Tuần rồi tự thấy số giờ nghỉ phép của tôi "thặng dư" quá chừng, nếu không nghỉ thì sẽ không được hưởng nữa, như thế thì sẽ bị thiệt thòi, cho nên tôi tự cho phép mình nằm nghỉ ở nhà một hôm để chuẩn bị cho ngày hôm sau đi ... hầu toà, nghĩ cách làm sao chỉ cần đi một ngày thôi. Ôi, không phải tôi đạp phải bánh tráng của ai mà phải ra toà, chẳng qua làm công dân Mỹ thì nhiệm vụ "cao quí" nhất là cứ cỡ chừng 18 tháng là bị gọi đi làm bồi thẩm viên (juror), không rõ tiếng Việt dịch như thế có đúng không nữa. Nhưng để tôi kể trình tự thì bạn đọc sẽ hiểu "jury duty" là gì.
Kể ra thì đó là nhiệm vụ công dân nhưng không phải ai cũng (bị) may mắn như tôi, nghĩa là hầu như cứ quá một năm là tôi bị gọi, đến nỗi khu vực của những toà nhà của chính quyền thành phố rộng lớn thế nào, tôi chả biết nơi nào họ làm gì, nhưng tôi thuộc lòng con đường chạy một mạch từ nhà đến ngay cái "Hall of Justice" (toà tư pháp) ở chỗ nào, đậu xe ở đâu gần nhất để vào cổng. Vấn để là tại sao tôi bị gọi mà những người chung quanh tôi, không mấy ai bị. Vì theo sự giải thích của những người làm ở toà là họ ngẫu nhiên chọn (randomly) số bằng lái xe và số ghi danh đi bầu. Nghĩa là cả hai số tôi đều bị trúng? Phải chi số của tôi mà là sổ số có phải là đỡ không cơ chứ. Mà năm nào tới họ cũng nói vậy, cho nên tôi nghi ngờ cái vụ randomly này lắm, chẳng qua họ chọn từ năm nảo năm nao rồi cứ thế hàng năm dở cái hồ sơ cũ ra chọn thêm một mớ nữa chứ có phải năm nào cũng chọn tất cả số mới và đóng số cũ đi đâu, vì thế năm nào tôi cũng phải trình diện ròng rã mấy ...chục năm nay. Nói thế để tưởng mình cũng xưa như trái đất:-).
Thế là ngày thứ Sáu, tôi bon bon đi thẳng một lèo vào cửa Hall of Justice, cũng phải lôi hết chià khoá, cell phone, mắt kiếng bỏ vào cái khay, đẩy tất cả qua cái màn radar dò tìm xem có ai mang bom vào toà không? Vào tới nơi giao nộp cái thẻ mà họ gọi mình đi làm công việc jury này. Tôi quên kể bình thường toà gửi cho mình tờ báo phải trình diện từ hơn một tháng trước đó, để mình chuẩn bị tinh thần, thông báo với sở xin nghỉ, hoãn lại các cuộc nghỉ hè vào dịp đó. Họ cho biết tuần lễ phải có mặt. Công sở thường sẽ trả lương cho mình những ngày mình phải đi làm cho toà, bình thường họ trả 5 ngày, hãng tôi trả cho 20 ngày, và cũng có hãng nhỏ quá không đủ khả năng thì mình vẫn phải đi làm cho toà mà không ăn lương. Toà chỉ trả cho mình ngày 15 đô nhưng không trả ngày đầu tiên và tiền xăng thì 34 cent cho mỗi mile, nhưng chỉ trả một chiều đi, về thì tự mình móc túi ra trả. Đến tuần mình bị gọi thì mỗi chiều về mình sẽ phải gọi vào toà xem số mình có bị gọi ngày hôm sau chưa, nếu chưa thì lại gọi tiếp ngày hôm sau, nếu cả tuần không thấy số của nhóm mình thì coi như xong nhiệm vụ, nghĩa là không bước chân tới toà, cũng đã hoàn thành sứ mạng công dân. Tuy nhiên lần này tôi sợ sẽ bị trở ngại bị gọi giữa tuần vì con số của tôi rất nhỏ, phần trăm bị gọi là rất cao. Cho nên khi phải gửi lại tờ giấy báo cho toà mình đủ điều kiện để đi hầu toà, nghĩa là trong tờ giấy triệu tập ấy vẫn có các điều khoản trả lời cho họ biết là họ có nhầm lẫn khi gọi mình hay không? Thí dụ bạn có phải là công dân không? Nếu là thường trú nhân thì xin miễn khỏi đi. Nếu bạn là người tàn tật, già cả thì cũng được miễn, ngày xưa còn có mục nếu không nói được tiếng Anh hay gặp khó khăn vì hoàn cảnh con thơ mẹ già chi đó thì cũng được miễn, nhưng bây giờ mấy cái mục "hardship" này phải đến tận toà nói cho ông thẩm phán, ổng xét có lọt tai ổng thì mới được ra về. Chứ bạn lại ghi bạn không biết tiếng Anh mà lại trở thành công dân thì không thuyết phục cho lắm, cho nên phải đợi ông toà nghe mình ú ớ thì mới được miễn. Trở lại chuyện phải trả lời, tôi ghi vào đó tôi hứa sẽ trình diện vào ngày thứ Sáu, với hy vọng là không bị ngồi lâu thì tôi dông thẳng xuống Sàigòn Nhỏ luôn.
Sau khi đã yên vị lấy thẻ có hàng chữ "Juror" cài vào ngực, rồi ngồi chờ họ gọi tên. Bà thư ký bảo may mắn hôm nay thứ Sáu chỉ có 70 cuộc kiện cáo chứ bình thường thì trên 200, do đó bà hy vọng sẽ cho chúng tôi về sớm nếu các thẩm phán, các luật sư chọn đủ bồi thẩm đoàn. Tôi nhìn vào list, tò mò xem có ai Việt giống mình không? Tôi không thấy tên ai Á Châu nhưng có cùng một người cùng họ với tôi, một cái họ rất ít thấy (ấy vậy mà lại là cái họ có nhiều người giàu nhất ở VN hiện nay, thấy người ta sang bắt quàng một tí:-), thế là hai tên VN, ở thành phố mà cả năm tôi không thấy bóng người Việt nào.
Một vị thầm phán lớn tuổi, ông ra chào đón cả phòng trên hai trăm người, kể về lịch sử của nền tư pháp Hoa Kỳ và nhắc nhở nhiệm vụ cao cả của chúng tôi là làm bồi thẩm viên cho mỗi một cuộc xử án, nghe ông nói tôi nghĩ bụng, đây mới là toà án nhân dân, vì đúng ra sự quyết định về có tội hay không có tội là do chúng tôi là những "juror" kết luận, vị thẩm phán chỉ dựa vào cáo buộc và kết luận của juror để chiếu theo luật mà xử phạt, không như ở nước CHXHCN Việt Nam, nghe đâu các cuộc xử do toà án nhân dân xử nhưng chả có nhân dân nào được hỏi ý kiến, mà chỉ là cáo buộc và kết luận cũng của mấy ông toà với nhau và xử cũng rất nhanh chóng. Rất là khác với xứ sở tôi đang sinh sống tuy chẳng có cái tên gọi "thân thương" là toà án nhân dân gì cả.
Tên tôi lọt vào sổ gọi cho nhóm đầu tiên, lòng mở cờ ôi vậy là mình vào mà ông toà không nhận thì mình sẽ được về sớm, còn hơn ngồi đây chờ tới chiều. Một nhóm 60 người chúng tôi kéo nhau lên lầu vào một phòng của toà án, nghĩa là trên lầu có rất nhiều phòng cho mỗi một cuộc xử (trial). Bước vào ngay trong toà là sự hiện diện của một anh chàng cảnh sát trẻ trung cao ráo, nhìn qua cái áo tôi cũng thấy rõ mảnh áo giáp anh ta phải mang trong người. Hai ông luật sư còn trẻ tuổi có lẽ trên dưới 30, một là luật sư biện hộ cho bị cáo đứng cạnh một cô gái là bị cáo, họ đứng về một phía và bên kia là ông luật sư đứng cạnh ông luật sư tập sự phụ tá của ông ta. Nhìn mấy ông luật sư trẻ tôi đâm ra lo ngại, không khéo dính với vụ xử này, cù cưa mãi vì mấy ông "thiếu kinh nghiệm" thì mệt đa. Cô thư ký ngồi phiá phải của ông thẩm phán. Anh chàng cảnh sát giới thiệu mọi người xong, căn dặn chúng tôi phải đứng lên khi anh ta mời ông thẩm phán từ sau cánh cửa bước ra, anh ta dặn cần gì thì nói cho anh ta biết không nên tiếp xúc với ai ngoài anh ta.
Khi ông thẩm phán bước ra, mọi người đứng dậy chào, không khí trang trọng và cô thư ký kêu chúng tôi dơ tay phải lên để tuyên thệ những gì chúng tôi khai báo là đúng sự thực. Ông thẩm phán bắt đầu giới thiệu ông ta học trường trung học của thành phố, học đại học ở Los, ra trường hơn 11 năm và ngồi toà được hơn hai năm, ông nói do quí vị bầu ông vào vị trí này, tôi mới biết là cử tri bầu ông chứ không phải ông xin việc hay tự chọn nhiệm sở như xứ khác. Ông kể những câu chuyện liên quan đến vấn để chọn bồi thẩm viên, ông nói có khi phải chọn mấy ngày mới có đủ số 12 người. Tôi đã đi làm juror một lần cho một vụ xử kéo dài một tuần lễ, lần này là lần thứ hai bị gọi vào tới đây, vậy mà tôi cũng không rõ là phải khó khăn lắm mới chọn được, kiểu chọn mặt gửi vàng của các vị luật sư. Trước hết vị thẩm phán hỏi những ai có khó khăn gì thì cho ông biết. Một số thanh niên trẻ, họ nói họ có kỳ thi nên không thể tham dự, người thì có kinh doanh riêng nếu nghỉ thì nhân viên của họ cũng phải nghỉ việc và họ không đủ tiền trả cho nhân viên, như một ông bác sĩ nói nếu ông phải nghỉ ba ngày cho vụ xử này thì 11 người làm việc cho ông phải nghỉ luôn. Dĩ nhiên ông toà chỉ cho tối đa 20 người ca cẩm khó khăn, sau đó ông xét cho ai ca 'hay nhất' thì ông cho trở lại ngồi dưới chờ cho được về hay bị gọi vào toà khác. Ông cũng căn dặn tuyệt đối chúng tôi không được bước đến gần bục ngăn toà thẩm phán của ông và không được tiếp xúc các luật sư, tưởng tượng có lằn ranh ở đó và chúng tôi chỉ được nói chuyện với người cảnh sát nếu cần thiết.
Sau đó thì ông nhờ cô thư ký gọi 18 người đầu tiên lên ngồi vào ghế của bồi thẩm đoàn. Có cái bảng treo sẵn đó với những câu hỏi mỗi người phải lần lượt trả lời cho ông và các luật sư nghe để họ có thể chọn lưạ ai họ có thể là bồi thẩm viên thích hợp cho vụ xử của họ. Dĩ nhiên người bị cáo cũng hiện diện để nhận xét người nào khách quan cho vụ án của chính họ. Tên tôi lại bị gọi nhóm đầu tiên vào ngồi để được phỏng vấn, đấy là chặng đường cuối xem mình có phải đi hầu toà mỗi ngày hay không? Đầu tôi cứ suy nghĩ làm sao trả lời để nhanh chóng ra khỏi đây, thật ra làm công việc juror cũng khá thú vị, là một kinh nghiệm quí báu cho ai muốn tìm hiểu trình tự tư pháp của xứ mình, dĩ nhiên ngày nay bao nhiêu vụ xử được lên TV, bạn có thể ngồi nhà xem, nhưng đó chỉ là TV, mọi việc xảy ra nhanh chóng trước mắt bạn, không thể nào bạn thấy được sự sắp xếp kỹ càng khi toà chọn bồi thẩm đoàn mất thì giờ, tốn bao công sức tài chánh như thế nào dù cho đó một vụ án đơn giản mà mục đích là bảo vệ sự công bằng cho người bị cáo khi chưa chứng minh được bằng chứng có tội. Ông cũng không quên kể những câu chuyện khôi hài để giảm bớt tính căng thẳng của một toà án.
Những câu hỏi bạn có quen biết ai làm về luật pháp, tư pháp, hành pháp, thí dụ như luật sư, cảnh sát hay không? Họ có làm ảnh hưởng đến quyết định của bạn không? Bạn phải tuyệt đối không được tiết lộ chi tiết vể vụ án cho đến khi kết thúc, dĩ nhiên xong thì thiên hạ vẫn về viết sách nếu đó là vụ án nổi tiếng cỡ như O.J Simpson, anh chàng cầu thủ bị cáo buộc giết vợ hai mươi năm trước. Những câu hỏi về nghề nghiệp, con cái, độc thân hay có gia đình, chồng hay vợ làm gì đều phải khai ra ngay trong toà, ngay cả tự mô tả chính mình bằng hai chữ. Đại khái nghe một loạt tiểu sử ngắn gọn của mọi người xong là tôi quên hết ráó. Đến phiên tôi, khi ông toà hỏi tôi có lấn cấn gì các câu hỏi ông đưa ra. Nhìn 8 câu hỏi ông đưa ra, tôi ngồi tìm một câu cho nó tơ lơ mơ rất ba phải, trong khi chờ đợi thiên hạ kê khai tiểu sử, à ở đây chỉ nói thôi, chứ không phải ngồi viết bản tự khai như ở xứ nào đâu nhé. Tôi nói với ông toà, dạ tôi có, rất khó cho tôi quyết định chuyện gì nếu không chứng minh rõ ràng. Ông nói ok, ông sẽ cho luật sư nói chuyện với tôi.
Sau khi ông toà hỏi hết tất cả vào lúc khoảng 10 giờ, ông cho chúng tôi nghỉ trưa để ông chạy xử một vụ khác, và dặn chúng tôi trở lại vào buổi chiều và tuyệt đối không được bàn luận với ai, kể cả cũng không được nói chuyện chào hỏi gì các luật sư. Ông nói làm như thế sẽ rất khó cho các luật sư làm nhiệm vụ khách quan của họ.
Tôi chạy vội về nhà ăn vội khúc bánh mì mang theo tưởng đâu sẽ phải lang thang ở toà để ăn. Sau đó lại chạy tới toà vào buổi chiều
Tôi chạy vội về nhà ăn vội khúc bánh mì mang theo tưởng đâu sẽ phải lang thang ở toà để ăn. Sau đó lại chạy tới toà vào buổi chiều
Lúc này tới phiên ông luật sư biện hộ (Defense Attorney) ra phỏng vấn, ông ta không phải phỏng vấn tất cả mà chỉ nhắm một vài người mà ông ta chú ý khi trả lời ông thẩm phán, đa số có vẻ thích hợp cho vụ án, họ tự cho là dù họ có thân nhân là luật sư hay cảnh sát, họ cũng khách quan và không bị ảnh hưởng, tuy nhiên cũng có người như một cô gái, cô có vẻ cứng đầu, từ lúc ông toà hỏi cô đã có những câu trả lời thẳng thừng là cô sẽ bảo vệ ý kiến của cô chứ không bị áp lực của cả một nhóm người nếu cuộc thảo luận luận tội quá dài và mọi người dù có mệt mỏi cô cũng sẽ buộc phải trở lại để lắng nghe ý kiến của cô, hay có anh chàng ngồi cạnh tôi thì bảo anh ta khó có thể kết luận vụ án nếu đó là xử dụng ma tuý, nghĩa là anh ta đã có thành kiến rồi. Đến người đàn bà lớn tuổi cho biết chồng bà là luật sư, bà khẳng định chồng bà chả có ảnh hưởng gì tới ý kiến của bà. Xem ra bà rất có nhiều khả năng "điều khiển" chồng dù ông là luật sư đã về hưu. Hoá ra mấy ông luật sư này chỉ trong vòng hơn một tiếng buổi sáng, họ biết rõ tên tuổi và nhớ chúng tôi đã nói gì với vị thẩm phán. Cho nên khi tới phiên tôi thì ông luật sư hỏi lúc sáng tôi nói khó cho tôi quyết định nên nếu ông có thể chứng minh là bị cáo là không có tội "beyond a reasonable doubt" thì tôi có thể theo nghe ông thẩm phán chiếu theo luật để đồng ý là "not guilty" không, tôi trả lời ngon ơ... Yes, mà trong lòng tơ lơ mơ nghĩ beyond a reasonable doubt là cái quái gì, đã nghi ngờ thì làm sao mà yes hay no hở trời. Xong!
Tới phiên ông luật sư công tố (prosecutor) phỏng vấn chúng tôi, dĩ nhiên ông cũng chọn những người mà ông nghi ngờ là bất lợi cho việc cáo buộc của ông ta. Đến phiên tôi, ông cũng hỏi tại sao khó quyết định, tôi nói vì công việc của tôi là nghiên cứu nên nếu không chứng minh được cái gì rõ ràng thì tôi phải làm đi làm lại chứ không thể quyết định được, ông hỏi vậy bà sẽ buộc tôi có "highest standard" phải không? Dĩ nhiên, tôi nghĩ bụng chả lẽ cáo buộc người ta mà lại không có chuẩn mức cao nhất sao được. Ấy vậy mà khi ông hỏi vậy nếu tôi chứng minh bị cáo có tội "beyond a reasonable doubt" thì bà có cho là có tội không? Ơ hơ, lại cũng câu hỏi đó, lúc nãy tôi nói yes, một đàng là không tội, chả lẽ bây giờ cũng yes luôn cho có tội, cho nên tôi trả lời rất ư là vớ vẩn "I'm not sure". Kiểu này là tôi sẽ được mời về nhà nghỉ cuối tuần rồi đi làm lại khỏi tới hầu toà nữa.
Y như rằng, sau khi các luật sư phỏng vấn, ông thẩm phán ra lệnh cho chúng tôi nói chuyện với nhau, à cái vụ này là ông muốn cho toà ồn lên để không nghe hai ông luật sư đang thầm thì với ông thẩm phán. Thế là cả toà ồn lên như cái chợ. Khi họ quay trở lại thì mọi người im lặng ngay lập tức.
Ông thẩm phán bắt đầu gọi tên 4 người chúng tôi, trong đó có tôi, được ra về xuống dưới ngồi đợi. Xem như chúng tôi không được luật sư chọn lựa cho vụ xử của họ, chúng tôi là những người không có lợi hay có lợi cho bị cáo mà cả hai luật sư công tố và biện hộ đều không thể chọn. Như thế số người còn lại đủ để chọn ra 12 người làm bồi thẩm viên cho vụ án, số dư sẽ là dự bị trường hợp nếu có một bồi thẩm viên ngủ gục ở toà chẳng hạn. Những người ngồi dưới sẽ trở xuống chờ cho được gọi vào toà khác, hoặc không còn vụ nào thì họ cũng coi như đã làm xong nhiệm vụ "serve jury duty" cho 12 tháng. Riêng tôi cùng ba người khác xuống dưới báo cho cô thư ký, cô bảo ngồi chờ, cô phát cho chúng tôi tờ giấy để về chứng minh cho boss là đã nghỉ đi làm nhiệm vụ công dân.
Đến đây chắc người đọc đã hình dung được trình tự khá nhiêu khê để chọn một bồi thẩm đoàn mất hết ít nhất là một ngày cho dù vụ án chỉ kéo dài chừng 3 ngày. Nói chi đến những vụ án lớn thì công việc chọn lựa sẽ tốn nhiều thời gian hơn, có khi mất vài ngày cũng không chọn được đủ số bồi thẩm viên những người mà theo các luật sư là sẽ có quyết định khách quan cho vụ án của họ.
Trở lại làm việc ngày thứ Hai, mấy ông boss hỏi tôi trả lời làm sao, tôi nói "I'm not sure", ông cười và nói "Lucky you", bởi vì sáng hôm đó tôi đang sửa soạn vào toà thì ông gọi hỏi tôi có vào computer được và upload dùm ông cái file vì ông đang ở đâu đó chứ không ở sở, hmm ông này cũng hay chuồn ngày thứ Sáu, tôi nói "I can't " ông còn hỏi lại "you can or you can't" , ui tiếng Anh tôi hay thế đấy, tôi phải giải thích tôi đang ở toà mà, ông chúc "good luck" và hôm nay tôi ra khỏi toà thì ông nói lucky, thế có hay không? Ông boss khác thì email khi ông đang đi vacation "lucky, lucky", bởi vì ông mong tôi ở nhà cáng đáng mấy cái vụ computer, server vớ vẩn, nên tôi cũng chả hiểu ông nói ông lucky hay tôi lucky nữa, nhưng nghĩ lại ở đây cái gì làm gì thì cũng đúng là lucky, cho tôi, cho bị cáo và luật sư không gặp "người ầu ơ dí dầu" như tôi, chứ ở xứ khác ra toà thì chả có nhân dân, hoặc nếu có thì thứ nhân dân "ném đá" buộc tội người khác khi chưa có bằng chứng cụ thể, họ chỉ làm theo chỉ đạo của ai đó. Âu cũng là niềm vui có ngày nghỉ đi làm "jury duty", lại chờ hơn năm nữa lại khăn gói vào ... hầu toà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét