Nguyễn Nhân Trí
Tôi có một đám bạn khoảng 10 người từ hồi trung học hiện đang sống ở Sài Gòn.
Lúc Việt Cộng mới vào, anh em tứ tán mỗi người mỗi nơi vì ai cũng quá bận bịu cho sự sống còn của chính mình. Mấy năm sau đó tôi vượt biên thành công. Bẵng đi một thời gian đến sau nầy khi Việt Nam “mở cửa” ra lại, và nhất là khi internet trở thành phương tiện truyền thông phổ biến thì tôi dần dần bắt được liên lạc lại với những người nầy.
Cứ vài ba năm mỗi khi tôi trở lại Việt Nam vì lý do gia đình tôi đều ghé thăm những người bạn của tôi ít nhất một lần. Chúng tôi thường làm những buổi tiệc họp bạn thân mật nho nhỏ. Thường cũng chẳng có gì, vài ba dĩa thức nhắm và một hai thùng bia là đủ để cả bọn hàn huyên tâm sự chuyện cũ mới đến khuya.
Bạn cũ học chung với nhau từ đệ thất lên đến cuối năm trung học nên rất dễ thân thiện trở lại. Một đám ông già đầu hai thứ tóc, mấy người đã có cháu nội ngoại đầy đủ, ngồi cụng ly mầy mầy tao tao, thằng nầy thằng nọ, cười cợt giỡn hớt không khác gì trong sân trường mấy mươi năm về trước. Mỗi khi tôi gặp lại đám bạn cũ nầy tôi đều có một cảm giác rất ấm cúng.
Những năm mới gặp lại nhau (vào đầu thập niên 1990) thì những thằng bạn của tôi còn nghèo. Đôi khi tôi kín đáo biếu một vài đứa trong bọn chút đỉnh tiền vì tôi nghe nói gia đình họ khá túng quẫn. Mấy năm sau nầy khi tôi gặp lại thì một số các bạn của tôi không còn nghèo nữa. Họ bắt đầu ăn nên làm ra. Mỗi lần gặp lại tôi thấy nhiều người trong đám bạn của tôi đi xe gắn máy đẹp hơn, ăn mặc tươm tất hơn. Đứa thì trúng mánh nầy mánh nọ thường xuyên, đứa thì công việc làm ăn phát triển tốt đẹp. Khi tôi định đưa tiền cho mấy người lúc xưa túng quẫn thì họ từ chối. “Không cần nữa đâu, tao dạo nầy cũng khá rồi. Cám ơn mầy.” Tôi nghe mà vui trong lòng và mừng giùm cho họ.
Trong những dịp gặp nhau ăn uống trò chuyện, chúng tôi thỉnh thoảng nói qua việc tình hình xã hội, đất nước Việt Nam hiện tại. Dĩ nhiên là đối với một “Việt kiều” lâu lâu mới trở lại Việt Nam như tôi thì có rất nhiều những chuyện chướng tai gai mắt để mà phàn nàn. Được một điều là vì chúng tôi đã quen biết với nhau từ mấy mươi năm nay nên tôi không lo ngại bị ai báo cáo công an về những lời phê bình, chỉ trích Nhà Nước và Đảng của mình.
Có một chuyện tôi để ý, vài bạn của tôi thường dùng lý luận “vì nước mình còn nghèo” mỗi khi tôi chê bai về những điều tệ hại đang xảy ra ở Việt Nam. Họ nói “Vì nước mình còn nghèo nên không có đủ tiền sửa sang, chăm lo cho người dân đúng mức được”.
Thí dụ như tôi thường phàn nàn về tình trạng về tình trạng cống rãnh trong thành phố Sài Gòn. Ngày xưa chỉ lâu lâu khi nào mưa lớn lắm thì một số khu hẻm hốc mới bị nước ngập. Ngày nay chuyện nước ngập xảy ra hầu như thường xuyên ở rất nhiều khu vực, kể cả ngay trong trung tâm thành phố. Và cũng không cần chờ mưa lớn nữa. Bây giờ có một hiện tượng mới gọi là “triều cường”, có nghĩa là mỗi tháng những ngày mức thủy triều cao, thì nước trong cống rãnh bị dội ngược lại và tràn đầy lên đường phố. Nếu gặp mưa cùng lúc với triều cường thì nước thải hôi thúi lẫn phân người trong cống trộn lẫn với nước mưa ngập cao hơn nửa bánh xe và tuôn vào trong nhà dân chúng.
Để giải thích tại sao tình trạng đường phố cầu cống ngày càng tệ hại mà không ai sửa chữa gì cả thì vài bạn tôi nói: “Vì nước mình còn nghèo…”
Thí dụ như chuyến đi Việt Nam gần đây nhất tôi có việc phải vào bệnh viện nhiều lần để thăm người nhà. Tôi đã đọc báo và xem phim ảnh nói về tình trạng y tế ở Việt Nam nên đã chuẩn bị tinh thần đôi chút về vấn đề nầy. Tuy vậy những ấn tượng trong đầu tôi về các bệnh viện ở Sài Gòn không thể nào so sánh được với những gì tôi mắt thấy tai nghe khi vào đó.
Điều kiện đầu tiên để được chữa trị, ngay cả ở các bệnh viện chuyên khoa “lớn” nhất, “tân tiến” nhất là phải có tiền. Chẩn mạch, thử máu, định bệnh đều tốn tiền. Gia đình người bệnh phải bỏ tiền ra mua từng viên thuốc, từng miếng băng keo, từng ly sữa, từng tấm giấy đi cầu cho bệnh nhân. Mặc dù nếu có bệnh ngặt nghèo cách mấy nhưng không tiền thì vẫn không được vào phòng cứu cấp và sẽ bị bỏ mặc cho chết dần bên ngoài. Người bệnh nằm chồng chất 3, 4 người trên một giường. Và những người có giường để nằm nầy là những người may mắn. Các bệnh nhân khác chỉ được cho lót chiếu nằm trên sàn gạch ngổn ngang.
Trong bệnh xá thì chuột bọ kiến gián bò lềnh khênh. Trong phòng cứu cấp thì các người bệnh đều bị lột trần truồng ra nằm dài ra đó (y tá cắt nghĩa: “để dễ chùi lau”). Dây nước biển, bọc truyền máu, dây nối điện đồ, v.v. lổn ngổn trên những thân thể nhợt nhạt người không ra người, thú không ra thú. Cảnh tượng không khác chi địa ngục. Người đi thăm nuôi thì chầu chực chờ đợi lố nhố bên ngoài hành lang như trong trại tù. Mỗi thân nhân của người bệnh phải túc trực thường xuyên ăn ngủ ở đó vì chính họ phải chờ phiên vào để tự lau chùi, rửa ráy, đút ăn cho thân nhân của họ khi đang nằm trong phòng cứu cấp (vì y tá và y công không làm các chuyện nầy). Mỗi ngày họ được vào thăm và làm những chuyện nầy một lần vào lúc 2 giờ sáng (vì đó là lúc bác sĩ, y tá và y công đổi ca, do đó tiện lợi nhất cho họ).
Mỗi người bệnh được cho một con số. Bất cứ lúc trong ngày hay đêm khi nghe gọi số của bệnh nhân nào thì thân nhân của người ấy bật dậy từ chỗ đang ngồi hay nằm chờ của mình chạy đến xem bác sĩ hay y tá muốn gì. Có khi thì họ được bảo phải đóng tiền thêm vì tiền đặt cọc trước đã cạn. Có khi thì báo cho biết bệnh trạng chuyển biến như thế nào rồi. Có khi thì được cho hay là người bệnh đã qua đời, chờ ở đó rồi họ sẽ đẩy ra đưa vào nhà xác gần bên. Có vài bệnh nhân từ dưới quê lên không có đủ tiền nên sau vài ngày thì thân nhân bỏ trốn mất. Y tá kêu số lập đi lập lại nhưng không ai trả lời. Ngay cả đến khi y tá kêu số cho biết người bệnh đã chết rồi nhưng cũng không còn thân nhân ở đó nữa để nhận xác.
Khi tôi kể chuyện vào bệnh viện và cảm tưởng của tôi cho đám bạn tôi nghe, một vài người cũng lại giải thích bằng câu “Vì nước mình còn nghèo…”
Ở trên chỉ là 2 thí dụ của rất nhiều chuyện bực mình khác mà vài người bạn cũ của tôi dùng câu “Vì nước mình còn nghèo” ở trên để đáp lại lời phàn nàn của tôi.
Tôi biết các bạn tôi khá rõ. Tôi không nghĩ là họ thân cộng hay có ý bênh vực chính quyền CSVN. Tuy vậy có lẽ vì dù gì đi nữa thì Việt Nam cũng là đất nước của họ nên phản xạ tự nhiên của họ là che chở bênh vực nó trước các lời phê bình bất kể đúng hay sai? Hay có lẽ vì sống trong xã hội đó mấy mươi năm rồi nên họ đã dần dần nhiễm cách ăn nói bưng bít bào chữa tiêu biểu của chế độ mà không hay?
Một điều khác tôi để ý nữa là có vài bạn tôi cũng thường kể cho tôi nghe về những khách sạn to lớn, những trung tâm thương mãi đắt tiền, những khu du lịch sang trọng, những khu giải trí đầy các trò chơi tối tân và hấp dẫn của Việt Nam. Họ có vẻ hãnh diện không ít về những công trình xây cất nầy. Tôi có cảm tưởng là họ muốn ngầm cho tôi thấy rằng Việt Nam ngày nay đã tiến bộ trong các lãnh vực nầy không thua kém gì những nước Tây Phương.
Trong một buổi tiệc họp mặt gần đây, có lẽ vì hơi men hơi thấm một chút nên tôi đã nói toạc ra những gì mình nghĩ về vấn đề nầy. Tôi nói đại loại rằng tôi lấy làm khá thất vọng vì người dân trong nước, kể cả các bạn tôi, không nhìn ra được một sự thiếu cân bằng trầm trọng trong cấu trúc xã hội hiện nay. Họ không thấy được sự thiếu thốn của các hạ tầng cơ sở thiết yếu như cầu cống hay bệnh viện cũng như việc điều hành các hệ thống giao thông, y tế, v.v. Tôi nói rằng trong khi đó thì nhà nước cứ đổ tiền vào, hay khuyến khích, các công trình xây cất to lớn để phát triển khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí, v.v. Và rất nhiều người tự cho rằng là thành phần trí thức trong xã hội lại lấy làm tự hào về chủ trương nầy. Tôi nói rằng trong một quốc gia nghèo như vậy mà không lo về kinh tế, giáo dục, hạ tầng cơ sở mà cứ xum xoe khoa trương và phát triển khả năng ăn chơi thì có khác gì một gã ăn mày không lo cho miếng cơm cho ngày mai mà chỉ muốn mua sắm quần áo đẹp để chưng diện?
Tôi cũng nói luôn rằng nếu tôi là người dân trong nước thì tôi có lẽ rất lấy làm hổ thẹn chớ không hề hãnh diện về chủ trương và hiện tượng nầy.
Như đã nói, vì là bạn bè mấy mươi năm nay nên tôi không hề lo ngại người nào sẽ báo cáo những lời nói “phản động” trên của tôi. Tuy vậy, hôm ấy sau khi ra về rồi thì tôi suy nghĩ lại và có phần áy náy đôi chút.
Tôi hiểu rằng họ đã sống trong cái xã hội Việt Nam nghèo đói đó mấy mươi năm nay rồi. Họ không có gì mấy để hãnh diện về quê hương của họ. Tôi, và họ, biết rằng dù họ có làm ăn phát đạt ra được bao nhiêu tiền đi nữa thì họ cũng không bao giờ có được những phương tiện vật chất mà tôi xem là “đương nhiên” trong đời sống ở nước ngoài của tôi như là không khí trong lành để thở, thức ăn không sợ bị ô nhiễm hóa chất, chế độ an sinh và hệ thống y tế xã hội rộng rãi cho tất cả mọi người dân, v.v. Tôi có cảm tưởng rằng những người bạn của tôi cần có cái gì để bám víu vào mà hãnh diện về đất nước của họ để bù trừ cho biết bao nhiêu cái tệ hại khác đầy rẫy chung quanh hằng ngày.
Tôi biết những lời chỉ trích của tôi có thể làm một số các bạn tôi ít nhiều không vui bụng.
Tôi biết một số bạn của tôi có thể có cái nhìn giống như tôi mặc dù họ không có thói quen nói ra những điều tiêu cực liên quan đến nhà nước và chế độ. Cả đời sinh sống ở đây làm cho họ rất ngại ngùng, e dè mỗi khi họ lên tiếng, hay nghe ai khác lên tiếng chỉ trích về những điều hư xấu trong xã hội đụng chạm đến chính quyền và đảng. Sống trong một quốc gia cộng sản, người ta không bao giờ hoàn toàn tin tưởng bất cứ ai khác cả trong việc chia sẻ các vấn đề nầy.
Tôi biết thế hệ của các bạn tôi ở Việt Nam đã đi vào giai đoạn xế chiều rồi. Dù cho nếu họ có nhận thức được những điều trên thì bản thân họ cũng khó làm được chuyện gì thực tiễn để thay đổi chúng.
Tôi biết rằng có nói về những chuyện nầy rất có thể cũng chỉ là vô ích.
Tuy vậy tôi vẫn ao ước phải chi các bạn tôi đừng lúc nào cũng núp sau lập luận “vì nước mình còn nghèo” thì hay biết mấy.
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét