Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Nhà thơ - bình luận gia

Hôm nay bạn tôi gọi cho tôi, chúng tôi nói chuyện trên trời dưới đất như thường lệ, trong đó lại nhắc tới ông Ngô Nhân Dụng, một bình luận gia về những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội kể cả Việt Nam và thế giới mà cả hai chúng tôi vẫn thường xuyên đọc ông, phải nói chúng tôi khâm phục sự uyên bác của ông, đôi lúc tôi cứ nghĩ chắc ông phải có một đội ngũ đọc các tài liệu hàng ngày để cung cấp các dữ kiện cho ông, chứ làm sao ông cập nhật được hết tất cả các vấn để  nóng hổi của thế giới để viết bài đều đặn cho báo Người Việt, chưa kể trả lời phỏng vấn cho các chương trình radio. 

Tôi nói với bạn, phải khâm phục thế hệ trước những người được giáo dục bởi "thực dân" Pháp. Họ đúng là trí thức và họ cũng là những người luôn quan tâm đến đất nước hơn chúng tôi.  Họ dấn thân cho xã hội nhiều hơn các thế hệ sau này.  Cứ bàn về ông, rồi bạn tôi bảo tên thật ông là Đỗ Quý Toàn, tôi cãi chầy cãi cố, ông ĐQT là nhà thơ cơ mà, lâu lâu tôi cũng đọc những bài báo có tính cách mô phạm của ông Đỗ Quý Toàn, nên cứ chắc thế, bạn tôi bảo không cứ tìm đi, và tôi google ngay lập tức có bài sau đây của nhà thơ Luân Hoán nói về ông nhà thơ Đỗ Qúy Toàn, và ngạc nhiên ông cũng chính là Ngô Nhân Dụng, với  nhiều bút hiệu khác.  Đọc bài giới thiệu về ông, thì không thể nghi ngờ về sự uyên bác của ông.  Dĩ nhiên tôi gõ cái blog này không phải để gìới thiệu ông, vì ông không cần đến một blogger vô danh nói vớ va vớ vẩn, chỉ xin mời bạn đọc bài viết nói về ông.  Và cũng cám ơn bạn tôi lại một lần nữa giúp mở trí khôn cho tôi. :-)





Đỗ Quý Toàn
cái cổ hạnh phúc
Luân Hoán
Trong 66 năm có mặt  giữa cuộc đời. Tôi đã có 22 năm sinh sống ở xứ người. Con số này còn tiếp tục gia tăng, nếu không có những bất ngờ xấu về sức khỏe, bởi tôi vẫn giữ quyết định bén rễ trên đất Montréal Canada cho đến ngày lên đường về một cõi xa. Chặng đời nào trong cuộc sống cũng đã cho tôi nhiều kỷ niệm. Trong hai mươi hai năm qua, tại xứ sở giàu cây phong và chim trời, gia tài kỷ niệm của tôi khá phong phú. Một trong các lãnh vực sinh nở hình ảnh, tình cảm đáng lưu giữ nhất là tình bằng hữu. Tình bạn là một thứ tình gần như chỉ ngan ngát hương vị ngọt ngào.

Ngay sau khi chưa kịp quen với không khí ẩm thấp, ngột ngạt của một căn ấp nằm lưng chừng nửa trên nửa dưới mặt đất, tôi đã có hai người bạn chưa từng gặp mặt đến thăm. Hai người bạn này rủ nhau đến cùng một lúc, vào buổi chiều Chủ nhật, mùa xuân. Tôi tiếp khách trong sự ngượng nghịu. Không có cái thú uống trà, thêm vào đó cái thèm vị ngọt coca-cola vừa từ Việt Nam sang, tôi vô tình buộc khách ngồi ngắm mấy cái ly đỏ ối màu nước lạnh. Phòng khách ánh một dòng nắng chiều từ cửa sổ. Chưa có chậu cây, tranh ảnh nào góp hơi thở cho căn phòng ấm áp hơn.

 Người bạn ít vốn sống hơn tôi là một nhà thơ. Anh có bút danh Bắc Phong. Vào thời điểm bấy giờ, thơ anh đang trên đường đến gần với bạn đọc người Việt trên khắp thế giới. Ngoài tuyển tập “30 Bài Thơ - 12 Khuôn Mặt” do Dân Quyền ấn hành năm 1983, thơ Bắc Phong được giới thiệu thường xuyên trên các tạp chí Lửa Việt, Dân Quyền, Làng Văn, Độc Lập...Sinh năm 1953 tại Bắc Việt, một năm sau vào Nam, hai mươi hai năm sau rời tổ quốc, Bắc Phong đã thành một quản thủ thư viện nơi anh định cư. Sinh hoạt cộng đồng, góp thơ giữ lửa cho tinh thần tưởng nhớ quê hương là những công việc Bắc Phong thực hiện nhiệt tình, thường xuyên. Những năm sau, thi phẩm đầu tay của anh, tập Chính Ca được cơ sở Đồng Tiến ở Hoa Kỳ gởi đến bạn đọc (năm 1986). Nhân Văn, Canh Tân, Văn Học...là những tạp chí liên tục phổ biến thơ Bắc Phong. Các tuyển tập: Hội Tuyển Thi Ca (do Thanh Niên Hành Động Xã Hội tại Pháp ấn hành, 1986), Tuyển Tập 23 Người Viết Sau 1975 (Văn Nghệ Hoa Kỳ, 1988), Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại Năm 2000 (Việt Thường chủ trương)...đều có sự đóng góp của nhà thơ khiêm tốn, chân tình này. Chính sự khiêm tốn của Bắc Phong, làm tôi mất bớt một điểm dựa hơi. Anh là một trong hai người không bật đèn xanh cho tôi ba hoa. Đây cũng là sự giải thích vì sao tôi viết dông dài cho cái nhập đề của bài này. Không dựa một chút hơi Bắc Phong, dường như tôi không yên tâm.

Người bạn cùng Bắc Phong đến thăm tôi là một người thật đặc biệt. Một mình anh đã chiếm đến bốn, năm chiếc ghế bề thế trong lãnh vực văn hóa, văn học. Anh là thi sĩ Đỗ Quý Toàn. Anh là nhà bình luận chính trị Ngô Nhân Dụng. Anh là Toan Do, giáo sư kinh tế học của các đại học Concordia, McGill, Quebec tại Montréal (UQAM). Anh là nhà nhận định, phê bình văn học Đỗ Quý Toàn. Anh là ký giả Vương Hữu Bột. Anh là người viết “phim” với tên Đạo Cấy...Có thể anh còn thể hiện khả năng qua nhiều vai trò khác nữa nhưng tôi chưa kịp biết hết. 
Với tôi, Đỗ Quý Toàn là một bậc đàn anh. Ngoài việc giàu hơn tôi hai năm hít thở, anh còn nổi trội hơn tôi nhiều mặt. Ra đời vào ngày 15 tháng 6 năm 1939 tại Bắc Ninh, Đỗ Quý Toàn có một thời niên thiếu cùng gia đình chạy loạn, dọc theo các vùng thượng du Bắc Việt, để rồi có mặt trong dòng người di cư 1954, đến với đất Sài Gòn. Làng mạc nông thôn, đất rừng mạch suối, đã cùng nền giáo dục miền Nam đào tạo Đỗ Quý Toàn thành một nhà giáo của các trường trung học Chu Văn An, Nguyễn Du ngay tại thủ đô. Cùng thời điểm này, anh cũng sớm trở thành một huynh trưởng của tổ chức Hướng Đạo Việt Nam, hăng say trong những công tác xã hội. Cây bút trong tay anh từ thời mẫu giáo, đã chính thức đến với làng báo, làng văn năm 1955. Nhiều tạp chí, nguyệt san, tuần báo, nhật báo của miền Nam trước 1975, đón nhận sự cộng tác của anh, đặc biệt là các cơ sở Sống, Ngàn Khơi, Lửa Việt, Tân Dân, Văn Nghệ...
Tả xung hữu đột qua nhiều thể loại với mong ước cuộc sống quanh mình sẽ tươi vui hơn. Nhưng thi ca chắc vẫn là mục tiêu số một trong cuộc hành nghiệp của Đỗ Quý Toàn. Anh say mê làm thơ cùng những người bạn thơ của mình. Lúc bấy giờ, hình như anh chơi thân với các nhà thơ Vương Tân, Trần Dạ Từ, Trần Đức Uyển...Tôi nhớ đã đọc đâu đó, chuyện anh kể, thường lui tới nhà một người bạn thơ có một bà mẹ thật hiền. Anh đã có những buổi lót lòng tại đây, và không hiếm lần đọc cho bạn nghe những bài thơ mới viết, cũng như nghe những bài thơ vừa hoàn tất của bạn mình. Sự trao đổi nhận định lẫn xúc cảm thường tạo thêm hứng khởi sáng tác. Viết nhiều cũng thường dẫn đến cơ hội xuất bản. Nhắc lại diễn tiến sự hình thành thi phẩm Nàng, đầu tay, cùng thi phẩm kế tiếp Đêm Đen Việt Nam, nhà thơ Đỗ Qúy Toàn đã kể với tôi, cùng bạn đọc tạp chí Sóng của nhà giáo kiêm nhà báo Nguyễn Tăng Chương tại Toronto, 

“... ‘Nàng’ là một tập thơ in năm 1965. Tôi thực chưa bao giờ có ý định in thơ. Tập thơ thứ nhất này, do một số bạn bè góp tiền in tặng, nhân đám cưới của vợ chồng tôi. Tôi nhớ có Trần Dạ Từ, Tú Kếu, Lê Tất Điều, Vũ Dũng, Nguyễn Trung, Dương Nghiễm Mậu…và cả anh Phạm Duy nữa. Nguyễn Trung vẽ bìa và vẽ cái mặt tôi in bên trong. Hình như mỗi người góp hai trăm đồng thời đó, coi như đi mừng đám cưới.
Tập thơ viết về Nàng, nhưng không phải chỉ thơ tình. Có những thao thức tâm linh. Có những rung động siêu hình. Khi yêu mình hầu như thấy cả vũ trụ và mình trong vũ trụ.
Tập thơ Đêm Việt Nam do nhóm sinh viên văn khoa in năm 1966. Những bài thơ này viết từ 1963. Khi tôi xúc động trước thời cuộc như biến cố: hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, đám tang Nhất Linh. Nhưng phần lớn các bài thơ đó viết sau khi tôi đã đi nhiều về miền quê từ vụ cứu lụt ở miền Trung năm 1964 và tiếp xúc với những đau khổ trên quê hương. Anh ruột tôi tử trận năm 1963. Những người bạn khác cũng lần lượt vào nghĩa trang Quân đội. Khoảng hè 1966, mấy bạn sinh viên tổ chức các buổi đọc thơ ở khu đất Khám Lớn cũ, tức Đại học Văn khoa, ở  đường Gia Long, hình như đó là đêm đọc thơ đầu tiên trước công chúng. Tôi nhớ có Trần Dạ Từ, Tú Kếu và tôi cùng đọc thơ. Hình như có cả Trần Tuấn Kiệt. Những bài thơ nói về nỗi đau khổ không thể ngâm nga được, cho nên chúng tôi đọc, có lúc thét lên. Có một nhà văn đàn anh, sau đó đã viết rằng: “Nghe đọc thơ, anh thấy rùng mình” . Các bạn sinh viên đề nghị in. Tất nhiên Sở Kiểm duyệt không cho in, nên họ chỉ quay ronéo, Nguyễn Trung vẽ bìa và phụ bản rất đẹp.
Cả hai tập thơ trên, tôi đều không có ý định in. Cả hai đều do anh em họ làm giúp. Sau này là tôi cũng tiếc là mình hờ hững với thơ quá. Bây giờ muốn in lại làm tài liệu cũng khó tìm hết các bài thơ mình có thể vẫn còn thích. Tôi vốn coi chuyện làm  thơ là chuyện rất riêng tư. Mình không nhịn được thì phải làm thơ, chứ không phải để làm cái gì, để cho ai cả. Đăng báo thì dễ dàng. Người ta đọc báo xong thì quên ngay. Góp một bài thơ cũng như tới họp mặt với bạn bè, cho vui vậy thôi. Bây giờ ở nước ngoài thì khác. Lắm lúc muốn đọc lại thơ Tô Thùy Yên chẳng hạn, tôi lại trách thầm tại sao cái ông “Điên Thành Tinh” đó không in một tập thơ để mình dễ tìm. Anh chị em tản mác khắp nơi, tìm một tờ báo lắm lúc cũng khó. Như vậy tôi mong các bạn thi sĩ nên in thơ thành tập thì hơn”.
(Đỗ Quý Toàn trả lời CHC - Sóng số 71 tháng 4 năm 1988)
Như vậy, cả hai thi phẩm của anh Đỗ Quý Toàn trình làng trước năm 1975, đều do những tình cờ thú vị. Tình bạn cùng những trân quí thi ca của độc giả đã  tạo cơ hội cho người làm thơ đến gần với đông đảo quần chúng hơn. 
(Trong hai thập niên 60, 70, đội ngũ làm thơ của miền Nam trên dưới chừng 100 người , xin ăn gian một số dòng để lược kê bút danh những người từng thường xuyên thăm viếng bạn đọc một thời: Anh Tuyến, Bùi Giáng, Bùi Khánh Đản, Bùi Khải Nguyên, Cao Tiêu, Cao Mỵ Nhân, Cao Thoại Châu, Cao Thị Vạn Giả, Chế Vũ, Chu Tân, Chu Trầm Nguyên Minh, Chu Vương Miện, Cung Trầm Tưởng, Diễm Châu (nam), Diên Nghị, Du Tử Lê, Duy Năng, Dương Kiền, Đinh Hùng, Đinh Trầm Ca, Định Giang, Định Nguyên, Đông Trình, Đỗ Quý Toàn, Đynh Hoàng Sa, Hà Liên Tử, Hà Huyền Chi, Hà Nguyên Thạch, Hà Thúc Sinh, Hạ Quốc Huy, Hải Phương, Hoài Hương, Hoài Khanh, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Bảo Việt, Hoàng Lộc, Hoàng Ngọc Liên, Hoàng Hương Trang, Hoàng Trúc Ly, Hoàng Quy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Thị Bích Ni, Hồng Khắc Kim Mai, Huy Lực, Huy Giang, Huy Tưởng, Huy Trâm, Hữu Phương, Khải Triều, Kim Tuấn, Kiên Giang, Kiều Mộng Thu, Kiệt Tấn, Kiêm Thêm, Khắc Minh, Lê Vĩnh Thọ, Lê Đình Phạm Phú, Lê Hân, Lệ Khánh, Lê Nguyên Ngữ, Lê Văn Ngân, Lâm Chương, Luân Hoán, Lữ Quỳnh, Mai Trung Tĩnh, Minh Đức, Mường Mán, Nguyên Sa, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Đông Giang, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Vỹ,  Nhất Tuấn, Ninh Chữ, Phạm Công Thiện, Phạm Nhuận, Phạm Thiên Thư, Phan Duy Nhân, Phan Lạc Giang Đông, Phan Lạc Tuyên, Phan Minh Hồng, Phan Nhự Thức, Phan Trước Viên, Phong Sơn, Phổ Đức, Phương Tấn, Phương Triều, Quách Thoại, Sao Trên Rừng, Song Hồ, Tạ Ký, Tạ Tỵ, Thanh Nam, Thanh Nhung, Thanh Tâm Tuyền, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Thái Luân, Thế Phong, Thế Viên, Tô Thùy Yên, Tô Kiều Ngân, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Bích Tiên, Trần Dzạ Từ, Trần Đức Uyển, Trần Hoan Trinh, Trần Thy Nhã Ca, Trần Quang Long, Trần Tuấn Kiệt, Trần Huiền Ân, Trần Vạn Giả, Trụ Vũ, Triều Hoa Đại, Tuấn Giang, Từ Kế Tường, Từ Thế Mộng, Tuệ Mai, Tường Linh,Viên Linh, Võ Chân Cửu, Võ Quê, Vũ Quỳnh Bang, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hân, Vũ Đức Sao Biển, Vũ Hữu Định, Vương Đức Lệ, Vương Tân )  
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, được xếp vào những người làm thơ tự do, theo nhận định của nhà phê bình Cao Thế Dung. Ông viết trong tác phẩm Văn Học Hiện Đại (356 trang, Quần Chúng xuất bản, năm 1969):
“... Thơ tự do còn thể hiện một sự biệt tích của lòng yêu dấu trong đó có một giai nhân nào không còn là nàng tình muôn thuở (như một Dương Quý Phi, hay Bao Tự hay Désirée...) Thơ tự do -trong thi điệu và ngôn ngữ- ví như đứa con tình nguyện đi hoang và tự ném tuổi thơ đốt cháy trong một ngọn lửa tình cờ phi lý và rất tàn bạo của thời đại.
Đỗ Quý Toàn với thi tập Nàng là một tiêu biểu. Thơ tự do của họ Đỗ như không là thơ (theo quan niệm cũ thông thường về thơ). Thơ ông là những ngôn ngữ như lá cành trên sa mạc hoặc sỏi đá trên vùng tuyết lạnh và tiếng thơ như tiếng huýt sáo theo giọng ca được sáng tác trong tình cờ và hợp tấu theo bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể. Bài Tự Tình là một thí dụ đơn giản về cách cấu tạo ngôn ngữ thơ cũng như thi điệu của thơ tự do: (các dấu / chỉ để sự xuống hàng)

‘Hãy yêu chàng như núi/ núi nào có biết gì/ núi nằm đá yên ngủ/ đã hàng muôn năm qua/ khi núi thức mùa xuân.
Hãy yêu chàng như cỏ/ cỏ ngây ngất mọc đầy/ tràn lan quanh mặt đất/ trên trái đất quay.
Hãy yêu chàng như biển/ đất quay biển quay theo/ nhịp nhàng như luân vũ khúc/ muôn đời không thôi.
Hãy yêu chàng cho thật lâu/ yêu chàng mãi mãi/ quanh năm suốt bốn mùa/ lấy mùa đông làm xương/ mùa xuân làm da thịt/ mùa thu làm mắt xanh tóc biếc/mùa hạ làm máu chảy ấm tim.
Hãy yêu chàng bằng thân thể đó/ như màu tím màu vàng/ trên da trời chói chang/ mặt trời mọc rồi lặn/ trời da vàng da đen/ yêu chàng như thế đó.
Hãy yêu chàng như thế/ như thế như thế/ yêu chàng liên miên/như chim chiu chít/ vì cành lá xanh/ hay vì nắng sớm mai/ như thế như thế/ như biển dạt dào/ dâng theo ánh nắng/. Em có thấy không/ em có thấy không/ trong những đêm rằm/ biển phồng bóng căng.
Thôi hãy yêu chàng/ yêu không thể nói/ yêu quẩn yêu quanh/ yêu hoài yêu mãi’ ”
(Đan Hồ Cao Thế Dung, VHHĐ - thi ca và thi nhân)
Trong cuốn Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt nhận xét về người bạn thơ họ Đỗ của mình:
“... Ngoài thơ tự do, sở trường của Đỗ Quý Toàn, anh còn sáng tác thơ lục bát, tiếng thơ rất lạ, khi siêu thoát, khi mãnh liệt như những đợt thác nước  đổ ầm ầm lôi cuốn mọi sinh vật theo về biển cả. Đó là điều khác biệt hơn những tâm hồn thơ tự do ở đây, nhất là những hình ảnh mênh mang, thăm thẳm và không gian rộng lớn gần với nguồn suy niệm siêu hình đồng tinh thần R.Tagor”
(Trần Tuấn Kiệt – Thi Ca VNGĐ trang 1003)
Nhận xét trên đây của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt hình như đã có được khi ông bắt gặp cảm hứng trong lúc đọc một vài bài loại 6/ 8 xuất sắc của Đỗ Quý Toàn. Chính anh Toàn cho biết anh không sử dụng thể thơ này nhiều, và anh viết với đủ thể loại, không dành dành ưu tiên cho thể tự do. Trong bài trả lời Châu Hải Châu, anh nói rõ và giới thiệu thêm một khuôn mặt bình thơ khác thời bấy giờ:
“... Trần Tuấn Kiệt là một thi sĩ hơn là một người nghiên cứu về các thi sĩ. Tôi cũng giống Kiệt ở chỗ đó. Chúng tôi đều không đọc thơ của người đương thời  cho đầy đủ. Chỉ đọc những bài mình thích mà thôi, bài nào không thích thì bỏ qua. Có lẽ vì vậy khi nói đến thơ, Kiệt chỉ nhớ đến hai loại. Thơ tự do và thơ lục bát. Tôi đã viết đủ các loại thơ. Nhưng thể lục bát viết ít nhất. Có lẽ vì mỗi lần viết tôi tự thấy trong thơ mình có ảnh hưởng của các  thi sĩ trước. Những người  cùng thời với tôi như Trần Dạ Từ, Viên Linh, Bùi Giáng vv…đã vượt thoát khỏi những ảnh hưởng của người xưa nên lục bát của họ mới lạ, kiều diễm hơn nhiều. Tôi chắc Trần Tuấn Kiệt nhắc đến thơ lục bát, và trích mấy bài lục bát, vì đương khi viết cuốn sách, Kiệt có sẵn mấy bài lục bát trước mắt. Tôi biết Kiệt thích mấy bài thơ anh trích lắm, đã ngâm nga mấy lần cho tôi nghe. Uyên Thao khi viết về tôi trong cuốn sách của anh, không trích bài lục bát nào cả. Uyên Thao làm việc kỹ lưỡng cẩn thận hơn Trần Tuấn Kiệt. Nhưng tôi thấy ảnh cũng chỉ trích dẫn những bài thơ vừa đăng báo trong khoảng thời gian anh đang viết sách mà thôi. Thời gian đó tôi và Uyên Thao đang làm việc chung ở một số toà báo (Diễn Đàn, Đời…) gần như ngày nào cũng gặp nhau. Nhưng chúng tôi không mấy khi nói chuyện thơ. Anh không bảo tôi đưa các bài thơ cũ cho anh coi. Uyên Thao là một nhà báo, một chiến sĩ, anh không coi việc thảo luận văn chương là việc chính. Không thể bắt anh ấy sưu tầm hết thơ của mỗi tác giả trước khi viết về họ được. Lỗi của tôi là không in thơ thành sách, bà con biết thơ tôi nhờ đăng báo mà thôi. Nói vậy nhưng cũng phải công nhận, các anh Trần Tuấn Kiệt, Uyên Thao đã có công viết mấy cuốn sách về thi ca, giai đoạn sau 1954. Tôi nhớ có lần gặp Nguyên Vũ ở đại học Wisconsin, Nguyên Vũ dẫn tôi vào thư viện, tìm thấy cuốn sách của Trần Tuấn Kiệt. Mở ra đọc, tôi rất mừng, đi chụp ngay mấy bài thơ cũ của mình vì (tất nhiên có mấy bài hay) chính tôi cũng mất mấy bài thơ đó rồi. Đọc lại như gặp được người cũ! Nhưng dù sao cũng xin chú ý là anh em nhà in họ in sai nhiều quá, đọc lại thấy thơ mình méo xẹo cũng buồn lắm”.
(ĐQT trả lời CHC – Sóng 71 tháng 4-1988)

          Một bài thơ trong thi phẩm Nàng được phổ biến rất rộng rãi. Ngày nay và mai sau có lẽ giới thưởng ngoạn vẫn còn nồng nhiệt đón nhận, đó là bài Chuyện Tình, được nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc. Việc phổ nhạc một ca khúc trước 1975 chắc chắn tùy thuộc vào giá trị nghệ thuật của bài thơ. Người nhạc sĩ bắt gặp tâm hồn mình có những điểm tương đồng với người làm thơ. Từng chữ, từng câu, từng hình ảnh lẫn màu sắc, mở ra trong lòng người nhạc sĩ những thao thức, những giục giã mong muốn tiếp sức cho tác phẩm bay xa hơn, sống dài hơi hơn. Sự quyến rũ thêm kẻ đồng hành hoàn toàn tùy thuộc vào tính chất nghệ thuật diễn đạt của nguyên bản. Bài Chuyện Tình của Đỗ Qúy Toàn đương nhiên là một bài thơ tình vừa bâng quơ vừa có thực. Cái lãng mạn, nhí nhảnh của những người mới biết yêu thật dễ thương, được thể hiện bằng ngôn từ hiền hòa, tự nhiên pha chút dí dỏm. Câu thơ dễ dàng như một câu nói, thỏ thẻ thân mật. Thêm vào đó cảnh sắc, hình ảnh chung quanh đôi nhân tình thật giàu thi vị, vừa đơn giản vừa đẹp. Bài thơ tự nó đã là một tuyệt tác:

Ôi anh yêu em vì em biết nói/ Em đã biết thưa em còn biết gọi / buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em/  bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn.
ngồi xuống đây đi nghe chim đang hót/ đồng cỏ bàn tay trời cao mắt ướt/ khi ngó nhau thôi còn biết nói gì/ hai đứa ngồi đó như hai hòn bi.
có cánh hoa đẹp anh hái cho em/ em không thèm nhận anh chết cho xem/ và anh sẽ khóc miên man suốt ngày/ ôi chả bao giờ buồn như bữa nay.
này em yêu quý em có biết nghe/ trên cánh đồng cỏ có con bò kia/ nó kêu “bò” “bò” và nó ăn cỏ / trời hôm nay cao, yêu em, hỡi gió.
và trên đỉnh đồi có cây to tướng / ở một cành ngang có một tổ kiến / có con đi ra có con đi vào / trời hôm nay nắng, yêu em xiết bao.
này em yêu dấu em nào có hay/ hồi nãy trên trời có con chim bay/ có con chim nó bay qua trên trời/ trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi”
                                                                                                                      (Đỗ Quý Toàn)
Có thể tiên đoán: không ít bạn đọc tìm thấy mình, tìm thấy nhân tình của mình và chính họ là đôi nhân tình trong thơ của Đỗ Quý Toàn. Chúng ta đã thiếu tài năng hoặc vô tình không giữ lại được hình ảnh thời dễ thương của chúng ta. Rất may, nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã giúp chúng ta thấy lại một thời xuân sắc. Xin chân thành cảm ơn anh, cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy.
Trước năm 1975, tôi chưa có cơ hội làm quen với nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Nhưng qua thơ, tôi biết đại khái về anh. Có lẽ anh cũng lơ mơ biết tên tôi. Nhất là thời kỳ anh làm việc tại tuần báo Ngàn Khơi. Thỉnh thoảng tôi có gởi thơ đăng tại tuần báo này. Những bài thơ vụng tay ở Thời Nay, Ngàn Khơi...không còn được tôi lưu giữ. Nhưng nhờ vào những say mê này, đưa tôi đến việc hình thành thi phẩmVề Trời và những tập thơ tiếp theo. Cũng nhờ những trang báo rất phổ thông, rất hợp thời trang này, bạn đọc thuộc dần mặt chữ bút danh tôi một cách độ lượng, thân mến. Tháng 2 năm 1975, tôi có một niềm vui bất ngờ, khi tạp chí Phổ Thông của cố thi sĩ Nguyễn Vỹ, (một tạp chí tôi chưa hề có bài đăng) phổ biến cuộc thăm dò dư luận về các nhân vật của năm 1974. Anh Đỗ Quý Toàn và tôi có tên trong 16 người được quần chúng chọn lựa, qua cuộc thăm dò được thực hiện trong vòng 3 tháng của Phổ Thông. Tờ báo đang được điều hành bởi bà Phan Thị Thu Mai, tòa soạn đặt tại số 816 đường Phan Thanh Giản, quận 10 Sài Gòn, không giới thiệu anh Đỗ Quý Toàn trong sinh hoạt thi ca, mà giới thiệu anh dưới ngòi bút Vương Hữu Bột. Sau khi gọi tác giả Nàng là “nhà châm cứu xã hội”, Phổ Thông viết:

“Xưa, bà huyện Thanh Quan đã trách “tạo hóa gây chi cuộc hí trường” để cho các triều đại vua chúa bị vùi lấp trong nền cũ lâu đài đổ nát. Nay, có triều đình cũng đang bị đẩy vào Cuộc Hí Trường, tang thương hơn, không do tạo hóa gây nên mà do Vương Hữu Bột, ký giả của nhật báo Đại Dân Tộc tạo ra, hàng ngày.
Mỗi ngày một chuyện, viết về nhân và vật đương thời. Nhân thì bất thành nhân dạng, vật thì đúng là vật cõi dương. Vương Hữu Bột đã cho sống lại cái đời sống quái thai của cả một triều đại trên phần đất hạn hẹp mà tờ báo giành cho anh. Bao nhiêu người thấp cổ bé miệng, bị bóc lột đến xương tủy, hàng ngày say mê theo dõi ngòi bút châm cứu xã hội, Vương Hữu Bột.
Người mà các bạn thân cho rằng hiền hơn cục bột, lại tỏ ra bén nhạy và sắc sảo nhất trong các cây bút viết tiếu đàm. Gần như Vương Hữu Bột phối hợp được tính chất chua cay của Voltaire và sự tức cười của Lỗ Tấn, trên quan điểm “cười cợt để sửa đổi phong hoá”
         ...
Nếu coi sự giản dị là phần cao nhất của nghệ thuật thì Vương Hữu Bột đã tạo được một bút pháp hết sức giản dị, thấm vào lòng người. Đôi khi nhẹ nhàng như thơ xuôi, điều này, chúng ta không ngạc nhiên nếu biết Vương Hữu Bột là bút hiệu của thi sĩ Đỗ Quý Toàn, sinh năm 1939 tại Bắc Ninh.
Cách truyền thông hay nhất là làm cho mọi người mỉm cười, Vương Hữu Bột đã chứng tỏ được một khả năng vững vàng trên tiêu chuẩn đó...
...Để kết luận về Vương Hữu Bột, chúng tôi xin mạn phép kể một câu chuyện rất ngắn:
Được một độc giả hỏi:
Ông viết rất nhiều mà chúng chẳng sửa đổi chút nào thì phải làm sao ?
Nhà viết phim (ĐQT) trả lời:
Xin hãy phát âm chữ “viết” , theo giọng người miền Nam
(Phổ Thông số 30, 20 tháng 2 năm 1975)

Việc thực hiện và phổ biến cuộc thăm dò quần chúng của tạp chí Phổ Thông, có thể chỉ nhằm mục đích hoàn tất một chủ đề, làm phong phú nội dung tờ báo. Nhưng màu sắc chính trị và quan điểm góp phần làm đẹp xã hội, không thiếu trong công việc đã thực hiện của những người chủ trương tạp chí Phổ Thông. Trước và sau khi Phổ Thông phát hành số 30, tôi tin anh Đỗ Qúy Toàn cũng như mười bốn vị khác nhận được thư của Phổ Thông, do chủ nhiệm Phan Thị Thu Mai ký, về việc xin phỏng vấn trực tiếp, tìm hiểu quan điểm trong lãnh vực sinh hoạt riêng của mỗi người, để đăng vào số báo phát hành ngày 5 tháng 3 năm 1975. Từ Đà Nẵng, tôi đã gởi đủ tư liệu cho Phổ Thông. Anh Đỗ Quý Toàn chắc cũng đã đáp ứng yêu cầu này. Tiếc rằng cái ngày 5 tháng 3 năm 1975 đã đi qua cùng những tin chiến sự đen tối, làm khựng hẳn những dự tính cho số báo đặc biệt, mà có lẽ đã gần hoàn tất tại tòa soạn.

29 tháng 3-1975,  thành phố Đà Nẵng không có chính quyền. Trắng đêm ngồi đợi tàu Việt Nam Thương Tín từ Sài Gòn ra bốc nhân viên di tản đã đi qua. Tôi cùng gia đình và đồng nghiệp rời cư xá Đống Đa, chỗ đợi cuối cùng của hy vọng.Chưa dám về nhà, tôi theo bạn cùng sở, Phan Minh Khóa, vào ẩn trong Thánh Thất Cao Đài, rồi theo anh bạn thiếu tá, thẩm phán Hồ Minh vào chùa Tỉnh Hội. Những người làm cách mạng 29 tháng 3 ngày một đông. Sân Tỉnh Hội nhốn nháo như thời Hiến chương Vũng Tàu. Tôi chóng mặt, về nhà cha vợ. Ngồi chưa ấm ghế, lò dò đến nhà Châu Văn Tùng, rồi lần về nhà cha ruột. Con đường Hùng Vương như rộng hơn ra. Từng nóc nhà như đang cúi thấp đầu. Tôi ngậm ngùi, hoang mang khi đi ngang tổ ấm của mình. Cánh cửa sắt xanh vẫn níu cứng chiếc xe jeep lùn màu ô liu. Quân phục rằn ri, nón sắt, giây đạn, súng AR 15 nằm an nhiên, dọc theo chái hè bên hông nhà. Chẳng hiểu vì sao có sự dừng chân, trút bỏ quân phục, quân dụng tại một quán sách nhỏ, còn nghênh ngang bảng hiệu Ngôn Ngữ ? Tôi lặng lẽ đứng nhìn những người xa lạ mang đi những vật dụng trong ngôi nhà mình. Họ rất tự nhiên. Người đến trước khuân trước, người đến sau mang, xách sau. Năm ba câu chưởi tục vu vơ chỉ vì quen miệng. Sách, nhạc bản rời, ngổn ngang dưới nền nhà, cuối cùng cũng có người cho vào ba lô, lệ khệ mang ra cửa. Tôi đã thấy tận mặt những đối thủ từng lấy mất của mình một ống chân. Họ hiền lành, ngây ngô thật dễ thương. Năm, bảy ngày sau thành phố bắt đầu nhận ra chủ mới. Tôi chạm mặt với hai chữ lý lịch ngày một nhiều. Và một tháng đi qua, tin Sài Gòn thay chính quyền, dập tắt mọi hy vọng cuối cùng của tôi cùng những người bạn thân, chưa ngưng tìm gặp nhau mỗi ngày.

Không rõ gia đình anh Toàn đã được “di tản chiến thuật” bằng cách nào. Khi một cổng vào dinh Độc Lập bị chiến xa húc ngã, anh đã ra đi chưa? Anh có kịp nghe tin người sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tự bắn vào đầu mình trước tượng đài Thủy quân Lục chiến, bên hông Quốc hội ? Nhà chị tôi nằm gần ở đó, trên đường Lê Lợi, bàng hoàng, thiêm thiếp. Chắc anh sớm hiểu ra ngón tay trỏ của đức Trần Hưng Đạo bên bờ sông Sài Gòn. Mọi cuộc vượt thoát đều tùy duyên. Gia đình anh Toàn thờ kính đức Thích Ca. Phật Quan Thế Âm hẳn có mặt trong hành trình của anh. Lần di cư thứ hai này, anh không còn là một cậu bé theo gia đình ngày nào. Anh đã trưởng thành. Sát vai anh đã có một người đẹp đi bên cạnh, cùng những Lu, Phoóc, Kinh Coong, nhí nhảnh, xinh xắn. Có thể gia đình anh là những cư dân, chạm chân vào thành phố Montréal sớm nhất, kể từ một cuộc chiến bằng súng đạn vang dội nhất thế giới khép lại. Từ bục giảng các trường trung học Chu Văn An, Nguyễn Du Sài Gòn, anh Toàn có một đám học sinh mới, khác màu da, tại Võ Bị Hoàng Gia Saint Jean. Cuộc sống của anh giản dị, nhẹ nhàng như sự hít vào thở ra của chính anh.

Tôi đến vùng đất anh Toàn cư ngụ sau anh mười năm tròn (1985). Chuyến ghé thăm ổ tình Luân Hoán của Đỗ Quý Toàn và Bắc Phong mở ra cho chúng tôi những giao tình tốt đẹp. Thành phố Montréal là một trong 14 thành phố thương mại lớn nhất thế giới (Mỹ 6, Canada 3 còn lại của Anh, Pháp, Ý, Nhật). Có chừng 200 người Việt Nam sống ở thành phố này trước năm 1975. Sau tháng 4-1975, nhân khẩu Việt tăng lên 3000. Và chỉ một thời gian ngắn, theo tài liệu của ông Đỗ Quang, công bố trên tờ Liên Hội ngày 19 tháng 5 năm 1992, đồng bào của chúng ta đã có đến 40.000 người góp mặt trong số hơn 3 triệu thị dân, gồm 80 sắc tộc. Cộng đồng người Việt trưởng thành nhanh chóng qua việc thành lập đầy đủ những hội đoàn sinh hoạt, trong mọi lãnh vực chính trị, tôn giáo, văn hóa. Chỉ hơn mười người đã cầm bút trước 1975 (Trương Bảo Sơn, Đoàn Thêm, Đỗ Quý Toàn, Phạm Nhuận, Trang Châu, Luân Hoán, Song Thao, Nguyễn Đông Ngạc, Nguyễn Khắc Ngữ, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Hữu Chung, Vũ Tiến Phúc, Nguyễn Văn Trung) và chưa quá hai mươi người khởi sự viết lách sau 1975 (Võ Kỳ Điền, Bắc Phong, Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn, Nguyễn Vy Khanh, Vạn Giả, Viễn Du,  La Toàn Vinh, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Thị Sông Hương, Tiểu Thu), nhưng sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tại Montréal đã tạo được một số thành công khả quan trong việc: diễn thuyết, hội luận, xuất bản sách, ra mắt tác phẩm, triển lãm hội họa... Không đề cử, không bình bầu, nhưng nhà thơ Đỗ Quý Toàn được hiểu ngầm là ông anh trong các sinh hoạt văn hoá này. Với nhiệt tình có sẵn của một huynh trưởng hướng đạo, của một thành viên sáng lập chương trình hè 1965 cho thanh niên sinh viên, Đỗ Quý Toàn luôn luôn hết mình trong công việc anh đảm nhiệm. Tôi vẫn đóng rất đẹp vai trò núp bóng hưởng tiếng thơm từ anh em. Nhưng cũng nhờ cái ma giáo này, tình bằng hữu trong tôi có phần cởi mở hơn, phát đạt hơn. Tôi có sự giao du với anh Toàn nhiều hơn.  

Năm 1986, có thể vào mùa hè, cũng có thể vào mùa thu, không còn nhớ rõ. Nhưng đêm đó “trời quang mây tạnh”, không lạnh, không tuyết, có chăng là những làn gió tinh nghịch chút đỉnh trên đầu tóc. Tôi được Bắc Phong chở đến tư gia anh Đỗ Quý Toàn lần đầu tiên. Nhà anh chị Toàn Quyên nằm trong khu nhà giàu Mont Royal, số 2690 đường Glencoe. Ngôi nhà tọa lạc gần cuối đường, không lớn lắm, nhưng khá xinh. Có ba ngã vào nhà anh. Hai ngã từ đường lớn Jean Talon, và một ngã từ Côte Des Neiges nối dài. Trong khu phố anh ở, ngang dọc những con đường yên tĩnh với nhà cửa có diện mạo na ná nhau, nên về sau lắm lần tôi đi lạc. Bạn văn có mặt trong buổi gặp gỡ, ngồi giáp kín vòng phòng dành tọa thiền của gia chủ. Qua giới thiệu của anh Toàn, khách hiện diện không thiếu khách sáo chào nhau. Tôi được cơ hội thấy mặt các vị “trưởng lão” của Việt Nam Cộng Hòa: Bác sĩ, Tổng Trưởng Bộ Thanh Niên Nguyễn Tấn Hồng, Tổng trưởng, cha đẻ thuế kiệm ước Nguyễn Hải Bình, Giáo sư Đại học Tôn Thất Thiện, Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, Giáo sư Hoàng Chiều Nhân, nhạc sĩ Hoàng Phúc, họa sĩ Nguyễn Tài, các nhà văn Võ Kỳ Điền, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Đông Ngạc, các nhà thơ Lưu Nguyễn, Bắc Phong, Hoàng Xuân Sơn, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lang... và những bông hoa đi kèm. Buổi gặp mặt được thành hình sau chuyến rong chơi Âu châu của anh Đỗ Quý Toàn. Anh đã nhận lời ủy thác của bằng hữu trời tây để lập nên Trung tâm Văn Bút tại Canada. Chuyện lập hội cơ bản như xong. Tôi có lẽ là người được và bị chú ý nhiều nhất, bởi vì nhân cơ hội khá đông vui, anh Đỗ Quý Toàn muốn giúp tôi có ít bà Queen  Elizabeth lận cho ấm túi. Anh trình diện tập thơ đầu tiên tôi in tại Hoa Kỳ vừa về đến Montréal, tập Hơi Thở Việt Nam. Khách của anh Toàn ai cũng sẵn lòng, nhưng tôi vẫn giữ bệnh cũ: mắc cở, không thể nào ký tên lấy tiền, nhất là trong thời khắc đang mở lòng quen biết. Tôi ký tặng cho tất cả. Buổi ra mắt sách chớp nhoáng, đặc biệt này coi vậy mà khá vui. Tôi được anh Đỗ Quý Toàn nhận dạng ngay: một tên nhà quê hiền lành, một tay giàu hổ ngươi thứ thiệt. Cũng từ đó tôi thường được anh Toàn gọi đến nhà chơi khi anh có những người bạn văn phương xa đến thăm. Tôi từng ngồi chầu rìa hóng chuyện bên vợ chồng nhà văn Trần Dạ Từ, Nhã Ca; bên nhà văn Mai Kim Ngọc; bên danh họa Thái Tuấn; bên nhạc sĩ Phạm Duy; bên giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê vân vân...Tôi và các bạn khác thỉnh thoảng cũng xách tới nhà anh một vài nhân vật đang múa bút đâu đó, ghé đến Montréal: Kiệt Tấn, Dương Kiền, Nghiêu Đề, Đinh Cường...Kỷ niệm khó quên rơi vào một đêm mùa hè trong vườn sau nhà anh. Đêm đó, chúng tôi, những Song Thao, Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn, Nguyễn Đông Ngạc... đưa nhà văn trẻ Ngô Nguyên Dũng từ bên Đức ghé thăm Đỗ Qúy Toàn. Cuộc gặp mặt muộn, nên cuộc rượu lẫn trà kéo dài quá khuya. Càng lẫn vào chiều sâu của đêm, da thịt của chúng tôi như tuồng thơm ra, ngọt hơn nên đàn muỗi táo bạo trong vườn anh Toàn càng nhiệt tình. Vừa nói chuyện, vừa uống rượu, hớp trà chúng tôi vừa đập kẻ thù. Vị chủ nhà không thực hiện động tác sát sinh. Đã thế, hình như anh còn thắc thỏm không yên. Mấy câu thơ hiện ra trong đầu tôi ngay: “uống trà tán gẫu dưới hoa/ vườn trăng tiếng muỗi la cà chung vui/ xòe tay, toan giở tính người/ thấy mắt thi sĩ ngậm ngùi, đành thôi”

Dẫu thiếu thoải mái như vậy, chuyện thơ văn vô cùng linh tinh cứ như là dòng sông bất tận. Từ ngày trao tặng một bàn chân trái cho đất, những sợi gân nối trong phần chân còn lại hoàn toàn phản đối hương vị của các bậc Lưu Linh, Lý Bạch...Rượu vào, lời chưa ra, ống chân đã xốn nhức lia lịa. Từ những kiêng cữ dẫn đến thói quen, tôi đánh mất cái thú “lai rai ba sợi” từ lâu. Tôi uống cầm chừng cho phải phép cùng bè bạn, nhưng không ít lần thức trắng đêm, ôm cái chân sau đó. Sự nhạy cảm của ống chân thương phế của tôi thật xuất sắc vô cùng, đây cũng là một điều kỳ lạ, khác với nhiều bạn đồng cảnh ngộ, như hai nhà thơ Phan Xuân Sinh, Chu Tân chẳng hạn.
Theo thói quen, anh Toàn, khi nói chuyện thường tự xưng là “tôi” hay là “mình” và gọi tôi, gọn gàng một chữ Hoán. Không anh, em, mi, mày gì khác. Lối xưng hô này tự nhiên và thân mật. Ông thân sinh tôi ở cõi âm, nếu chưa đi đầu thai, có nghe cũng sẽ  cười xòa thôi, cụ quen rồi. Hồi trước, đã lâu, có một lần nhà văn Vương Thanh (tác giả tập truyện Khu Rừng Mùa Xuân- Văn Học, 1964), đến nhà tôi chơi. Anh dựng xe đầu cổng nhà, rối rít gọi:
- Hoán ơi, Hoán có nhà không ? Mi....
Thân phụ tôi nghe gọi, lật đật bước ra hiên. Chắc chắn là ông ngỡ ngàng và bực bội trong câu hỏi, tôi nghe rất rõ:
- Cậu là ai ? Sao gọi tôi như vậy ?
Hồi đó tôi và Thanh đang gởi bài cho tạp chí Văn Học Sài Gòn, và bút danh tôi dùng chưa được người nhà biết. Cha tôi thuộc mẫu người cấp tiến, không phiền hà việc tôi trưng dụng tên ông và tên người vợ yêu của ông.

Tình cảm của anh Đỗ Qúy Toàn dành cho tôi càng ngày càng ngọt ngào. Đánh hơi được điều này, tôi không ngần ngại nhờ anh đẩy mấy hơi sau lưng tập thơ thứ ba tôi in tại hải ngoại. tập Đưa Nhau Về Đến Đâu. Đây là một tập thơ tình với đầy đủ mọi thứ tình của con người: tình nhân, núi sông, bằng hữu...Tập thơ, có hơn nửa số bài được viết cùng lúc với tập Hơi Thở Việt Nam, trong khoảng thời gian 10 năm tôi sống cùng với một thể chế chính trị khác với chính phủ tôi phục vụ. Và một số bài viết tại vùng đất mới. Nhưng hơi hám thù hận không có trong tập thơ. Nét bi quan quá đà cũng không được thể hiện. Những hồn nhiên, tinh nghịch của một thời trung học đậm đà có trong thi phẩm này. Có lẽ đây là yếu điểm rủ rê nhà thơ Đỗ Quý Toàn viết cho Đưa Nhau Về Đến Đâu một bài bạt khá dài và rất chân tình. Anh khen tặng nhẹ nhàng, trích dẫn minh chứng hợp lý. Tôi rất vui. Thường những bài viết in kèm trong một tác phẩm, người viết bỏ qua những khuyết điểm của tác phẩm. Bởi đây không phải là những bài nhận định, phê bình. Điều sơ đẳng này tôi cũng biết, nhưng lại không làm được khi nhà văn Nguyễn Tấn Hưng nhờ viết một cái gì cho tập thơ thứ hai của ông. Tôi ba hoa quá lời sao đó, bị người bạn mới quen này sửa lưng, hất cẳng, nhờ nhà thơ Phan Ni Tấn viết lại. Buồn một phút, vui hai phút. Vẫn là bạn của nhau. Nguyễn Tấn Hưng vẫn gởi tặng tôi những tác phẩm, tên sách khởi đầu bằng  chữ “Một...” của anh.

Sinh hoạt của bạn văn tại Montréal tuy được ghi nhận là thành công, nhưng nhìn chung, vẫn tập trung nhiều vào việc giới thiệu tác giả, tác phẩm. Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Đông Ngạc, Trang Châu thay phiên nhau nói về Nguyễn Ngọc Ngạn, Vi Khuê, Cung Vũ, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Mai Kim Ngọc, Nhã Ca, Nguyễn Văn Ba, Thụy Khanh...Về sau đội ngũ diễn giả tăng cường thêm Song Thao, Hồ Đình Nghiêm. Ra mắt sách tại Montréal hoàn toàn tránh được nạn ép người tham dự mua sách một cách bất ngờ, miễn cưỡng. Nhưng không khí cũng dần dần bớt vui. Thành phố có đông cây bút nhưng không có được một tạp chí thuần túy văn học nghệ thuật nào. Thời một mình một ngựa với kiểu báo thủ công của nhà sử học Nguyễn Khắc Ngữ đã qua. Tờ Nắng Mới, hậu thân của Vượt Biển vẫn không đoạn tuyệt nổi với chính trị. Không làm báo được, chúng tôi bàn nhau làm nhà xuất bản chơi. Để có nhà xuất bản tài tử, chúng tôi rủ nhau cùng ngồi lại với nhau. Sự ngồi lại này không chính thức được nhìn nhận là nhóm, nhưng tựu trung cũng na ná như thế. Sau nhiều bàn thảo, cái tên Việt Thường được sử dụng. Thành viên gồm: Đỗ Quý Toàn, Luân Hoán, Phạm Nhuận, Bắc Phong, Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn và nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân đảm nhiệm vai thủ quĩ. Chúng tôi thuê hộp thư 
(P.O Box 523, Station Place d’Armes Montréal, Québec, H2Y-3H3, Canada), vẽ logo (Hồ Đình Nghiêm thực hiện). Tác phẩm đầu tiên là tuyển tập thơ mới của thi sĩ Bùi Giáng, từ trong nước gởi ra. Sách nhanh chóng hoàn tất với mẫu bìa “Đôi Mắt Bùi Giáng” tranh sơn dầu, thật tuyệt vời của anh bạn chung, họa sĩ Đinh Cường. Phát hành năm 1990 (dépôt légal – 3e trimestre 1990 Bibliothèque Nationale de Québec ISBN 2-9802061-0-5). 
 
Sách đương nhiên bán rất chạy vì các lý do chính: 
 
1/ thơ của ông “trung niên thi sĩ” vẫn được bạn đọc hết lòng thưởng thức và sùng kính.
2/ tác phẩm đầu tiên tại quốc nội, in và  phổ biến tại hải ngoại. Nhà thơ Viên Linh cho đây là “một biến cố văn học”
3/ được giới thiệu rộng rãi và qui mô trong buổi ra mắt sách tại Centre d’Essai Đại học Montréal vào tối ngày 31 tháng 8 năm 1990 (Đỗ Quý Toàn đảm nhiệm phần giới thiệu tác giả và tác phẩm với lời mở đầu: “ có hát quốc ca, có chào cờ, có phút mặc niệm, có chân dung tác giả ở đây, tuy nhiên đêm thơ này không phải là đêm vinh danh và tưởng niệm Bùi Giáng, một nhà thơ tài hoa, lạ lùng còn ở Việt Nam”
4/ được nhà thơ Viên Linh ưu ái giới thiệu trang trọng trên tạp chí Thời Tập của anh bằng một dòng chữ lớn: “Đặc Biệt Công Bố Thơ Bùi Giáng Tại Hải Ngoại”
Nhưng Việt Thường nhận lại tiền bán sách không đủ ấn phí. Nhà sách nhận bán nhiều nhất tại Hoa Kỳ không cho anh em chúng tôi có cơ hội thực hiện những tác phẩm đáng xuất bản tiếp theo. Nhiệt tình của chúng tôi sút giảm. Những năm tiếp theo, anh Đỗ Quý Toàn chán nghề dạy, xin nghỉ việc đi làm báo tại Hoa Kỳ. Nhà thơ Bắc Phong cũng đổi nhiệm sở qua thành phố Toronto. Cả nhà thơ Phạm Nhuận cũng sang Washington DC. Mãi đến năm 2000 nhà văn Song Thao mới đến cùng Việt Thường. Và chúng tôi  thực hiện tuyển tập Văn Học Hải Ngoại Năm 2000. Việc sáng tác không quá khó, chuyện in ấn cũng vậy. Trở ngại lớn nhất của những người cầm bút là việc phổ biến, phát hành.

Năm 1987, anh Đỗ Quý Toàn cùng một số bạn của anh như giáo sư Hoàng Chiều Nhân, bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng...quyết tâm xây dựng một trung tâm tu tập giáo lý Phật Giáo, vốn được gợi ý từ Thích Nhất Hạnh, chủ Làng Mai bên Pháp. Một khu đất có diện tích 400.000 m2 thuộc thị trấn Bolton Ouest, vùng Cantons de l’Est, cách thành phố Montreal 110 cây số, được các anh chung tiền mua. Một năm sau, ngày 30-7-1988 Hòa thượng Thích Tâm Châu, mở lễ cầu an, đặt tên An Tức Đình, nơi thầy dừng chân tụng niệm trong khuôn viên của làng. Và bắt đầu từ đó mở ra con đường mòn thứ nhất, đường được mang tên Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Nhưng đến tháng 9 năm 1988 mới thực sự bắt tay vào việc kiến thiết xây dựng từ đường sá, đến phòng ốc. Hiện nay, Làng Cây Phong đã là một tòa nhà rộng lớn với phòng sinh hoạt ở tầng trệt, thiền đường trên lầu cao, cùng phòng ăn,  phòng ngủ, dung nạp được 80 người về cúng Phật, ngồi thiền.

Trong thời kỳ xây dựng, những chương trình giáo hóa, thuyết giảng cũng được liên tục thực hiện bởi những bậc chân tu. Một số bạn văn tại Canada cũng như tại nhiều quốc gia khác đã đến “nghe kinh ngắm Phật ở làng Cây Phong”. Cá nhân tôi đã đến với làng tu thanh tịnh này vào bốn dịp khác nhau. 
Đồi, rừng, suối cùng mây, trời tưởng như nắm tay nhau, nếu không có thân thể tôi đứng giữa. Tôi đã viết được đôi ba bài thơ ngay trên luống đất linh hiển này: “...trầm mặc giữa rừng Bắc Mỹ xanh/ chùa làng Phong ấm khói hương thanh/ đàn mây tọc mạch nghiêng trên mái/ ngắm nắng vô chùa uống tiếng kinh..” Tôi cũng đã ngồi bên anh Toàn, bên Hoàng Phúc, Song Thao, Lưu Nguyễn, Hoàng Chiều Nhân... trong một vài đêm đốt lửa. Một lần anh Đỗ Quý Toàn dẫn chúng tôi đi loanh quanh. Ai cũng đủ hai chân, một cái đầu minh mẫn, một trái tim đầy tình, và đôi mắt tinh anh. Còn tôi chỉ có một chân rưỡi, một cái đầu lơ mơ, một trái tim chợt níu nơi này, chợt vịn nơi kia, một đôi mắt phất phơ qua từng tảng đà, qua từng dòng nước. Đi giữa Làng Cây Phong mà tôi thấy rõ cả một thời niên thiếu, trong những ngày tản cư sống cùng núi đồi Tiên Châu, Tiên Phước,vời vợi xa. “vịn vai bạn, lần theo chân dạo núi/ chiều theo người, nắng quấn quít bên vai/ gót nhón gót, bởi ngại lòng để lại/ vết thương đời cho sỏi đá tàn phai...”,

Làng Cây Phong cảnh sắc hùng vĩ, trầm mặc. Từng có nhiều năm sống ở núi, nhưng tôi quả chưa đọc hết được những nét đẹp của thiên nhiên. Tôi nhận ra sự lặng lẽ, buồn bã ở nơi này và băn khoăn, thầm phục anh Toàn đã có nhiều ngày dài, ngồi xếp bằng, thiền tu ở đây. Sự quyến rũ, cầm chân một thi sĩ chắc không ở cái cầu ao rất nông thôn Việt Nam, chắc không ở những tảng đá to tướng nằm vạ từ bao giờ. Những con vật có răng nhọn, rỉ rả cắn đứt hẳn những gốc cây lớn, đang sống trong lòng suối chảy quanh làng cũng không là những níu kéo. Sự trở về, sự dừng chân tịnh tu có lẽ chỉ do ở lòng tin và sự tìm thấy thanh thản. Tôi tin rằng nhà thơ Đỗ Qúy Toàn không quá vui khi có mặt ở nơi đậm đà hương Phật này, nhưng chắc chắn anh an tâm, hạnh phúc cùng cảnh sắc chung quanh.

Sinh vật, thực vật, nơi anh ngồi tập hít thở, đã được nghe chuông mõ, lời tụng niệm, đã được uống mùi trầm hương. Tất cả sẽ có một đời sống mới. Một hóa kiếp không đổi dạng, đang lặng lẽ xảy ra. Tôi chưa quì, chưa tụng kinh, nhưng từ ấu thơ đã ở bên cạnh một ngôi chùa lớn. Tôi mê những tiếng ngân, càng lúc càng xa của chuông mõ vô cùng. Vợ tôi, con tôi, hết thảy đều đã đến, đều đã hưởng những xôi chè qua bữa tại Làng Cây Phong, thú thật chẳng phải vì tín ngưỡng, dù chúng tôi có thờ Phật tại nhà, mà vì trân quí người có lòng như anh Đỗ Quý Toàn. Tám phần mười bạn văn chắc cũng vậy thôi. Nhưng cũng phải nói rằng nếu khoảng cách không là 110 cây số, mặt đường không là những dốc leo, tôi và nhiều bạn khác chắc sẽ thăm viếng Làng Cây Phong thường xuyên hơn. Lên đây để có cái cảm giác mình gần với đất trời hơn. Lên đây để nhận ra: “Anh ngồi thiền dưới gốc phong/ bỏ quên thơ trốn chạy rong trong rừng/ tôi thăm làng, vấp gót chân/ Chân Văn thi sĩ trên lưng đá hồng” (LH) cũng là một thích thú.

Chân Văn là pháp danh của anh Đỗ Qúy Toàn. Chân Sinh là pháp danh của cố nhạc sĩ Hoàng Phúc. Chân Huyền là pháp danh của chị Quyên, mẹ của ba người con anh Toàn. Chị Quyên cũng là một cây bút, chuyên viết và dịch nhiều bài vở Phật học. Nhiều tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, được chị chuyển sang Việt ngữ, in thành sách như cuốn Chuyển Hóa Tâm do Làng Cây Phong xuất bản năm 2001. Ngoài pháp danh, chị Quyên còn dùng bút hiệu Tiểu Huyền, hoặc Tiểu Quyên trên một số tạp chí như Nắng Mới, Thế Kỷ 21...Pháp danh của các anh chị ở Làng Cây Phong, hình như phần nhiều khởi đầu bằng chữ Chân. Từ ngữ này có nghĩa thông thường là chân thật, thành thật, không ngụy tạo. Nghĩa trong Phật học không rõ ra sao. Học đòi cách dùng từ của các anh chị dân làng, tôi dùng ngay cái hiện thực của thân thể mình làm một bút danh, nghe rất le lói triết học: Chân Giả. Bút hiệu này làm tôi sống lại với cái xóm, ngay trước mặt đường phố Hùng Vương Đà Nẵng, thường gọi: “Ông Châu chân giả, ông Châu chân giả!”.Thật là nhớ.

Ngay từ thời tiểu học, cậu bé họ Đỗ đã nhập tâm bốn chữ “Tu, Tề, Trị, Bình” bởi mỗi ngày, gần như cậu phải đội những chữ nghĩa của thánh hiền trên đầu, khi đi lên cầu thang trường tiểu học Chu Văn An Hà Nội. Sự “tu tâm, dưỡng tánh” chắc chắn đã ăn ở từ lâu trong tâm hồn, đời sống của một người ham học hỏi, giàu lạc quan. Việc góp tay lập chùa, dựng thiền đường có lẽ nằm trong mục đích chia sẻ cái phúc, cái đức đến với những người chưa tìm được cái duyên với Phật, với từ bi hỉ xả. Không rõ mỗi lần có cơ hội về Làng (tên gọi giản dị và thân mật được mọi người dùng, mọi người ở đây là dân làng; dân làng hình như là những tín hữu), anh Đỗ Qúy Toàn ngồi thiền bao lâu ? Đã đánh mấy hồi chuông ? Gõ mấy tiếng mõ ? Và anh làm thơ vào những thời gian nào ?. Tôi không thể biết.  Tôi nhớ đã đọc một số thơ anh viết, lấy tên đại khái là “Thơ Ở Làng Cây Phong”, hoặc “Thơ viết từ làng Cây Phong”. Những bài thơ này tôi đã lưu giữ, nhưng vì bản tính thiếu ngăn nắp, nhất thời tôi tìm chưa ra để giới thiệu ở đây.
          Đã yêu thơ, sống cùng thơ một thời gian, thì không thể bỏ làm thơ, ngưng làm thơ, dù công việc bề bộn thường ngày: dạy học, viết báo, đọc sách, trồng hoa, đưa vợ đi chợ, đi ăn, đưa con vào trường...Nhưng Đỗ Quý Toàn dường như luôn luôn chừng mực. Tôi có cảm tưởng anh vô cùng kính cẩn trong từng câu thơ anh viết. Có đến 26 năm sau, tập thơ thứ ba của anh mới được ra đời. Dĩ nhiên chỉ căn cứ theo sự thành hình cụ thể của tác phẩm. Cầm tập thơ Cỏ Và Tuyết trên tay như cầm một tặng phẩm vô giá. Với chỉ bảy mươi trang giấy thật đặc biệt từ màu sắc đến độ dày. Tập thơ hồng hào, phương phi như một tấm nhan sắc lộng lẫy, không phân biệt giới tính. Đẹp như đẹp trai rất đúng. Đẹp như đẹp gái cũng không sai. Họa sĩ Võ Đình góp tay trang điểm bằng mẫu bìa cùng phụ bản, với một lối vẽ khác hơn nhiều người. Cỏ và Tuyết là hai hình ảnh thân mến của thị dân Montréal. Cỏ thì chỗ nào trên thế giới không có. Nhiều người từng nói: có đất là có cỏ. Tuyết cũng chẳng hiếm quí. Không ít những quốc gia đầy tuyết như Nga, Na Uy...Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn...Cả miền bắc Việt Nam thỉnh thoảng còn có tuyết nữa là. Nhưng cả Cỏ lẫn Tuyết ở Montréal hẳn nhiên phải khác lạ, rực rỡ, lộng lẫy hơn tất cả, bởi vì Cỏ Tuyết ở xứ này đang có một nhà thơ để tâm quan sát chúng, thưởng ngoạn chúng. Lấy lòng ra lót ổ cho chúng phơi phới nhú đầu, thong dong bay lượn. Ngắm, nghĩ và thương yêu đối tượng của mình, Đỗ Quý Toàn gói gọn trong 14 chữ:
          “Tuyết đã tan
          cỏ cựa quậy vươn
          lời réo gọi
          mặt trời tình nhân”
(Cỏ Và Tuyết, trang 38)
Không là thơ ngắn của Tàu, chẳng là thơ cụt của Nhật. Sức sống mãnh liệt của vạn vật qua giống thực vật nhỏ nhoi nhất được giới thiệu. Sự hoán đổi nhịp nhàng của thời tiết được mở ra và nỗi nhiệt tình mến yêu đang chào đón cuộc sống, hiện diện. Tôi không muốn trở về thời dạy giờ thay cho một người bạn năm nào, nên việc giới thiệu thơ không là một bài giảng văn, với tôi trích 

“Lúc đầu là những bông hyacinthe/ chúm chím trên mặt đất ướt/ thủy tiên trắng, thủy tiên vàng theo gót/ rồi bừng lên những uất kim hương.
ở đây hoa nở như tình yêu/mỗi ngày mỗi nôn nao rạo rực/ mùa xuân tuôn chảy như giòng sông/ hoa nối theo hoa sóng lớp lớp.
hoa là lời tỏ tình của đất/ nói yêu anh, yêu em rất nhiều/ ánh đỏ bừng có giọt sương buổi sớm/ có mưa hân hoan vỗ về cỏ ướt/ có gió thì thầm với nắng trong veo”
(Hoa, trang 10)
“Chàng tuổi trẻ một ngày mới lớn/ được em yêu sung sướng chừng nào/ buổi sớm dậy thấy mình khờ khạo/ chiều trở về còn ngỡ chiêm bao.
khi mùa xuân tới muốn làm nắng/ nắng ôm trên thành phố em ngoan/ nắng mới mở tung trăm ngàn cửa sổ/ mở những ngọn đồi, những chụm chồi non.
khi mùa xuân tới muốn làm nắng/ nắng trải hồn trên hè phố em qua/ nắng đuổi theo hai bàn chân tung tẩy/ hút mắt nhìn lên cõi bao la.
khi mùa xuân tới muốn yêu dấu/ muốn ôm em hạnh phúc hiền từ/ chàng tuổi trẻ thấy mình lớn dậy/ muốn ôm đời trong nắng ngất ngư”
(Nắng, trang 11)
Thuở ban sơ trên trái đất này/ hẳn nhiên núi đã cao vòi vọi/ người từ ngàn dặm đứng trông lên/ đá dựng ngất ngư đầu chới với.
vách thẳng đứng tuyết không chỗ đậu / đỉnh cao ngần ngật chim hoang mang / năm năm băng tuyết truồi xuống vực / đá bể lăn lóc cây ngổn ngang.
sườn chênh vênh mọc đá hiểm hóc / đàn dê rừng leo đến khựng chân / thác đổ quằn quại thắt lại mở / lũng sâu tùng bách sống biệt tăm.
ở cõi bốn mùa là gió thổi / mây rà quanh quẩn đỉnh thiên thu / đường cheo veo hồn hoa xiêu dạt / hồ xanh ngọc thạch rừng âm u.
trời mở đám mây nắng chan chứa / trường sơn sừng sững đá nguy nga / buổi sớm phơ phơ tóc bạc trắng / chiều chợt về đỏ thẫm ưu tư”
(Trường Sơn miền tây Canada)
“Mở cửa ra em, kìa ngày đã tới/ cây mơn man và gió ửng hương xanh/ ngày rất diện, thấy không kìa áo mới/ bước hào hoa vẫn dáng thênh thênh.
mở cửa ra em, này đừng khép mắt / nắng giang tay chờ đó để ôm ta/ cỏ lắng nghe chim, cò thèm muốn hót/ thì ngón chân em rền tiếng líu lô.
tỉnh dậy đi em, kìa màn đã mở/ chiếc nôi êm trái đất vẫn đều ru/ trăng đã mọc, phải rồi, trăng đã lặn/ biển dâng theo với nhịp đong đưa.
thở nữa đi em, ngực tròn hãy thở/ địa cầu xinh, dòng sử dậy đam mê/ mạch máu muốn căng, nụ hồng muốn vỡ/ lắng tai, em, có tiếng lạ vừa nghe”
 (Mở Cửa Ra Em, trang 9)
Tôi xin dùng hai chữ cho thơ Đỗ Quý Toàn: Thú vị !
Sau Cỏ Và Tuyết, trong các thư viện chưa thấy thi phẩm nào khác của cùng một tác giả, nhưng tôi vẫn đọc được thơ anh Đỗ Qúy Toàn đâu đó trên các “Có những hồi lòng ta ngẩn ngơ / Mộng thấy một cổ thành hoang phế/ Thành cao chiều cỏ lay hắt hiu / Ngựa trắng lạc đàn đi trong gió hí !
Có những hồi lòng ta rất ngẩn ngơ/ Mộng thấy đàn thỏ con chân ríu rít / Thỏ đi tìm một người làm thơ/ Và bỗng dưng thơ rất hiền dịu.
Có những hồi lòng ta ngẩn ngơ/ Mây cuộn trên thành cao đá vỡ / Em bay ngang qua như một cánh diều / Ngựa hoang và cỏ lau trắng xóa.
Có những hồi lòng ta thật ngẩn ngơ / Cơn gió lộng bỗng quay lưng oằn oại / Trên thành cao ngọn lá chuối khô/ Thơ hắt trong chiều hơi nắng quái.
Rồi lòng ta cũng vẫn ngẩn ngơ/ Khi gió thoảng đong đưa màu lá áo/ Áo đong đưa phủ kín mắt nhìn/ Chân trời rộng thâu vào, em nhỏ xíu.
Thôi hãy để lòng ta ngẩn ngơ / Theo cánh diều bay trên ngôi thành cổ/ Bầy thỏ chân ríu rít bước qua/ Rớt lại hương chiều heo may cỏ gió.
(Có Những Hồi Lòng Ta Ngẩn Ngơ)
Đọc thơ Đỗ Quý Toàn đã thú, nhưng nghe anh nói về thơ, đọc anh viết về thơ, càng thú hơn gấp bội.Cả nói lẫn viết, anh Toàn đều tạo được sự thu hút, lôi cuốn như nhau. Cái duyên của anh trong hai khả năng này thật lớn. Sau đêm Bùi Giáng, Đỗ Quý Toàn đã cho giới yêu thích văn chương tại Montréal có cơ hội đến với nhà thơ Du Tử Lê vào đêm  14 tháng 5 năm 1994.  “Trường hợp Du Tử Lê, một hiện tượng hiếm thấy” là đề tài anh Toàn trình bày:
“... Với một bài thơ tầm thường, chúng ta có thể sẵn sàng mang ra để bình luận hay giải thích.  Nhưng nếu là bài thơ hay thì, không có cách gì chúng ta có thể bình luận được. Bởi vì những bài thơ hay là những bài thơ vượt ra ngoài ngôn ngữ thông thường. Nếu chúng ta dùng ngôn ngữ thông thường để nói , tức thị chúng ta làm hỏng bài thơ đó. Cũng tương tự như khi chúng ta coi một bức tranh, hoặc ta thấy nó đẹp, hoặc không. Ta không thể nhờ một người nào đó chỉ hộ ta nó đẹp chỗ nào!
Tôi đã thấy có vị coi tranh hỏi cái tranh này là cái gì ? Và người hướng dẫn trả lời rằng: chỗ này là người đàn bà, đây là mái tóc, dưới là cái mũi, dưới nữa là cái miệng...Tôi nghĩ, người hoạ sĩ thấy người khác bình luận tranh của mình như vậy chắc chắn là không vui chút nào cả. Thi sĩ cũng vậy. Hôm nay có mặt Du Tử Lê ở đây, tốt nhất là tôi không bình luận gì về thơ Du Tử Lê. Vậy tôi chỉ xin nói kinh nghiệm của tôi trước đây độ mười, hai mươi năm, tôi không thích Du Tử Lê cho lắm. Cho đến những năm 1975 76, một bài thơ của Du Tử Lê, bài "Khi Tôi Chết Hãy Đưa Tôi Ra Biển" đã được rất nhiều người thích, và chính tôi cũng đã mang ra trong một cuộc hội thảo tại Boston để giảng cho một số văn sĩ, thi sĩ người Mỹ, hầu cho họ dịch sang tiếng Anh, xem họ có thích hay không. Đó là bài thơ rất tiêu biểu cho người Việt tỵ nạn từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và nói rằng bao giờ tôi chết đi thì hãy đưa tôi ra biển để sóng đẩy tôi qua Thái Bình Dương, trở về Việt Nam. Đấy là một bài thơ mà tôi rất cảm động. Ý thơ rất đẹp. Lập trường tốt nữa. Nhưng nếu bảo đó là bài thơ tuyệt diệu hay  không thì tôi thành thật mà nói rằng nó cũng không có gì tuyệt diệu lắm. Đó là một bài thơ bình thường, ai cũng có thể làm được
Tôi nghĩ cái đó không khó.  Trong thời gian năm ba năm gần đây, chúng tôi mới thấy là trong thơ Du Tử Lê có nhiều cái lạ...
...
Chiều nay khi nói chuyện với tôi, Du Tử Lê có hỏi tôi, tại sao phần lớn thi sĩ chúng ta, của thế giới, đến một tuổi nào đó họ bị cùn đi, họ không viết được nữa ?Chúng ta chưa có một cuộc nghiên cứu khoa học nào để trả lời câu hỏi đó. Nhưng theo tôi đoán thì, càng lớn tuổi, người ta thường sống theo qui ước nhiều quá. Chúng ta phải chịu đủ thứ áp lực của xã hội, luân lý môi trường quanh ta. Chúng ta càng ngày càng sống theo những qui ước chung. Chúng ta nói năng theo cách chung. Nói một cách long trọng. Ai cũng nghe được ! Đâm ra chúng ta bỏ mất khả năng sáng tạo ngôn ngữ của chúng ta. Tôi thấy rất mừng là Du Tử Lê ở cái tuổi đó mà vẫn biết giữ lấy cho mình cái tự do, tự buông thả mình, để bước vào thế giới ngôn ngữ hết sức sáng tạo.  Đó là điều tôi chắc khi quí vị đọc thơ Du Tử Lê, qúi vị sẽ tìm thấy”
(Đỗ Qúy Toàn- Bài phát biểu trong đêm DTL tại Đại học Montréal 14.5.1994, Trần Duy Đức ghi lại, đăng trên Nắng Mới số 34 tháng 7-1994).
Dĩ nhiên thi sĩ Đỗ Quý Toàn của chúng ta không chỉ nói về hai nhà thơ danh tiếng trên. Anh còn dành nhiều nhận xét cho những cây bút khác. Không những vậy, trong lãnh vực hội họa,  ý kiến, nhận định của anh cũng được đón nhận, hoan nghênh không kém. Anh từng phát biểu về tranh Thái Tuấn, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Võ Đình, Nguyễn Trung...Viết về thơ, đúng là “nghề của chàng”, nên ngòi bút của Đỗ Quý Toàn càng ý nhị, lôi cuốn. Anh đã từng cho tạp chí Làng Văn tại Canada phổ biến những bài nhận định của mình trong nhiều kỳ. Tôi, đôi lúc,  cũng may mắn được anh nhắc nhở, lượm thơ dẫn chứng. Rất muốn khoe ra những ưu ái đó ở đây, nhưng lại ngại thiếu tế nhị. Dù thật ra lâu nay tôi hơi thiếu đức tính này. Những nhận định về thơ của anh Đỗ Quý Toàn được nhà xuất bản Thanh Văn ở Hoa Kỳ tập trung xuất bản năm 1992. Những bài viết được anh Toàn gọi là tiệp bút này có cái tên thật tuyệt vời: Tìm Thơ Trong Tiếng Nói. Mẫu bìa của Đinh Cường cũng quá thơ, khó có điểm phàn nàn. (Theo nhà xuất bản Thanh Văn, tiệp bút“ghi chép nhanh trong lúc rảnh, không có mục đích khảo cứu theo lối giáo khoa”). Cuốn sách dày 294 trang, chuyên chở 18 đề mục: Nói chuyện thơ. Tiếng nói thành thơ. Mắt nhìn và tiếng nói hồn nhiên. Đọc thơ mình. Thần chú. Ngày mới ngày ngày mới. Vẻ bình thường mới mẻ. Chất thơ trong văn. Thấy con voi biết là con voi. Lấp ló sau mành. Trò chơi mới bằng ngôn ngữ. Tiếng nói giữa mọi người. Sống chung trong tiếng nói. Làm thơ khi đọc thơ. Bài thơ một huyền nhiệm. Mỗi chữ đều có duyên số. Say-tĩnh-khéo-tự nhiên. Ngâm tẩm hong phơi.
Sở dĩ tôi ghi lại đầy đủ các đề mục, bởi tin rằng qua đó, ít nhiều chúng ta cũng có thể suy nghĩ được chút ít vấn đề tác giả viết. Và để cụ thể hơn, tôi xin trích một số đoạn:
“Năm 1851, Cao Bá Quát đang thu xếp hành trang rời bỏ xứ Thần Kinh để trở về Sơn Tây nhận chức giáo thụ, Tùng Thiện Vương gởi ông tập thơ, nhờ viết tựa. Cao Chu Thần viết : ‘Phù, thi chi, nan ngôn dã’- ôi, cái chuyện thơ, nói thật là khó vậy.
Thi sĩ họ Cao không phải là người nổi tiếng về đức khiêm tốn, nhất là trong lãnh vực thơ phú. Nếu ông thú nhận chuyện thơ khó nói, chắc là khó thật, chứ không phải ông chỉ nhún nhường giữ lễ với một người bạn bút mực - và một hoàng thân. Chuyện thơ quả khó nói thật. Tự nói cho mình nghe đã khó chứ đừng kể nói cho người khác nghe. Kẻ hậu sinh không phải không biết vâng lời dậy của người xưa, mà vẫn cứ viết về thơ như thế này. Chẳng qua là Thơ, cũng như sự sống, như hạnh phúc, mãi mãi cứ là một nỗi ám ảnh không thể nào quên nguôi, đeo đẳng mãi không rời ...
... Thơ cũng giống như hạnh phúc, nói khó lắm, nhưng không nói thì trong lòng nó vẫn tấm tức làm sao ấy. Người đã làm thơ và đọc thơ mà lại bị cái trí tò mò tư lự nó ám, thế nào cũng ôm mối thắc mắc đó hoài. Thơ là cái gì nhỉ ? Đặt câu hỏi đó rồi, đã thấy sai ngay. Nếu chưa biết nó là cái gì thì tại sao biết cái này hay cái kia là thơ để hỏi thơ là cái gì ? Hay là hỏi cách khác : Cái gì là thơ nhỉ ? Cái gì gây ra thứ rung động mà mỗi chúng ta, mỗi người cảm thấy khi nghe một thứ để gọi nó là thơ ?
...
....Thánh Thán, suốt một đời bình luận thơ văn, đã giảng 600 bài thơ Đường, bị xử tử trước họ Cao gần hai trăm năm, trước khi chết cũng không nói chuyện văn chương hay chính trị, chỉ dặn vợ con một điều tâm đắc trong đời, là ‘dưa muối ăn với đậu vàng thì có vị như hồ đào, nếu phép này được truyền lại thì ta chết cũng không ân hận’. (Theo Trần Trọng San). Thành ra, chúng ta cũng không biết nếu nói về thơ, thơ nói chung, thì Kim Thánh Thán sẽ dạy thế nào. Một vị sư tổ khác, Paul Valery, thì bảo ‘nói là đi, làm thơ là khiêu vũ’. Có người vịn vào đó để giải nghĩa rằng thơ là nói có nhịp điệu. Có thi sĩ bảo cái gì không thể dịch sang tiếng nước khác được thì đó là thơ (Frost). Có người bảo khi viết thể này rồi đổi sang thể khác không được, thì đó mới là thơ hay (Lê Quý Đôn). Lại có người triệt để hơn, nói thơ hay là khi nào ‘dịch’sang cùng một thứ tiếng mà không được (Coleridge). Bùi Giáng nói thẳng : “Thơ là gì ? Không biết”. Nguyễn Tuân nhận xét ‘định nghĩa về chất thơ...cũng khó như định nghĩa cho chất uy-mua - humour’Mà humour (u mặc) thì Lâm Ngữ Đường thấy nó cũng giống như là gãi lưng. Mình không biết đích xác ngứa ở chỗ nào, gãi nhè nhẹ chỗ nào cũng thú, gãi tới đâu sướng tới đó. Hoàng Đức Lương lại ví thơ như nem gỏi, ăn vào sướng miệng. Đã bảo nói chuyện thơ là khó. Đã nói rồi là sẽ lan man nói đến chuyện nhảy, chuyện cười, chuyện ăn, chuyện gãi ngứa, bao nhiêu lạc thú khác của đời sống. Rất ít khi có người sành làm thơ và sành đọc thơ dám quả quyết: ’Thơ là..’. Chỉ các học giả và các nhà viết giáo khoa, vì lý do nghề nghiệp mới phải làm thuyết giảng một định nghĩa của thơ , hay của ‘chất thơ’. Ediot viết về các thi sĩ, về các bài thơ, về nhạc trong thơ, về vai trò xã hội của thơ, nhưng cũng rụt rè khi phải nói về thơ như một thực thể riêng. Ezra Pound rất là ‘thánh phán’, thay vì viết về thơ thì ông viết về chữ Hán, về Thiên đường, về Vortex, tất cả các thứ đó sẽ giúp chúng ta biết thêm về thơ, từng chút một. Thơ, hóa ra như một con voi, mỗi lần sờ thấy một chỗ, thật khó tường thuật lại cho đầy đủ....
... Suy nghĩ về thơ chúng ta không thể không nghĩ về tiếng nói. Vì thơ lấy tiếng nói làm chất liệu ; cũng như hội họa dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng âm thanh.
... Mỗi nhà thơ mang đến cho chúng ta một người khách lạ, khách nhập vào hồn ta, bằng ngôn ngữ, vì chúng ta chia xẻ với nhau một hệ ngôn ngữ chung. Khách đã thành chủ, mà chủ cũng là khách, khi câu thần chú đọc lên. Như Rimbaud bảo ‘On me pense..Je, est un autre’ Tôi, nó là một thằng khác (thư, 13 mai 1871).
... Tiếp nhận một bài thơ là tiếp nhận cả hệ thống tiếng nói, trong đó có kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc về hệ thống tiếng nói đó. Nhà ngữ học Saussure đã thí dụ người nói như một người chơi cờ, trong mỗi nước cờ bao hàm cả một hệ thống các quy luật chơi cờ, cũng như cả chiến lược của kỳ thủ.
... Mỗi câu thơ, bài thơ là một toàn thể và chúng ta tiếp nhận chúng như một toàn thể.
... Giữa người làm thơ và người đọc thơ có một sự trao đổi, một diễn trình truyền thông. Cho nên đi tìm thơ chúng ta cũng phải suy ngẫm về vai trò của thơ trong công tác truyền thông, từ thi sĩ đến người đọc .
... Một bài thơ tự nó phải nói được. Những lời giải thích đi bên cạnh một bài thơ chỉ để giúp cho độc giả hiểu thêm tại sao lời thơ lại khiến mình rung động. Nếu độc giả không xúc động vì bài thơ, chỉ xúc cảm vì có lời giải thích, khi đó người giải thích là thi sĩ. Người đó đã dịch một hệ thống tín hiệu (tiếng nói của thi sĩ) sang một hệ thống khác.
... Làm mới ngôn ngữ là một tham vọng quá lớn. Người làm thơ chắc cũng yêu thơ, và do đó sẽ đọc rất nhiều thơ của các thế hệ trước, của các đàn anh, đàn chị. Thế hệ nào cũng vùng vẫy cố thoát khỏi các nhà thơ đi trước. Cứ mở miệng ra đã lẩy Kiều rồi thì khó vượt qua cửa Nguyễn Du. Thời Phan Khôi làm thơ (1932) , ông đã than: ’Cái ý nào mình muốn nói...thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi..Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong vòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức’Thời Phan Khôi, nói ‘họ’là nói đến Thanh Quan, Tiên Điền, Đỗ Phủ, Lý Bạch. Thời sau này bao nhiêu thi sĩ khác cố thoát mà không khỏi vòng tay của Huy Cận, Vũ Hoàng Chương vv...rồi sau này khi Bùi Giáng thoát khỏi Nguyễn Du, Huy Cận, rồi thì lại có người khác không thoát ra khỏi tay Bùi Giáng.
...Thơ thường biến đổi nhiều nhất khi cả cuộc sống xã hội thay đổi. Thơ mới, thơ tự do ra đời khi xã hội Việt Nam trải qua các xáo trộn. Tình cảm, tư tưởng đều đòi thêm tự do, thêm cởi mở...
 ... Một bài thơ là một cách nói duy nhất, không nói cách khác được, vì thi sĩ đã xử dụng ngôn ngữ theo một kiểu riêng. Làm thơ là thay đổi qui thức quen thuộc của ngôn ngữ. Mỗi bài thơ lại là một cách thay đổi qui thức nói năng, bày trò chơi ngôn ngữ theo qui luật mới.
... Khi bàn tới ‘ cuộc chơi ngôn ngữ ’ quý vị đọc xong có thể có cảm tưởng thi sĩ chỉ ngồi chơi một mình với các tiếng, các hình ảnh. Một tiếng dùng theo cách mới tạo ra qui thức của một cuộc chơi ngôn ngữ mới. Một hình ảnh dùng theo cách mới cũng vậy. Nhưng các tiếng và các hình ảnh mới chỉ là phần tiếp giáp giữa thi sĩ với ngôn ngữ.
Ngôn ngữ còn một phần chìm sâu hơn, trải rộng hơn, đó là phần tiếp giáp giữa ngôn ngữ người nói với các người nghe, giữa thi sĩ và xã hội xung quanh, những người cùng chung một hệ tiếng nói. Trên mặt tiếp cận đó, ngoài các yếu tố thuần túy ngữ học (nghĩa, âm, cú pháp...) còn phải chú ý đến các yếu tố ngoài phạm vi của ngữ học. Trong cuộc tiếp cận giữa người nói và người nghe có những ý hiểu ngầm, những giả thiết được coi là tiền đề mà ai cũng lẳng lặng chấp nhận. Các ý ngầm các tiền đề đó nằm trong hệ thống giá trị, trong ý thức hệ tiềm tàng của một nền văn hoá, một thời đại. Các giả thiết tiền đề được hiểu ngầm là một phần rất quan trọng trong tất cả các câu nói mà chúng ta trao đổi với nhau.
... Tôi đề nghị chúng ta nên đọc thơ như thể mình đang sáng tạo. Vừa đọc vừa mở ra một thế giới, trong đó lời và cảm thọ do lời gây ra được tự do phát triển. Chúng ta có học thêm , sống thêm được chút nào, rồi ta đọc lại như đọc lần đầu, khám phá bài thơ một lần nữa. Lời và những cảm thọ, tình ý do lời tạo ra không thể cắt chia. Trong công việc xử dụng ngôn ngữ của loài người, lời và ý gắn chặt vào nhau nhất là khi chúng ta la hét, chửi thề, rên rỉ, và khi ta làm thơ, hay đọc thần chú.
... Nên người đọc thơ phải đóng vai thi sĩ, nghĩa là đóng vai nhân vật mà thi sĩ đang thủ vai. Trong một bài thơ, có khi ta đóng vai này; có khi đóng vai khác. Ta bỗng già, bỗng trẻ, bỗng là nam, là nữ, bỗng yêu, bỗng giận, sống với bài thơ.”
Tìm Thơ Trong Tiếng Nói của Đỗ Quý Toàn quả thật không nên tóm lược hoặc trích đoạn như trên. Thiếu và cắt mạch suy nghĩ, trình bày của tác giả. Dẫu sao, hy vọng đây cũng là đầu cầu, mời gọi bạn đọc đi tìm “Tìm Thơ Trong Tiếng Nói”.
Tập tiệp bút quí giá này được tác giả mang từ Hoa Kỳ về Canada, tặng tôi với câu ghi ở trang đầu: “tặng bạn hiền Luân Hoán và nàng thơ của người.”. (Đỗ Quý Toàn, Mtl 92). Anh Toàn cũng không quên dặn: “ Hoán đừng nói với mấy ông khác, moa chỉ còn bản này thôi”. Nếu anh không dặn, tôi không dại gì không khoe với Song Thao, Lưu Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm và nhiều bạn khác. Có một cuốn sách giá trị trong tủ sách gia đình là một hạnh phúc, không dễ kiếm được mỗi ngày. Trong 6 tác phẩm đã xuất bản của anh Đỗ Quý Toàn, tôi được anh ký tặng 3 cuốn. Ngoài cái duyên được bạn bè bỏ tiền in sách cho (trừ cuốn đầu tay), tôi còn được bè bạn thông cảm cho hoàn cảnh nghèo khó nên từ trong nước ra hải ngoại, tủ sách gia đình của tôi đều là của thập phương hảo tâm góp lại. Thời học sinh thì Châu Văn Tùng, Hoàng Trọng Bân chăm lo chuyện này. Ở hải ngoại, thường nhất là quà của Thành Tôn. Nhà văn Tưởng Năng Tiến cũng rất dễ thương,  lâu lâu mua gởi qua vài ba cuốn với lời ghi tiết kiệm: “Anh khỏe luôn ? gởi anh đọc để đỡ buồn”. hoặc “sợ anh buồn, gởi anh đọc chơi”. Nhà văn Song Thao, với đôi chân mang giày số 6, ham đi, lâu lâu mang về “biếu ông” mấy cuốn không cần ký tên, vì sách mua ở hiệu sách. Cứ thế cộng với đông đảo tác giả nam, nữ có lòng, tủ sách gia đình của tôi ngày nay coi bộ khá phong phú. Nhưng mỗi ngày tôi vẫn mong chờ những bất ngờ khi mở hộp thư, và cứ đợi chuông cửa. Bạn nào, lạ quen không cần biết, nếu có quà tinh thần cho tôi, xin đừng ngại.  Đa tạ thập phương bằng hữu..
         
Tài “nói và viết về thơ” của thi sĩ Đỗ Quý Toàn, được trích dẫn cùng tóm lược vụng về như trên, nhưng hy vọng bạn đọc có được cái nhìn khái quát về một người có lòng và yêu thơ vào bậc nhất. Vẫn với thơ, một vấn đề khác, Đỗ Quý Toàn suy nghĩ, đánh giá về những người làm thơ và giá trị nghệ thuật thi ca hôm nay, nhất là tại hải ngoại, như thế nào ? Đây cũng là một thắc mắc của tôi dành cho anh Toàn và đã được anh trả lời cách đây mười chín năm trên tạp chí Sóng:
“Tôi không nghĩ là thơ ca hiện nay ở nước ngoài đang bế tắc, nhai lại. Phải nói ngược lại mới đúng. Những người làm thơ trẻ bây giờ dùng ngôn ngữ trác tuyệt, mới lạ vô cùng. Đọc Ngu Yên thử coi. Ngu Yên làm thơ tưng bừng sung sướng, thoải mái. Tôi vẫn muốn viết về Tựa Đề Bên Trong và Hóa Ra Nét Chữ Lên Đường Quẩn Quanh mà chỉ sợ mình chưa thấm thía hết được những cái hay lạ trong ngôn ngữ Ngu Yên.
Thơ Nguyễn Bá Trạc thật vượt thoát, tự do đưa tiếng Việt vào miền đất lạ. Bắc Phong, Cao Đông Khánh vv… có tiếng nói độc đáo của họ. Chúng ta có bao nhiêu tiếng nói mới trong thơ ca. Nguyễn Mạnh Trinh, Lâm Hảo Dũng, Hoàng Xuân Sơn, Phan Ni Tấn chưa kể những người viết đã lâu như Chu Vương Miện, Thái Tú Hạp, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Nguyễn Tất Nhiên, Trần Nghi Hoàng vv và v. v. Trong lúc trả lời vội vàng cuộc phỏng vấn này không thể nhớ hết được. Kiệt Tấn làm thơ nghe cũng sướng quá trời.
Chính vì những thi sĩ đó mà tôi có ý nghĩ  là dòng thơ văn hải ngoại cuối thế kỷ 20 này sẽ đóng góp vào lịch sử Văn Học Việt Nam nhiều hơn dòng văn học trong nước. Tôi mới đọc một tập thơ (của Thanh Thảo) và một tập ký (của Hoàng Phủ Ngọc Tường) xuất bản năm 1985 ở trong nước. Họ là những người có tài, đọc thì thấy rõ. Nhưng những tác phẩm của họ nghe tưng tức như người vừa nói vừa bịt mũi, bịt miệng, vừa lo nhìn trước sau. Họ muốn làm mới tiếng nói, làm mới văn chương. Nhưng không có tự do thì văn nghệ không thể có khám phá và sáng tạo được. Đọc một bài thơ sang bài sau thấy lối mòn và ngõ cụt.
Ở nước ngoài thì ngược lại. Không những mình tha hồ viết, tha hồ in, mà mình lại va chạm với văn thơ thế giới. Mình không còn phải trói mình trong qui thức của ngôn ngữ cũ nữa. Tất nhiên tự do cũng có nhược điểm, mình thấy báo lá cải, nhiều văn khiêu dâm, nhưng đó là cái giá phải trả để được tự do.
Còn sang thế kỷ 21 thì sao ? Tôi nghĩ đến lúc đó thì mình đã mang thơ văn ở hải ngoại về cho bà con trong nước đọc và nối tiếp dòng văn học Việt Nam chính thống từ thời Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, không dứt đoạn. Lớp đàn em sanh bây giờ ở nước ngoài  có thể trong 20 năm nữa chỉ còn 10 đến 20 phần trăm đọc thông tiếng Việt. Nhưng bà con trong nước họ vẫn đọc tiếng Việt. Mình viết cho tất cả mọi người Việt Nam đọc, đâu phải chỉ cho người ở nước ngoài ? Anh biết ông thi sĩ Nga Brodsky mới được giải Nobel năm rồi ? Hai tháng trước ông mới đến nói chuyện ở trường tôi, Đại Học McGill. Khi người ta yêu cầu ông tự đọc thơ, ông nhất định đọc bằng tiếng Nga, tiếng mẹ đẻ của ông, chứ không đọc bản dịch tiếng Anh. Ông đọc xong, có người khác đọc bản dịch. Sách của Pasternak ba chục năm sau dân Nga mới được đọc. Sách của Soljenitsyn chắc còn đợi năm mươi năm nữa mới về đến Nga. Người Việt mình thì chắc lẹ hơn…Cán bộ cộng sản ra nước ngoài có khi dấm dúi mang về một tập thơ Ngu Yên khoe bà con. Tôi luôn luôn nghĩ đến viễn tượng đó. Vì vậy tôi ước mong  anh chị em ở nước ngoài không nên nghĩ mình chỉ viết cho bà con ở Montréal, Paris, Sydney hay Orange County đọc. Mình còn viết cho người Việt ở trong nước nữa.Bây giờ họ chưa được đọc thì mười năm nữa họ sẽ đọc. Khi họ đọc câu thơ: … “Mưa theo chân bước tà tà / mưa bình yên nối tiếp ta với trời” (Luân Hoán) những giọt mưa đó đâu nhất thiết là mưa ở Montréal ? Ở Đà Nẵng, ở Bạc Liêu…cũng vậy thôi. Như thế nghĩa là mình ở đây nhưng mình vẫn đóng góp cho tiếng Việt, người Việt khắp nơi, thời nay và đời sau. Một ông bạn ở Sài Gòn viết thư nhắc nguyên văn một câu tôi đăng trên báo Văn Học ở California (một người nào ở Paris về đọc lại cho nghe). Nghe vậy khi tôi viết tôi tự thấy mình phải thận trọng hơn nhiều lắm”
Thú vị thật. Chẳng phải anh vì anh Toàn xã giao trích cho một câu thơ mà tôi khoan khoái, tôi sung sướng vì được nghe anh nói về một chút gì của văn học hải ngoại, được đọc những lời thật tình của anh về những bè bạn tôi, mấy anh chàng làm thơ, muôn đời ngây thơ ấy. Thích thật, thích thật.

Người yêu thích thi ca có thể giàu có tình thương yêu hơn người bình thường. Người biết làm thơ của cải này chắc càng phong phú hơn. Có lẽ đây là nguyên nhân dắt tay anh Toàn đến với tâm huyết Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt.Tìm hiểu quá trình thành hình tác phẩm có tính cách giáo dục này, không gì hơn nghe chính tác giả trình bày:
“Nhà Văn Nghệ mới in cuốn Yêu Con, Dạy Con Nên Người Việt gồm những bài tôi viết từ 1983-1984 đến 1987. Tôi không biết sách có vị thơ hay không,(dựa theo câu hỏi của CHC: sách ở thể văn xuôi nhưng cũng đầy thơ ? LH ghi chú) nhưng có lúc đọc lại những đoạn viết về mẹ tôi và cha tôi, tôi cũng rất cảm động. Đọc lại bài viết về bữa cơm gia đình cũng thấy lòng mình an hòa trở lại. Tôi nghĩ đó là đọc “văn mình” cho nên nó mới thấm thía như vậy.
Tôi khởi sự viết loạt bài trên khi đọc một bài báo ở California của anh Giao Chỉ năm 1983. Anh kể chuyện một đứa bé Việt Nam 13 tuổi phạm tội giết người. Tôi lo nghĩ hết sức. Tôi có ý mỗi bà con các nơi cùng thảo luận chuyện dạy chữ Việt hay dạy văn học lịch sử Việt. Nhưng là chuyện tập nếp sống thuần hậu của người Việt mà từ bé mình vẫn tập theo gương tốt của ông bà cha mẹ. Khi suy nghĩ tiếp về chuyện trên tôi mới nhận ra văn hóa, truyền thống không thể học ở trong sách, mà ở chính mỗi người chúng mình. Khi có bạn hỏi thế nào là lối sống Việt Nam ? Tôi đề nghị mỗi người hãy nhớ lại hồi nhỏ của mình được ông bà cha mẹ dạy những gì. Từ hồi đó đến giờ mình vẫn bỏ ngoài tai, bây giờ thử nhớ lại và tập lại đi, tự nhiên các con nó sẽ học. Từ đó mới lại nhận ra rằng không thể giữ được truyền thống Việt nếu không có đời sống gia đình. Tôi viết ít bài về nếp sống gia đình. Điều rất cảm động là có nhiều vị đàn anh cũng như bạn bè đã khuyến khích tôi. Nhiều bài đã được các báo ở đâu đâu tự ý đăng lại mà không cho biết. Có bữa đến Tổ Đình Từ Quang gặp giáo sư Nguyễn Văn Phú, ông bảo ông vừa chụp một bài của tôi để gởi cho mấy người bạn ở Úc, ở Pháp. Có lần tôi nhận được thư của người bạn ở California anh nói: “Tòa báo chúng tôi đang đổi giờ làm việc, để anh chị em phải về nhà sớm ăn cơm tối với các con, theo đề nghị trong bài của ông” Tôi nghĩ chúng ta đều có nhu cầu củng cố gia đình. Ai cũng lo chuyện lớn như lập Viện văn hóa, chuyện đoàn kết cả triệu người Việt hải ngoại, nên ít có người lo chuyện nhỏ như làm sao cha mẹ bày tỏ tình yêu thương với con. Mà chuyện đó cũng quan trọng, mà hồi nào tới giờ mình không thấy mấy ai bàn đến chuyện đó.
Vì vậy tập tiểu luận của tôi thực sự là nói về tình yêu. Tôi không dám bàn về chuyện giáo dục nói chung. Tôi nhận thấy mình rất vụng về khi muốn tỏ cho các con thấy rằng mình yêu chúng. Mà nếu trẻ nó không yêu mình thì làm sao nó học nơi mình ?
Nói đến học, chúng ta thường nặng nề về phần lý trí. Chúng ta dùng nửa bên trái của khối óc để lý luận, phân tích. Nhưng dạy trẻ là tìm cách ảnh hưởng đến tác phong (behaviour) của chúng chứ không phải dạy cho chúng biết và hiểu mà thôi. Chúng ta chỉ dạy các con được nếu có thông cảm, có tình thương yêu. Vì vậy tôi nêu lên khẩu hiệu “ Gia Đình phải là một tổ ấm” . Tình cờ hồi 1984 bài “Tổ Ấm” được đăng ở báo Diễn Đàn, ở Paris, tôi được đọc cuốn tiểu thuyết từ trong nước gởi qua. Cuốn đó cũng mô tả sự tan rã của gia đình và đạo lý. Một nhân vật trong đó nói:  ‘Phải biến gia đình thành một pháo đài cố thủ”. So sánh hai hình ảnh gia đình, một nghĩa là tổ ấm, một nghĩa là “pháo đài”. Rõ ràng hai tâm trạng, hai hoàn cảnh, hai cách suy nghĩ khác nhau. Chỉ mừng là ở trong nước cũng có người đang thắc mắc và lo lắng như mình. Từ đó mỗi lần tôi viết, tôi cũng nghĩ đến bà con trong nước nữa.
Tôi không dám nhận là cuốn sách mới in là hay lắm. Nếu có thì giờ đáng lẽ tôi sẽ viết lại hơn nửa.  Vì khi viết để đăng báo tôi viết vội vàng. Trước khi nhà Văn Nghệ in tôi chỉ kịp cắt bớt một ít đoạn, sửa một ít câu. Nếu có ý định in sách thì tôi viết khác, có mạch lạc hơn và lời văn nhất quán hơn. Tôi chỉ hy vọng cuốn sách này  có lợi vì nó gợi cho độc giả suy ngẫm, và chính khi suy ngẫm thêm quý vị sẽ tìm ra  những dấu hiệu hữu dụng, thực tế mà tôi không hề nghĩ tới. Cũng có một vài bài tôi đang viết dở mà không kịp cho vào cuốn sách. Thí dụ về cái Tivi trong nhà, về cái đức cần kiệm . Tôi chỉ kịp viết thêm ít đoạn vào các bài đã có sẵn. Tôi muốn viết kỹ hơn về ngày giỗ, nói chuyện thêm về phúc đức ông bà, về liên lạc họ hàng, nhưng thật chưa có thời giờ bàn bạc với anh em nên chỉ nêu được một ít điều trong cuốn sách đó”.
(Đỗ Quý Toàn trả lời Châu Hải Châu, Sóng số 71 tháng 4-1988)

Tuy không chạm mặt lâu dài với những chuyện buồn có tầm vóc. Nhưng tôi cũng đã có những ngày không mấy vui, trong giai đoạn cậu út nhà tôi từ tuổi vị thành niên bước sang giai đoạn trưởng thành. Chuyện bắt đầu bằng một nghĩa cử học đòi anh hùng. Vào một dịp người Việt đón tết với một hội chợ xuân. Sau khi thưởng thức những màn cử hành lễ cổ truyền, nghe ca hát, múa võ, ảo thuật...cậu út nhà tôi phơi phới ra về. Ngay ở cổng ra đang có một cuộc dằng co giữa nhân viên cảnh sát và một thiếu niên Việt Nam chưa thông thạo Pháp ngữ. Không rõ diễn tiến ra sao, cậu út nhà tôi nhảy vào bênh người đồng màu da. Kết quả dễ hiểu: cả hai cậu đều được ngồi xe có còi hụ. Còn ở tuổi vị thành niên, cậu út nhà tôi được ra về, không ngờ sau đó phải ra tòa về tội danh “cản trở nhân viên công lực thi hành phận sự”. Rất may bà “luật sư công cộng” hiểu chuyện và có đủ tài giúp cậu út nhà tôi vô tội. Ít tuần sau thằng bé còn may mắn đậu được bằng lái xe ở tuổi 17. Thương con, cô Ba Lý đứng tên trả góp cho nó một chiếc Honda Civic, hai cửa, mới cáu. Có xe, việc học của con út cô Lý nhà tôi cứ như là xuống dốc. Anh Đỗ Quý Toàn hẳn không biết, trước một đêm tôi cùng các anh Nguyễn Hữu Chung, Tạ Trung Sơn, Nguyễn Ngọc Lang...ngồi lắng nghe tiếng dương cầm của con gái anh, Bằng Lăng, biểu diễn trong dịp ra trường, tôi đã có một đêm thức trắng, chạy quanh thành phố để tìm cậu con, vì ngại nó có việc gì không lành. Chuyện buồn của tôi cứ thế tăng lên. Tôi thở ra thở vào không phải vì thể dục. Chưa biết hóa giải ra sao cái buồn chán trong lòng, bỗng một hôm tôi gặp anh Toàn, không rõ vì đâu anh biết tôi không vui vì con. Anh không khuyên, chỉ nói gọn: “Đó là một tai nạn, rồi sẽ qua”. Từ cái nhận xét của anh Toàn, tôi chợt thấy lòng yên tĩnh, và tai nạn đã qua thật. Tác phẩm Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, tôi đọc không kỹ, nhưng tôi học ở anh Toàn từ những nhận xét riêng của mình về anh. Đối với anh, tôi kính trọng như người anh thật sự. Tiếng gọi anh, dành cho anh không có tính cách xã giao. Một ông anh có da có thịt, hồng hào và luôn luôn biết cười đàng hoàng.

Không nhớ chính xác năm nào ông “thi sĩ hai hòn bi” tự tạo cho mình và gia đình cuộc “di tản chiến thuật” mới. Ông từ giã cái phòng dành cho ông ở một Đại học, nơi tôi và nhiều bạn hữu khác từng ghé qua uống trà, ngó xuống thành phố. Ông từ giã phở Hòa, phở Bắc, phở Bằng, phở Tàu Bay, Chez Liên, Tổ đình Từ Quang... từ giã cả cái pharmacie Do Quyen trên đường Peel ông từng thân thiết. Ông nhà thơ đi làm chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21 (1989-2001), rồi ngồi trong ghế hội đồng và điều hành nhật báo Người Việt. Ông lơ làm thơ vì: “Một là tuổi tác. Thơ phải bồng bột, hứng khởi, bất ngờ. Ở tuổi tôi, với công việc hàng ngày giây phút đó hiếm lắm. Tôi viết nhưng cơn hứng nguội thì lại bỏ đi. Một lý do nữa là hàng ngày phải nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt nói không đều, không tiếp xúc với anh em văn nghệ Việt Nam thì làm sao có hứng khởi làm thơ luôn chứ ?” Và gần như nghiêng về bình luận chính trị, kinh tế. Ông đã xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột. Ông cũng thật xuất sắc bên cạnh ký giả Vũ Chung trong mục Chuyện Bàn Tròn của của Radiovncr.com Nhắc chuyện bàn tròn, nhớ có lần Đỗ Qúy Toàn bàn về việc xem phim “ba ít”.  Nghe xong, vợ tôi cảnh cáo: “ nghe anh Toàn nói đó, liệu mà giữ”. Giữ cái gì ? Tại sao phải giữ ? Năm thì mười họa mới lỡ tay bấm lạc vào đài có nhan sắc một chút đâu có gì quá đáng. Tôi chưa theo kịp cô văn sĩ xem phim tình để trợ hứng viết truyện, cũng chưa theo kịp anh họa sĩ từ chối y trang để ngồi vẽ cho thoải mái. Được như họ thú biết mấy!.
Anh Đỗ Qúy Toàn, người của Montréal đã định cư ở Hoa Kỳ. Đi xa lâu ngày, cái tình của anh dành cho cỏ, tuyết... trên quê hương thứ hai của tôi chắc cũng có phần phai nhạt. Tôi có cảm tưởng nếu không có chuông mõ Làng Cây Phong, âm thầm kêu gọi trong lòng, chắc cũng không có lý do gì để anh phải về Montréal xem một trận hockey, bàn luận về tài điều binh khiển tướng của một entrainer-chef, như thời của head coach Jacques Demers. Anh cũng chẳng thể về để gọi thăm vài người quen biết khơi khơi. Cũng may trong những lần nói chuyện bàn tròn, thỉnh thoảng, anh nhắc nhở chút chút về đất nước Canada, đủ làm tôi ưng bụng vô cùng, không hiểu tại sao. Vừa rồi, hôm 04 tháng 2-2007, hội chợ Tết của người Việt được tổ chức tại Olympic Stadium, tôi có cùng gia đình đi xem, sau hơn mười năm trốn đám đông. Tôi mừng gặp lại chị Hoàng Kim Tuấn, (vợ của cố nhạc sĩ Hoàng Phúc) trong một quầy nhỏ của Làng Cây Phong. Quầy được dựng vài giờ trong hội chợ, để phổ biến chương trình từ thiện Hiểu Và Thương, cùng lối sống “thảnh thơi, an vui”. Chị Tuấn rủ tôi đến ngồi thiền. Tôi từ chối ngay vì khoảng cách 110 cây số xa lộ đến ngay trong đầu. Trấn an sự ngại khó của tôi, chị Tuấn cho biết thiền thất của làng còn được mở ngay trong thành phố. Chị không quên cho tôi địa chỉ, khi về đến nhà, xem lại mới biết đó là ngôi nhà cũ của anh Đỗ Quý Toàn, trên đường Glencoe. Thật ra khoảng cách gần cũng vô nghĩa với tôi. Tôi thiếu một cái đầu gối để ngối xếp bằng, tôi thiếu cả niềm tin mãnh liệt để lắng lòng. Ngồi trong điện thờ, dưới bệ Phật mà cứ ngẫm nghĩ: “...tôi sắp hết đời chưa đọc kinh/ mở kinh mà cứ ngắm tay mình/ lâng lâng lòng vụt theo chuông mõ/ rùng mình ngắm Phật, Phật làm thinh” thì làm sao mà thiền tọa, cho dẫu “Phật chẳng trách gì khách hành hương/ chỉ dâng lên được chút bụi đường/ với đôi tay chắp trong im lặng/ chịu đựng giữ gìn riêng vết thương”. Dường như tôi đã viện ra nhiều lý do, có cả việc: “muốn đẩy cửa vào thăm viếng Phật/ mượn trầm hương tẩy nỗi sầu riêng/ nhớ ra thân thể không toàn vẹn/ sợ Phật đau lòng, đành đứng yên” để từ chối cơ hội tạo cho mình một phút bình an thật sự. Tôi chẳng những phải xin lỗi lòng tốt của chị Tuấn, mà còn phải xin lỗi chính tôi.

Anh Đỗ Qúy Toàn, đương nhiên khác hẳn tôi. Đi đâu, ở đâu, anh cũng là người sung sướng, bởi vì trong lòng anh luôn luôn có thơ, có chùa, có chuông mõ, có cỏ cây. Hơn thế nữa, rất quan trọng, cái cổ hạnh phúc anh vẫn lận lưng. Cái cổ ấy chính là người đàn bà đã mang họ chồng, chị Đỗ Quyên. Anh Toàn  không những học rất thuộc ca khúc Tạ Ơn Em, mà còn tung chưởng rất xuất sắc:
“Cổ em là nơi chứa hạnh phúc/ nơi chứa hơi thở ngọt như mật/ nơi có giọng nói như nhung êm/ tiếng nước reo như ngọc trang vắt.
cổ em là bình đựng tình yêu/ da thịt ấm dịu dàng như lụa/ trong hai bàn tay anh nâng niu/ run rẩy em là con ngan nhỏ.
cổ em run rẩy như con thỏ/ con thỏ trắng trong truyện thần tiên/ cổ em thẹn thò như cánh chim/ cánh chim non ra ràng muốn vỗ.
cổ em là nơi anh muốn hôn/ anh muốn uống tình yêu sữa ngọt/ anh muốn bơi vô tận thiên đường/ trong cổ nõn một trời ấm áp” 
(Cỏ Và Tuyết - ĐQT trang 25)
Tuyệt diệu thay ông anh tôi.
                                                                                           
Luân Hoán
trời có chút nắng, 09-2-2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog