Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Steve Jobs, người sáng lập Apple đã qua đời

“Apple đã mất đi một người có đầu óc sáng tạo và tầm nhìn vĩ đại, thế giới đã mất đi một con người tuyệt vời”, thông báo về cái chết của ông Steve Jobs được đăng trang trọng trên website của Apple.
 

Theo các nguồn tin từ Apple, ông Steve Jobs – Chủ tịch kiêm đồng sáng lập và là cựu Tổng giám đốc của hãng đã từ trần hôm thứ Tư (5/10 theo giờ Mỹ), hưởng thọ 56 tuổi.
Một thông báo khác từ phía gia đình ông Steve Jobs cho biết thêm rằng “ông đã ra đi một cách yên bình trong vòng tay của người thân trong gia đình”.
Cả Apple và gia đình ông Steve Jobs đều không cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Steve Jobs đồng thời lên tiếng kêu gọi giới truyền thông và mọi người “hãy tôn trọng sự riêng tư của gia đình ông”. Cách đây vài năm, Steve Jobs bị phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tụy đồng thời cũng đã từng phải ghép gan… cùng với một số đợt điều trị bí mật.

Hồi tháng 8/2011, Steve Jobs chính thức rời khỏi chức vụ Tổng giám đốc Apple và bổ nhiệm giám đốc điều hành Tim Cook thay thế vị trí của mình.
Sinh ngày 24 tháng 2 năm 1955, Steve Jobs lớn lên ở Cupertino, California. Tên tuổi ông gắn liền với các thương hiệu cầm tay iPod, iPhone và máy tính bảng iPad trong những năm gần đây. Ông cũng là người đồng sáng lập ra Apple.
Chọn lựa sự đơn giản
Đối với Jobs, đơn giản chính là sự tinh tế. Để tạo ra những sản phẩm với sự nổi bật của những công cụ cần thiết nhất, ông thường nói “không” đối với những tính năng mang tính “trang trí”. Và điều này được thể hiện rõ ràng trong tất cả sản phẩm của Apple.
Luôn học hỏi với cái tâm của người bắt đầu
Jobs rất tâm đắc với một cụm từ của Phật giáo “Beginner’s mind”, tức là hãy học hỏi với cái tâm thuần khiết của người mới bắt đầu, luôn khao khát tìm tòi những điều mới. Bạn cũng nên tiếp cận mọi thứ với tinh thần cởi mở và trải nghiệm chúng như lần đầu.
Kỳ vọng vào sự thể hiện xuất sắc
Apple trải qua 35 năm tuổi đời đã trở thành một trong những công ty lớn và quyền lực nhất thế giới với hơn 50.000 nhân viên, doanh số bán hàng hàng năm đạt 100 tỉ USD, tăng trưởng 60 %/ năm và mỗi năm lại cho ra đời những sản phẩm “hit” trên toàn cầu. Sở  dĩ công ty có thể đạt được như vậy là do Jobs luôn kỳ vọng và chỉ chấp nhận sự hoàn hảo. Và trong sự nghiệp, bạn cũng nên làm như vậy, luôn hi vọng và cố gắng thể hiện sự xuất sắc của bản thân.
Chú trọng tuyển chọn và nuôi dưỡng nhân tài
Tại Apple có một tổ chức cấp cao gọi là “top 100″, là một nhóm những nhà lãnh đạo chiến lược của công ty. Nhóm này thường xuyên kết nạp những nhân viên cấp dưới có kỹ năng tốt và đưa ra những ý tưởng hay. Hành động này chứng tỏ Apple rất chú trọng tới việc nuôi dưỡng và đãi ngộ nhân tài. Nếu là người lãnh đạo, bạn có thể tham khảo cách làm này của Apple.
Tin tưởng và kiên trì với những dự án tưởng chừng như “không tưởng”
Với 10 triệu USD, Jobs đã mua lại công ty đồ họa của George Lucas khi lĩnh vực này còn rất mới mẻ, sau đổi tên thành Pixar. Năm 2006, ông bán Pixar cho Tập đoàn Walt Disney bằng bản hợp đồng giá trị 7,4 tỉ USD và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Disney với 7% cổ phiếu, tương đương 3 tỉ USD. Đây có thể được coi là khoản đầu tư sinh lời nhất trong đời của vị cựu CEO của Apple.
Câu chuyện của Jobs cho thấy dù những người khác không nhận thấy tiềm năng của một dự án nhưng bạn có thể và tin tưởng, kiên trì theo đuổi nó, bạn sẽ đạt được thành công.
Không lo sợ sự khác biệt
Chuỗi cửa hàng bán lẻ của Apple chính là một minh họa cho điều này. Các cổ đông đã từng cho rằng chúng là một sự rủi ro lớn đối với công ty nhưng Jobs lại nhìn nhận theo cách khác. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới những khác biệt đó trong việc chinh phục thành công. “Đi đầu trong đổi mới chính là điểm phân biệt giữa một người lãnh đạo và người theo sau”, Jobs nói.
Vì vậy, bạn không nên e dè khi những ý tưởng, hành động của mình khác biệt so với người khác, chỉ cần bạn chứng tỏ được rằng sự khác biệt đó chính là chìa khoá thành công của bạn.
Yêu thích công việc
Jobs nói: “Cách duy nhất để làm nên những việc vĩ đại là yêu thích và đam mê điều bạn muốn làm. Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy công việc mà mình thực sự muốn theo đuổi, hãy tiếp tục tìm kiếm. Bằng trái tim, bạn sẽ nhận ra khi tìm thấy nó”. Hãy nhớ, nếu không có tình cảm với công việc, bạn sẽ không thể tạo ra sự đổi mới.

1 nhận xét:

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog