Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam

Góc nhỏ: Tuần trước tôi đọc một tựa bài báo được đăng trong nước "Thủ tướng lệnh xử lý thông tin chống Đảng" mà không hiểu bây giờ ngôn ngữ Việt Nam thay đổi đến mức như vậy. Đọc mà không hiểu là người ta có viết thiếu chữ không? Cả những trang báo lớn như BBC cũng ghi y như thế, chỉ có mấy tờ báo ở hải ngoại mới có thêm một chữ "Thủ tướng ra lệnh xử lý thông tin chống Đảng". Đọc bài báo của tác giả Hiện tượng phản ngôn ngữ ở VN thì mới hiểu, ngôn ngữ VN đã thay đổi cho chiều hướng ngắn, ngắn rất nhiều.



Nguyễn Hưng Quốc

Trên báo chí trong nước, thỉnh thoảng có một số người còn nhiều tâm huyết lên tiếng báo động về tình trạng khủng hoảng của tiếng Việt. Bằng chứng họ nêu lên thường là những cách viết tắt, cố tình sai chính tả hoặc pha nhiều tiếng nước ngoài của giới trẻ trên facebook hay các blog. Nhưng dường như chưa ai thấy điều này: sự khủng hoảng trong tiếng Việt chủ yếu nằm trong lãnh vực chính trị và xuất phát từ giới cầm quyền. Nó nằm ngay trong các nghị quyết của đảng, các bài diễn văn của giới lãnh đạo và, cụ thể nhất, trên trang báo Nhân Dân hay Tạp chí Cộng sản, rồi từ đó, lan đi khắp nơi, trên các cơ quan truyền thông cũng như ở miệng của các cán bộ và đảng viên các cấp.



Không phải người ta không thấy những sự khủng hoảng ấy. Thấy nên phản ứng. Có ba loại phản ứng chính.


Thứ nhất, không tin những gì chính quyền nói. Một trong những câu nói được nhắc nhở nhiều nhất của ông Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, là: “Đừng nghe những gì cộng sản nói”. Xin lưu ý: câu nói ấy chỉ thực sự gây tiếng vang và được phổ biến rộng rãi chủ yếu sau năm 1975, lúc ông Thiệu đã trở thành con người của quá khứ.


Thứ hai, chính những người cộng sản, ngay cả cộng sản cao cấp, cũng thấy thẹn thùng khi sử dụng loại ngôn ngữ họ sáng chế và từng ra sức áp đặt lên xã hội. Có thể nêu lên hai ví dụ. Một là với chữ “đồng chí”. Trước, đó là cách xưng hô chính thức và phổ cập. Sau, nó chỉ hiện hữu trong các cuộc hội nghị. Nói chuyện với nhau, hầu như không ai gọi nhau là “đồng chí” nữa. Nghe chữ “đồng chí” là sợ: nó báo hiệu một màn đấu đá hoặc một tai họa (1). Ngay ở Trung Quốc, chính quyền cũng khuyên dân chúng hạn chế dùng chữ “đồng chí” trên các phương tiện giao thông công cộng (2). Hai là chữ “cộng sản”.


Với nhiều người, kể cả đảng viên, cứ nghe người khác gọi mình là “cộng sản”, họ có cảm giác như nghe một lời chửi mắng. Chứ không có chút tự hào nào trong đó cả. Nhớ, đã khá lâu, trong một cuộc gặp gỡ ở Úc, một người là đảng viên khá cao cấp, hiện đang làm việc trong ngành truyền thông ở Việt Nam, nhắc đến cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản (1991 & 1996) của tôi, rồi hỏi: “Sao anh không đặt nhan đề là ‘Văn học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa’ nhỉ?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Thế có khác gì nhau không?” Anh ấy đáp: “Khác chứ. Chữ ‘xã hội chủ nghĩa’ nghe thanh lịch hơn; còn chữ ‘chế độ cộng sản’ nghe ghê quá, cứ như một lời kết án.” Tôi lại hỏi: “Anh là đảng viên mà cũng có ấn tượng vậy sao?” Anh ấy đáp, thật thà: “Đó là ấn tượng chung của toàn xã hội mà. Tên đảng thì không ai dám đổi, nhưng trong đời sống hàng ngày, nghe mấy chữ ấy, mình cũng thấy ngài ngại.”


Thứ ba, phản ứng lại sự lũng đoạn ngôn ngữ của chính quyền dưới hình thức phản-ngôn ngữ (anti-language) qua những cách nói hoàn toàn bất chấp nguyên tắc ngữ nghĩa cũng như ngữ pháp thông thường.


Hiện tượng phản-ngôn ngữ, vốn xuất hiện và phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, trong vài thập niên trở lại đây, có nhiều hình thức khác nhau.


Nhớ, lần đầu tiên tôi về Việt Nam là vào cuối năm 1996. Lần ấy, tôi ở Việt Nam đến bốn tuần. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất còn lại trong tôi là những thay đổi trong tiếng Việt. Có nhiều từ mới và nhiều cách nói mới tôi chỉ mới nghe lần đầu. Ví dụ, trà Lipton được gọi là “trà giật giật”; cái robinet loại mới, có cần nhấc lên nhấc xuống (thay vì vặn theo chiều kim đồng hồ) trong bồn rửa mặt được gọi là “cái gật gù”; ăn cơm vỉa hè được gọi là “cơm bụi”; khuôn mặt trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”; hoàn cảnh khó khăn được xem là “rất hoàn cảnh”; thịt beefsteak được gọi là “bò né”. Sau này, đọc báo trong nước, tôi gặp vô số các từ mới khác, như: “đại gia”, “thiếu gia” (3), “chân dài”, “chảnh” (kênh kiệu) (4), “bèo” (rẻ mạt), “khủng” (lớn); “tám” (tán gẫu); “buôn dưa lê” (lê la, nhiều chuyện), “chém gió” (tán chuyện), “gà tóc nâu” (bạn gái), “xe ôm” (bạn trai), “máu khô” (tiền bạc), “con nghẽo” (xe máy), v.v.


Trong các từ mới ấy, có từ hay có từ dở, tuy nhiên, tất cả đều bình thường. Ngôn ngữ lúc nào cũng gắn liền với cuộc sống. Cuộc sống thay đổi, ngôn ngữ thay đổi theo. Những sản phẩm mới, hiện tượng mới và tâm thức mới dẫn đến sự ra đời của các từ mới. Ở đâu cũng vậy. Tất cả các từ điển lớn trên thế giới đều có thói quen cập nhật các từ mới hàng năm. Có năm số từ mới ấy lên đến cả hàng ngàn. Việt Nam không phải và không thể là một ngoại lệ. Đối diện với những từ mới ấy, có hai điều nên tránh: một, xem đó là những từ ngớ ngẩn rồi phủ nhận tuốt luốt; và hai, xem đó là từ…Việt Cộng và tìm cách chối bỏ chúng.


Tuy nhiên, điều tôi chú ý nhất không phải là sự xuất hiện của các từ mới hay các tiếng lóng mới ấy. Mà là những cách nói mới, rất lạ tai, thậm chí, quái gở, phổ biến khắp nơi, ngay cả trong giới trí thức và văn nghệ sĩ tiếng tăm, đặc biệt ở Hà Nội.


Có thể tóm gọn các cách nói mới ấy vào bốn điểm.


Thứ nhất, hiện tượng dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người, một địa phương hoặc một nước để chỉ lấy ra một từ tố trong đó. Ví dụ, thay vì nói “lâu”, người ta nói “Hà Văn Lâu” (hay “Hồng Lâu Mộng”); thay vì nói “đông” (đúc), người ta nói “Hà Đông”; thay vì nói “xa”, người ta nói “Natasha” (chỉ lấy âm cuối, “Sha”, phát âm theo giọng miền Bắc là “xa”); thay vì nói “xinh” (xắn), người ta nói “nhà vệ sinh” (âm /s/ bị biến thành /x/); thay vì nói “tiện”, người ta nói “đê tiện”; thay vì nói “cạn” (ly), người ta nói “Bắc Cạn”; thay vì nói “can” (ngăn), người ta nói “Lương Văn Can”; và thay vì nói “chia” (tiền), người ta nói “Campuchia”. Cuối cùng, người ta có một mẩu đối thoại lạ lùng như sau:


“Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?''


''Ừ, tại đường Hà Đông quá!''


''Từ đấy đến đây có Natasa không?''


“Không. À, mà hôm nay em trông hơi nhà vệ sinh đấy nhé!”


“Khéo nịnh! Tí nữa, đi về, có đê tiện, mua giùm em tờ báo nhé!”


“Ừ, mà thôi, bây giờ nhậu đi!”


“Ừ, Bắc Cạn đi, các bạn ơi!''


“Thôi, tôi Lương Văn Can đấy!”


''Này, hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?''


Thứ hai, hiện tượng dùng chữ “vô tư”. Lúc ở Hà Nội, một trong những từ tôi nghe nhiều nhất là từ “vô tư”. Nó được dùng một cách lạm phát. Cái gì cũng “vô tư”. Bạn bè, gồm toàn các giáo sư và nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội, rủ tôi vào quán thịt cầy. Thấy tôi thoáng chút ngần ngại, họ liền nói: “Cứ vô tư đi mà! Thịt cầy ở đây ngon lắm!” Sau khi uống vài ly rượu, cảm thấy hơi chếnh choáng, tôi xin phép ngưng, họ lại nói: “Không sao đâu, cứ vô tư uống thêm vài ly nữa cho vui. Rượu này ngâm thuốc, bổ lắm!” Cuối tiệc, tôi giành trả tiền, họ lại nói: “Không, bọn tôi đãi, anh cứ vô tư đi!” Cứ thế, trong suốt bữa tiệc hai ba tiếng đồng hồ, tôi nghe không dưới vài chục lần từ “vô tư”. Chữ “vô tư” ấy phổ biến đến độ lọt cả vào trong thơ Nguyễn Duy:


Mình vô tư với ta đi

Vô tư nhau chả cần chi nhiều lời
Vô tư thế chấp đời người
Trắng tay còn chút coi trời bằng vung
Luật chơi cấm kị nửa chừng
Vô tư đặt cọc tận cùng chiếu manh
Liền em vô tư liền anh
Không ngây không dại không đành phải không.

Thứ ba, hiện tượng dùng các phụ từ “hơi bị”. Bình thường, trong tiếng Việt, “bị”, đối lập với “được”, chỉ những gì có ý nghĩa tiêu cực và ngoài ý muốn. Bất cứ người Việt Nam nào cũng biết sự khác biệt giữa hai cách nói “Tôi được thưởng” và “Tôi bị phạt”. Vậy mà, ở Việt Nam, ít nhất từ giữa thập niên 1990 đến nay, ở đâu, người ta cũng nghe kiểu nói “Cô ấy hơi bị hấp dẫn”, “Ông ấy hơi bị giỏi”, “chiếc xe ấy hơi bị sang”, “nhà ấy hơi bị giàu”, hay “bức tranh ấy hơi bị đẹp”, v.v.


Cuối cùng là hiện tượng các thành ngữ mới đã được Thành Phong sưu tập và minh họa trong cuốn Sát thủ đầu mưng mủ (sau đó bị tịch thu, năm 2011), bao gồm những câu kiểu:


ăn chơi sợ gì mưa rơi

buồn như con chuồn chuồn
chán như con gián
chảnh như con cá cảnh
chuyện nhỏ như con thỏ
bực như con mực
cực như con chó mực
đau khổ như con hổ
đen như con mèo hen
đói như con chó sói
đơn giản như đan rổ
dốt như con tốt
đuối như trái chuối
ghét như con bọ chét
già như quả cà
hồn nhiên như cô tiên
im như con chim
lạnh lùng con thạch sùng
ngất ngây con gà tây
ngốc như con ốc
phê như con tê tê
sành điệu củ kiệu
tê tái con gà mái
thô bỉ như con khỉ
tự nhiên như cô tiên
tinh vi sờ ti con lợn
xinh như con tinh tinh

Tất cả những hiện tượng trên đều có một số đặc điểm chung. Thứ nhất, có lẽ chúng xuất phát từ Hà Nội, sau đó, lan truyền ra cả nước, kể cả Sài Gòn. Thứ hai, chúng phổ biến không phải chỉ trong giới trẻ mà còn cả trong giới trí thức lớn tuổi, kể cả giới học giả, giáo sư đại học và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Thứ ba, tất cả những cách nói ấy đều ngược ngạo, thậm chí, vô nghĩa. Chả có ai có thể giải thích được những kiểu nói như “buồn như con chuồn chuồn” hay “chán như con gián” hay “im như con chim”, “xinh như con tinh tinh”… trừ một điều duy nhất: chúng có vần vè với nhau. Vậy thôi.


Trong lịch sử tiếng Việt, thỉnh thoảng lại xuất hiện những hiện tượng mới, đặc biệt trong khẩu ngữ, nhiều nhất là trong tiếng lóng. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ lại có những hiện tượng nói năng ngược ngạo và vô nghĩa như hiện nay. Ở miền Nam trước năm 1975, người ta làm quen với những kiểu nói như “lính mà em”, “tiền lính tính liền”, “sức mấy mà buồn”, “bỏ đi Tám”, “OK Salem”, “mút mùa Lệ Thủy”, “thơm như múi mít”, “bắt bò lạc”, “một câu xanh rờn”, v.v. Với hầu hết những kiểu nói như thế, người ta có thể hiểu được. Còn bây giờ? Không ai có thể giải thích được. Chúng ngược ngạo đến mức quái đản. Và chúng vô nghĩa đến mức phi lý.


Vậy tại sao chúng lại ra đời, hơn nữa, phổ biến rộng rãi trong xã hội, ngay trong giới có học thuộc loại cao nhất nước?

Dĩ nhiên không phải vì người ta không biết. Biết, chắc chắn là biết; nhưng người ta vẫn chọn những cách nói ấy. Đó là một chọn lựa có ý thức chứ không phải một thói quen vô tình. Sự chọn lựa ấy chỉ có thể được giải thích bằng một cách: người ta muốn nói khác. Khác với cái gì? Với những quy ước ngôn ngữ đang thống trị trong xã hội và thời đại của họ. Khi những cái khác ấy được thực hiện một cách bất chấp luận lý và quy luật, chúng trở thành một thách thức, một sự chối bỏ, hay đúng hơn, một sự phản kháng. Bình thường, không ai phản kháng ngôn ngữ. Bởi ai cũng phải sử dụng ngôn ngữ. Người ta chỉ phản kháng tính chất giả dối, khuôn sáo, cũ kỹ, chật chội trong ngôn ngữ hoặc đằng sau ngôn ngữ: văn hóa, chính trị và xã hội. Bởi vậy, tôi mới xem những cách nói ngược ngạo phổ biến tại Việt Nam hiện nay như một thứ phản-ngôn ngữ: nó là một phần của thứ đối-văn hóa (counter-culture), xuất phát từ động cơ muốn thoát khỏi, thậm chí, chống lại những giá trị, những quy phạm và những chuẩn mực mà người ta không còn tin tưởng và cũng không muốn chấp nhận nữa.

Nói cách khác, nếu việc sử dụng ngôn ngữ trong bộ máy tuyên truyền của đảng và nhà nước Việt Nam mang đầy tính chính trị thì hiện tượng phản-ngôn ngữ đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay cũng có tính chính trị. Thứ chính trị trên dựa trên sự áp chế, độc tài và giả dối; thứ chính trị dưới là một sự phản kháng lại thứ chính trị trên nhưng lại dựa trên một thứ chủ nghĩa hư vô đầy tuyệt vọng.


***

Chú thích:
Có thể thấy điều này qua một ví dụ khá tiêu biểu: Bài thơ “Cho một nhà văn nằm xuống” viết nhân cái chết của nhà văn Nguyên Hồng của Trần Mạnh Hảo (1982) bị phê phán kịch liệt. Võ Văn Kiệt, lúc ấy là Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, cho gọi Trần Mạnh Hảo đến gặp. Trần Mạnh Hảo rất sợ. Thế nhưng cảm giác sợ hãi ấy tiêu tan ngay khi ông nghe câu nói đầu tiên của Võ Văn Kiệt: “Hảo à! Đù má… Mày làm cái gì mà dữ vậy?” Trần Mạnh Hảo giải thích: “Anh phải hiểu rằng tính cách người Nam Bộ là thế. Sống với nhau trong cơ quan hay lúc sinh hoạt thường hay dùng câu ĐM kèm theo. Thân tình mới có câu ĐM. Còn đã gọi nhau bằng đồng chí là ‘có chuyện’. Nghe được lời mắng của anh Sáu (Võ Văn Kiệt) lại có kèm ĐM, tôi biết ngay là ‘thoát’.” Chuyện này được thuật lại trong bài “Much Ado About Nothing” của Phạm Xuân Nguyên trên Talawas.

http://www.reuters.com/article/2010/05/31/us-china-comrade-idUSTRE64U0WP20100531

Cả hai từ “đại gia” và “thiếu gia” đều là những từ cũ, ngày xưa; bây giờ được dùng lại.

Gần đây, chữ “chảnh” còn được nói dưới hình thức tiếng Anh bồi là “lemon question” (chanh + hỏi); cũng như chữ “vô tư” còn được nói là “no four” (không = vô + bốn = tư). Giống như trước 1975, người ta từng nói “no star where” – không sao đâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog