Vũ
Hoàng Chương năm 24 tuổi
|
Hoài
niệm
Vũ Hoàng Chương (1915-1976)
Đặng Tiến
|
Ngày
6/9 dương lịch là ngày giỗ Vũ
Hoàng Chương, mất tại Thành Phố
Hồ Chí Minh, năm 1976 ; sau mấy tháng
bị chính quyền bắt giam vào khám
Chí Hoà anh bị trọng bệnh, đưa
về nhà một thời gian ngắn thì
qua đời, vì ho suyễn, thọ 62 tuổi.
Vũ Hoàng
Chương sinh tại thành phố Nam Định
năm 1915 (giấy tờ ghi 1916) trong một gia
đình khoa bảng giàu có ; tác
giả của khoảng hai mươi tác phẩm,
chủ yếu là thơ, rồi đến kịch
thơ, hồi ký, bài nói chuyện. Vũ
Hoàng Chương là nhà thơ lớn
của đất nước, bắt đầu từ
phong trào Thơ Mới, với các tập
Thơ Say (1940), Mây (1943), qua những truân
chuyên của dân tộc với Thơ Lửa
(1948), Hoa Đăng (1959), Lửa Từ Bi (1963), và
những biến chuyển trong thi ca hiện đại.
Vũ Hoàng Chương là một tác
gia lớn lao và quan trọng trong lịch sử
văn học nước nhà, chiếm một
địa vị riêng biệt trong các trào
lưu thi ca. Giữa những trầm luân của
đất nước, tác phẩm của anh
chưa được tìm hiểu toàn bộ
và đánh giá đúng mức, ở
miền Bắc cũng như miền Nam, trước
1975, và trong nước cũng như ngoài
nước những năm gần đây.
Trong
nước, từ chính sách đổi
mới, 1986, đã có lối nhìn
thoáng rộng hơn đối với phong trào
Thơ Mới 1932-1945 và Vũ Hoàng Chương,
ở một chừng mực giới hạn, cũng
được đọc lại một cách
công bình hơn. Mới đây (1996) một
sinh viên đại học TPHCM đã trình
tiểu luận tốt nghiệp về Vũ Hoàng
Chương và giáo sư phản biện
Hoàng Như Mai, nhà phê bình văn
học (sinh năm 1917) đã phê “ viết
về nhà thơ Vũ Hoàng Chương
không phải dễ, người viết vừa
phải có trình độ uyên bác
nào đó, vừa phải có năng
khiếu nghệ thuật. Trên thực tế,
khen thơ Vũ Hoàng Chương thì có
đông đảo độc giả và các
nhà nghiên cứu phê bình, nhưng
trực tiếp viết ra những lời đánh
giá thì lại rất ít ai dám
viết. Trên văn đàn, những bài,
sách nghiên cứu, phê bình thơ Vũ
Hoàng Chương có bao nhiêu đâu.
Sinh viên viết được bài tiểu
luận tốt nghiệp như thế này là
đáng biểu dương. Tôi đánh
giá như vậy là với tư cách
một người yêu quý thơ Vũ
Hoàng Chương, và là người
bạn thân của nhà thơ ”
(25/6/1996) .
Chúng tôi
ghi nhận lời phê, viết tay trên luận
án, vì nhiều lý do :
-
Dù bị vùi dập, Vũ Hoàng Chương vẫn
có người yêu quí và ngay thẳng nói lên niềm yêu quý ấy.
-
Ngưòi ấy có thể là một trí thức
cao tuổi, là Hoàng Như Mai, nhưng còn là những sinh viên trẻ tuổi.
-
Đoạn văn phản ánh đúng tình hình
nghiên cứu về Vũ Hoàng Chương, với những khó khăn khách quan về nhiều
mặt.
Nhưng
cũng có người tâm huyết vượt
qua những định kiến như Hoàng
Thiệu Khang đã viết : “ cuộc
nội sinh hoá văn học phương Tây,
để có thể sản xuất ra một
chất phương Đông đậm đà,
phải qua tay Vũ Hoàng Chương, Huy Cận,
Đoàn phú Tứ, Thâm Tâm .. . và
cả Xuân Thu Nhã Tập ”1.
Và Đỗ Đức Hiểu (tú tài
1944 tại Hà Nội) trong sách Đổi
Mới Phê Bình Văn Học đã
phân tích ảnh hưởng Baudelaire trong
thơ Vũ Hoàng Chương ; hoặc Đỗ
Lai Thuý (sinh 1948) đã có những
trang về Vũ
Hoàng Chương đào nguyên lạc
lối2
thật hay, chủ yếu giải thích chất
say như một chìa khoá giải mã
đi vào thi giới Vũ Hoàng Chương,
như một yếu tố của mỹ học và
thi pháp ; và tính cách suy đồi
trong nghĩa văn học có mầm mống
cách mạng và hiện đại. Dĩ
nhiên cái nhìn theo phương pháp
luận luôn luôn mang tính cách cục
bộ, và tiếc rằng Đỗ Lai Thuý
chưa đọc nhiều thơ Vũ Hoàng
Chương. Tuy vậy, những bài viết
mới mẻ như thế còn hiếm và
đáng biểu dương.
Đồng
thời, một số tác phẩm của Vũ
Hoàng Chương trước 1945 đã
được in lại3.
Những tác phẩm về sau, dường như
chỉ in lại hồi ký Ta
đã làm chi đời Ta
(nxb Hội nhà Văn 1993 TPHCM).
Nhưng
nói chung những thành kiến còn đè
nặng trên sự nghiệp văn học của
Vũ Hoàng Chương, có thể từ
bài viết của Chế Lan Viên (tháng
4/1960) phê phán tập thơ Hoa Đăng,
bất công và độc ác4.
Có thể nói, bài này, ở chừng
mực nào đó – tôi cân nhắc
– ở chừng mực nào đó, đã
đưa đến thảm kịch Vũ Hoàng
Chương năm 1976. Bài của Xuân Diệu
ân cần với Vũ Hoàng Chương,
trong mục Tiếng Thơ trên báo Văn
Nghệ số 6/1948 không thấy in lại trong
sách (NXB Văn Nghệ, 1954). Thỉnh thoảng
lắm mới có người nhắc đến
tình cũ nghĩa xưa như Tô Hoài
trong Tự
Truyện,
hay mới đây trong Chiều
Chiều5.
Còn lại là những phê phán gay
gắt kể cả Lê Đình Kỵ, là
người tương đối cởi mở
với thơ tiền chiến, cũng đánh
giá Vũ Hoàng Chương là “ bi
quan , bế tắc, buông thả, tự huỷ,
truỵ lạc ”...6.
Ở đây chúng tôi không nhắc
tới Phan Cự Đệ vì sách Phong
trào Thơ Mới
viết đã lâu (1966), và từ ấy
đến nay ông ta cũng có tiến bộ. Chỉ ghi nhận những lời mới đây
(2/1989) của Hà Minh Đức, đương
kim viện trưởng viện Văn Học, xem
Vũ Hoàng Chương là
“ cây bút có tài năng
nhưng nằm trong dòng nước đục (
.. .) chẳng có gì để nói thêm
về những câu thơ như một con thuyền
bập bầnh trôi trên dòng nước
đục ”7.
Hà
Minh Đức chỉ muốn so sánh thơ Vũ
Hoàng Chương những năm 1940, 1943 với
những nguồn thơ khác, nhưng câu
chữ vẫn không hợp với một đất
nước đang hô hào đổi mới,
mở cửa, giao lưu. Dù sao, “ đục
trong thân cũng là thân ” ,
cụ Nguyễn Du bảo vậy, và Tết Mậu
Thân, 1968, Vũ Hoàng Chương cũng có
bài thơ nhan đề như vậy.
Và dù
sao, thời gian cũng sẽ gạn đục khơi
trong.
Biết ai là
đục biết ai trong . . .
Năm 1969, Vũ
Hoàng Chương lên 55 tuổi, tự hào
mình thọ hơn Khổng Minh... 1 tuổi, có
bài thơ :
Chữ thọ
vừa ăn đứt Ngoạ Long
Bến nằm dư biết đục hay trong ...
(...) Chỉ thương kiếp đá ai bày trận
Để ngấn vàng gieo chợt rối vòng ...
Bến nằm dư biết đục hay trong ...
(...) Chỉ thương kiếp đá ai bày trận
Để ngấn vàng gieo chợt rối vòng ...
Một ánh
trăng giữa bát Trận Đồ. Trong cảnh
đá chạy cát bay, đôi tiếng
thị phi, hoặc lời ca tụng, có nghĩa
lý gì ?
Trước
đây, nhà xuất bản An Tiêm, Paris,
trong dự án dài hạn, muốn ấn
hành một Tuyển Tập Vũ Hoàng
Chương, có thể nhích lên Toàn
Tập, yêu cầu tôi sưu tầm, biên
tập và giới thiệu, với sự thoả
thuận của chị Vũ Hoàng Chương.
Nay anh Thanh Tuệ chủ trương An Tiêm đã
qua đời... Nhà xuất bản Văn Học,
Hà Nội, thời giám đốc Nguyễn
Văn Lưu có lúc cũng đánh
tiếng, Nhưng việc không đến đâu,
lý do, khách quan và chủ quan, thì
nhiều.
Chút
nghĩa cũ càng, nhân ngày giỗ anh
Chương, mới có bài này để
cập nhật hoá hoàn cảnh văn học
của Vũ Hoàng Chương trong hiện tình
đất nước.
Nén hương
lòng. Xa xôi và cách trở. Không
phải để nghị luận hay tranh luận
với ai.
Đặng Tiến
Paris, nhân
ngày giỗ Vũ Hoàng Chương
6/9/1999, cập nhật 2012
6/9/1999, cập nhật 2012
Đường Thi
chuyển
sang thơ Việt
Xưa
hạc vàng bay vút
bóng người
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi.
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi.
Vũ Hoàng Chương
xa
tặng Đặng Tiến
6/12/1975
6/12/1975
Bài họa
Hạc
xưa sải cánh rợp
quê người
Hạc hút - lầu Hoàng hạt nắng rơi
Hạc vọng Thơ Say vờn ngất ngất
Mây giăng Hoa Đăng hoài đời đời
Hán Dương Thơ Lửa vùi tro mộng
Anh Vũ Rừng Phong khép cuộc chơi
Chiều sập, ôi nhà, ôi cố quận,
Hận người sóng gọi sông thôi ơi.
Hạc hút - lầu Hoàng hạt nắng rơi
Hạc vọng Thơ Say vờn ngất ngất
Mây giăng Hoa Đăng hoài đời đời
Hán Dương Thơ Lửa vùi tro mộng
Anh Vũ Rừng Phong khép cuộc chơi
Chiều sập, ôi nhà, ôi cố quận,
Hận người sóng gọi sông thôi ơi.
Đặng Tiến
Paris,
nhân ngày giỗ
Vũ Hoàng Chương
6/9/1999
6/9/1999
1
Hoàng Thiệu Khang, Cảm nhận và suy tưởng, nxb Văn
Học, Hà Nội, 1994, trang 20.
2
Đỗ Lai Thuý, Con mắt thơ, nxb Lao Động, Hà Nội,
1992, tái bản nhiều lần
3
Lại Nguyên Ân, trên Tạp Chí Văn Học, số 2.1998, cho biết nxb Văn Học Hà
Nội, 1991, có ra bộ sách 12 tập Thơ Mới đầu tiên trong đó có Mây
của VHC. 1995 ra bộ sách Thơ Mới Tác Gia và Tác Phẩm gồm có 15 tập với
15 tác giả, có VHC.
Nxb Hội Nhà Văn, TPHCM 1992, có tái bản Mây của VHC trong 1 bộ gồm nhiều thi tập.
Nxb Hội Nhà Văn, TPHCM 1992, có tái bản Mây của VHC trong 1 bộ gồm nhiều thi tập.
4
Chế Lan Viên, Phê Bình Văn Học, nxb Văn Học Hà Nội,
1962, trang 86-98.
5
Tô Hoài, Tự Truyện, 1985, trang 263. Cát
Bụi Chân Ai, 1992, trang 153 . Chiều Chiều,
1999, trang 21 và 25
6
Lê Đình Kỵ, Thơ Mới những bước thăng trằm, nxb
TPHCM, 1989, trang 83 và 122.
7
Hà Minh Đức, Khảo Luận Văn Chương, nxb KHXH, Hà
Nội, 1997, trang 14 và 40
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét