S.T.T.D Phạm Xuân Đài
-
Ngay sau chiến thắng của phe cộng sản tại
Việt Nam tháng Tư năm 1975, một sự kiện bi tráng đã xảy ra và kéo dài
liên tục trong hơn 15 năm: đó là cuộc vượt biên của nhân dân Việt Nam
nhằm đào thoát ra khỏi chế độ cộng sản.
Cuộc đào thoát thoạt tiên xảy ra tại vùng đất thua trận miền Nam. Từ lâu, dân miền Nam là “bà con gần” với thế giới tự do, cho nên trong cơn hoạn nạn ngay trên đất nước của mình, thì phản ứng tự nhiên là chạy tới tìm nhờ bà con. Cũng từ lâu, khi nói tới vượt biên, hầu hết chúng ta chỉ nghe nói những địa chỉ tới của các con thuyền lén lút ra khơi là Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Úc. Từ các bến bãi miền Nam, thuyền tị nạn tìm đến các bến bờ vùng Nam Á ấy là lẽ tự nhiên – về địa lý cũng như về sự tin cậy. Thế nhưng đường tị nạn còn một hướng nữa, về phía Bắc, mà hầu hết đều tấp vô bến Hồng Kông. Một số người vượt biên từ các tỉnh cực bắc của VNCH cũ, như Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi có khuynh hướng chạy ngược lên hướng Bắc vì đường gần hơn. Nhưng xem kỹ lại thì đa số người tị nạn trong các trại Hồng Kông có vẻ là những người ra đi từ miền Bắc Việt Nam, là miền đất thuộc phe thắng trận năm 1975.
Cuộc đào thoát thoạt tiên xảy ra tại vùng đất thua trận miền Nam. Từ lâu, dân miền Nam là “bà con gần” với thế giới tự do, cho nên trong cơn hoạn nạn ngay trên đất nước của mình, thì phản ứng tự nhiên là chạy tới tìm nhờ bà con. Cũng từ lâu, khi nói tới vượt biên, hầu hết chúng ta chỉ nghe nói những địa chỉ tới của các con thuyền lén lút ra khơi là Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Úc. Từ các bến bãi miền Nam, thuyền tị nạn tìm đến các bến bờ vùng Nam Á ấy là lẽ tự nhiên – về địa lý cũng như về sự tin cậy. Thế nhưng đường tị nạn còn một hướng nữa, về phía Bắc, mà hầu hết đều tấp vô bến Hồng Kông. Một số người vượt biên từ các tỉnh cực bắc của VNCH cũ, như Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi có khuynh hướng chạy ngược lên hướng Bắc vì đường gần hơn. Nhưng xem kỹ lại thì đa số người tị nạn trong các trại Hồng Kông có vẻ là những người ra đi từ miền Bắc Việt Nam, là miền đất thuộc phe thắng trận năm 1975.
Có cái gì như là nghịch lý ở đây. Dân
thua trận, bị đối xử tàn tệ không sống nổi phải chạy trốn, cái đó hiểu
được. Nhưng dân của phe thắng trận cũng chạy trốn là tại làm sao? Câu
hỏi này có lẽ được giải đáp lâu rồi: vì chế độ chính trị. Cuộc thắng
trận năm 1975 như một trái pháo bông nổ tung sáng rực trong chốc lát,
sau đó tắt ngóm và màn đêm lại bao trùm như cũ, kể cả trên miền Bắc
chiến thắng. Và lầm than khắp nơi, không kể nam hay bắc. Và có lẽ “theo
gương” dân miền Nam, dân miền Bắc cũng ra đi để tìm một cuộc đời đáng
sống hơn.
“Đường Phía Bắc” (*) là một cuốn sách
thu góp nhiều mẩu chuyện của người vượt biên từ đất Bắc, ghi lại trong
cung cách tiểu thuyết hóa để thành một câu truyện mạch lạc các nhân vật
có liên kết với nhau. Gọi là đường phía bắc, tác giả có dụng ý đưa ra
một hình ảnh đối ngược với đường phía nam là những chuyến hải hành tỏa
ra nhắm đến các nước Đông Nam Á, vốn gần với phần phía dưới của nước
Việt Nam. Ngược lại, đích đến của đường phía bắc chỉ có một: Hồng Kông.
Thảm cảnh của những chuyến vượt biên
thì quá nhiều, nam cũng như bắc. Nhưng từ trước đến nay người ta ít biết
cảnh thực của những chuyến vượt biên từ miền Bắc, vì, như tác giả giải
bày trong lời giới thiệu đầu sách:
“Con đường ngược bắc của những cá
nhân ấy lại được kể thì thầm như tội đồ xưng tội, tội tổ tông, tội bỏ
nước, tội đi tìm chỗ sống, chỉ dành riêng cho kẻ muốn nghe, không có
tiếng mõ nhịp, chỉ có những bàn chân xếp thành dấu chấm in trên đất trên
nước qua vạn dặm hành trình.”
Là người từng làm việc thiện nguyện tại
các trại tiếp người vượt biên tại Hồng Kông, tác giả có nhiều dịp được
nghe những “lời kể thì thầm” của biết bao là mảnh đời về chuyến hải hành
không dài lắm từ vịnh Bắc Bộ đến Hồng Kông. Không dài nhưng không phải
là không gian nan và nhiều thảm cảnh, đặc biệt khác hẳn những gì chúng
ta vẫn nghe từ các người vượt biên miền Nam, đi “đường phía Nam”.
Cuốn sách mở đầu với một hoạt cảnh đầy
kịch tính của một người còn trẻ đóng vai bộ đội đi phép trở về đơn vị
đóng ở vùng ven biển, phải đóng thật khéo để có thể vượt qua vô số trạm
kiểm soát của công an nhằm bắt giữ bất cứ ai trên các chuyến xe đò có vẻ
khả nghi là đi về vùng biển để vượt biên. Với một bút pháp rất nghệ
thuật, tác giả đã cho Hải, người thanh niên ấy, có những ngôn ngữ cùng
hành vi y hệt một anh bộ đội dày dạn bất cần đời, khiến đám công an đâm
“nể” và cho anh ta đi thoát, để câu chuyện vượt biên về phía bắc của anh
ta có thể bắt đầu. Và cũng chính hiện tượng canh phòng kỹ lưỡng này của
công an cho thấy vào thời điểm kể truyện này chuyện vượt biên đã xảy ra
khá nhiều ở các vùng biển miền Bắc rồi.
Chuyến hải hành của con thuyền chở 60
người ra đi trót lọt. Nó đi về hướng bắc một cách chậm chạp hơn người ta
tưởng: dự tính bảy ngày sẽ tới Hồng Kông, nhưng hơn mười ngày hãy còn
ven biển đảo Hải Nam. Lâu lâu lại tìm cách đổ bộ vào bờ, công an Trung
Quốc bắt gặp thì không làm khó dễ gì, trái lại sẵn sàng đi mua hộ dầu và
thức ăn, chỉ tuyệt đối cấm người trên thuyền lên bờ. Lần nào họ cũng
đếm và ghi lại số người trên thuyền, rồi ra lệnh cho đi tiếp. Vào cuối
thập niên 1980, Trung Quốc và Việt Nam còn kình chống nhau, nên họ có vẻ
có cảm tình với người tị nạn vượt thoát khỏi Việt Nam. Nhưng họ không
nhận người tị nạn, và người tị nạn cũng nhắm tới một nơi khác chứ không
phải một nước Trung Quốc cộng sản: họ chỉ cần tới Hương Cảng.
Nhưng đoạn đường không xa ấy cũng có
lắm tai ương, và chiếc thuyền vượt biên của Hải đi đã không bao giờ đến
đích. Nó bị một cơn bão biển đánh giạt vào bờ và vỡ tan tành. Chuyện kỳ
lạ là Hải và đứa con gái còn nhỏ của anh sống sót cùng với vài người bạn
thân của anh, và họ lại gắng “mưu sinh” bằng cách đi ăn xin. Rồi đứa
nhỏ chết, rồi cơ may lại tới, bọn họ lại nhập vào một đám khác có
thuyền, rồi lại lên đường.
Chúng ta ít khi nghe được lời mô tả
những hãi hùng của một trận bão biển, vì người đã trải qua thì ít khi
còn trở về được để kể cho chúng ta nghe. Thảng hoặc có sống sót trở về
thì cũng khó có đủ ngôn từ để diễn tả cơn thịnh nộ của biển khơi, vì nó
vượt khỏi các ý niệm và ngôn ngữ thông thường của con người ở trên mặt
đất.
“Cái hình rẽ quạt từ trên trời
càng lúc càng tỏa rộng, như năm ngón tay quái thú úp chụp xuống những
con người bơ vơ bé nhỏ. Trong tích tắc, thuyền bị sóng nhồi lên đến
tuyệt đỉnh cao, cao đến mức không thể cao nữa, rồi từ đỉnh cao ấy, vụt
xuống một thung lũng bốn bề là nước đen dựng thành tường. Tiếng ré kinh
hoàng của tất cả bị hút ngay vào bức tường đen, mất biệt, như sự thẩm âm
tuyệt hảo nhất do tạo hóa cấu thành. Từ đỉnh sóng xuống vực sâu, rồi từ
vực sóng thuyền tung lên đỉnh sóng, Hải nghe tiếng hét thất thanh của
lão Mục:
- Con…ơi ơi…!
Tiếng hét xoáy tít vào tiếng nước
reo hăm hở, ác độc. Thần biển đang hể hả xoa tay, chờ từng sinh mạng nạp
mình. Trong giây phút ấy, lạ thay bé Ngọc vẫn trừng mở mắt, nhìn chằm
chằm bức tường nước sùng sục quanh thuyền. Hải ôm chặt con, chàng nhìn
thấy bóng dáng Đức Phật, chàng nhìn thấy thánh giá của Chúa Giê su,
chàng nhìn thấy hồn thiêng của cha mình sừng sững trên sóng, dưới vực
thẳm, đang nắm tay nhau kết thành vòng tròn lớn, cùng ca hát bài ca luân
hồi sinh tử. Hải trừng mắt. Chàng muốn thấy kỹ cái tích tắc vô thường
mà đời người không tránh khỏi. Chàng sắp dắt con xuống yết kiến thủy
thần. Chàng sẽ cười khà vào mặt lão già có chòm râu bạc lướt thướt và
đôi mắt buồn thăm thẳm:
- Ông đã thắng!
- Ta lúc nào cũng thắng.
- Trẻ thơ có tội gì?
- Trót sinh ra làm người.
- Tôi đi tìm đất sống.
- Đất nào sống được nói ta nghe.
- Không phải nơi tôi được
sinh ra. Nơi tôi có quyền ca khi hoa nở, nơi tôi có quyền khóc khi tôi
muốn và nơi không có lão già râu bạc như ông.
- Ha…ha…ngươi tưởng không có người như ta là ngươi sống được ư…ha…ha…ta cho ngươi thấy.
Thủy thần vụt tan ra thành xoáy
nước, vỗ tay reo. Lão cong mình thành một ngọn sóng, ngọn sóng dài hơn
chiều dài của chiếc thuyền chở Hải. Lão trườn lên lặn xuống không biết
bao nhiêu lần. Đột nhiên, lão đổi trò chơi, lão xoay tít trên không gian
đen như vũng nước trâu nằm, hất tung cả chiếc thuyền lao vào hư vô nín
lặng…”
Nhưng qua các tai biến với vô số tình
cờ, chúng ta biết thêm được một số điều, không phải chỉ trên biển cả, mà
ở trong nước Tàu. Trước hết là thảm cảnh của cuộc “nạn kiều” xảy ra cho
số người Hoa Kiều bị nhà nước Việt Nam đuổi về Tàu mươi năm trước. Họ
là những người Tàu sinh sống ở Việt Nam đã lâu đời, bỗng vì sự xích mích
giữa hai nước mà phải biến thành nạn kiều, phải dứt bỏ sản nghiệp lẫn
đời sống tinh thần tình cảm đã xây dựng trên đất nước Việt Nam để về cố
quốc, một thứ “nước cũ” nghèo nàn nay đã thành xa lạ đối với họ và cũng
chẳng hào hứng gì để đón họ trở về. Vì thế nên mới có cảnh:
“Cái vẻ trù phú của cảng Hải Bắc
chỉ làm tăng nỗi bơ vơ lạc lõng của nạn dân nạn kiều sống trên bãi biển.
Ngoại trừ một nhà thương thí do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thành lập
năm 1979, các nạn kiều bị đuổi về nước năm 78 chẳng được hưởng một quy
chế gì rõ ràng. Đầu tiên, họ được bố trí lên các nông trường ở tỉnh
Quảng Tây. Chịu không nổi đời sống ở đó họ trốn về miền biển và cắm lều
sống trên bãi cát bằng nghề đánh cá. Họ làm vệ sinh cá nhân ngay trên
bãi, lấy cát lấp lại chờ sóng lên dọn sạch. Nhóm nạn kiều sống ở Bắc Hải
đã bị lãng quên hoàn toàn. Không ai cần biết đến họ và họ cũng chẳng
trông chờ vào ai. Lương thực của họ là biển cả mênh mông (tê tái) ngoài
xa kia. Trung Quốc coi họ là nạn dân người Việt, nhà nước Việt Nam lại
coi họ là nạn Kiều. Sức ép của hai thể chế đẩy những người này ra tận mé
nước và không thể ra xa hơn được nữa. Những đứa trẻ sinh ra trên cát
nóng chờ ngày theo cha mẹ ra khơi bắt cá. Không một ngôi trường nào chịu
chứa những đứa trẻ sinh nhầm đất nước ấy.”
Không đi vượt biên về hướng Bắc thì làm
sao đám người Việt này gặp được một cái thành phố ma với bốn kỳ nhân ở
trong đó từ thời cách mạng Vệ Binh Đỏ, những chuyện lạ lùng đã xảy ra
giữa thế kỷ 20. Từ thuyền họ thấy có một thành phố trên bãi biển bèn tấp
vào kiếm ăn. Nhưng khi bước lên bờ họ mới nhận ra đó là một thành phố
không có người ở. Và khi “thám hiểm” vào trong, họ gặp một cái nhà với
bốn người ở, có thể gọi là bốn quái nhân, những linh hồn sống duy nhất
của thành phố bỏ hoang này. Một người tương đối còn lành lặn nhất là
Hồng lão, hồi 1966 là giáo sư đại học Thanh Hoa, bị vệ binh đỏ hành hạ
rồi đưa đi tập trung lao động, cuối cùng về đây, một công trường cải
tạo, nhưng về sau mọi người bỏ đi hết, chỉ còn lại bốn người không biết
về đâu. Người thứ hai là một bác sĩ y khoa, với một câu chuyện ly kỳ,
tàn khốc:
“Tôi ngồi trong nhà mà run sợ. Vì
tôi là trí thức hành nghề theo học thuật phương Tây thì ắt là hữu khuynh
tư bản rồi. Thình lình, cánh cửa nhà cha mẹ tôi bị đạp tung, một đội Vệ
binh Đỏ tay cầm gậy gộc xông vào. Chúng dõng dạc tuyên bố gia đình tôi
thuộc thành phần trí thức tư sản, rồi xông vào đập phá đồ đạc. Chúng
giựt tranh treo tường, đập tủ chén, xô ngã bàn thờ, không còn một thứ gì
còn gọi là nguyên vẹn. Thậm chí chiếc áo có thêu kim tuyến của mẹ tôi
cũng bị kết là tư sản, chúng lấy kéo cắt nát. Cha mẹ tôi, em trai tôi và
tôi nữa bị chúng bắt quì gối ngay giữa phòng trước. Sau đó, chúng xởn
hết tóc chúng tôi, còng tay và dẫn đi diễu phố. Hết ngày, chúng dẫn về,
lấy roi da đánh đập chúng tôi ngất đi rồi mới bỏ đi, không quên khóa
trái cửa căn nhà. Gia đình tôi là kẻ thù của nhân dân.”
Ở một đất nước mà từ nghìn xưa đã có
những hiền triết nêu cao chữ Nhân như một khám phá bản chất cao đẹp của
con người, mà nay lại được điều hành bởi một bạo chúa mác-xít hoàn toàn
vô nhân, đẩy con người vào những trạng thái không thể tưởng tượng nổi:
“Trong suốt bốn ngày, chúng tôi
không có gì để ăn. Chén bát đã bể hết. Chỉ còn ít mì gói nhai sống.
Chúng tôi sợ hãi và đói khát. Sáng sớm hôm sau chúng nó lại tới, lại
hành hạ, lại đi diễu phố, lại bị đánh bằng roi da. Trời ơi, đảng ơi…!
Điện đã bị cúp hết. Căn nhà tối mù.
Bên ngoài mưa rơi nức nở. Chúng tôi ngồi nghĩ đến cái chết. Phải rồi,
sao không chết đi để hết nhục, để bớt đau khổ thấy mình thua cả chó.
Chắc là đã quá nửa đêm. Tiếng mưa rơi tê tái quá! Làm sao để tự ải đây?
Cha tôi suy nghĩ, mẹ tôi suy nghĩ, còn tôi thì nát óc. Đứa em trai trên
gác thượng chắc cũng đang suy nghĩ. Thình lình tôi nhìn thấy con dao rọc
giấy ở chân bàn. Bọn Vệ binh Đỏ hẳn đã làm rơi nó. Trời đã gửi thiên sứ
xuống. Tạ ơn trời. Tôi là bác sĩ. Tôi biết là nếu động mạch cổ bị cắt
thì các mạch máu sẽ ngưng hoạt động và người ta chết tức khắc, chết tức
khắc, chắc chắn như thế. Đây là cách chết nhanh nhất và vô phương cứu
chữa. Cha mẹ tôi chưa tin hẳn vào lời giải thích của tôi. Người hỏi có
đúng là chết dễ như thế không? Tôi phải lấy bằng bác sĩ ra để đảm bảo
với người là chắc chắn như thế. Cuối cùng mẹ tôi bảo: ‘Tạ ơn trời, sao
lại dễ thế được. Tạ ơn trời đã ban cho tôi đứa con học ngành y’. Người
nói hoài như thế, mắt long lanh sung sướng. Cha tôi bảo: ‘Con là người
duy nhất biết việc, vậy hãy cắt cổ cha mẹ trước rồi hãy tự cắt cổ con’.”
Kể ra, đi vượt biên mà có những cuộc
gặp gỡ ly kỳ, mang lại những hiểu biết lạ lùng như thế này thì cũng…
đáng công khó. Trên thế giới giữa thế kỷ 20 hẳn không ở đâu có được
những chuyện tương tự như thế của nước Tàu.
Trải qua tất cả những thảm cảnh cùng
cực cho một đời người, cuối cùng Hải cũng đến được vùng đất hứa, là
thành phố Hương Cảng. Trong trí tưởng tượng của người vượt biên, đó là
tự do, là thiên đường, nhưng đầu tiên họ phải vô các trại tiếp cư, mà
thực chất là nhà tù. Sống dưới chế độ nghèo khổ và bị tước đoạt hết
quyền làm người của chủ nghĩa cộng sản, người ta háo hức ra đi để tìm
một đời đáng sống hơn, và tưởng rằng phần nhân loại còn lại có bổn phận
“phải” lo toan mọi việc cho họ. Đúng là có những tổ chức để lo toan,
nhưng không xuể, vì lo được một thì người ta kéo đến mười. Tiếng réo gọi
của Tự Do thật là thần bí. Tiếng réo gọi của một đời sống sung túc xứng
đáng với phẩm giá cũng mạnh mẽ lạ thường. Cũng làm thân con người, sao ở
nơi kia người ta sung sướng, còn tôi thì quá nhục nhằn? Sao tôi không
thể chuyển đổi đời sống của tôi? Cái bến bờ xa xa kia đã hớp hồn bao
nhiêu người Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 20, miền Nam thì có đường phía
nam, miền Bắc thì có đường phía bắc.
Tác giả Lê Đại Lãng đã có công và có
lòng ghi lại các câu chuyện, các hoạt cảnh của con đường vượt biên của
đồng bào miền Bắc, miền đất đã chiến thắng trong cuộc chiến vừa là tương
tàn giữa những người con cùng một mẹ, vừa là giữa hai ý thức hệ chia
đôi thế giới trong thế kỷ 20. Văn tài của ông đã tạo dựng lại biết bao
số phận, biết bao thảm cảnh, biết bao nỗi hy vọng lẫn thất vọng của
những con người Việt Nam bao năm chôn vùi trong chế độ toàn trị vừa hé
mắt nhìn thấy ánh sáng của tự do xa xa ở phía chân trời, và đã nung nấu
cái khát vọng phải đến cho được nơi chân trời đó. Con thủy lộ không dài
giữa vịnh Bắc Bộ đến Hồng Kông cũng ngầm chứa bao hiểm nguy chết người,
và quả đã giết vô số người sử dụng nó với những phương tiện quá mỏng
manh. Cuốn Đường Phía Bắc là một kho chứng liệu sống của ý chí vượt khỏi
địa ngục với tất cả thảm cảnh của nó.
Người điểm cuốn sách này biết là mình
chưa làm hết công việc giới thiệu toàn bộ tác phẩm trong bài viết này,
vì chỉ mới nói chuyện đi đường mà chưa đề cập chuyện đến nơi. Khi đến
nơi thì câu chuyện đã có một không gian khác, tinh thần khác, và chất
chứa những cái ly kỳ khác. Vậy đành khất với độc giả trong một bài viết
khác.
Thứ Sáu 13 tháng 4, 2012.
PXĐ
(*) Đường Phía Bắc, giá sách U.S.A 15.00 dollars, có thể đặt mua theo địa chỉ sau:
Toà soạn báo Trẻ
3202 N. Shiloh Rd., Garland, TX 75044.
ĐT: 972-675-4383/ Email: tusachtreusa@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét