìm tự do. Rất nhiều người chết trên đường vượt biển vượt biên để tìm sự sống vì thuyền bị chìm hoặc chân dẵm phải mìn khi đi ngang đất Miên. Biết bao đau thương do hải tặc Thái-Lan đã cướp bóc, hãm hiếp và tàn sát người Việt trên đường chạy nạn cộng-sản. Thật là thảm khốc! Cho đến khi Liên-Hiệp-Quốc (LHQ) ra tay lập các trại giúp đỡ dân tỵ nạn cộng-sản trên nhiều vùng quốc gia Đông-Nam-Á (Thái, Phi, Mã, Hồngkông …) thì mới bớt cảnh tượng hãi hùng. Và sau khi Mỹ-quốc lập ra các chương trình ra đi trong vòng trật tự như HO, gia đình đoàn tụ trong thập niên 1990 để làm giảm thiểu việc liều mạng ra biển, thì các trại tỵ nạn của LHQ cũng lần lượt từ từ được đóng cửa. Và thiên hạ tưởng chừng như việc trốn chạy để lánh nạn cộng-sản không còn nữa ……
Trên thực tế, chỗ nào có áp bức thì con người yếu đuối cũng tìm cách trốn chạy. Chạy tỵ nạn kinh tế cũng bởi vì căn gốc chính trị bất công, hoặc do tham nhũng, hoặc do chính sách buôn người của kẻ cầm quyền gây ra. Khi không còn các trại tỵ nạn chính thức của Liên-Hiệp-Quốc nữa, thì dân Việt chạy ra ngoài xứ khác sẽ bị kết án là di dân bất hợp pháp. Chạy qua Thái thì sẽ bị cảnh sát Thái bắt nhốt vào trại giam.
IDC là chữ viết tắt của Immigration Detention Center. Chính xác hơn nữa phải ghi thêm cụm từ The Kingdom of Thailand (Vương Quốc Thái-Lan). Đây là các trại giam giữ người di dân bất hợp pháp trên đất Thái. Vương quốc Thái-Lan có độ chục cái IDC trong lãnh thổ của mình. Các trại dọc biên giới chứa trên cả trăm ngàn người di cư bất hợp pháp (illegal migrants). Họ chạy đến từ các quốc gia lân bang như Miến-Điện (Myanmar), Cao-Miên (Cambodia) và Lào (Laos), vì nhiều lý do kinh tế và chính trị khác nhau. Còn các IDC trong tỉnh thành thì chỉ chứa được vài ngàn người.
Chúng tôi đến thăm IDC ngay tại Bangkok. Trung tâm này đang chứa khoảng 1000 người đi lậu bao gồm dân Miến, Miên, Lào, Pakistan và đôi ba chục người Việt; và lại dính thêm cả chục mạng Tây ba-lô bị quá hạn visa (giấy thị thực) mà thiếu tiền chuộc ra. Đám Tây này ăn chơi đủ món trên đất Thái. Họ dư quỹ thời gian với nhiều ngày dài tháng, nhưng lại thiếu quỹ tiền bạc để ăn chơi cho thả giàn. Nên khi quá hạn ngày về, lại hết tiền nộp giấy phạt và thêm cái xui nữa là bị cảnh sát xét giấy hộ chiếu (passport), rồi bị hốt! Thật là phước bất trùng lai mà họa vô đơn chí!
Tuy chỉ có mấy chục người Việt hiện bị giam giữ tại IDC ở Bangkok nhưng tình cảnh của đồng bào thật là bi đát! Hiện có hơn 800 người Việt di dân
đang sống lây lất bất hợp pháp trên đất Thái với hai thành phần như sau: (1) đại đa số là chạy lánh nạn cộng-sản ViệtNam; và (2) một chút xíu thiểu số là chạy vì cơ hàn, thiếu ăn thiếu mặc, sa cơ thất thế, kinh tế lâm nguy.
Đại đa số đồng bào di dân đang chạy lánh nạn cộng-sản? Có thật vậy sao? Hiện tượng xã hội này như thế nào? Tưởng là đất nước ta đủ ấm no và đầy tự do cơ mà! Câu trả lời là còn khuya mới có tự do và ấm no tại ViệtNam!
Thành phần chạy lánh nạn cộng-sản gồm có bà con Cồn Dầu, đồng bào Tây Nguyên, dân Khơme Krom, và các nhà đấu tranh dân chủ bị đàn áp vì bất đồng chính kiến. Họ phải qua nhiều thủ tục rất nhiêu khê và lâu lắc để được giấy tỵ nạn chính trị do cơ quan LHQ cung cấp sau một thời gian dài điều tra và phỏng vấn. LHQ có văn phòng cao ủy tỵ nạn đặt ngay tại Bangkok.
Thành phần chạy tìm miếng
cơm manh áo thường trốn dưới dạng đi du lịch bằng hộ chiếu ban ngày, và
ban đêm ngủ trên manh chiếu. Họ làm đủ thứ nghề: trong tiệm lẫn ngoài
đường. Kiếm ra tiền là hên, bị cảnh sát bắt là xui.
Hễ có tiền nộp phạt cho cảnh sát là hên, thiếu tiền nộp là xui. Nhưng
dầu hên hay xui thì cuộc đời chui nhủi vẫn tương đối sướng hơn sống
trong quê ruộng tại ViệtNam. Tôi hỏi hai cô A và B bán các khay múi mít
trên đường phố Bangkok thì các cô tươi cười khẳng định. Một khay 10 múi
mít với giá 35 baht = trên $1 đôla, so với giá bán $4 đôla tại khu chợ
ABC ở Nam Cali, thì giá quá rẻ. Nuốt múi mít ngọt lịm vô bụng, mà lòng
tôi không khỏi bùi ngùi cho số phận của kẻ bán chui nơi xứ lạ quê người!
Em 00Rành, người
hướng dẫn viên của tôi, dắt tôi đến thăm chỗ ở của vài gia đình tỵ nạn
mà em được biết. Căn phòng tồi tệ, building tồi tệ và nguyên cư xá tồi
tệ. Không cần phải biết văn phạm Pháp ngữ, tôi đã có thể chia động từ
‘tồi tệ’ một cách dễ dàng.
Tôi đến thăm một gia đình gồm hai vợ chồng trẻ và một cháu bé mới 3
tuổi. Anh chồng cho biết: tuy cuộc đời vất vả khó sống nhưng vẫn còn dễ
thở hơn ở ViệtNam, vì không khí không bị ô nhiễm bởi bất công và đàn áp.
Người chồng đã bị công an cộng-sản đánh trọng thương vì dính líu đến
một vụ tập họp biểu tình, bày tỏ thái độ của dân oan đối với nhà nước.
Cả hai vợ chồng đều phải nuốt lệ, đồng lòng quyết định rời bỏ nơi chôn
nhau cắt rốn của mình và đem đứa con gái đầu lòng để trốn chạy, lánh nạn
cộng-sản.
Cuối cùng, tôi cũng phải
viết vài đoạn về một người Việt đã ở tù hơn một chục năm trời trên đất
Thái, vì tôi đã hứa viết về anh, và cho anh ta.
Tên ảnh là Nguyễn Thanh Phan Hiền Sĩ
(NTPHS). Số là, tôi may mắn làm quen được một người bạn trong hội đoàn
bất vụ lợi Boat People – SOS (BP/SOS) bên Mỹ. BP/SOS trong nhiều năm
qua, đã gửi các vị luật sư thiện nguyện Mỹ-Việt qua Thái Lan để giúp đỡ
lập hồ sơ pháp lý cho đồng bào lánh nạn.
Dù xây chín bực phù đồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người
Tổ chức BP/SOS đã giúp cho hơn 50 người lánh nạn cộng-sản được định
cư tại các quốc gia tự do như Mỹ, Canada … Tôi cũng đã nghe được nhiều
tiếng tốt về hội nhân đạo này từ bên Mỹ. Sẵn dịp phái đoàn BP/SOS đi
thăm bà con bị giam giữ trong IDC, tôi ghi danh đi ké vào thăm để biết
rõ ngọn ngành. Tôi không quen biết anh NTPHS là ai, nhưng trước khi vào
thăm, tôi đã đọc hồ sơ về anh ta từ cơ quan BP/SOS; biết là ảnh rành
tiếng Việt, sõi tiếng Thái, thông thạo tiếng Anh, và nhất là, là người
tù lâu năm nhất trên đất Thái. Sự hiếu kỳ cho phép tôi chọn thăm vị này,
vì cảnh sát chỉ cho phép một người thăm một người, theo thủ tục trên
phiếu ghi danh mà thôi.Phải đi qua tất cả 3 cổng: cổng một là ghi danh; cổng hai là bỏ lại tất cả máy chụp hình, thu thanh, giấy tờ, passport, chìa khóa (chỉ được đem theo tiền mặt mà thôi) vào trong tủ có khóa do cảnh sát giữ dùm; và cổng ba là vào phòng giam để được giáp mặt với người bị giam, nhưng phải đứng cách xa chừng một thước bởi hai hàng rào sắt thưa, với tay không đụng. Giữa hai hàng rào, có một ông cảnh sát đi qua đi lại khoảng giữa để có thể chuyển giao thư từ và tiền bạc từ người đi thăm đến người bị giam giữ.
Anh NTPHiềnSĩ, tầm vóc trung bình, tướng rắn chắc, tóc cột đuôi, tuổi trên dưới 50. Anh không biết tôi là ai và anh mừng lắm vì cả năm không có ai đến thăm. Tôi không biết anh là ai và tôi thấy vui vì đem sự khuây khỏa, gần một tiếng đồng hồ, đến một người tù lỡ vận.
Anh cho tôi biết là, hơn chục năm trước chạy tỵ nạn qua Thái, anh âm mưu chống cộng bằng con đường bạo động, được phe nhóm chống cộng ở hải ngoại khuyến khích làm bom giả để hù dọa đại sứ quán Việt-cộng. Không may cảnh sát Thái bắt được, anh bị kết án khủng bố, ngồi tù gần cả chục năm. Anh không ân hận, vì mục đích chỉ làm đồ giả nhát cộng-sản, không có chết ai, nhưng rất buồn vì số phận hẩm hiu của mình. Theo anh NTPHiềnSĩ, mấy vị chống-cộng-quá-khích ở Âu-Mỹ thuộc loại trùm-chăn-hô-khẩu-hiệu. Khi công việc đổ bể, các bạn đồng sự có quốc tịch ngoại quốc đều được tại ngoại, còn anh ta thì phải ở tù mút mùa. Anh cho là đã bị ‘đem con bỏ chợ’!
Anh mừng rỡ, tự kể chuyện về đời mình huyên thuyên hơn 45 phút, trong khi IDC cho thăm chỉ có một tiếng đồng hồ. Anh nói anh buồn lắm, anh cho tôi số phone là 0867940894 và nhắn bất cứ bà con ViệtNam nào muốn gọi thăm, cứ tự tiện. Vợ anh là bà Lê Thị Hoa (đã lấy chồng khác) và con gái là cô Lê Thị Trâm Anh (21 tuổi) đã đi định cư bên Mỹ. Anh đã mãn hạn tù về tội khủng bố, nhưng phải vào trại giam IDC vì chưa nước nào dám nhận chứa.
Nghe anh NTPHiềnSĩ kể chuyện đời, tôi cũng buồn lây. Tôi đi chơi, một mặt, để giải trí sau những ngày tháng làm lụng nhọc mệt; mặt khác, để học hỏi thêm những điều mới lạ hầu chia sẻ cùng bè bạn. Nhưng gặp người buồn thì người-buồn-cảnh-có-vui-đâu-bao-giờ! Tôi chỉ biết cầu chúc cho anh HiềnSĩ được may mắn và an lành trong những tháng ngày sắp tới.
Không riêng gì trường hợp của anh HiềnSĩ, mấy trăm người lánh nạn cộng- sản, mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai, tạo nên cả bầu trời ảm đạm tại trung tâm Bangkok trong lòng tôi. Cuối cùng hồi hai, tôi đăng lại một bài thơ của dân lánh nạn cộng-sản gửi tặng cho một-người-bạn-của-người-bạn-của-tôi về tấm lòng và thực trạng của đất nước ViệtNam:
Xin tạ ơn miền đất đã cưu mang
không đơn giản chỉ có miếng ăn, mà còn hơi thở
hơi thở tự do từ thủy tổ loài người luôn nhớ
thời đại văn minh không thể đánh mất tự do.
ước mơ nhân loại đâu chỉ – mặc ấm, ăn no
cao sang hơn: phải ăn ngon mặc đẹp!
mang giày, không thể đi chân không hay dép
xe hơi, nhà lầu… ước mơ bỏ cái chòi tranh!
trường lớp thênh thang ai cũng được học hành
ốm đau ai cũng được săn sóc, chữa bịnh
được viết, được nói những điều mình thích
không bị bắt bớ, hù dọa, khó dễ lôi thôi.
vì miếng ăn, cục cơm bị giật ở trong nồi!
vì áo ấm, giằng co quanh năm đành thiếu vải
đạp trên nhân luân chia nhau từng chùm của cải
miệng hô hào ngày đêm – hạnh phúc với ấm no…
tạo thiên đường ảo, kiên quyết giữ bo bo
hạnh phúc ấm no một lớp người quyền thế
ai đói khát, ai lưu đày, ai tha hương mặc kệ
khiếu kiện là: “phản động” bắt bỏ tù mọt gông!
tạ ơn, lớp tuổi trẻ ra nước ngoài làm công
chắc mót từng đồng gửi về – gia đình, cha mẹ!
lao động chân tay, học được nhiều điều mới mẻ
cho cuộc đời, cho thân phận lạc loài giữa đêm thâu
tạ ơn những em gái ở tận “vùng xa, vùng sâu”
nhắm mắt, đưa chân lấy chồng – Đài Loan, Hàn Quốc…
xót thương cảnh cha mẹ, em thơ, suốt năm cơ cực
bán thân mình để đổi lại chút vinh quang!
tạ ơn rừng, bởi rừng là nguồn của vàng
tổ tiên để dành, con cháu cứ thi nhau cưa cắt!
vàng sắp hết chỉ còn lại toàn những đất
đất cũng là vàng giành giật, cầm cố cho người ta.
tạ ơn biển, bởi biển bạc cho nhiều đảo xa
đảo tiền tiêu muôn đời cha ông giữ nước
đảo là chỗ dựa cho những đoàn thuyền cá lỡ bước
tránh bão tố phong ba hay tai nạn bất ngờ.
tạ ơn biển, biển muôn đời đẹp như một bài thơ
đưa tiễn những con dân vượt biên đi tỵ nạn…
biển cũng là mồ chôn cho hàng ngàn, hàng vạn
những linh hồn vất vưởng giữa trùng khơi!
ngàn năm sau, nhắc đến vẫn nghẹn lời
ai đền bù, ai xót thương? nào ai có biết!
tạ ơn mấy mươi năm hai bên gây ra cuộc chiến
nhà cháy tan hoang từng bầy chuột chạy ra.
mấy triệu người nằm xuống bởi can qua
ruộng rừng đạn bom ngoại bang cày tan nát
hòa bình thống nhất đàn con vẫn còn phiêu bạt
bốn phương trời để tìm kiếm tương lai
có miệng ăn, còn miệng nói dấu trong đêm dài
giữ mạng sống trong thời văn minh hiện đại
thời buổi thấy việc trái cũng làm ngơ, cho là phải!
đói giơ xương cố gào gào – hạnh phúc với ấm no.
tạ ơn những chiến binh nằm xuống trên đồng gò
mấy mươi năm không một ai đoái hoài tìm kiếm
mấy mươi năm những ngôi sao dẫn đường tắt liệm
nhớ quê nhà nằm tủi – không biết đường về!
tạ ơn – chiến binh còn nửa thân lê lết chốn quê
từng viên thuốc, từng miếng cơm sống nhờ bèo bọt!
lê tấm thân tàn, bốn mùa không ai thương xót
nhìn cuộc đời vô vọng đến đau thương!
tạ ơn những người tù tranh đấu, đổ máu xương
ôm thân thể – tong teo như hồn ma dương thế…
tranh đấu cho tự do dân chủ không phải dễ
là anh hùng, dũng sỹ, đầy quyết tâm.
mùa tạ ơn, thắp một nén nhang khấn thầm
xin tạ ơn, tạ ơn! và tạ ơn tất cả!
một nén nhang, tưởng nhớ đến vong linh mồ mả
mong hồn thiêng sông núi hiển linh về.
Tác-giả: Y Hạ
[Một người Việt vùng Tây-Nguyên lánh nạn cộng-sản trên đất Thái]
Và cuối cùng sau hết, tôi không quên nhắc tới bà con ngư dân ViệtNam
đánh cá lạc qua đất Thái nên bị bắt giữ. Bị bắt đông lắm. Nhiều người
sau khi đóng tiền phạt đã được thả về nhà, còn một số thiếu tiền, phải ở
lại trong trại giam IDC khoảng hơn chục vị. Không ai đoái hoài đến họ!
Đại sứ quán ViệtNam vô cảm, biết làm đủ mọi thứ chuyện lặt vặt để kiếm
thêm tiền, và biết làm thinh đối với ngư dân mình!© Trương Như Thường
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét