Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Người Tràng An

Góc nhỏ:  Một bạn đọc bài Sàigon Hànội của người Viết Khương Hà, tôi post lại chứ không phải tôi viết bài ấy, bạn đọc cũng cho tôi đường link cho bài viết sau, như để phản biện lại bài Sàigòn Hànội.  Đúng là người Tràng An xưa có nếp sống khác, nhưng sau các biến cố 45, 54, người Hà nội nếu không ra đi thì cũng bị đày ải tận miền núi. Xin mời đọc thêm để hiểu thêm văn hoá Hànội xưa và nay.


DẪU KHÔNG THANH LỊCH CŨNG NGƯỜI TRÀNG AN
Lao quang Thau
Thưa các Bạn ! Gần đây trên các trang mạng xã hội và các báo, nơi nào cũng nói về người Hà Nội cùng cách hành xử kém văn hóa của nó. Có nhiều bài nói giọng bài xích thiếu thiện chí, cũng có bài mổ xẻ nguyên nhân sâu xa của nó. Lão cũng đọc được một số bài phân tích tương đối lo gich và có hệ thống của một số nhà báo có tâm . Còn đại đa số là rêu rao và chê bai, dè bỉu Hà Nội với cái nhìn thiếu thiện cảm.



Vậy có đúng là Hà Nội đã tệ đến mức vậy không ! Vâng, quả đúng là văn hóa ứng xử của Hà Nội có vấn đề, ở ngoài đường con người vô cảm , bàng quan trước những tai nạn giao thông, không giúp đỡ người bị nạn, thấy kẻ yếu bị bắt nạt hay bị cướp  không ai dám ra mặt can ngăn, ban ngày ban mặt cho con bĩnh trên hè phố , ném rác ra vỉa hè, hay giữa lòng đường.  Đi mua hàng hóa bất kể cửa hàng to hay nhỏ, đều gặp những ánh mắt ghẻ lạnh của người bán hàng, sẵn sàng mắng, chửi khách , hay bị đốt vía giải xui nếu ta hỏi mà không mua hàng của họ. Đi ăn hàng quán thì bị nhìn mặt mà chém, còn có những quán ăn coi sự chửi khách của mình là đặc sản. Đấy bao nhiêu cái xấu đang hiện hữu hàng ngày, ngay Lão nhiều lúc cũng bức xúc không kém.

Hình ảnh của Hà Nội ngày hôm nay là vậy , nên những người chưa từng đặt chân đến Hà Nội mà chỉ biết qua những trang sách hay bài ca, bài thơ thì khi đến với Hà Nội họ đều thất vọng . Có người xót xa, có người vỡ mộng . Không mấy ai chịu tìm hiểu căn nguyên mà thường làm toáng lên, có khi còn thêm mắm thêm muối , khiến bức tranh Hà Nội được loan truyền méo mó và xấu xí đi rất nhiều. Lão nhiều lúc thấy có một số người hả hê vui sướng khi thấy hình ảnh Hà Nội bị bêu riếu như vậy. Vậy thì câu : "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An" . Không còn là một câu ca ngợi , ngưỡng mộ nữa mà đã được một số người lấy nó để rêu rao, bỡn cợt với giọng coi thường, khiêu khích thiếu thiện chí.
                

Căn nguyên của câu dân gian , có phần tự hào đó không phải do người dân Hà Nội vỗ ngực hay tự hào lôi ra khoe mẽ, mà đều được những người ở nơi khác nói đến qua từng thời kì văn hóa hưng thịnh hay suy tàn của Hà Nội. Chúng ta hãy nhìn về quá khứ ; Từ thời phong kiến , Kinh đô Thăng Long thời đó được phân cấp rõ rệt. Quan lại, sai dịch, dân kẻ chợ và thường dân , trong mỗi tầng lớp, hay trong mỗi gia đình đều có phân cấp rõ ràng, nên được gọi là người ăn kẻ ở. Đã là con ở hay lính lệ thì nhất dạ lễ phép và coi người chủ của mình là trên hết. Văn hóa thưa gửi với bề trên được thiết lập từ đời này sang đời khác. Còn những tầng lớp quan lại hay dân kẻ chợ, những thương gia thời đó đã có những chuẩn mực về văn hóa ứng xử trong gia đình, họ luôn hoàn thiện nếp gia phong, trước để cho con ở, người làm trông lên , sau để cho hàng xóm hay bạn bè nhìn vào. Điều đó tất ngẫu hình thành một văn hóa ứng sử hiền hòa trên dưới trong xã hội Kinh Thành thời đó.
       
              

Tiếp đến là thời kì thực dân Pháp đô hộ . Người Pháp đã mang cái văn hóa Tây Âu vào Kinh Thành Thăng Long. Một số người Thân Pháp đã tán dương cái văn hóa Phương Tây đó. Qủa thật là nó rất văn minh, một ngày người ta có thể chào hỏi nhau bốn năm lần với các cung bậc khác nhau. Nết ăn uống cũng sang hơn, điệu đà hơn. Và Nhân vật Tuýp Phờ Nờ của nhà văn Vũ Trong Phụng cũng ra đời, để cổ vũ cho cái văn minh ngoại lai đó. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng người Pháp đã khai hóa cho chúng ta cái nét ứng sử văn minh và đúng mực. Nên thời đó những người cấp tiến cổ vũ cho cái văn hóa vay mượn đó cũng là đúng thôi. Vì nó văn minh thật, đáng học hỏi thật. Trong xã hội có sự tôn kính và tôn trọng, không xô bồ xuồng xã quá mức. Kẻ trên người dưới đều được tôn trọng. Ăn mặc chuẩn mực hơn. Cũng thời kì này, văn hóa ứng xử đã đến được được với tầng lớp thị dân, và dần dần được củng cố , xây dựng thành bản ngã riêng của Kinh Thành là Hà Nội sau này. Thời kì này cho đến thập kỉ 50 của thế kỉ trước ( Thế kỉ 20 ) là thời kì cực thịnh của văn hóa người Hà Nội , nó được chắt lọc và tỏa sáng, thành mẫu mực, là tinh hoa của cả nước. Sự tôn kính và bao bọc nhau được thể hiện rõ nét nhất.
         

          Sau giai đoạn này là thời kì bao cấp. Cái văn hóa bao cấp là sự xin xỏ và ban ơn đã làm tha hóa bản chất con người. Thói dối trá , xu nịnh cũng được dịp trỗi dậy, cùng sự ghen ghét đố kị, trâu buộc ghét trâu ăn. Thời gian này tương đối dài nên nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Cái khó khăn của đất nước cộng với sự ban ơn của người bán hàng thời đó đã làm con người không còn yêu quý nhau nữa , mà đâm ra hằn học thù ghét lẫn nhau, sinh ra phản trắc và phản bội nhau trong anh em trong bạn bè và gia đình. Con người dễ dàng hãm hại nhau hơn. Chuẩn mực đạo đức trở thành món hàng xa xỉ. Một số người Hà Nội có tự trọng, có lương tâm trở nên im lặng và thu mình lại. Thời bao cấp là mảnh đất cho một số người ở các tỉnh lẻ có thân nhân tốt về Hà Nội làm việc và công tác, dần dần họ cắm rễ và bộc lộ những điểm yếu về văn hóa giao tiếp, và được dịp thỏa sức tung hoành những thói hẹp hòi manh mún ra cộng đồng. Lão nói vậy không có nghĩa là tất cả , mà đa số họ đã làm như vậy.
                     
    tàu điện hà nội

      Thời kì đổi mới của nước nhà mở ra một kỉ nguyên mới. Người dân được tự do làm ăn buôn bán, thời gian này đường biên với Trung Quốc cũng được mở thông thoáng hơn, nhiều người có cơ hộ làm giầu một cách nhanh chóng, việc kiếm tiềm quá dễ dàng cũng tạo nên một lớp nhà giầu mới, kệch cỡm nhưng lại thiếu hụt về đạo đức và văn hóa ứng xử . Rồi đất đai nhà cửa được dịp bùng phát cao giá, cộng với chính sách thông thoáng của Hà Nội, tạo cơ hội cho nhiều người tỉnh ngoài về mua nhà cửa đất đai ở những nơi đắc địa. Người Hà Nội cũ vốn làm ăn đơn thuần đủ sống, tự nhiên bị thu hẹp lại , họ ở sâu hơn để nhường những ngôi nhà và cửa hàng cho những người chủ mới. Lúc này một làn sóng ngược xảy ra ; Đó là người Hà Nội bán nhà cửa để chia cho con cháu , rồi tìm đường ra ngoại vi ở . Những người ngoại tỉnh về Hà Nội mở quán xá , cửa hàng , họ lại tuyển và mang những người ở quê lên làm nhân viên phục vụ. Sự kiếm đồng tiền bằng mọi giá , không cần biết đến văn hóa giao tiếp, văn hóa kinh doanh. Hay đào tạo nhân viên đã tạo ra một môi trường không có văn hóa, không thân thiện làm ảnh hưởng lớn đến
cộng đồng.
 


Đóng



        

     
Bún mắng , cháo chửi

Vậy người Hà Nội đúng nghĩa đi đâu hết rồi ? Xin thưa :  Họ vẫn ở đấy, nhưng đã ít đi nhiều. Nếu là tri thức hay công nhân thì họ sống trong trong im lặng , không bon chen. Tầng lớp đông đảo nhất là lớp người trung tuổi, nhỡ nhàng, thất nghiệp nhiều , nên họ sống đa số bằng những nghề gia truyền hoặc lô đề cờ bạc. Còn những người già không còn bon chen nữa, sống cuộc đời yên lặng, luôn hoài cổ và hay nhắc chuyện ngày xưa. Nếu các Bạn để ý sẽ thấy ở góc phố hay đầu con ngõ nào đấy có một ông hay một bà cụ ôm gối ngồi bán chén trà mạn hay vài điếu thuốc, luôn có cái cười hiền hậu nhẹ nhàng, xin thưa đó là hồn cốt của Hà Nội xưa còn lại đó.

  Lão xin dừng bài viết tại đây. Ở trên chỉ là một bức tranh toàn cảnh do Lão viết, vì vậy có những cái phiến diện, hay tiêu cực, hoặc hạn chế về mặt nào đó mong các Bạn bỏ quá cho. Lão nói lên nhưng gì Lão cảm nhận thấy qua mấy chục năm sống trên đất Hà Nội này , cũng là nơi các cụ và ông bà, cha mẹ của Lão đã lập nghiệp, có thể Lão nói không đúng không chính xác , nhưng đó là sự hiểu biết có giới hạn của Lão mong mọi người lượng thứ.

- Những hình ảnh minh họa trong bài viết này đều được Lão sưu tầm trên mạng


1 nhận xét:

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog