Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Món nợ ân tình

Tháng trước lang thang ra chợ ở Quận Cam tính về gõ cái blog, mắc cở về cái tội "tào lao" của mình, rồi bận không gõ được. Vì tôi vốn ít khi nào tào lao buôn chuyện với ai, nhất là người lạ thì tuyệt nhiên không bao giờ. Hôm nay đọc bài báo về ngày đại hội giúp thương binh VNCH tuần qua, tôi hỏi thăm mấy cô em ra sao, chẳng là tôi mua vé cho mấy cô em "đại diện" tôi đi dự mà.  Cô em bảo ngay chị vào Người Việt là thấy tụi em với ba đó và bác Ch.  Xem ra độ rày mấy cô em tôi lên báo NV hơi bị nhiều.  Cô huyên thuyên kể em dắt ba và bác ấy vào thấy một hàng ghế đầu tiên em hỏi ngay, hàng ghế đó dành cho ai, họ bảo dành cho VIP, cô em tôi nói ngay "thế mấy ông lính cũ có là VIP không?" May sao mấy người tổ chức hỏi ngay, đâu đâu ai đâu, vậy là họ cho ba tôi và bác Ch., hai ông lính cũ đi khập khiễng vào ngồi gần hàng đầu.  Cô kể bao nhiêu chuyện vui khi hai cô đi trông hai ông cụ ngồi suốt từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối.

Hôm nay đọc báo, tuy thời kinh tế khó khăn, người VN ở hải ngoại cũng vẫn nghĩ tới món nợ chưa trả/không trả hết được.  Cũng chỉ vì băn khoăn vậy, mà hôm ấy thấy người đàn ông mặc quần áo lính đứng ở chợ, tôi đứng lại chào vì chợt nhớ tới bài báo mình đã đọc Hoàng Sinh, người biểu tình đơn độc, một bài báo nói về sự hy sinh thời gian của vợ chồng ông, không quản ngại làm những công việc mà người khác có thể cho là tào lao, ăn cơm nhà vác ngà voi. 
Một điều mà tôi không bao giờ làm là bắt chuyện với người lạ, và cũng không bao giờ nói chuyện với mấy ông lính, chả hiểu sao từ bé thấy lính thì ngại, dù là con nhà lính.  Vậy mà hôm ấy tôi lại dám hỏi ông có phải là ông Hoàng Sinh.  Để sau đó nghe ông kể chuyện cuối tuần ông ra chợ đứng bán vé cho Hội.  Vì ở xa, tôi không có đi coì bao giờ, mà năm ngoái tôi cũng mua cả chục vé cho cả nhà em tôi đi xem, về than như bọng là nóng quá.  Cho nên năm nay tôi nói với ông, thôi tôi đưa tiền tôi không lấy vé, ông nói không được, ông không có xin tiền, ông làm việc cho Hội ái hữu, ông phải mang về bằng chứng là đã bán được vé.  Ông khoe năm nay ông bán được nhiều hơn năm ngoái.  Tôi cũng mừng dùm cho ông cho Hội ái hứu thương binh VNCH.  Không có những người như ông, như Hôi thì ai sẽ làm những công việc ấy? Về VN đi tới đâu cũng thấy nghiã trang liệt sĩ bộ đội, có nhìn những nghĩa trang như thế mới thấy hết được sự tổn thất của một cuộc chiến cuối thế kỷ trước, mới từ ở một phiá, phiá bên kia thì không thấy một nghĩa trang nào cả (làm cứ như phiá bên kia không có tổn thất nào cả), trừ nghĩa trang ở Thủ Đức thì cũng khó nhận ra. 
Cám ơn ông, tôi lơn tơn xách vé về cho gia đình, lòng nghĩ hôm nay dù sao chuyện tào lao của mình cũng không là vô ích, thế mà lúc ấy nghe ông nói hơi lâu làm tôi mắc cở, cứ mong đừng có gặp ai quen rồi họ lại ngạc nhiên nghĩ sao hôm nay nó "dở chứng" nói chuyện với ai ngoài đường thế kia, hú vía. 

Xem video ở đây (blogger chưa "kiểm duyệt")


Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 5, thu được hơn nửa triệu đô la

Món nợ ân tình chưa trả hết

Nguyên Huy ; Ðỗ Dzũng/Người Việt





Nhạc cảnh ‘Anh Vẫn Sống’, một trong các tiết mục của chương trình. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cho đến 7 giờ 30 tối, theo ban tổ chức thông báo, đã thu được $505,000 và vẫn tiếp tục nhận ủng hộ của đồng hương trong những ngày tới.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội H.O. Cứu Trợ TPB, Quả Phụ VNCH, trưởng ban tổ chức đại hội, cho biết đại hội năm nay thành công là nhờ đóng góp của nhiều người, kể cả một số ở tiểu bang khác và quốc gia khác.
Bà nói: “Năm nay rất thành công. Nhiều đồng hương ở đây, các tiểu bang và các quốc gia khác như Úc, Canada, Áo, Na Uy và Việt Nam đến tham dự. Thành ra, không khí rất nồng nhiệt, họ cho tiền rất nhiều.”
“Ngoài ra, nhờ có bán đấu giá tác phẩm của hai nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh và Hồ Ðăng, văn nghệ thì có kịch của Quang Minh-Hồng Ðào, nhạc thì có trình diễn hai bài ‘Ðáp Lời Sông Núi’ và 'Phải Lên Tiếng' của nhạc sĩ Trúc Hồ trong tình hình đất nước hiện nay, nên bà con rất hân hoan. Một số đóng góp tại chỗ, một số ở tiểu bang khác gọi điện thoại qua V247,” bà Hạnh Nhơn nói. “Ðồng hương mình dễ thương quá.”
Ông Linh Nguyễn, một thành viên ban tổ chức, cho rằng năm nay khá hơn là nhờ nhiều người mua vé đi xem.
Ông giải thích: “So với năm ngoái, nhiều người mua vé đi xem hơn, nên số tiền thu từ bán vé cũng nhiều hơn. Vả lại, vì đồng hương đến đông hơn nên cho tiền tại chỗ cũng nhiều hơn.”
Vào lúc khai mạc đúng 12 giờ trưa, số quan khách và đồng hương đã ngồi gần kín năm lều lớn trước sân khấu mà mỗi lều có kê hàng ngàn ghế ngồi.
Có thể nói đại nhạc hội này như một lễ hội của cộng đồng người Việt tại Nam California, cứ đến hẹn lại lên, hàng năm lại có. Giờ khai mạc đang diễn ra nhưng số người vẫn còn nườm nượp tới trước cổng vào.
Khắp chung quanh khu vực trường học không còn một chỗ đậu xe, lan rộng sang tận phía bên kia đường Westminster, đổ vào cuối con đường Bushard. Người đến tham dự thuộc mọi thành phần tuổi tác, đặc biệt là cựu quân nhân, cả thường phục và trong quân phục.
Ðại nhạc hội có ba phần chính, thứ nhất là các nghi thức khai mạc với lễ nghi quân cách thật trang trọng do các cựu quân nhân trong Liên Quân QLVNCH cử hành. Thứ đến là phần phát biểu của ban tổ chức và quan khách tham dự và sau đó là một chương trình ca vũ nhạc với gần 60 ca sĩ tên tuổi của Trung Tâm Asia và 12 MC duyên dáng rất quen biết trong cộng đồng.
Tất cả, theo MC Nam Lộc loan báo, “không một ai nhận lãnh một đồng xu cắc bạc nào khi đến giúp vui”.
Bà Hạnh Nhơn, đại diện ban tổ chức, gồm Hội H.O. Cứu trợ TPB & Quả Phụ, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, hai đài truyền hình SBTN và SET và Trung Tâm Asia, đọc diễn văn khai mạc đại nhạc hội.
Trong tâm tình tri ân mọi giới đồng bào, các cơ quan truyền thông tiếp tay với hội để “Chúng ta cùng nhau nhìn về một hướng đem lại cho anh em TPB và Quả Phụ VNCH một nụ cười tươi trong niềm hy vọng để vui sống.”
Bà Hạnh Nhơn đã nhắc đến cuộc sống vô vàn đau thương thống khổ của những người bạn TPB đồng ngũ trong QLVNCH. Ðó là món nợ ân tình chúng ta khó mà trả cho hết được.
Cũng như các đại nhạc hội kỳ trước, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh có mặt cùng ban tổ chức để nói lên tấm lòng của thế hệ trẻ hải ngoại rằng “Chúng ta đến đây không chỉ để mua vui mà là để vinh danh người lính VNCH đã hy sinh cho đất nước và dân tộc, cụ thể là những thương phế binh VNCH.”
Ba tôi và hai cô em đeo kiếng :-)
Gần cả chục ngàn đồng hương người Việt ở Nam California đã lần lượt tới tham dự Đại Nhạc Hội trong suốt một ngày. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Bà đọc lại một số những nhận định của các giới chức quân sự và dân sự Hoa Kỳ có liên quan đến cuộc chiến Việt Nam. Tất cả đều có chung một nhận định là sự hy sinh của QLVNCH trong cuộc chiến Việt Nam rất cao và tinh thần chiến đấu của họ rất đáng ca ngợi. Ðại Tá Lương Xuân Việt, quân nhân Mỹ gốc Việt, trong dịp này cũng phát biểu: “Ðây là lần đầu tiên tôi được đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt. Có sống đời lính mới hiểu được tình lính. Xin được đóng góp nhỏ nhoi đến người TPB/VNCH.”
Ðóng góp nhỏ nhoi đó của Ðại Tá Việt là chi phiếu $500.
Cũng trong dịp này, nhiều đại diện tôn giáo và hội đoàn trong cộng đồng người Việt ở Nam California bầy tỏ tấm lòng với TPB/VNCH mà người dân Việt hải ngoại đã coi đó là những người mà chúng ta phải trả một món nợ ân tình không bao giờ hết được.
Ban tổ chức hy vọng Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 5 thu được ít nhất trên nửa triệu đô la, cho dù kinh tế Hoa Kỳ đang có nguy cơ suy trầm lần nữa.


Trung tá Hạnh Nhơn, Trưởng Ban Tổ Chức và Chủ tịch ‘Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh; Quả Phụ VNCH’, người có công rất lớn trong việc tổ chức các đại nhạc hội và giúp đỡ các  thương phế binh, cô nhi quả phụ VNCH ở Việt Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðã từ năm năm nay, Hội H.O. Cứu Trợ TPB & Quả Phụ VNCH, được sự tiếp tay của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, đài truyền hình SBTN và Trung Tâm Asia, công việc cứu trợ TPB còn ở trong nước đã vượt được giới hạn vài ba chục ngàn đô la do hội “đơn thương độc mã” làm trong suốt gần 20 năm trước đó.
Có năm, số tiền thu được lên hơn $1 triệu. Ðiều đó minh chứng rõ rệt tình của lính VNCH là một thứ tình có thật không chỉ trong lời ca tiếng hát. Ðiều đó cũng chứng minh rằng cộng đồng người Việt tị nạn ở khắp nơi hết lòng tri ân trả nghĩa đến TPB/VNCH, những người đã hy sinh cho người dân được yên ấm ở hậu phương.
Mỗi năm một lần, đây là dịp nghĩ đến ân nghĩa với người thương phế binh VNCH. Sự hy sinh và mất mát của họ không có gì bù đắp nổi, nhất là sau 30 Tháng Tư, 1975. Họ bị nhà cầm quyền Cộng Sản gạt ra khỏi xã hội.
Ngày nào chế độ Cộng Sản còn cai trị đất nước, ngày đó thương phế binh VNCH, nếu còn sống, vẫn còn phải chịu một cuộc sống khó khăn, không có một hy vọng nhỏ nhoi nào cho bản thân mình cũng như con em họ. Nên sự cứu trợ hàng năm qua Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh sẽ là những bàn tay nâng đỡ an ủi nhau để từ đó thương phế binh VNCH bớt được nỗi đau buồn tủi, mất mát, mà họ đã gánh chịu thay mọi người trong cuộc chiến.
Bà Hạnh Nhơn cho biết, trong những ngày tới, đồng hương có thể tiếp tục đóng góp bằng cách liên lạc hai số điện thoại (714) 539-3545 và (714) 721-0758. Nếu gởi chi phiếu, xin đề “ÐNH Cám Ơn Anh kỳ 5” trong phần memo và gởi về Hội HO Cứu Trợ TPB & Quả Phụ VNCH, PO Box 25554, Santa Ana, CA 92799.

GARDEN GROVE (NV) - Hàng ngàn đồng hương người Việt miền Nam California đã lần lượt tới tham dự Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ 5 trong suốt ngày Chủ Nhật tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande, Garden Grove và ủng hộ mạnh mẽ cũng như một ghi nhận một món nợ ân tình chưa trả hết cho thương phế binh VNCH tại quê nhà.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog