GN: Xin phép post lại bài này bởi vì qúi những tấm hình mấy chị nữ sinh miền Nam thời xưa. Phải công nhận con gái thời nay đẹp hơn con gái thời xưa, có nét "Tây Phương" nhiều hơn, có lẽ cha mẹ họ nhìn thấy Tây Mỹ nhiều hơn chăng? Nhưng những người con gái thời xưa (trước 75) có dáng vẻ thuỳ mị nết na kín đáo hơn, phải không? (hổng biết có ai đồng ý với mình không nữa)
Chuyện người Bắc vô Nam
Hiệu Minh Blog
Bài của bạn đọc TC. Bình.
Chấp hành kỷ luật của anh Xôi Thịt và Tổng Cua, TC. Bình viết entry
này, kể về những chuyện vui buồn của một “anh Bắc kỳ” đã, đang và sẽ
sống ở miền Nam.
Mình sinh ra và lớn lên ở một vùng mà hầu như 100% là dân từ đồng
bằng Bắc bộ di cư năm 1954 vào Nam. Vì thế, khi còn nhỏ,Việt Nam đối với
mình coi như chỉ có toàn người Bắc. Tiếng nói thì đương nhiên là tiếng
Bắc, nhưng vẫn khác nhau giữa các xứ đạo vì mỗi xứ là một địa phương
khác nhau ở miền Bắc vào.
Xứ mình lúc đó gọi mẹ là Bu, bố là Thầy, lại không phát âm được dấu
ngã, cứ là dấu hỏi tuốt luốt. Bọn trẻ xứ khác có dịp là chọc ghẹo: “Thầy
bu mày hôm qua ăn thịt mở, uống nước lả, bị thổ tả, chết cả lủ phải
không”.
Bọn mình tức lắm và sẽ tìm cách chọc lại, tỉ như nói: “Con tâu tắng
buộc bụi te bụi túc, cái bụng ló ăn lo ló tòn tùng tục như cái tống
teo”. Hoặc là trễ môi ra nhại: “Mẹ…ẹ có nhà không giai..i? – Mẹ…ẹ ơi
mẹ…ẹ, xe be…e nó đè…è em bé…é”. Sau này lớp trẻ lớn lên thấy quê mùa
nên sửa, bây giờ chả thấy ai nói ngọng thế nữa.
Tội nhất là mấy bà nơi khác về làm dâu trong xứ, bọn trẻ như mình
nhiều phen được những trận no cười. Bác gái mình là dân Kim Sơn, cứ lẫn
lộn giữa l và n. Một lần đến chơi bác sai lấy cái nồi, mình tìm không
thấy mới hỏi bác trai. Tai quái, mình cứ nheo nhéo “Bác có thấy cái lồi
đâu không”. Bác trai chắc đang cáu chuyện gì, chạy đến cầm cái nồi quẳng
ra sân miệng thét vang: “Lồi, lồi. Lồi cái lồi mẹ nó…”. Mình hết hồn co
cẳng chạy mất.
Quần áo thì chả có gì khác, trừ cái khăn rằn quấn cổ, cái áo bà ba
của mấy bà, mấy cô người Nam, nhưng thức ăn nhiều chuyện cũng buồn cười.
Chị gái mình không biết đi đâu thấy người Nam ăn mướp đắng (khổ qua)
nhồi thịt. Tưởng bở, chị về hái mướp đắng dại, cũng nhồi thịt. Đắng quá
chả ai ăn được, bố mình tế cho một trận.
Có lần anh trai mình đi lính về phép mua về mấy trái sầu riêng. Minh
đi học về thấy, cứ nghĩ bụng: “Quái lạ, sao có giống mít gai to và mùi
thối thế”. Lúc khui ra ai cũng chê thối, anh mình “được” ăn một mình,
phải bây giờ thì không đủ chia.
Về món chao thì hồi đó ở quê chả ai biết ăn. Mình nhớ mãi có lần nằm ở
BV Biên Hòa, tên chính thức là BV Phạm Hữu Chí, mình ngửi thấy mùi gì
thối quá. Tìm mãi mới phát giác ra anh chàng nằm kế ăn chao, lại là loại
chao dú. Loại này nặng mùi hơn, mình chưa ăn, nhưng loại chao đựng
trong lọ thủy tinh thì mình rất thích. Sau này đi học xa mình mày mò hỏi
mãi mới có thằng bạn, có mẹ là người Tầu, chỉ cách làm. Bây giờ nhiều
người Bắc ăn chao như hạm, còn ghiền là khác.
Ấn tượng sâu đậm nhất về người Nam của mình là qua một… nhỏ con gái.
Hồi đó, vào khoảng năm 73. Nghỉ hè, mình lên Biên Hòa coi cháu cho
chị gái có chồng là lính không quân. Nhà chị ở ngay gần Ngã 3 Vườn Mít,
chung quanh hàng xóm toàn là người Nam. Biên Hòa là thành phố lớn, mình
lúc đó 15 tuổi, học giỏi, lanh lợi nhưng so với dân thành phố thì vẫn
quê một cục. Mấy bác lớn tuổi có đôi khi gọi mình là Bắc kỳ con. Mình
không giận vì biết họ nói chơi thôi, không ác ý.
Có mấy con nhỏ hàng xóm, thua mình vài tuổi nhưng lí lắc kinh người.
Đứa cháu gọi mình là cậu, mấy đứa cũng tự nhiên gọi mình là cậu, cậu
Mười, theo thứ trong nhà. Thật tự nhiên, có một con nhỏ nói tỉnh bơ:
“Cậu Mười đẹp trai quá ời… ơi”. Cũng nhỏ đó, lần nữa là: “Cậu Mười dễ
thương quá ời… ơi”. Phải nghe đúng người Nam nói những câu đó mới cảm
được nó…như thế nào.
Các bác tưởng tượng dùm, thằng con trai mới lớn như mình nghe mấy câu
nói ngọt lịm sườn cỡ đó từ miệng một con nhỏ thật dễ thương thì sẽ đi
đâu về đâu ? Dám bảo đảm với các bác, không một cô bé người Bắc nào dám
khen một thằng nhóc thẳng tuột, tự nhiên như vậy. Sau này, dù đã nghe
nhiều câu nói còn hay ho hơn của nhiều quý cô quý bà Nam-Trung-Bắc, mình
cũng chưa bao giờ… muốn chết như lần đó.
Khi đã quen nhiều, bọn nó còn đưa tiếng Bắc của mình ra chọc ghẹo. Có
lần mình hỏi xin cái nịt, bọn nó cười ầm lên. Cái nịt, cái dây nịt, với
người Nam là sợi dây thắt lưng, còn cái mình cần người ta gọi là cọng
thun hay sợi thun. Còn có nhiều dịp mình bị quê xệ kiểu đó.
Ở kế nhà chị mình có ông giáo tiểu học, là ba của con bé khen mình kể
trên. Cứ chiều dạy học xong về đến nhà là ông ta ói vì say quá. Còn ông
già đánh xe ngựa đối diện thì chiều nào cũng kêu gọi chiến hữu đến nhậu
say bét nhè, thường xuyên đái cả ra quần. Mình thấy lạ quá, mấy bà vợ
và mấy cô con gái chả nói gì, cứ vui vẻ lau dọn, thay quần, vui vẻ như
không. Hàng xóm cũng cho đó là chuyện thường, chả chê cười dè bỉu gì
cả. Nói trộm, gặp mấy bà đồng hương của mình chắc sẽ cho ăn…đủ thứ.
Giờ đây, sau mấy mươi năm sống gần với người Nam, mình nhiễm cách
sống của họ lúc nào không biết. Mình quý nhất là tính xuề xòa, chân
tình, có sao nói vậy không câu nệ màu mè. Chỉ riêng tiếng nói thì mình
vẫn giữ cách phát âm của người Bắc vì nó chuẩn nhưng vẫn thấy chưa hài
lòng vì nghe rạch ròi quá, kém gợi cảm như tiếng Nam. Con mình thì 3 đứa
đầu còn nói tiếng Bắc, đứa út vì hồi nhỏ đi nhà trẻ nên bó tay. Nghe
tiếng nói, chả ai dám bảo nó là người Bắc. May là nó giống hệt mình,
không thì…
Thỉnh thoảng đi ăn cháo lòng, mình cứ hô dõng dạc: “Cho một tô cháo Bắc kỳ”. Bà bán cháo biết ý, múc cháo thật đặc.
Rõ là cái tính ăn chắc mặc bền của người Bắc đến chết mình vẫn chưa
bỏ được. Kể đến đây thì tịt. Thôi, hẹn các bác lần sau, nhớ thêm sẽ viết
tiếp.
Chúc bà con vui cuối tuần.
TC. Bình. Sài Gòn. 24-03-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét