Nguyễn Hưng Quốc
Ở Việt Nam, mấy năm gần đây, có
một chữ khá thịnh hành và thường gây xôn xao dư luận: “cưỡng chế đất
đai.” Nhưng việc cưỡng chế ấy không phải chỉ giới hạn ở chuyện đất đai.
Từ lâu, chính quyền đã có một hình thức khác: cưỡng chế ngôn ngữ.
Hình thức cưỡng chế ấy có nhiều biểu hiện.
Thứ nhất, nhà cầm quyền cộng sản sử dụng ngôn ngữ như những nhãn hiệu
để phạm trù hóa kẻ thù. Ngày xưa, thời kháng chiến chống Pháp, đó là
những chữ “thực dân,” “Việt gian,” “địa chủ,” “cường hào” và “tư sản”;
sau, thời chiến tranh Nam Bắc, đó là những chữ “đế quốc,” “chủ nghĩa
thực dân mới,” “Mỹ ngụy,” “bù nhìn,” “tay sai,” “ác ôn,” “phản quốc” và
“phản động”; sau năm 1975, “chủ nghĩa bá quyền,” “chủ nghĩa bành
trướng,” “tư sản mại bản,” “tàn dư của chủ nghĩa thực dân” và “phản
động”; gần đây, thêm hai khái niệm mới: “diễn tiến hòa bình” và “âm mưu
của các thế lực thù địch quốc tế.” Ði đôi với các từ ngữ ấy ấy là vô số
các ẩn dụ nhằm phi nhân hóa kẻ thù: “sài lang,” “lang sói,” “ác thú,”
“quỷ dữ,” v.v...
Những nhãn hiệu ấy có ba chức năng chính: một, để chụp mũ bất cứ
người nào đi ngược lại chủ trương của họ; hai, để phi nhân hóa kẻ thù:
kẻ thù tồn tại không phải như những con người mà là như những khái niệm,
do đó, việc tiêu diệt kẻ thù không còn nằm trong phạm trù đạo đức thông
thường nữa; và ba, để dựng lên những con ngáo ộp hầu một mặt, hù dọa
dân chúng; mặt khác, biện minh cho những chính sách cứng rắn, thậm chí,
có tính chất khủng bố của họ. Chức năng thứ ba là thuộc tính của mọi chế
độ độc tài: Họ luôn luôn cần kẻ thù, cần văn hóa chiến tranh. Nếu không
có kẻ thù thì họ thêu dệt ra kẻ thù. Bóng ma của kẻ thù là một cách để
vừa tập trung quyền lực vừa đánh lạc hướng dư luận. Ðối diện với cái
bóng ma đầy đe dọa ấy, dân chúng nói chung dễ dàng gác bỏ mọi sự hoài
nghi hay ý hướng phản kháng.
Thứ hai, đặc biệt suốt cả hai cuộc chiến tranh, 1946-54 và 1954-75,
là quân sự hóa các hoạt động ngôn ngữ trong đời thường. Văn học nghệ
thuật biến thành hoặc “chiến trường” hoặc “mặt trận” hoặc “trận tuyến”;
tác phẩm là “vũ khí”; viết lách là “tiến công”; “nhà thơ cũng phải biết
xung phong”; “viết bài thơ trên báng súng”; “vóc nhà thơ đứng ngang tầm
chiến lũy/bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng
rơi”; giới cầm bút biến thành “đội ngũ,” hình thành nên cái gọi là “đội
quân văn nghệ” hay “lực lượng sáng tác,” ở đó mọi người đều là những
“chiến sĩ cầm bút” và đều tuân theo một “cương lĩnh chiến đấu” và cùng
nhau “hiệp đồng chiến đấu.” Thơ trào phúng được xem là một “binh chủng
đặc biệt” trong khi các bài ký sự thổi sức nóng của đời sống thực được
xem là một “mũi xung kích” hoặc “mũi nhọn tiến công” của nền văn học
mới. Một nhà thơ hay một nhà văn trung thành với một vùng sáng tác nào
đó thì được gọi là “bám trụ”; đi tiên phong trong một lãnh vực nào đó
thì biến thành “ngọn cờ”; tập trung vào việc đả kích địch thì được ví
với việc “nổ súng”; thường xuyên phê phán địch thì được biểu dương là
“nắm thắt lưng địch mà đánh.” Trong thơ, có những “bài thơ rực lửa chiến
đấu”; trong âm nhạc, có “tiếng hát át tiếng bom.”
Vượt ra ngoài phạm vi văn học, ở các lãnh vực khác, cũng thế. Một đám
đông, dù chẳng liên quan gì đến quân sự, cũng được gọi là “đội quân”:
“đội quân thất nghiệp.” Làm quang đất đai thì gọi là “giải phóng mặt
bằng.” Một chương trình có nhiều người tham gia và được nhà nước cổ vũ
thì được gọi là “chiến dịch” (ví dụ: “chiến dịch làm sạch đường phố”).
Ngày mở đầu của những chiến dịch như vậy thường được gọi là “ra quân”
(“Hà Nội ra quân chống ùn tắc giao thông”). Trấn giữ một địa điểm nào đó
để làm nhiệm vụ, cho dù chỉ là nhiệm vụ phòng chống lũ lụt, cũng được
gọi là “đóng chốt” hay “trực chiến” (“Chính quyền, các cơ quan chủ quản
đã cử người đóng chốt, trực chiến tại những địa điểm nhiều nguy cơ lũ
tràn về.”) (1). Cách thức ăn uống đặc biệt cho một loại người nào đó trở
thành “chế độ” ăn uống. Tự mình dằn vặt suy nghĩ để đi đến một quyết
định quan trọng nào đó thì được gọi là “đấu tranh tư tưởng.” Tố Hữu có
hai câu thơ tả một cánh đồng hợp tác xã ở miền Bắc: “Hãy xem! Ðồng ruộng
cũng chỉnh tề thế trận/Lúa đứng thẳng hàng quyết tâm năm tấn.” Một nhà
thơ nào đó, hình như là Trinh Ðường, có câu thơ tả tình yêu: “Tình yêu
anh, em ạ, cũng lên nòng.”
Thứ ba là hành chính hóa ngôn ngữ. Ở xã hội nào cũng có lớp từ vựng
hành chính riêng. Xưa, có các từ sớ, tấu, chiếu, chỉ, bẩm, báo, trình,
với những “quan,” những “cụ,” những “thầy” các loại. Xã hội ngày nay
cũng vậy. Cũng có “cán bộ,” có “đồng chí,” có “báo cáo,” có “phương án
giải quyết,” có “đăng ký” và “quản lý,” v.v... Chỉ có vấn đề là, khác
với các nơi và thời khác, dưới chế độ cộng sản, lớp từ hành chính ấy cứ
tràn ra đời sống hàng ngày. Ở mọi nơi. Kể cả những nơi quan hệ giữa
người và người không có chút hành chính gì cả.
Cũng có khi đó là chủ trương chung của nhà cầm quyền: Ðể xây dựng một
xã hội mới với những con người mới, và đặc biệt, những quan hệ mới,
người ta cổ vũ việc sử dụng lớp từ hành chính trong mọi trường hợp. Bạn
bè là “đồng chí” của nhau. Những người “đồng chí” ấy không chuyện trò
với nhau: Họ “trao đổi” hoặc “báo cáo” cho nhau, rồi “tự phê” và “phê
bình” nhau. Sau những “báo cáo” và những “phê bình” ấy, người ta không
cần hiểu rõ: Người ta chỉ cần “quán triệt.” Nếu một người còn hoang
mang, người khác sẽ tiếp tục giúp “đả thông tư tưởng.” Con trai và con
gái không gặp nhau: họ “phát hiện” ra nhau; họ không yêu nhau: họ có
“quan hệ tình cảm” với nhau; họ không làm đám cưới với nhau, họ chỉ
“đăng ký kết hôn.” Ngày xưa, chỉ có các nhà tư tưởng mới “tư duy” (Tôi
tư duy vậy tôi hiện hữu, “Cogito ergo sum,” Descartes), bây giờ, trong
quần chúng, ai cũng “tư duy” nên mặt mày ai cũng “khẩn trương” và cũng
đầy “bức xúc,” nhất là khi gặp một “sự cố” gì đó mà người ta chưa có
“phương án giải quyết.”
Việc hành chính hóa ngôn ngữ ấy làm xóa mờ ranh giới giữa cái riêng
và cái chung, tính chất cá nhân và tính chất tập thể, kích thước xã hội
và kích thước chính trị trong đời sống con người. Từ cái nhìn bên ngoài,
chúng ta dễ thấy việc hành chính hóa ngôn ngữ ấy là một sự hài hước,
thậm chí, lố bịch, do đó, nó trở thành đề tài của các truyện cười nhạo
báng chế độ, kiểu nói chuyện với bố mẹ hay anh em bạn bè mà dùng chữ
“báo cáo”; xin kết hôn mà dùng những chữ to tát như “đăng ký” hay “quản
lý đời em”; hối thúc một người nào đó mà dùng chữ “hãy khẩn trương
lên”... Tuy nhiên, từ cái nhìn trong cuộc, với việc phổ cập của lớp từ
vựng hành chính trong đời sống hàng ngày như vậy, nhà cầm quyền đã thành
công trong việc nhồi sọ quần chúng, biến mọi người thành một thứ công
cụ như được đúc ra từ một cái khuôn duy nhất: người ta không còn sự
riêng tư và sự độc đáo nữa.
Thứ tư là tạo nên những từ mới hoặc áp đặt lên các từ cũ một nội dung
mới hoàn toàn trái ngược hẳn với hiện thực vốn có. Ví dụ cho loại này
nhiều vô cùng: thay cho chữ “trại tù,” họ gọi là “trại học tập” hay
“trung tâm phục hồi nhân phẩm”; thay cho chữ “nhồi sọ,” họ gọi là “cải
tạo tư tưởng”; thay vì gọi thẳng là tịch thu đất đai của địa chủ, họ
dùng chữ “cải cách ruộng đất”; thay vì gọi thẳng tịch thu tài sản của
người giàu, họ gọi là “đánh tư sản”; thay cho chữ “làm quan,” họ tự xưng
là “đầy tớ nhân dân”; thay cho chữ “độc tài,” họ lại gọi là “làm chủ
tập thể”; cán bộ đồi trụy, thay vì nói đồi trụy, họ dùng chữ “hủ hóa”;
đối với hiện tượng tham nhũng hay thoái hóa của đảng viên, thay vì dùng
chữ “nhiều,” họ dùng chữ “không ít” hoặc “một bộ phận”; thay vì thừa
nhận thất bại trước các thử thách, họ dùng cách nói “từng bước khắc
phục”; thay vì “bắt lính,” họ gọi là “đi nghĩa vụ quân sự”; thay vì nói
đánh chiếm Cambodia, họ nói họ đang làm “nghĩa vụ quốc tế”; thay vì nói
“bế tắc,” họ dùng chữ “hạn chế tất yếu”; những gì họ thích thì họ gọi là
“bản chất” và “khách quan”; những gì không thích thì họ gọi là “hiện
tượng” và “chủ quan.”
Gọi như thế, người ta bất chấp cả sự thật. Chủ nghĩa cộng sản đã sụp
đổ trên phạm vi toàn thế giới và những mặt trái của nó đã được vạch trần
và đã trở thành hiển nhiên với mọi người, họ vẫn tiếp tục gọi nó là
“tiến bộ,” là “đỉnh cao,” là “ưu việt” và là “quy luật phát triển” của
lịch sử. Không có tự do bầu cử và cũng không có bất cứ một cuộc trưng
cầu dân ý nào, người ta vẫn khăng khăng nhân danh “ý nguyện của toàn
dân” để duy trì sự độc quyền lãnh đạo của mình. Suy nghĩ cũ mèm mà vẫn
cứ ba hoa là “đổi mới tư duy.” Gần đây, họ gọi các cuộc biểu tình chống
Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn là các cuộc “tụ tập tự phát” của quần
chúng; tàu Trung Quốc đâm nát tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngoài
Biển Ðông được gọi là “tàu lạ”; những vấn đề nhà cầm quyền không muốn
nghe thì gọi là “nhạy cảm,” v.v...
Có thể nói, với những cách dùng từ hoặc định nghĩa từ ngang ngược như
vậy, người ta tiến hành một cách quy mô, kiên trì và có hệ thống một
cuộc cưỡng chế trong lãnh vực ngôn ngữ. Hậu quả là nó làm thay đổi hẳn ý
nghĩa của rất nhiều từ quen thuộc hoặc làm cho chúng trở thành rỗng
tuếch, không còn mang một ý nghĩa gì cả. Những chữ như “cách mạng,”
“giải phóng,” “công bằng,” “tự do,” “dân chủ,” “nhân quyền,” “tiến bộ,”
“phát triển,” “đỉnh cao trí tuệ,” “làm chủ tập thể,” “quần chúng,” “nhân
dân,” thậm chí, cả chữ “yêu nước”... đều nằm trong trường hợp như thế.
Ngay cả những chữ đơn giản như “đúng” và “sai,” “thật” và “giả,” “tiến
bộ” và “lạc hậu,” “tốt” và “xấu”... cũng không còn nguyên nghĩa của
chúng nữa. Trong các cặp đối lập ấy, khái niệm thứ nhất bao giờ cũng
được sử dụng cho đảng, hoặc rộng hơn chút, cho “phe ta”; còn khái niệm
sau bao giờ cũng thuộc về phe địch. Không có ngoại lệ. Ðã là địch thì
phải sai, phải giả, phải xấu và phải lạc hậu. “Ta” thì, ngược lại.
Trong cuốn phim tài liệu “Chuyện Tử Tế,” Trần Văn Thủy đi hỏi ý nghĩa
hai chữ “tử tế” và “vĩ đại,” hầu như ai cũng lúng túng. Bây giờ thử hỏi
những người Việt Nam bình thường những từ như “tình hữu nghị” hay “láng
giềng tốt” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự có nghĩa
là gì, hẳn ai cũng thấy hoang mang. Khi những người yêu nước, vì công
phẫn trước những thái độ uy hiếp ngang ngược và trắng trợn của Trung
Quốc xuống đường biểu tình, bị chính quyền, cũng nhân danh lòng yêu
nước, trấn áp, đánh đập, bắt bớ, sỉ nhục và bị xem như một “thế lực thù
địch,” người ta không còn thấy đâu là ranh giới giữa yêu nước và bán
nước nữa. Bài thơ “Lẫn Lộn Lung Tung” của Bùi Giáng, làm trước năm 1975,
có giá trị như một sự tiên tri:
Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây.
Chú thích:
(1) Ví dụ này và ví dụ trên được dẫn lại từ bài “Dấu Vết Chiến Tranh
Trong Tiếng Việt” của Nguyễn Ðức Dân trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 2
tháng 9, 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét