Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Kỷ niệm

Bố mất, cậu mới biết ông bố có cả trăm cuốn sách, cậu không biết làm gì với số sách mà cậu không bao giờ đọc.  Chợt nhớ cái thư viện gần nhà, cậu gọi cho hết. Cậu th dài thoải mái, đã làm một công việc hữu ích cho xã hội và cho chính mình.  Chỉ giữ lại chiếc xe và vài vật dụng điện tử mà cậu nghĩ có thể lên Ebay bán đi.  Ý nghĩ giữ kỷ vật của cha mình không hề bay qua đầu cậu.

Bố ốm vào bệnh viện, ngươì con gái lôi hết quần áo của ông soạn ra đem vất, tất cả đồ vật của ông được cho đi, chỉ giữ lại những tấm hình.  Như thể ông sẽ không bao giờ trở lại căn phòng cũ, nơi ông đã hàng ngày ngồi nhìn ra cửa sổ nhớ tới người vợ đã ra đi hằng chục năm trước, hàng nắng rọi qua khe cửa sẽ không còn soi bóng ông.   Ông đã thật sự ra đi không trở lại, cái ngày những bài thơ viết nháp, ép trong trang sách của ông bắt đầu bước chân lưu lạc.

Mắt cô lúc nào cũng ươn ướt đỏ mỗi khi cô ghé thăm bố,  cô muốn làm gì cho bố nhưng không làm được, cô nói cô ân hận và cô giận cô, giận người. Cô đi tới đi lui, than thở, người ta bảo cô quá xúc cảm, ngày bố mất cô lại không có mặt, cô bước vào nhà chào mọi người với nụ cười tươi.  Cô cảm thấy hài lòng cả bố lẫn cô đã không còn duyên nghiệp với nhau, với đời?

Chị về đứng trước thùng sách, những cuốn sách chị không biết là ông cụ từng đọc, những CD nhạc  mà ông từng nghe ở lứa tuổi ông, chị nghĩ ông sẽ chỉ có sách hay CD kinh Phật chứ.  Không, trong những trang sách có những tờ lịch mỏng, đàng sau là những bài thơ ông cụ chép tay, chị giữ lại, ngậm ngùi, với thời đại điện tử, mọi thứ gõ bằng bàn phím, ông đã chép lúc nào, nét chữ ông còn cứng còn đẹp? Không một người con nào đã chú ý đến những kỷ vật của bố, họ đã ném đi.  Chị sẽ giữ lại và chợt u hoài ai sẽ giữ gìn những chồng sách những CD một khi chị ra đi.  Con trai bảo mẹ có thùng gì sao không vứt đi. Không, chị là người ôm giữ những kỷ niệm.

Ông nằm đó, hai mắt ông mở, phổi ông còn đập "rất mạnh" nhưng mí mắt ông không buồn chớp, ông muốn nhìn tất cả con cháu đang quây quần quanh ông, ông sợ cái khoảnh khắc mi mắt ông chớp ông sẽ không nhìn thấy một ai.  Ông buồn, ông muốn nói một lời chia tay cho chúng khỏi buồn, khỏi rưng rức, nhưng âm thanh ông muốn nói đã không thoát ra được, cổ họng ông đã đóng lại cách biệt ông với thế giới chung quanh, ông vẫn nghe con cháu ông lo cho ông.  Chúng muốn ông sống, chúng bảo ông ráng tập, ông cũng tập nhưng ông biết cơ thể ông đang bỏ ông ra đi, ông đau đớn lắm nhưng ông vẫn chỉ gật đầu mỗi khi con ông hỏi ông có đau không, ông đã sống một đời rất dài từ đầu thế kỷ trước đến thế kỷ này, ông toại nguyện lắm rồi.  Ông thở một hơi thật dài như người ta bảo ông thở thật sâu rồi ông ngưng từ từ.  Ông nghe có tiếng đứa nào sụt sùi, người ta đến thay quần áo cho ông, cột cho ông chiếc khăn lên đầu, để gió không thổi vào ngực ông?  Hà hà, ông vẫn thích tếu thế đấy, chúng cứ tưởng khi ông bước vào tuổi 60 là ông đã già lắm rồi, vậy mà ông còn sống gần 40 năm sau cái tuổi ấy là nhờ ông vẫn nghe nhạc tình, chép thơ đấy chứ.  Thằng cháu út vào còn sờ sờ bóp chân bóp tay cho ông, ông muốn đạp cho nó thấy là ông biết nó đến nhưng đã bảo chân tay ông giờ nó chả chịu nghe ông.  Người ta hạ ông xuống nằm bằng phẳng, rồi chuyện gì đến đã đến. Người đàn ông lạ đến kiểm soát chân tay ông, đắp chiếc khăn lên mặt ông, lúc này thì thật sự ông không còn nghe gì nữa, tai ông đã yếu từ lâu, bây giờ thì ông ta cuốn ông lại, đắp lên ông một cái chăn tối, đỡ ông sang một cái xe đẩy đi, lúc này thật sự ông chỉ thấy một màu tối.  Họ đẩy ông lên một chiếc xe, trừ khi lúc đi cấp cứu không kể,  lần đầu tiên ông được đi xe không phải ngồi, không tiếng động, chiếc xe lăn bánh, ông đi về chốn cát bụi, một mình! Những kỷ niệm đã bỏ lại sau lưng.


NG
Kỷ niệm tháng Ba ngày 9, 2013

1 nhận xét:

  1. Kỷ niêm luôn để lại trong tâm trí chúng ta cho dù đó là kỷ niệm vui hay buồn!

    Trả lờiXóa

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog