Hoàng Nhất Phương
"I think it's good to be free and to have sex with any one. Tôi nghĩ là rất tốt nếu được tự do và tư tình với bất cứ ai."
Lời phát biểu đầy tính luyến ái lãng mạn này không phải là tuyên ngôn
của những người theo chủ thuyết phong tình, cũng không phải là cách nói
của những ai yêu cuồng sống vội, mà chính là tư duy của ni sư Jakucho
Setouchi, một nữ tu Phật Giáo đã ở vào tuổi thấp thập cổ lai hy. Thật
khó tưởng tượng người đã cúng dường Tam Bảo thệ phát quy y lại có những
tâm tình đầy hệ lụy, đầy thất tình lục dục như ni sư Setouchi…Nếu đặt
câu nói trên dưới cái nhìn hạn hẹp đầy thành kiến khắt khe, có vẻ như vị
nữ tu này lòng trần chưa dứt, vẫn trầm luân trong dây oan của chữ Ái.
Nào phải đâu là lụy tình chưa dứt, ni sư Setouchi muốn lấy quán tưởng
thiền định, để trình bày cảm quan riêng của bà về tác phẩm văn học cổ
điển lừng danh của Nhật Bản “Tale of Genji.”
Là nhà Phật Học có kiến thức uyên bác về văn chương, có biệt tài
trong việc chuyển dịch ngôn ngữ cổ của Nhật Bản sang câu chữ đơn giản
hiện đại, người nữ tu học giả này đã đưa dân xứ Phù Tang trở về với “Genji, Chuyện Tình Ngàn Năm,”
khi biên soạn tác phẩm này thành một bản dịch 10 tập bằng lối văn trong
sáng, truyền cảm mà vẫn không làm mất đi phần lả lướt, đa tình của
nguyên bản. Trên tờ Kyoto Journal, nhà báo Nicholas Donabet Kristof đã
viết về “Tale of Genji” của ni sư Setouchi như sau:
“As Japanese heroes go, he is an unusual one. He never wore a tie,
never got a job, and after seducing his stepmother when he was a
teen-ager he had a string of affairs with women who included his own
adopted daughter. But Prince Genji is a central figure in Japanese
culture, and he never had a wit of trouble with the law -- perhaps in
part because he never existed. He was the title character in "Tale of
Genji" the nearly 1,000-year-old love story that is sometimes described
as the world's first novel and is usually considered Japan's greatest
literary achievement.” (*)
“Như các anh hùng khởi phát, Genji là nhân vật khác thường. Ông
không đeo cà vạt, không bao giờ có công ăn việc làm, sau khi quyến rũ bà
mẹ kế vào lúc hãy còn là một thiếu niên, ông dan díu với hàng chuỗi phụ
nữ, trong đó có cả con gái nuôi của mình. Tuy nhiên Hoàng tử Genji là
biểu tượng cốt lõi trong văn hóa Nhật Bản, và ông hề gặp bất cứ rắc rối
nào với pháp luật - có lẽ một phần vì ông không bao giờ tồn tại. Ông là
nhân vật chính trong cuốn “Truyện Genji,” câu chuyện tình gần 1.000 năm
tuổi, cuốn sách đôi khi được mô tả như tác phẩm đầu tiên của thế giới,
và là thành quả văn chương lớn lao nhất của Nhật Bản…” (*)
Dưới lăng kính của lịch sử văn học “Genji” là tác phẩm kinh
điển, vì đã xuất hiện trong buổi bình minh của nhân loại. Nhân vật Genji
là biểu tượng của những người đàn ông - giai cấp chủ nhân - của xã hội
Nhật Bản đầu thế kỷ thứ 11. Công Nương Shikibu Murasaki - tác giả “Truyện Genji”
- là sương phụ thuộc tầng lớp qúy tộc, người có trách nhiệm cai quản
nội cung cho Hoàng Hậu, cũng đã từng chiếm được lòng yêu quý nơi phụ
thân của Hoàng Hậu, dù bà không chủ tâm. Chính điều này thôi thúc bà
sáng tạo ra nhân vật Genji, mẫu số chung của các đấng mày râu thuở ấy.
Đọc “Truyện Genji,” độc giả bắt gặp nỗi buồn, niềm vui, lòng
ghen tương, tính ích kỷ, sự thù hận, và đôi khi có cả âm mưu thâm độc
của kẻ này đối với người kia chỉ vì một chữ Tình. Ai người trước đã qua.
Ai người sau sẽ đến. Bất luận ở niên đại nào, cõi người ta cũng dư đầy
đau khổ…vì tình yêu! Sao có thể không khóc được khi tình yêu bị đánh
cắp, khi người tình bỏ ta đi…?!
Ni sư Setouchi đứng trên quan điểm của phụ nữ, khi bà nhận định tác phẩm “Genji” phản
ánh tâm tình và khát vọng mãnh liệt muốn kình chống lại định mệnh u
buồn, hoàn cảnh bất lực của phụ nữ trong bối cảnh xã hội Nhật Bản của
những năm đầu thế kỷ 11. Bà khen ngợi Công Nương Murasaki đã đi trước
thời đại, khi gióng hồi chuông cảnh tỉnh xã hội nói chung, giới đàn ông
nói riêng, về sự ngược đãi mà xã hội và đàn ông đã áp đặt lên số phận
của người phụ nữ, ngay cả trong lãnh vực tình cảm. Vì lòng ngưỡng mộ
Công Nương Murasaki. Vì muốn làm cây cầu nối liền tình tự ngàn xưa của
một nước Nhật trong quá khứ, với một nước Nhật tiền tiến hiện tại. Sau
những giờ công phu thiền nguyện trước Phật đài, ni sư Setouchi đã để tâm
huyết và thời gian còn lại vào việc chuyển dịch, san định tác phẩm “Truyện Genji,”
để vừa làm sống dậy bản chất đích thực của tình yêu, vừa giúp cho xã
hội Nhật tiến vào tương lai mà vẫn không quên quá khứ. Đây chính là nỗi
quan ngại của ni sư Setouchi, của cư dân xứ Hoa Anh Đào trước nguy cơ
quá khứ bị chôn vùi, trong những cơn biến động của trào lưu mới.
Bà Janine Beichman, giáo sư Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về nền văn học
Nhật Bản tại Đại Học Daito Bunka, Tokyo nhận định rằng: Bản dịch tác
phẩm “Truyện Genji” gồm 10 tập đã trở thành quyển sách có con
số thương mại đáng kinh ngạc, nhờ chiều kích tuyệt vời của nguyên tác và
nhờ danh tiếng của ni sư Setouchi.
Nếu có dịp đến Nhật Bản, ghé thăm kiểng chùa Tenda-ji thanh tịnh đầy
kỳ hoa dị thảo của ni sư Jakucho Setouchi, du khách mặc nhiên nhìn thấy
vị ni sư đạo hạnh, lịch lãm, uyên bác đã ủnh hộ tinh thần Về Nguồn của
Nhật Bản khi chuyển dịch tác phẩm “Truyện Genji,” và khi nhận định: "Men
are very free now to have girlfriends, and women to have boyfriends,
and it's getting back to the way it was in Genji's time. Bây giờ đàn ông
tự do có bạn gái, phụ nữ có những bạn trai, và đang trở về con đường
xưa đã từng có trong thời đại Genji."
Hoàng Nhất Phương
______________________
(*) Trích đoạn "As Japanese heros...Japan's greatest literary achievement." từ Kyoto Journal: “The Nun's Best Seller: 1.000-Year-Old Love Story” của Nicholas Donabet Kristof. Hoàng Nhất Phương chuyển ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét