Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Ớt

Đọc câu truyện sau, mới đọc vài dòng tôi nghĩ đến cây ớt ngoài vườn, bao lâu nay nhà tôi trồng ớt chằng bao giờ cay, đủ loại, nào ớt hiểm, ớt Thái, vẫn không cay, chả hiểu làm sao. Bây giờ mới trồng được một cây ớt mà nghe ông chồng tôi khoe là cay lắm, và ông lo lắng là cây ớt của ông sẽ bị ... ế vì tôi không dám ăn ớt nữa. Chẳng là tôi chẳng phải gốc Huế, nhưng tôi ăn ớt không thua ai, mỗi bữa cơm tối có thể ăn hai trái ớt, hoặc chỉ một chén nước mắm ớt chanh là xong bữa cơm.  Muà ớt, tôi mua bao nhiêu bọc ớt để dành trong ngăn đá để dành, sợ muà Đông không có ... ớt ăn. Thế nhưng mấy tháng nay bị dị ứng, tôi phải bỏ ớt không dám ăn nữa.  Vì thế khi cây ớt trồng được cay thì tôi không còn được hưởng nữa.  Nhưng đó là chuyện cay vớ vẩn của tôi thôi, chuyện của tác giả viết không phải là nói chuyện cây ớt, ông nói một điều khác hơn là chuyện cây ớt. 
Cây thiếu nắng

Đặng Ngữ
Chuyện cây ớt không ra trái

Tôi người gốc Huế.
Bữa ăn không thể thiếu qủa ớt tươi. Nếu thiếu vị ớt, món ăn dù có ngon đến mấy cũng thấy nhạt. Người Huế thường thích ăn kèm thức ăn với loại ớt nhỏ nhỏ bằng đầu đũa gọi bằng tên ớt hiểm, rất cay. Cách nhau một con đèo, người Quảng hình như thích ăn loại ớt to, còn xanh, cắn vào nghe cái “rốp”, rất đã miệng nhưng không cay bằng ớt Huế. Dân Sài Gòn hầu như không ăn ớt (ngoại trừ dân Sài Gòn gốc miền Trung), nếu có ăn thì họ sẽ xào qủa ớt to tổ bố, có mùi gắt chứ tuyệt không có vị cay. Dân gian gọi mấy qủa ớt nhiều màu sắc ấy bằng cái tên nghe rất ngộ: ớt Đà Lạt. Người yêu cũ của tôi (bây giờ gọi bằng bà xã) dân Hà Nội. Như nhiều người Hà Nội khác, cô ấy cũng không biết ăn ớt. Thỉnh thoảng nhà có món chiên, thường thấy phu nhân làm chén mắm ớt tỏi nhưng chỉ tí tí chất cay, chả bõ công nếm. Theo thời giá bây giờ, năm ngàn đồng mua được chừng hơn chục qủa ớt đỏ, ăn được vài ngày. Nhưng vì người yêu cũ của tôi không thích ớt nên nàng ấy hay quên. Tính tôi lại khó chịu với mấy chuyện vặt vãnh nên nhiều khi cũng lời qua tiếng lại.


Ớt hiểm [Hot pepper, chi Capsicum của họ Cà (Solanaceae)].Nguồn ảnh: http://nhanonglamgiau.com

Cuối cùng, giải pháp được đồng thuận là trồng một cây ớt. Vợ đi chợ quên mua cũng không ảnh hưởng đến hòa khí gia đình. Cây ớt nhỏ được trồng trong chậu kiểng, phía ngoài cổng nhà.Đâu hơn tháng, nó ra hoa nhiều. Những bông hoa màu trắng, hình cánh sao, xinh tươi lạ lẫm trong nắng. Rồi những qủa ớt xanh, nhỏ xíu cũng xuất hiện. Ngày nào tôi cũng đếm. Mà hình như người yêu tôi cũng đếm. Những qủa ớt nhỏ thoạt đầu có màu xanh. Với nắng, với gió...dần to lên và chuyển sang màu đỏ. Thỉnh thoảng, người yêu tôi lại cố tình quên mua ớt... Nhưng lũ qủy con từ đâu xuất hiện. Lựa lúc tôi đi làm, chúng phá cây ớt thấy mà thương. Tôi quyết định mang cây ớt vào trong sân, dưới bóng râm của cây khế và không quên dặn dò: “Lại tiếp tục cho tao trái nhé.” Cây được chăm kỹ, tưới nước đều nên xanh tốt. Nhưng đợi mãi mà chẳng thấy những bông hoa màu trắng, hình sao.
Bạn có biết tại sao không? Tại vì thiếu nắng.
Thiếu nắng, cây ớt vẫn sống tốt nhưng không còn ra hoa được nữa.
...
Cây ớt mà không sinh ra qủa ớt thì gọi bằng gì? Tôi thật sự không biết. Nhưng sống như thế phỏng có ích gì.

Làm sao ba có thể...

Ba năm trước, anh đưa cả gia đình sang Mỹ định cư.

Hầu hết những người quen biết đều lấy làm ngạc nhiên trước quyết định của anh. Có người cho rằng anh có vấn đề về não hoặc quá sùng Mỹ. Anh nghe thế chỉ cười mà không nói gì. Anh đường hoàng làm giám đốc một nhà máy của tập đoàn Philips tại Việt Nam. Lương và các khoản phụ cấp khác đều vào hàng “ước mơ” của nhiều người khác. Vợ con đề huề, nhà cửa và cơ sở kinh doanh riêng đều ổn. Muốn ăn gì hay chơi gì thì anh đâu có thiếu. Tuổi của anh sang Mỹ biết làm gì, hòa nhập với văn hóa xứ lạ quá khó và còn bao nhiêu chướng ngại không thể kể tên khác. Anh chỉ nói với em một câu thôi: “Vì tương lai con cái em à.” Em nghe thế thì biết thế thôi chứ không sao hiểu được cái quyết định của anh.

Sáng nào, ba cũng dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng và đưa con đến trường. Sáng nay, trên đường đưa con đến trường, ba bất chợt hỏi, “Con yêu ai nhất?” Con trả lời ba rằng, “Con yêu ông cụ râu dài.” Biết rằng trẻ thơ không có lỗi nhưng ba vẫn bàng hoàng với câu trả lời của con. Làm sao ba có thể dạy con làm người lương thiện khi chung quanh toàn kẻ bất lương? Làm sao ba có thể dạy cho con về sự trung thực khi con toàn nghe những điều giả dối? Và còn rất nhiều những câu “làm sao ba có thể dạy con...” như thế nữa.
...
Bây giờ mình đã hiểu rất rõ câu trả lời của anh - “Vì tương lai con cái em à.”
Sống là không chỉ sống cho riêng mình.

...
Cho Cây ớt ra hoa

Cuối tuần trước.
Tôi có việc phải đến ngân hàng thì vô tình gặp anh ở đấy.
Anh đến để chuyển cho con gái đang du học bên Nhật Bản một số tiền. Dường như anh không khỏe, hơi thở có vẻ mệt nhọc. Nhưng khi kể cho tôi nghe về con gái, ánh mắt anh sáng lên hi vọng. Anh bảo rằng, “Con gái anh ngoan lắm, ba nó chỉ lo tiền học thôi. Còn những phí tổn khác con gái tự lo được.” Rồi anh nói thêm, “Cho chúng nó đi tỵ nạn giáo dục.” Câu này hình như anh Nguyễn Một nhắc lại ý của anh Võ Đắc Danh. Anh Danh cũng có hai cô con gái đang “tỵ nạn giáo dục” ở Mỹ.

Tôi biết, các anh đều gồng gánh rất nặng.

Các anh đều nghiến răng... vì con.
...
Như mọi người Việt Nam khác, tôi yêu đất nước mình.
Và như mọi người Việt Nam khác, tôi biết rằng Trường Sa-Hoàng Sa vốn thuộc về mình.
Nhưng thực tế, tôi biết, nó đã không còn thuộc về mình nữa rồi.
Có đòi lại được không?
Trả lời: hiện nay thì không. Mà vài chục năm nữa cũng không nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này.
Chỉ có một hi vọng duy nhất: những thế hệ sau được khai sáng.

Nguồn ảnh: Copyright © Yan Lerval / NOI Pictures / NOI Pictures

Chỉ có một hy vọng duy nhất: những thế hệ sau được khai sáng.

Dù gánh nặng đến thế nào, tất cả chúng ta cũng đều phải nghiến răng... cho những cây ớt được ra hoa.


Sài Gòn, 05/12/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog