Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Miền Nam

Đầu thế kỷ 21, tôi trở về VN, được cậu em xách chiếc xe hai bánh mà tôi cũng không rõ là xe loại gì, có lẽ giống như chiếc Honda thời xưa thôi. Hai chị em làm một chuyến hành hương đi từ Sàigòn về tới Hà Tiên.  Là người miền Nam nên cậu rành từng thành phố ở miền Nam. Chỉ với chiếc xe hai bánh ấy, chúng tôi đi và trời mùa tháng Năm đổ lửa cùng với những cơn mưa vội vàng, cho nên dù chẳng có aó mưa và nóng nên chúng tôi cứ thấm mưa mà đi, chẳng bao lâu thì quần aó lại khô. Thủa nhỏ tôi may mắn được đến nhiều vùng ở miền Trung, nhưng miền Nam thì tôi chỉ biết đến Sàigòn là hết. Mãi đến ngày ấy mới là lần thứ Hai tôi được nhìn thấy miền Nam, sau lần đầu nhìn thấy rồi đi thằng ra biển.  Cho nên ngồi sau xe hai bánh, tôi có dịp chú ý đến sinh hoạt của các thành phố, dĩ nhiên tôi thấy đời sống ở miền Nam trù phú hơn, những ngôi nhà lá ở bên đường cũng có cột antena, bên cạnh những con sông là những ngôi nhà dọc theo con đường, tuy có nhỏ nhưng cũng được tráng nhựa tương đối tốt. 
Càng đi về phía Nam, nơi mà tôi nghĩ càng xa thủ đô thì có lẽ đời sống văn minh chắc là không được như thủ đô, nhưng tôi đã ngạc nhiên cho sự ngu dốt của mình, càng về phiá Nam, người dân ở Cà Mau, Rạch Giá dường như có đời sống văn minh hơn tôi nghĩ, những con đường trong thành phố có những hàng cây xanh trồng thẳng hàng, những bùng binh sạch sẽ, người dân tôn trọng luật đi đường rất tốt, họ ngừng ở các đèn đỏ và kiên nhẫn đợi đèn xanh, không như dân Sàigòn-Hànội thuả ấy.  Đời sống họ có vẻ yên bình ít bon chen như những nơi khác.  Tôi có chia sẻ nhận xét với cậu em và không hiểu tại sao người dân ở địa phương họ lại có văn hoá cao hơn những thành phố lớn. Tôi tự giải thích có lẽ vì họ ở gần Campuchia và Thái Lan, buôn bán giao dịch với người dân các nước này nên họ có cách sống tuân thủ pháp luật hơn, văn minh hơn chăng.  Bây giờ đọc bài của Dr. Nikonian, tôi mới nhớ lại những ý nghĩ của mình khi ấy và hiểu tại sao,  miền Nam tiếp nhận văn minh Tây Phương sớm hơn các miền khác của đất nước, nên người dân bình thường đã có cách ứng xử tốt đẹp hơn nơi khác. Nếu cũng với cách so sánh như thế thì miền Bắc tiếp nhận văn hoá của Trung Quốc và XHCN của cộng sản sớm hơn nơi khác cho nên bây giờ văn minh của miền Bắc sau bao nhiêu năm đã thay đổi theo... hướng Nam (nghĩa là đi xuống) không có gì là ngạc nhiên phải không? Bây giờ đã vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Sàigòn-Hànội đã theo kịp các thành phố phiá Nam hay nền văn hoá thủ đô đã lan tràn xuống tận miền Nam nhỉ?


 “Đi cho thấy quê hương” 
  Dr. Nikonian
Thỉnh thoảng, tôi lại có dịp được đi đây đi đó để làm hội thảo. Quả là một may mắn và thú vị, khi được thoát ra khỏi bốn bức tường đơn điệu của phòng khám bệnh để rong ruổi đường xa, lại được tiếp xúc với “corps médicale” (y giới- theo cách gọi quen miệng của nhiều đàn anh Tây học) ở nhiều vùng miền của đất nước. Và chính trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, dù chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp của một cuộc hội thảo y khoa, đã gợi ra khá nhiều điều để ngẫm nghĩ.

Sẽ không quá lời, nếu như cung cách, phong thái của đám đông thầy thuốc mà ta gọi là corps médicale đó, cũng phản ánh khá chân thực về phong hóa, tính cách của một vùng miền cụ thể. Cao đạo, khinh bạc, giỏi giang, uyên bác, tự mãn, kiêu căng, bảo thủ, trì trệ…,  những người thầy thuốc trên đất nước này cũng là tấm gương soi về những tố chất của vùng miền đã cưu mang họ. Đất sinh ra con người, hay con người tạo ra phong hóa, câu hỏi ấy chắc nghĩ hoài vẫn không hết những điều thú vị cần kiến giải.

Những đồng nghiệp của tôi ở miền Tây Nam bộ, cũng chân chất, hiền lành, trung hậu…như những bệnh nhân hay người dân quê họ. Và thậm chí, một vài người trong số họ đã từng bị đám sinh viên nghịch ngợm chúng tôi trêu chọc là “bác sĩ Hai Lúa”, cũng vì cái sự thật thà như đếm đó.

Lắm khi, tố chất dung dị của người miền Tây, đã là một trở ngại cho sự vươn đến cái ngưỡng tao nhã, thanh lịch mà nghề nghiệp y khoa đòi buộc, hay như nó phải thế!

Nhưng dù sao, đa phần những đồng nghiệp miền Tây đó là những người đáng mến. Làm việc, trao đổi chuyên môn với họ là một kinh nghiệm dễ chịu và đáng nhớ.
Mỹ Tho là một trải nghiệm khác, cũng vô cùng dễ chịu nhưng chưa hề thấy ở một tỉnh lỵ miền Tây nào khác. Thực vậy, đi lại cũng nhiều, tôi chưa hề thấy một sự đúng giờ rất đáng khen ngợi như vậy ở các đồng nghiệp ở những nơi được gọi là “trung tâm y học” khác của xứ mình. Các đồng nghiệp ở Mỹ Tho ăn mặc chỉnh tề, không áo thun xộc xệch, áo sơ mi trắng bỏ trong quần như …thầy giáo làng, và đúng giờ… như quân đội. Họ nghe chăm chú, ghi chép cẩn thận và không hề có một tiếng chuông điện thoại sỗ sàng nào vang lên trong suốt cuộc hội thảo. Họ đặt những câu hỏi nghiêm túc, thể hiện một trình độ chuyên môn cao với một thái độ thân ái và hòa nhã. Ở đây, ta không hề thấy những bài tham luận lê thê ngoài dự kiến, được diễn giải bằng một thái độ trịch thượng hay khoe mẽ như vẫn thường thấy ở những vùng đất “thanh lịch” khác. Và sau hết, trong ăn trưa, họ không cười nói ồn ào, không cụng ly hò hét “một, hai, ba”… ầm ĩ như bao cuộc nhậu suồng sã khác.
Nhiêu đó thôi, cũng đủ làm cái đầu dấm dớ của tôi ngẫm nghĩ đủ thứ chuyện về sự khác biệt rõ rệt này. Mà vẫn chưa hết ngạc nhiên (và mắc cỡ), khi một đồng nghiệp trẻ còn đến khoanh hai tay rất lễ phép: “Em chào thầy, chừng nào thầy dìa  Sài Gòn?”
Ôi chao, ngồi trên xe về Sài gòn, nghĩ đến thái độ cung kính (mà tôi không xứng) của cô đàn em này mà cứ dụi mắt, tưởng mình vẫn còn đang sống ở thập niên 60-70 ở miền Nam. Vùng đất này, ắt phải có một nền tảng giáo dục vô cùng tốt đẹp, phong hóa phải còn rất thuần hậu, thiên lương phải còn nguyên vẹn lắm mới gìn giữ được những lề thói chân phương đến vậy?
Sẽ không còn chút ngạc nhiên nào, khi lần giở những trang dư địa chí về đất Mỹ Tho. Sách xưa nói rằng, từ năm 1679, chúa Nguyễn đã cho khoảng 3000 người Minh hương định cư ở vùng đất mới này. Cũng như Hội An, với sự trung tín và năng khiếu kinh doanh sẵn có, những người Minh Hương này đã nhanh chóng biến đất Mỹ Tho thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam bộ thời ấy (trung tâm thứ nhì là Cù lao Phố, Biên Hòa). Năm 1785, trận hải chiến Rạch Gầm – Xoài Mút với quân Xiêm la đã diễn ra ở đây và đã biến vùng đất này trở thành tiêu điều, khi đa số thương nhân bản địa di chuyển lên Sài gòn – Bến nghé để sinh sống. Năm 1826, vua Minh Mạng thiết lập trấn Định Tường, nơi mà Mỹ Tho trở thành thủ phủ cho đến thời tỉnh lỵ Định Tường dưới thời chế độ cũ.
Một vài dòng ngắn ngủi để thấy bên cạnh cuộc khai phá của tiền nhân về thương mại, kinh tế, những dấu ấn văn hóa quan trọng của đất Mỹ Tho chỉ được thiết lập dưới thời Pháp thuộc. Ngay từ khi bắt đầu công cuộc xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã tính đến việc mở trường, nhằm đào tạo những nhân viên phục vụ cho việc chiếm đóng của Pháp như: thông dịch viên, thư ký… Nhưng phải đến khi Pháp làm chủ được toàn bộ Nam Kỳ, việc thiết  lập một mạng lưới trường học mới được tiến hành một cách chính thức và bài bản. Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 17.03.1879 trường Collège Mỹ Tho, trường Trung học đầu tiên ở Việt Nam được chính thức thành lập. Để  được vào học ở Collège Mỹ Tho, người học phải tham dự một kỳ thi tuyển rất gắt gao. Học sinh Collège Mỹ Tho được cấp học bổng trong suốt quá trình học tập và bắt buộc phải ở nội trú. Ban đầu, Collège Mỹ Tho dạy các lớp thuộc bậc tiểu học và một lớp năm thứ nhất thuộc bậc trung học, đến năm 1924, trường đã tổ chức được đủ các lớp bậc trung học và được tổ chức thi để cấp bằng Thành chung cho học sinh.
Vì là trường trung học duy nhất ở Nam Kỳ thời bấy giờ nên Collège Mỹ Tho đã thu hút đông đảo học sinh miền lục tỉnh Nam Kỳ theo học. Đến năm 1917, trường mở một chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège Can Tho. Học sinh học xong lớp bổ túc tiểu học (Cours Complémentaire) ở Collège Can Tho sẽ được chuyển sang học ở Collège Mỹ Tho cho đến hết năm thứ tư*.
Có lẽ, với cơ sở giáo dục quan trọng này, cùng đường xe lửa nối với Sài Gòn dài 71 km, khánh thành ngày 20 tháng 7 năm 1885, là hai yếu tố quan trọng làm cho đất Mỹ Tho mang một dung mạo văn hóa khác hẳn với những vùng đất miền Tây khác.
Giật mình nhớ lại, nhiều đàn anh, đồng nghiệp xuất chúng của tôi ở Sài gòn có gốc gác cũng từ Mỹ Tho.
Không lẽ, cuộc xâm lăng kèm với khai hóa của người Pháp đã trôi qua cả trăm năm, vẫn còn để lại những dấu ấn tốt đẹp như vậy trên nhiều thế hệ trí thức của vùng đất này? Mà có gì đáng ngạc nhiên, nếu ta hiểu gia phong, phong hóa là những thói quen vừa tập nhiễm (acquired), vừa di truyền, và khó lòng triệt hạ nó qua một hai thế hệ. (Những kẻ cay nghiệt chủ trương xem xét lý lịch ba đời từ thời phong kiến, ắt hiểu rất rõ điều này!).
Tôi, kẻ kém cỏi về sử địa, thật thà tin rằng cái thực học của nền giáo dục Pháp, khi gieo trồng trên đất lành Nam bộ, qua bao nhiêu dâu bể, vẫn còn để lại những trái ngọt cho đến ngày nay.
Tại sao trên đất nước này, không phải đâu đâu cũng vậy? Nghĩa là thanh bạch mà không nghèo hèn, giỏi giang mà không hợm hĩnh, khiêm tốn mà không hèn hạ, hòa nhã mà không suồng sã, vui vẻ mà không dung tục… Như tôi đã thấy ở corps médicale Mỹ Tho!
Vậy đó, trong một chuyến “đi cho thấy quê hương”, tại sao tôi không có quyền ao ước những điều giản dị như thế cho đất nước nghèo khó và đáng thương vô hạn của mình?
Tháng 9.2012

______________________
*Địa Phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1937 viết: “Ngày nay trường trung học là một trong những cơ sở mát mẻ, xanh um, rộng rãi nhất của thuộc địa. Có những bồn hoa đẹp mắt đầy sân, những hàng cây râm bóng che mát trường, khắp chỗ, chống ánh nắng gay gắt của mặt trời. Đó là một trong những rất ít cơ sở học đường thoát khỏi đặc tính cổ truyền của nơi này. Thế thì có phải đấy là một trong những lý do về sự thành công mà trường đạt đối với gia đình bản xứ, kể cả gia đình người Pháp đều thích con em mình được sống và học tập trong một khung cảnh vui vẻ, xinh đẹp”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog