Hôm rồi tôi có nhận một email trong đó có lá thư của ai đó kể câu chuyện thân nhân bị sạn thận nhưng sau đó uống dứa với phèn chua (y chang cái thư bác sĩ nêu trong bài viết của ông ở dưới đây). Tôi băn khoăn không biết có nên post bài "thuốc" đó không vì tôi nhớ có lần em tôi chỉ mua phèn chua dùng cho một việc gì đó. Tôi ra chợ tìm chả biết phèn chua bán ở chợ ra sao, ở chỗ nào, hỏi người ta chỉ cho đó là một bọc bột hơi cứng màu trắng, có ghi là chất độc phải để xa thức ăn. Cho nên nghe cái vụ uống cho mềm sỏi, bán tín bán nghi, cuối tuần rồi lại thấy đau đau sau lưng, nghĩ bụng không lẽ liều chế bài thuốc đó ra uống thử. Do còn nghi ngờ nên không làm, may quá hôm nay có bài viết của bác sĩ Đức khuyên không nên. Cho nên hai trái dứa mua rẻ ở chợ, cắt ra ăn tráng miệng sau bữa ăn, ăn dứa không cũng tốt rồi. Đâu cần phèn chua, uống tơ lơ mơ sỏi đâu không thấy vỡ, lại tan luôn xương ống chân thì nguy, hết lội bộ đi du lịch.
Xin đọc bài viết của bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức – Câu Chuyện Thầy Lang:
Mới đây có thân hữu hỏi ý kiến về bài thuốc chữa sỏi thận bằng dứa với phèn chua như sau:
“Mẹ tôi 52 tuổi, bị bệnh sỏi thận, có người mách chữa bệnh này
bằng cách: lấy một quả dứa cắt một đầu rồi đục giữa quả xuống sâu 3cm,
lấy 2 thìa cà phê bột phèn chua cho vào rồi đậy nắp lại. Đun quả dứa đến
khi chín nhuyễn lấy ra 2 ly, buổi tối uống 1 ly cho bàng quang mềm ra và sỏi vỡ ra.
Đến sáng hôm sau thức dậy uống ly còn lại cho sỏi tan ra, nằm nghỉ 30
phút sau đó đi tiểu, nước tiểu khai và đục như nước vo gạo.
Xin cho hỏi có đúng như vậy không?”.
Và cũng có hướng dẫn của một vị lương y là “Để chữa sỏi
tiết niệu, người ta lấy 1 quả dứa gọt vỏ, khoét 1 lỗ và cho vào đó một
ít phèn chua (0,3g) rồi cho nước vào đậy nắp lại ninh trong 3 giờ. Sau
đó ăn các miếng dứa và uống cả nước. Dùng liên tục trong 7 ngày liền, nhiều trường hợp cho kết quả tốt”.
Trước khi góp ý, xin tìm hiểu về món ăn khá thông dụng này là trái dứa.
Dứa là trái cây của miền nhiệt đới, có nguồn gốc từ các quốc gia ở Trung và Nam Mỹ.
Khi Christopher Columbus thám hiểm Mỹ châu, thấy dứa trồng ở quần đảo Guadeloup rất ngon, bèn mang về cống hiến nữ hoàng Tây Ban Nha Isabella Đệ Nhất. Từ đó, dứa được đem trồng ở các thuộc địa của Tây Ban Nha, nhất là các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương.
Cây dứa thân ngắn, lá dài và cứng với gai mọc ở mép, quả có nhiều mắt; phía trên có một cụm lá.
Nông trại trồng dứa quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được thiết lập ở
Hawai vào năm 1885. Quần đảo này dẫn đầu về sản xuất dứa trên thế giới
cho tới năm 1960. Sau đó, Phi Luật Tân là nước trồng nhiều và xuất cảng
nhiều nhất. Các quốc gia khác ở Đông Nam Á châu cũng sản xuất một khối
lượng dứa khá lớn.
Nhờ kỹ thuật canh tác hàng loạt cho nên nhu cầu dứa được cung cấp đầy
đủ với giá phải chăng. Dứa có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào tháng
6 tháng 7. Trung bình từ lúc trồng tới lúc thu hoạch là 18 tháng. Dứa
thường được hái khi đã chin, sẵn sàng để ăn.
Dinh dưỡng
Dứa có nhiều sinh tố C, chất xơ pectin và chất gum.
Một ly dứa tươi cung cấp 25mg sinh tố C; 0,1mg thiamine; 16mcg
folate; 0,15mcg sinh tố B 6; 17mg magnesium; 0,5mg sắt; 2gr chất xơ và
80 calori.
Dứa còn có chất bromelain, một loại enzyme tiêu hóa giống như papain của
đu đủ. Bromelain có tác dụng làm mềm và phân hóa chất đạm ra nhừng
phân tử nhỏ để cơ thể có thể sử dụng, cấu tạo tế bào đồng thời cũng tạo
cho thịt hương vị thơm ngon. Br có thể gây ra dị ứng da cho người tiêu
thụ.
Dứa đóng hộp còn giữ được sinh tố C nhưng bromelain bị hơi nóng thiêu hủy.
Áp dụng y học
Theo American Cancer Society, dứa có chất Bromelain mà một số nghiên
cứu cho là có công dụng hỗ trợ trong điều trị một số bệnh như:
-Có thể dùng bromelain chung với thuốc điều trị ung thư để giảm thiểu tác dụng phụ của xạ trị, như là viêm cuống họng và miệng;
-Vì bromelain là một enzyme chuyển hóa chất đạm cho nên có thể dùng thêm để hỗ trợ tiêu hóa cho những người thiếu enzyme này;
-Bromelain có tác dụng ngăn ngừa tiểu cầu dính với nhau, cho nên có thể dùng thêm để tránh tình trạng máu đóng cục;
-Nghiên cứu khác cho hay bromelain có tác dụng chống viêm sưng trong
bệnh viêm khớp, viêm xoang, vết thương do sâu bọ cắn hoặc chống nhiễm
trùng khi da thịt bị phỏng…
Tuy nhiên, Hội Ung Thư Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh là cần nhiều nghiên cứu khác nữa để xác định các công dụng này.
Ăn dứa
Dứa tươi có hương vị nồng ngọt, rất thích hợp để làm món tráng miệng kích thích tiêu hóa hoặc làm món ăn vặt.
Miếng dứa phía đít, gần phía gốc thường ngon hơn phần khác, vì như kinh nghiệm của ông cha ta là “dứa đằng đít, mít đằng cuống”.
Sau khi gọt vỏ, khía xéo để bỏ mắt, dứa được bổ dọc làm tám hoặc cắt
khoanh tròn mỏng vừa phải, rắc thêm một nhúm đường, bỏ tủ lạnh độ 15
phút rồi mang ra ăn thì tuyệt hảo. Nước dứa hòa với đường ngọt húp vào
lạnh mát cả người.
Nhiều người lại thích chấm dứa với tí muối ớt, ăn vào vừa ngọt, vừa
mặn, hơi cay, rất thỏa mãn khẩu vị đồng thời làm bớt rát lưỡi.
Dứa còn dùng để xào nấu với thịt cá. Món canh chua cá lóc, dứa xanh thêm vài ngọn ngổ thì cơm ba nồi cũng hết.
Khi nấu, hơi nóng làm mềm dứa vì chất cellulose tan rã, dứa hút gia vị và chất ngọt của thịt cá.
Một đĩa xá lách trộn thập cẩm thêm vài miếng dứa thái nhỏ ăn càng ngon.
Năm 1892, một người Anh là Đại úy John Kidwell lần đầu tiên sản xuất
dứa đóng hộp. Dứa thường được hái khi đã chín mùi, mà phải chuyên trở
xuất cảng đi xa, mau hư cho nên được đóng hộp cho dễ di chuyển. Dứa đóng
hộp là dứa đã chín từ dưới cuống trở lên, do đó thường cần đến ba quả
mới được một hộp dứa có phẩm chất tốt. Dứa hộp được cho thêm nước đường
nên có nhiều calori.
Ngoài ra còn dứa sấy khô hoặc nước dứa ép cũng là những món ăn thức uống ngon, bổ.
Mua dứa
Mua dứa tươi lựa trái to, nặng nước, toát ra mùi thơm của dứa, lá
trên cuống còn xanh. Khi gõ, dứa phát ra một âm thanh đặc, quả dứa cầm
thấy chắc tay, không chỗ nào mềm. Vỏ dứa có thể hơi xanh hoặc vàng cũng
không sao. Dứa lớn nhỏ đều có chung giá trị dinh dưỡng như nhau. Tránh
dứa đã có mùi lên men vì quá chin bắt đầu ủng. Dứa có thể cất giữ trong
tủ lạnh hoặc ở ngoài.
Lưu ý
Dứa rất lành. Đôi khi dứa có thể gây dị ứng nhẹ ở da vì có chất bromelain
. Tại các tiệm bán “thực phẩm tốt” Health Food lại có bán viên
Bromelain và được giới thiệu là chữa được bệnh tim, phong khớp và vài
bệnh khác.
Dứa có chất tyrosine. Một vài u bướu hạch nội tuyến cùng tiết ra
nhiều tyrosine. Vì thế, mấy ngày trước khi thử máu tìm u bướu này lại ăn
dứa thì thử nghiệm có thể sai lệch, cho kết quả dương tính mà thực ra
không có.
Một vài nghiên cứu khoa học cho hay là trên mắt vỏ dứa có một hóa
chất không tốt cho sức khỏe. Vì thế, tốt nhất là nên tránh ăn mắt dứa.
Sỏi thận và dứa
Bây giờ, xin trở lại với Sỏi thận và dứa cộng với phèn chua.
Sỏi thận là một vật rắn đặc thành hình từ nhiều hóa chất khác nhau trong nước tiểu:
-Sỏi calcium oxalate chiếm 80% các loại sỏi thận và đa số là do di
truyền, calcium không dùng trong việc tạo xương và loại ra theo nước
tiểu. Ngoài ra tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều oxalate như rau
spinach, cocoa, đậu phọng, các loại hạt, ớt, nước trà; ăn nhiều muối
hoặc dùng bổ sung calcium viên cũng tăng tủi ro loại sạn này. Sạn
calci rất cứng.
-Sỏi với chất struvite (Magnesium ammonium phosphate) thường thấy
trong bệnh nhiễm trùng đường tiểu tiện, đặc biệt là ở nữ giới và được
điều trị bằng cách tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
-Sỏi với chất uric acit do tiêu thụ nhiều chất đạm động vật thịt, cá,
gà gây ra vì các thực phẩm này cho chất purine, tiền thân của uric
acit. Giới hạn các thực phẩm này và tăng độ kiềm của nước tiểu có thể
giảm thiểu nguy cơ gây sạn.
-Sỏi với các chất amino acit cystine, rất hiếm. Đây là bệnh bẩm sinh
trong đó thận không tái hấp thụ được chất cystine. Chất này luân lưu
trong nước tiểu và kết tụ thành sỏi. Chữa trị bằng cách uống nhiều nước
để loại cystine ra ngoài đồng thời giảm độ acit của nước tiểu.
Nam giới bị sỏi thận gấp đôi nữ giới và thường thấy vào tuổi từ 30
tới 50. Một đời sống quá tĩnh tại, bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường
và mập phì cũng tăng rủi ro bị sạn thận. Nghiên cứu mới đây cho hay tình
trạng hâm nóng toàn cầu đưa tới khô nước cũng làm tăng rủi ro sỏi thận.
Ngay cả các phi hành đoàn bay trong không gian cũng tăng rủi ro này vì
họ ít uống nước
Hiện nay, y học thực nghiệm chữa sỏi thận bằng nhiều cách và căn cứ
vào các chất kết tinh thành sỏi. Do đó, khi tiểu ra sạn cần cất giữ sạn
và đưa cho phòng thí nghiệm để phân tích thành phần cấu tạo.
Nếu sạn còn nhỏ, uống nhiều nước để loại sạn qua nước tiểu là cách hữu hiệu nhất.
Với sỏi lớn, có thể đưa một dụng cụ nhỏ vào thận, nghiền sạn rồi gắp
sạn ra hoặc đập vụn sạn với sóng nước (shock wave lithotripsy).
Nên nhớ có thể phòng tránh sạn bằng cách uống nhiều nước. Khi nước tiểu loãng thì sạn khó mà kết tụ với nhau. Khi nước tiều đục vàng thì sạn sẽ kết tụ.
Cũng nên nhớ rằng loại sạn thận calcium oxalte rất cứng khó mà có chất nào có thể khiến chúng hóa nhỏ tiêu tan.
Về chữa sỏi thận với dứa và phèn chua, chúng tôi đã cố gắng tìm xem
có kết quả nghiên cứu nào xác định hoặc hỗ trợ công dụng trị sỏi thận
theo kinh nghiệm dân chúng hoặc theo lý luận của một số nhà y học cổ
truyền với dứa và phèn chua, nhưng mà chưa có cơ duyên tìm ra.
Sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất lợi có ghi là dân chúng còn dùng rễ
cây dứa làm thuốc lợi tiểu, chữa tiểu tiện khó khăn, đái ra sỏi thận.
Có lẽ là uống nhiều nước rễ cây dứa có thể đẩy các tinh thể tạo sỏi
trong nước tiểu ra ngoài cơ thể.
Bệnh viện chuyên trị bệnh thận Devasya Kidney bên Ấn Độ khuyên dân
chúng muốn giúp thận lành mạnh nên tiêu thụ các loại nước dứa, chanh, cà
rốt, chuối …nhưng không giải thích tại sao. Cũng có lẽ là uống nhiều
các loại nước này.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm có nhiều ảnh hưởng lợi và bất lợi đối với sự thành hình sỏi thận. Chẳng hạn:
-Với sạn calcium oxalate, nên giảm thiểu tiêu thụ món ăn có nhiều
oxalate như chocolat, caffeine, các loại hạt, hạt tiêu đen, rau spinach,
dâu, các loại đậu; đồng thời nên bớt muối, đường. Nên tiêu thụ chuối,
gạo đỏ, oat, rye, bắp, cám, barley. nước trái cranberry, dứa, chanh
cam. Bệnh nhân loãng xương cần bổ sung calci nên dùng loại calcium
citrate. Dứa tương đối có ít oxalate calcium, một hóa chất của sỏi
calcium.
-Với sạn uric acid, nên giới hạn tiêu thụ đạm động vật có nhiều
purine/acit uric như thịt bò, thịt cừu, gà, cá sardine, gan và thực vật
như nấm, pumpkins, cauliflower, các loại đậu, rượu bia, rượu vang để
giảm uric acid. .
-Với sạn cystine, giới hạn cá vì có nhiều methionine.
Về bài thuốc dứa-phèn chua, chúng tôi nghĩ là ta có thể dùng dứa.
Uống nhiều nước dứa có thể khiến cho các tinh thể tạo sỏi tiết niệu
loãng ra, không kết tụ với nhau và loại ra ngoài qua tiểu tiện. Nhưng
cũng xin nhắc lại rằng nhiều loại sỏi thận là những tinh thể kết tụ với
nhau, khá cứng, đập mạnh mới làm vỡ được.
Riêng phèn chua thì nên cân nhắc một chút.
Phèn chua là muối kép của nhôm và potassium. Đây là chất mà dân chúng
thường dùng để làm cho nước có vẩn đục trở thành trong: muối nhôm kết
tụ các vẩn đục này, lắng xuống đáy, nhờ đó nước trở thành trong và dùng
được. Tìm kiếm, chúng tôi chưa thấy ý kiến nào nói đến công dụng của
phèn chua đối với sỏi thận, ngoại trừ một số thân hữu cho hay họ cũng đã
dùng dứa với phèn chua và có kết quả. Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn
Lân Dũng, Việt Nam, thì phèn chua không có công dụng gì trong việc làm
tan sỏi tiết niệu (Sách Hỏi Gì- Đáp Nấy). Đồng thời có người thắc mắc là
liệu phèn chua có làm cho các chất calci trong nước tiểu dễ dàng kết tụ
với nhau để đưa tới sạn.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho hay muối nhôm, tuy không độc, nhưng
nếu tiếp xúc lâu ngày với lượng quá cao trong nước uống có thể gây ra
rối loạn cho sự sinh đẻ, cho hệ thần kinh. Mới đây, vài nghiên cứu sơ
khởi cho rằng chất nhôm có thể là rủi ro gây ra bệnh Alzheimer.
Cho nên, để an toàn, có lẽ cũng chẳng nên dùng phèn chua với hy vọng “bàng quang mềm ra và sỏi vỡ ra “.
Mong nhận được ý kiến của quý vị có nhiều hiểu biết.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas- Hoa Kỳ.
www.bsnguyenyduc.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét