Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Những ngày 35 năm xưa

Tình cờ hôm qua nghe tin ông Trần Khiêm, phóng viên hiện diện những ngày cuối cùng ở Huế và Đà nẵng khi hai thành phố này thất thủ, (hay được/bị giải phóng).  Ông sẽ cho trưng bày hai trăm tấm hình  ông chụp lại trong những ngày đó, mà bây giờ ông mới công bố. Trời ạ! sao mãi tới bây giờ ông mới công bố chứ, 35 năm rồi, hơn một thế hệ khác đã trôi qua.  Vội thư cho con dặn nó ráng đi xem triển lãm để biết những ngày ấy đã có một người con gái không biết làm sao mà leo lên chiếc tàu lớn bằng một sợi dây thừng, dù trước đó chưa hề chạy nhảy đu leo làm Tarzan bao giờ, và rồi cũng không biết làm sao mà ... rớt sang chiếc xà lan dài được kéo đi ròng rã mấy ngày trời không ăn không uống, vì không khát không đói, chả hiểu sao hồi đó người thì còm mà dai sức đến thế, chỉ cần ngồi hít khí trời mà sống, cũng không nứt nẻ vì nóng vì khô như các ma soeur trên tàu, hay hoá điên trần truồng như người đàn ông leo lên mắt cáo hàng rào của xà lan, mơ hoảng một lá cờ đã làm ông sợ mà phải trốn chạy.  Và cũng không biết làm sao mà ngồi im lặng thò chân xuống nước bên cạnh một xác em bé chết trong đêm mà không hoảng hốt, mọi cảm giác nối sợ đã trở nên bão hoà?  tê điếng lúc ấy.  Về đôi mắt hoảng sợ tuyệt vọng trên khuôn mặt đầy máu của người đàn ông bị kéo lôi đẩy xuống biển, người ta tưởng ông đã chết nên thuỷ táng? Và ông đã thức giấc hoảng hốt khi biết mình bị "thủy táng" ông nhìn một cách vô vọng theo chiếc xà lan trôi đi, bỏ ông lại trên sóng nước với cánh tay dơ lên, đôi mắt tuyệt vọng ấy đã ghi chụp vào đôi mắt người con gái thời ấy, để không bao giờ quên được, nó đã không nhớ đôi mắt ai ngoài đôi mắt ông?.  Ba ngày đêm để rồi lại vội vàng leo lên chiếc thuyền nhỏ rời khỏi cảng Nha Trang chỉ sau một đêm trú ngụ, thành phố mà chỉ mấy ngày trước đó cô đã theo đoàn người từ Đà Lạt xuống núi về thành phố biển, đi qua các thành phố biển khác như Quy Nhơn về lại Đà Nẵng, và lại rất tréo ngoe leo lên tàu xuôi Nam, nguyên gần một tháng trời lang thang trong hoảng hốt, mà có hoảng hốt không? Thật ra cô làm gì đã biết thế nào là "hoảng hốt", thấy ngừời ta bỏ thành phố ra đi thì cô đi theo, thế giới của cô trước đó là thế giới "bình an" trong cái thế giới chiến tranh của đất nước, nhưng là tuổi học trò cô không cảm nhận gì nhiều về một cuộc chiến ngoài những đêm nằm nghe đại bác dội vào thành phố. Cha mẹ bảo đi thì cô đi, để nhìn thấy bao nhiêu đau thương chết chóc trên đoạn đường cô đã đi qua, người ta không ăn mừng "giải phóng", hay người ta ăn mừng ở đâu, cô không thấy, cô chỉ thấy hỗn loạn, gia đình chia ly, lạc mất nhau, người ta đạp lên nhau, giết nhau để tranh một chỗ đi tìm tự do, tránh khỏi sự giải phóng của một đòan người từ phương Bắc, những người có cùng phương ngữ giọng nói như cô, thế có buồn không? Nếu ở đâu có những người chờ đón đoàn người giải phóng ấy thì ở đấy ngày ấy chỉ là những đòan người gồng gánh bỏ cửa bỏ nhà ra đi trước khi đòan người phương Bắc tiến đến.  Để về tới Sàigòn, mà sau này cô nghe người ta nói đã cũng rất là hỗn loạn, nhưng với cô, họ vẫn còn vô tình với những mất mát hỗn loạn của miền Trung ngày ấy, Saigon vẫn như bình yên, nhộn nhịp vui như không hề có dấu hiệu nào báo trước  ngày tàn của một thể chế gần kề đối với người dân bình thường? Cô khóc lặng lẽ trong lòng chiếc xe lam khi đi vào thủ đô của ngày ấy.  Những dòng nước mắt đầu của một đứa con gái cho một quê hương, cho những đau thương mà cô phải chứng kiến lần đầu tiên trong đời.
Chỉ không hơn ba mươi ngày sau, lịch sử đã sang trang, cuộc đời cô cũng... sang trang. Những mơ ước một thời thiếu nữ cũng tan theo.
Cô thành ngưòi mất trí nhớ!

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog