Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Tiếng hát học trò

Tin ca sĩ Duy Quang mất không làm cho tôi nghĩ ông cũng như bao thế hệ khác rồi cũng đi qua cuộc đời này, tin ông mất làm cho tôi cảm thấy một thời học sinh của mình cũng đã đi qua, quá xa, bởi vì tiếng hát của ông cũng là một trong những kỷ niệm của thế hệ chúng tôi.  Thế hệ mà sáng sáng đến trường nghe Thái Hiền hát Tuổi 13, nghe Duy Quang nức nở với "Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá" trong những ngày mưa lướt thướt của mùa khai trường hay như "Em hiền như Masoeur". Ngày ấy thật đặc biệt, trường học lại hay mở những ca khúc ấy cho học trò nghe.  Bây giờ tôi không biết có truờng học nào mở nhạc cho học trò nghe không.  Giọng của ông đặc biệt, nghe là biết Duy Quang hát, cũng đã có những ca sĩ khác hát những tình khúc phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, nhưng không có ai hát để cho người nghe thấm được là Duy Quang đang hát cho tuổi học trò, và như em ông, Thái Hiền thủa ấy.  Cho  nên, nhớ đến Duy Quang là nhớ đến những ca khúc ông đã hát thời ấy cho tuổi học trò, người ta viết ông là tiếng hát của sinh viên, còn tôi chỉ là học trò thủa ấy nên tôi viết vậy.  Sau này tôi ít nghe ông hát có lẽ tôi không còn là học trò và ông cũng chẳng hát những tình ca ấy nữa.  Bây giờ ông mất, xin cầu chúc ông đến nơi vĩnh hằng và mãi luôn là tiếng hát cho học trò trong lòng người nghe.
Vĩnh biệt chàng thư sinh Sài Gòn

Innova
Thầm lặng như những chuyến trở về Việt Nam gần đây của anh, sự ra đi vĩnh viễn của ca sỹ Duy Quang được các tờ báo trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin với một tiêu đề nho nhỏ : "Ca sĩ Duy Quang đã qua đời". Trong bối cảnh vẫn còn đó những tranh cãi về âm nhạc Phạm Duy và tiếng hát Duy Quang, dòng tin chạy trên tất cả các tờ báo trong nước đã nói lên tầm ảnh hưởng của anh.
Trước hết phải nói, ít người miền Bắc và it người Việt trong nước sinh ra từ sau 1980 biết ca sĩ Duy Quang là ai. Khán giả của anh chủ yếu là người miền Nam, sinh ra từ trước 1980 mà trong đó nhiều nhất là thế hệ học sinh, sinh viên trong những năm cuối trước 1975.

Trước 1975
Sự nổi tiếng của Duy Quang trước 1975 gắn liền với một giai đoạn kỳ lạ của miền Nam, khi mà thời cuộc rối ren vì chính biến, nhưng cuộc sống văn hóa và nghệ thuật lại đạt đến một đỉnh cao hiếm gặp. Đó là sự cởi trói của tinh thần người dân sau giai đoạn đô hộ của người Pháp, sự tiếp xúc với người Mỹ, sự giao thoa của người Nam với người Bắc sau những đợt di dân, sự tự do diễn đạt trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng như sự thăng hoa của một lớp trí thức sinh ra và lớn lên từ thời Pháp thuộc...
Thà như giọt mưa
Duy Quang chỉ là một trong những nghệ sĩ thừa hưởng giai đoạn văn hóa hưng thinh đó và anh có một chỗ đứng của mình trong lòng khán giả miền Nam. Anh thu phục khán giả trẻ bằng những ca khúc tình yêu như Em hiền như ma soeur, Thà như giọt mưa, Chuyện tình buồn, Cây đàn bỏ quên. Tình yêu trong các ca khúc của anh thật trong sáng, tinh khiết và dè dặt, đã trở thành kinh điển đối với một thế hệ thanh niên vào thời kỳ đó bên cạnh những những "Ngày xưa Hoàng Thị", "Con đường tình ta đi", "Trả lại em yêu". Đặc điểm giọng hát Duy Quang là một sự chậm rãi, trầm, hiền lành và buồn, phù hợp với lối kể chuyện trong những ca khúc anh trình bày.
Biến cố 1975 xảy đến làm biến đổi đời sống toàn bộ miền Nam, trong đó có đời sống văn hóa nghệ thuật khi phần lớn các nghệ sĩ rời bỏ đất nước.
Sau 1975
Đối với những người ở lại sau 1975, sự thất vọng mau chóng tràn về dưới chế độ mới. Những nền nếp từ trước bị ép buộc phải thay đổi theo các giá trị Xã Hội chủ nghĩa từ kinh tế, chính trị, giáo dục cho đến lối ăn mặc, đầu tóc, và âm nhạc. Đó là một sự cải tạo lớn lao về mặt ý thức đối với cả một thế hệ miền Nam. Thành phố Sài Gòn vẫn còn đó, nhưng nó như một chiếc áo cũ với kích thước quá lớn đối với dân thành phố. Một mặt, rất nhiều người có trình độ đã vượt biên, mặt khác số ở lại không còn sống một cách tự do như trước.
Trong bối cảnh đó, từ giữa những năm 1980, những băng nhạc từ hải ngoại tuôn ngược về trong nước thực sự là một liều thuốc tinh thần. Những ca khúc cũ xưa với lối hòa âm mới lạ từ studio nước ngoài truyền đi khắp phố phường cho đến các ngõ ngách làng quê. Người ta nghe Duy Quang hát không đơn thuần là âm nhạc, mà lắng nghe quá khứ để hoài niệm về một miền Nam xưa. Tiếng hát, lời nhạc chỉ là phương tiện để người dân hồi tưởng về một ngày xưa thân ái.
Hai album nổi tiếng nhất của Duy Quang vào thời điểm đó là : Thà như giọt mưa và Tình thời chinh chiến. "Thà như giọt mưa" gợi nhắc lại một thời tình yêu trong sáng trong khi "Tình thời chinh chiến" là một tiếng thở dài của người lính miền Nam.
Tình thời chinh chiến
Có nhiều người hát ca khúc về lính, nhưng Duy Quang mang đến một sắc thái lạ. Không quá não nề như Duy Khánh, không quá nhão như Chế Linh, tiếng hát trầm buồn của Duy Quang làm người nghe liên tưởng đến hình ảnh một chàng sinh viên bị thúc ra mặt trận để bảo vệ cho một những điều đơn giản như gia đình, người yêu và bạn bè. Những ca khúc của "Tình thời chinh chiến" không có mùi thuốc súng, không nhiều lời giết chóc, không mang nặng lý tưởng mà chủ yếu xoay quanh hình ảnh quê hương, ruộng đồng, dòng sông, cây cầu, bà mẹ mù lòa, sương trắng miền quê ngoại, đêm dạo thành phố đến lúc trăng tàn, những đêm trốn ngủ đi tìm chim...
"Thà như giọt mưa" và "Tình anh lính chiến" là bức tranh bằng ca khúc được thể hiện với tiếng hát của một "thư sinh" về một thế hệ học sinh, sinh viên miền Nam từng yêu và từng xếp bút nghiêng lên đường.
Sau hai album này, Duy Quang vẫn xuất hiện trong các chương trình âm nhạc hải ngoại nhưng không nổi tiếng như trước, cho đến khi gần đây anh trở về trong nước. Sự chấp nhận "Thà như giọt mưa" cùng với sự loại bỏ "Tình anh lính chiến" thể hiện rõ chính kiến của nhà nước đối với tiếng hát Duy Quang. Người hâm mộ của anh, giờ đây đã qua tuổi 40, 50 vẫn chờ đón anh như ngày xưa, không bằng những cảm xúc ùa về như những năm 1990 mà như chào đón một người thân thương từ xa trở về.
Sự ra đi vĩnh viễn của Duy Quang làm nhiều người tiếc nuối như mất đi một người kể chuyện quê hương, trong một giai đoạn sục sôi của đất nước. Tiếng hát của anh đã trở thành dấu ấn, là hình ảnh của thế hệ học sinh sinh viên thời đó.

LK Thà như hạt mưa/Em hiền như ma soeur/Hai năm tình lận đận được trình bày bởi ca sĩ Duy Quang và ca sĩ Thái Châu

Duy Quang: giọng hát tình ca sinh viên

Cập nhật: 11:25 GMT - thứ năm, 20 tháng 12, 2012 
Người từ trăm năm về ngang trường luật
Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc…

 
Lời thơ Nguyễn Tất Nhiên đã được Phạm Duy phổ thành ca khúc “Thà như giọt mưa” và không ca sĩ nào chuyên chở tâm tình đó hay hơn Duy Quang.

Đó là nỗi buồn vời vợi của học sinh, sinh viên miền Nam ở những năm đầu thập niên 1970, khi đất nước ngùn ngụt khói lửa chiến tranh và chuyện học hành, thi cử đậu rớt gắn liền với đi và ở của nam sinh. Đi lính. Hay ở lại chốn thị thành tiếp tục con đường học vấn.

Đã có biết bao nam sinh lớp 12 thi rớt tú tài và thấm thía được nỗi buồn đó. Buồn cho thân phận, buồn cho cuộc tình. Giọng hát Duy Quang đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng thế hệ thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Thật buồn và chẳng bao giờ mờ phai.

Nhạc sinh viên

Nhạc sinh viên những năm đầu thập niên 1970 có những phong trào, từ đấu tranh xuống đường với “Hát cho đồng bào tôi” của Tôn Thất Lập, vẽ lên “thân phận quê hương” với Trịnh Công Sơn – Khánh Lý cho đến nhạc tình sinh viên với những lời thơ phổ nhạc hay ca từ của Phạm Duy.

Thời đó tiếng hát sinh viên có Thanh Lan là giọng ca nữ. Chính hiệu sinh viên vì Thanh Lan là sinh viên văn khoa. Duy Quang không là sinh viên nhưng những bản tình ca sinh viên qua giọng hát trầm ấm đã đưa anh lại gần, rất gần với sinh viên, với sân trường đại học và làm rung động biết bao con tim sinh viên qua những bóng hình ẩn hiện, khi thực khi mơ.

Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
Bóng người từng in dấu trên đường mờ
Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên
Nhớ hoài con đường cũ không tên…

Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố
Lá đổ để đưa đường cho người tình Trưng Vương
Hỡi người tình Gia Long, hỡi người trong cuộc sống
Con đường này xin dâng cho người bình thường…

Sinh viên từ Sài Gòn ra Huế, từ Đà Lạt xuống đến Cần Thơ ngân nga những lời ca tình tứ vì sức quyến rũ của giọng Duy Quang khi bài ca được giới thiệu đến với quần chúng.

Từ sân trường đại học, từ quán cà-phê, nghe Duy Quang hát và đã có biết bao chàng sinh viên ngồi mơ mộng một con đường đầy lá me bay, một bóng hình ở một khuôn viên trường nào đó, có thể là Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, Võ Tánh ở Nha Trang hay Trần Qúy Cáp ở Hội An. Không cứ phải là đại học luật khoa, văn khoa hay Gia Long, Trưng Vương.


Mong ước hòa bình

Lớn lên cùng đất nước vào thời chiến tranh nên hoà bình là mong ước của mọi người. Khi hoà bình đến, với chấp bút của các bên trong bản Hiệp định Paris 1973, nghe Duy Quang hát Bình Ca của Phạm Duy, có giai điệu tung tăng vui:

Mang giầy vớ tốt mang khăn áo lành
Tôi chào đất nước tôi nay thái bình…

Hay trong một bình ca khác, cũng để mừng ngày đất nước thôi chiến tranh:

Này em khi sang mùa mà em nghe tiếng nổ
Là tiếng pháo cưới hay hội hè
Cũng vì hoà bình đã về đây…

Tiếc là khi hoà bình đến thì nhiều gia đình phải ly tan. Trong đó có gia đình Phạm Duy.

Tháng Tư 1975, Phạm Duy cùng Thái Hằng và các con gái là Thái Hiền và Thái Thảo rời khỏi Việt Nam khi Sài Gòn đổi tên, bỏ lại những người con trai của ông, trong đó có Duy Quang và các em trai. Anh em trong gia đình với ban nhạc Dreamers vang danh một thời bây giờ không còn được tự do ca hát.

Ra đi

Năm 1978, qua sự giúp đỡ và vận động của nhạc sĩ Trần Văn Khê với chính quyền mới, Duy Quang được qua Pháp, rồi sau đó qua Mỹ đoàn tụ với Phạm Duy.

Tại hải ngoại giọng hát của anh được vẫn được nhiều người mến chuộng. Duy Quang đã phát hành nhiều băng, đĩa nhạc. Hát riêng. Hát chung với Ngọc Lan, Thanh Lan tất cả cũng có đến bốn trăm bài ca. Nhiều bài là dấu ấn của anh: Thà như giọt mưa, Con đường tình ta đi, Còn chút gì để nhớ, Trả lại em yêu, Ngày xưa Hoàng thị, Em hiền như ma sơ, Chuyện tình buồn, Đưa em tìm động hoa vàng…

Khi Việt Nam mở cửa, mời gọi nghệ sĩ hải ngoại trở về, năm 2004 Duy Quang đã quay về hát, mở phòng trà kinh doanh khiến có dư luận ở hải ngoại phản đối anh nói riêng và gia đình Phạm Duy nói chung vì đã quyết định về sống ở Việt Nam, chịu những kiểm duyệt, hạn chế sinh hoạt văn nghệ của chế độ đương thời.

Khi biết mình bị chứng bệnh ung thư gan, mấy tháng trước Duy Quang trở lại Hoa Kỳ để chữa trị. Hai tuần trước có buổi sinh hoạt văn nghệ hội ngộ cùng anh ở Quận Cam, nơi anh và gia đình Phạm Duy đã sinh sống nhiều năm. Hơn 500 thân hữu, những người quí mến và nghệ sĩ đã đến góp vui, thăm hỏi và chia sẻ ưu tư về sức khoẻ của anh.

Tháng Ba vừa qua, Duy Quang biểu diễn ở San Jose trong chương trình Hát cho Tình yêu tổ chức tại Center for the Performance Arts. Trên hai nghìn khán giả hôm đó đã được nghe lại những lời tình ca âm vang một thuở:

Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím
Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng
Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp
Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh…
Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
Bóng người từng in dấu trên đường mờ
Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên
Nhớ hoài con đường cũ không tên…

Sáng ngày 19-12-2012 giọng hát tình ca sinh viên hay nhất đã thực sự ngưng tiếng, sau 62 năm buồn vui ca hát ở chốn dương trần.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, người dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog