Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Tiếng Việt ngày nay

Góc nhỏ: Lâu nay tôi cứ tưởng người ta chê bai người Việt ở Mỹ hay nói tiếng MỸ ba rọi, ai ngờ đọc bài sau mới biết là ở VN đã "đuổi theo kịp" người Việt ở hải ngoại về chuyện nói tiếng Anh tiếng Việt loạn xà ngầu.  Đúng ra tôi cũng mắc cái tội khi cái đầu làm biếng tự động dùng những chữ nào ngắn gọn trong hai ngôn ngữ để dùng khi nói với chuyện trong nhà.  Tôi cũng cố gắng làm chủ ý thức của mình không xử dụng ngôn ngữ "tào lao" như thế khi nói chuyện với người lạ hay người lớn tuổi.  Ở Mỹ hơn thời gian sống ở VN nhưng tôi vẫn buồn cười khi nghe cô em lâu lâu lại "oh my God", cứ nghĩ tiếng Việt cũng có, sao tự nhiên sang Mỹ thì ông Trời, Chúa, Phật, bỗng dưng thành My God cả.  Có lẽ tôi chả bao giờ than Trời nên không quen tự dưng biến đổi thành "my God".  Có lẽ sống càng lâu ở nước ngoài thì tiếng Việt càng lơ mơ cho nên tự thâm tâm phải cố gắng nhớ tiếng Việt khi nói, ôi cũng là điều may chứ không mai đây tôi mà nói tiếng Việt "ba rọi" thì khổ cho cháu tôi lắm lắm. 

chunghia2Xin hãy tôn trọng tiếng Việt. Nếu muốn chứng tỏ khả năng tiếng Anh thì xin mời hãy có hẳn một chương trình truyền hình dành cho người nước ngoài, hoàn toàn sử dụng tiếng Anh trên truyền hình đi.

Hãy tôn trọng tiếng Việt

Nguyễn Ngọc Hà

Tôi từng ngồi trường Dòng, học tiếng Pháp trước tiếng Việt, đọc sách khoa học, tiểu thuyết bằng hai thứ tiếng Anh – Pháp khi còn là sinh viên, và cuối cùng là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và tiếng Anh cho người Việt để kiếm sống. Nói như thế để thấy tôi hoàn toàn không ác cảm với bất cứ ngoại ngữ nào. Tuy nhiên, tôi rất bực mình khi càng ngày càng thấy một bộ phận người Việt sùng bái và lạm dụng tiếng Anh quá mức.
Ngày xưa, ông bà chúng ta biết Việt hóa các danh từ như savon thành xà bông, la bière thành la de (bia bọt), sốc (shock) thuốc… Hôm nay con cháu không chỉ không Việt hóa các danh từ nước ngoài mà lại “phát minh” một thứ tiếng Việt lai căng nửa nạc nửa mỡ, gây khó chịu cho những ai biết trân trọng “tiếng nước tôi”.

Nhiều lần tôi tự hỏi sao người ta cứ dùng live show mà không sử dụng chương trình nhạc sống như người Sài Gòn trước đây? Ngày xưa học chương trình Pháp đi nữa, thầy cô giáo vẫn cấm sử dụng ngôn ngữ pha trộn. Việt ra Việt, Pháp ra Pháp, không thể có một ngôn ngữ ba rọi, pha trộn hai ba thứ tiếng, như thế là xem thường tiếng mẹ đẻ và làm hư kỹ năng ngoại ngữ của mình. Tôi thực sự choáng khi trên truyền hình có chương trình “Talk với sao”. Nếu một người không biết tiếng Anh họ hiểu Talk là gì. Và người nước ngoài họ biết Talk lại chẳng biết “với sao” là cái gì. Thứ tiếng nửa nạc nửa mỡ như thế lại được đưa lên truyền hình một cách quy mô hoành tráng. Tại sao không là chương trình “Trò chuyện cùng sao” hoặc “Chuyện trò cùng người nổi tiếng”. Truyền hình là một cầu nối văn hóa, chẳng hiểu những người nước ngoài khi học tiếng Việt sẽ suy nghĩ như thế nào về thái độ của người Việt đối với tiếng nước mình, nếu họ biết được kho tàng ngôn ngữ vô cùng phong phú của người Việt mấy ngàn năm. Và liệu 20 – 30 năm nữa, tiếng Việt sẽ ra sao khi thế hệ trẻ hôm nay cứ showbiz, live show và bây giờ là “Talk với sao”.
Chat / Talk với sao. Có bao nhiêu chữ thuần Việt trên sân khấu?
Chat / Talk với sao. Có bao nhiêu chữ thuần Việt trên sân khấu?
Xin hãy tôn trọng tiếng Việt. Nếu muốn chứng tỏ khả năng tiếng Anh thì xin mời hãy có hẳn một chương trình truyền hình dành cho người nước ngoài, hoàn toàn sử dụng tiếng Anh trên truyền hình đi. Để thử xem các vị dẫn chương trình, các sao… có nói trôi chảy một câu tiếng Anh chăng mà cứ chêm tiếng Anh vô tội vạ khiến người yêu tiếng Việt và tự hào về tiếng Việt bực mình.
Nguồn: Hãy tôn trọng tiếng Việt. Nguyễn Ngọc Hà, SGGP Online, 04-05-2013.

Buồn hay vui khi tiếng Việt bị lai căng quá nhiều?

Muciu

Chữ nghĩa lai căng
Chữ nghĩa lai căng
Khi thế giới ngày càng phẳng ra, kéo theo đó là những giá trị văn hóa không còn bị bó hẹp trong phạm vi vùng miền hay quốc gia thì ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, càng đóng vai trò quan trọng và nhanh chóng trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống giới trẻ Việt. Hẳn mọi người đã không còn xa lạ với những thuật ngữ của giới trẻ hiện nay như load tài liệu, nghe playlist, nhận mail, search mạng…ngay cả trong giao tiếp hàng ngày, tần số xuất hiện song ngữ Anh Việt này càng cao, điển hình như: thay vì nói “tạm biệt” sẽ là “Bye Bye” hay lời xin lỗi đơn giản chỉ là “Sorry nha!”, cảm ơn cũng ngắn gọn như “Thanks nhiều”… Cách sử dụng ngôn ngữ nửa Tây nửa ta như vậy ngày càng phổ biến do sự tiện lợi, ngắn gọn cũng như bởi “mốt” đi-kịp-thời-đại của giới trẻ.
Giới trẻ ngày nay năng động, có điều kiện ăn học và tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, nên Anh ngữ tốt không còn là điều gì quá xa lạ. Mặc dù môi trường học tập không phải là quốc tế, nhưng đàm thoại song ngữ Anh Việt đã trở thành phong cách của đại đa số sinh viên. Nói tiếng Việt xen vài từ tiếng Anh giờ đây là chuyện bình cũ-rượu cũ trong cộng đồng ngoại thương. Nhưng có khi nào bạn tự hỏi: chúng ta đang Việt hóa tiếng Anh hay bản thân đang bị Tây hóa? Và liệu điều này có ảnh hưởng đến ta, đến mọi người xung quanh? Bài phóng sự “Buồn hay vui khi Tiếng Việt bị lai căng quá nhiều” hôm nay sẽ mang lại cho các bạn một góc nhìn về vấn đề không còn mới này…
Ngôn ngữ nửa Tây nửa Ta- lạ mà quen!
Trong phòng sinh viên tự quản lầu 3 của một trường ĐH, thoáng nghe thấy lời dặn dò của một bạn nữ (có lẽ là trưởng nhóm):
Tối nay các bạn check mail nha, tớ sẽ đưa list công việc lên, mọi người xem xong rồi confirm trước 10 giờ tối. Bạn nào đăng kí thì nhớ reply cho tớ sớm!”
Chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp cách nói chuyện Việt xen lẫn Anh tương tự như trên thường xuyên diễn ra trong các buổi sinh hoạt, chuyện trò ngay trong cả những giờ học trên lớp, từ sinh viên tới giảng viên. Không ai thắc mắc gì về nghĩa của từ tiếng Anh như dạo mới “tập tò” ngôn ngữ này nữa.
Ngọc Diệp Một sinh viên chia sẻ:
Mình thỉnh thoảng vẫn chêm vài từ tiếng Anh trong lúc nói chuyện, đặc biệt là các từ ngữ thông dụng trong tiếng anh hoặc các từ biểu cảm trong tiếng Nhật. Không những mình mà các bạn mình cũng thường xuyên sử dụng như vậy. Ví dụ như khi đi ăn uống thì tụi mình share tiền ra nha! hay rủ đi chơi thì Tối nay off không? Nghe cũng thú vị chứ nhỉ?”
Như bạn Tường Vy thì biết cách dùng song ngữ đúng đối tượng hơn:
Mình hay sử dụng cách nói như vậy với bạn bè cùng lứa, hay nhỏ tuổi hơn. Nhưng mà cũng tùy đối tượng mà sử dụng hay không. Như ba mẹ mình khá thoải mái nên dùng cũng được, còn với họ hàng cô chú bác thì tuyệt đối không. Tại vì theo mình người lớn không thích cách nói chuyện đó, đồng thời họ nghĩ là mình không tôn trọng họ. Những từ hay dùng có thể là oh man, oh my god. Nói thế cũng thấy hay hay, đặc biệt nhiều khi nhắn tin với bạn, mình cũng chen tiếng anh vào cho ngắn gọn.”
Trong cuộc phỏng vấn nhỏ thì hơn 80% số sinh viên được khảo sát đều thừa nhận mình có sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày dù ít hay nhiều. Thậm chí có bạn khổ sở khi tâm sự rằng nhiều khi bạn không thể diễn đạt từ mình muốn nói bằng tiếng Việt vì trong đầu chỉ toàn từ tiếng Anh thôi. Tình trạng sinh viên có thể truyền đạt lưu loát bằng tiếng Anh nhưng lại thấy vấp váp khi diễn giải ra tiếng mẹ đẻ hoàn toàn không phải chuyện hiếm. Giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên mặc dù môi trường học tập trên giảng đường không bắt buộc dùng tiếng Anh nhưng một số hoạt động xã hội hay những công việc part-time đòi hỏi ngoại ngữ cho tới những tài liệu tham khảo nước ngoài phục vụ nghiên cứu đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Nếu như vậy, tính ra thời gian chúng ta tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai này cũng chẳng thua kém gì với tiếng Việt trong giao tiếp.
Ngoài ra, còn tồn tại một số biến chứng ra đời như là hậu phát minh của song ngữ Anh việt chẳng hạn: việc biến đổi cách phát âm như đe-le-te (delete), cơm-pờ-le-te (complete), thăng-sờ- kiều (thank you), Ai-lái-kịt (I like it)… hay những cách ghép từ có một không hai của giới trẻ ngày nay “Know just die” (biết chết liền), “Like is afternoon” (thích thì chiều), “No four go” (Vô tư đi) hay độc đáo hơn là “Sugar sugar ajinomoto ajinomoto” (đường đường chính chính)…
Tuy nhiên, “Kiểu nói bồi thêm này thì mình có biết trên các diễn đàn nhưng chỉ là nghe cho vui thôi chớ không sử dụng bao giờ”, Đức Toàn, một sinh viên có thái độ khá nghiêm khắc với vấn đề. Những cách ghép ngộ nghĩnh trên thì giới trẻ dường như ít dùng, nhưng một số sinh viên nhà ta khá rành viết tắt tiếng Anh trong chat, facebook, forum… như cách viết lol (laugh out loud) để diễn tả kiểu cười khoái chí, OMG (oh my god) thay cho thán từ “Trời ơi!”, hay cách xưng hô của các sinh viên 9x như sis cho chị gái, bro cho anh trai…Một bạn nữ chia sẻ: “Mình quen gọi sis đối với những chị khóa trước mà chơi thân với mình ví dụ như sis Nga, sis Ngân nghe thân mật hơn nhiều phải không?”
Khi thế giới ngày càng phẳng đi, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, khi tiếng Anh không còn là thứ xa xỉ với thế hệ trẻ thì việc dùng cách nói nửa Tây nửa Ta như trên đã vô tình trở nên bình thường. Quả thật, khi bàn về vấn đề ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ nhất là những sinh viên trẻ thì không còn gì ngoài sự sáng tạo đến bất ngờ, phong phú về cả nội dung lẫn hình thức. Lâu nay, Tiếng Việt ta có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Nay tiếng Việt còn chen lẫn cả tiếng Anh, Tiếng Hàn, Nhật, Trung, v.v., thì thử hỏi liệu rằng cơn lốc xoáy này giật trên cấp mười mấy đây?
Giải mã ngôn ngữ lai căng
Ai cũng biết rằng cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất là thường xuyên thực hành nó mọi lúc mọi nơi, cả đọc, nghe nói lẫn viết và chính nhờ cách sử dụng một lúc hai ngôn ngữ đã phần nào giúp nhiều bạn linh động hơn trong phản xạ giao tiếp.
Hoàng Kim – một sinh viên thường xuyên sử dụng kiểu nói chuyện như vậy, cho rằng:
Mình nghĩ việc sử dụng như vậy sẽ rất tiện dụng, ngắn ngọn câu nói và cũng có một số từ diễn tả nghĩa đa dạng hơn với từ đồng nghĩa trong tiếng Việt hoặc có một số từ tiếng Việt không có. Ngoài ra mình thấy tiếng Anh đang ngày trở thành thứ tiếng thông dụng nhất hiện nay, mọi người đều cần tiếng Anh phục vụ cho công việc, cuộc sống,…vì vậy việc sử dụng như vậy sẽ rèn luyện sự phản xạ tiếng Anh”.
Về khía cạnh này, không thể phủ định một tiện lợi của tiếng Anh chính là chuyển tải nghĩa muốn nói một cách ngắn gọn và hiệu quả. Chẳng hạn như nếu không nói “check mail” thì phải là “lên kiểm tra hộp thư điện tử”, cho mình “contact” của bạn thì có nghĩa là xin “thông tin liên lạc”, chơi “game online” thì phải diễn đạt là chơi “trò chơi trực tuyến trên mạng”… Hơn nữa, vẫn có một số từ tiếng Anh không thể dịch sang tiếng Việt như thế nào chẳng hạn “lên mạng thì buzz”, hay những thuật ngữ kinh tế như marketing, logistic… Rõ ràng dùng tiếng Anh trong những trường hợp trên thật sự thích hợp và cần thiết. Cách sử dụng ngôn ngữ “lai căng” cũng đã trở thành thói quen của một số bạn vì cường độ sử dụng thường xuyên cũng như tiện lợi của nó. Như trường hợp của bạn Kim Tường:
Lúc trước mình quen sử dụng vừa Anh vừa Việt rồi, nhanh gọn mà bạn mình cũng hiểu nữa, đặc biệt là khi viết. Nếu dùng tiếng Việt thì đánh máy dài dòng hơn nhiều. Giờ thì mình cũng đang tập giảm bớt cường độ xài lai căng như vậy rồi.”
Tuy nhiên, cách nói nửa này nửa nọ cũng gây phản cảm với một số người. Đặc biệt đối với người nghe không rành tiếng Anh hay những ai mà muốn sử dụng thuần nhất tiếng Việt, như Phi Khanh:
Mình không bao giờ sử dụng ngôn từ kiểu tây nửa ta như vậy. Mình hoàn toàn không đồng ý với xu hướng sử dụng ngôn ngữ như vậy của các bạn ấy. Theo mình, đây là một hiện tượng xấu ,nó làm mất đi sự trong sáng của tiếng việt, và thể hiện sự thiếu tôn trọng của các bạn đối với tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, như vậy sẽ gây khó chịu cho người nghe, và tạo ác cảm đối với người lớn tuổi.”
Thật vậy, nếu như các bạn nghe một câu như thế này sẽ cảm thấy như thế nào “Khi nào cậu go camp vậy? Go như vậy chắc like lắm nhỉ.”?
Ngôn ngữ lai căng – Sự phá cách hay những “hạt sạn khó nuốt”?
Parlez-vous franglais?
Parlez-vous franglais?
Giới trẻ ngày nay được khuyến khích thể hiện cái tôi của mình. Và không ai phủ nhận chúng ta bây giờ có nhiều việc hơn để làm, nhiều kiến thức hơn để học tập, nhiều hoạt động hơn để tham gia, và nhiều trào lưu hơn để tạo dựng phong cách. Sử dụng song ngữ Anh Việt trong cuộc sống đã và đang trở thành một trào lưu như vậy. Mỗi thời đại, mỗi thế hệ sẽ có cách nhìn nhận riêng về vấn đề này. Có thể quá khắt khe khi cho rằng việc sử dụng ngữ lai căng trong giới trẻ chúng ta là minh chứng cho lối học đòi, cho thói sính ngoại mù quáng thậm chí là mất gốc. Bởi trên một phương diện nào đó, việc dùng song ngữ Anh Việt đúng lúc, đúng chỗ và ở mức độ có-thể-chấp-nhận-được vẫn có ưu điểm. Âu cũng là một tí sáng tạo, một vài tiện lợi, một ít cá tính và một chút gọi là “ôi, giới trẻ!” của chúng ta.
Tuy nhiên, sẽ là quá thiên vị và dễ dãi khi xem nhẹ những tác động tiêu cực của việc lạm dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày của Giới trẻ, thậm chí là những người có học thức, học vị cao nói chung. Hội nhập thì ngoại ngữ, đặc biệt là những ngôn ngữ quốc tế thông dụng như tiếng Anh là một đòi hỏi tất yếu. Song việc lạm dụng ngoại ngữ, sử dụng ngoại ngữ không đúng lúc, đúng chỗ đã và đang làm mất đi tính thuần khiết vốn có của Tiếng Việt…Với yêu cầu của môn học, của công việc, của tương lai, chúng ta ra sức trau dồi tiếng Anh, cố làm sao nói được tiếng Anh đúng theo giọng chuẩn, đỏ mặt khi lỡ dùng một câu tiếng Anh sai ngữ pháp nhưng đa số lại tỉnh bơ khi dùng sai tiếng Việt, thậm chí Anh hóa cả tiếng Việt và vô tình biến ngôn ngữ chúng ta thành món phở thập cẩm…Có quá lời không khi cho rằng đó là dấu hiệu báo trước một sự thất bại trong việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta?
Gần bốn mươi năm trước người Pháp có quyển “Parlez – vous franglais?” (Bạn có nói được tiếng Pháp lai Anh không?) Tác giả quyển sách là ông Etiemble đã lên tiếng báo động vì sợ tiếng Pháp bị tiếng Anh lấn át.
Ngày nay không biết có ai trong chúng ta nghĩ đến việc viết một quyển sách để đánh lên một tiếng chuông báo động như ông Etiemble kia không?


Nguồn: Tiếng Việt bị lai-căng quá nhiều?. Muciu biên tập, Tạp Chí Chim Lợn, tháng 12, 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog