Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Giang Trang

Hôm nay đọc bài viết của blogger Bùi Văn Phú giới thiệu Giang Trang, tôi mới nhớ hôm nọ mình có copy một bài nói về cô bé cùng quê... nội, vào blog tìm không thấy, hóa ra gõ xong để đó rồi quên mất.

Đây là post copy cũ của tôi.

Tình cờ đọc được bài viết của Lê minh Hà, một nhà văn ở Đức mà tôi thích đọc lối văn kể chuyện tác giả về đời sống ở Miền Bắc. Bài viết về một người ca sĩ tên Này, có Giang Trang, tôi chưa nghe cô ấy hát bao giờ cho đến hôm nay khi cái tên đập vào mắt mình, khiến tôi không khỏi cười một mình "ai sao có cái tên là một nửa của mình". Thật sự đã có lúc tôi ân hận không chọn GT.  Cho nên bây giờ cái tên GT mỗi chữ là một nửa của hai cái tên, ít bạn bè của tôi biết được điều này, bạn dĩ nhiên biết 1/2 tên, người làm chung thì biết 1/2 kia. :-). Và tôi post lại bài viết bởi vì những tấm hình đen trắng được chụp theo tôi là khá đẹp trong bài. Sau đó tôi mới vào youtube nghe cô hát.  Giọng cô trong trẻo tuy đối với tôi không có gì xuất sắc hơn vài ca sĩ đã từng hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng đặc biệt vì cô hát với tiếng đàn đệm Guitar, làm nổi bật giọng ca của cô hơn. Chợt nhớ có lần tôi góp ý về các clip nhạc của Trương Qúy, người nữ giới thiệu chương trình nhạc Bài ca Hà Nội cũng tên là Giang Trang, đọc nhanh quá làm mất đi sự truyền cảm của bài viết cho chương trình, khi ấy tôi cứ nghĩ người nữ Giang Trang chắc là trưởng thành trong thời chiến tranh khi mà xướng ngôn viên có cách đọc phải hùng hồn như chuyển tải tinh thần hành quân đến người lính, nay vẫn quen cách đọc như thế. Không hiểu cô Giang Trang ấy cũng là cô ca sĩ hát nhạc Trịnh không nhỉ.  Nếu là một người thì tiếc quá, cô chỉ nên hát không nên đọc :-)  



GIANG TRANG VÀ “NHỮNG NỖI NHỚ LÊNH ÐÊNH VỀ PHỐ”


(NCTG) “Vui sống, nhìn vào một mảng sáng nhiều hy vọng với sự chia sẻ về niềm tin vào những giá trị đẹp đẽ vẫn còn tồn tại ngay giữa guồng quay cuộc sống đương đại đang dồn dập, vội vã này – là điều em muốn cùng âm nhạc Trịnh Công Sơn gửi gắm tới người nghe” – chia sẻ của giọng ca trẻ Giang Trang.

Những ngày này, nếu có dịp đi qua phố Tràng Tiền (Hà Nội), hẳn bạn không thể không chú ý đến tấm áp-phích khá lớn giới thiệu hai đêm hát nhạc Trịnh Công Sơn của một cô gái mang tên Giang Trang.

Tấm hình đen trắng với nụ cười rạng rỡ của Giang Trang vừa thu hút sự chú ý của khách qua đường bởi sự dung dị, mộc mạc, vừa gợi những hoài niệm xa xăm ẩn giấu trong ký ức mỗi chúng ta. Trong một thoáng thả mình bâng khuâng, những ngày xanh xưa chợt theo ta về lênh đênh trên từng con phố nhỏ.

“Giang Trang - người hát nhạc Trịnh thầm lặng” đã từng là một “thương hiệu” đi kèm với người ca sĩ trẻ khả ái này trong suốt hàng chục năm - thậm chí, một bài viết khắc họa chân dung chị rất thành công cũng đã được lấy tựa như vậy.

Hơn 11 năm trước, xuất hiện lần đầu tại quán Nhạc Tranh (nhân kỷ niệm 100 ngày mất của nhạc sĩ họ Trịnh), cô sinh viên trường Đại học Ngoại Thương - Hà Nội đã đem lại cho khán thính giả một cách “cảm” mới về nhạc Trịnh: hồn nhiên, trong trẻo đến cháy lòng, và chất chứa những hoài niệm riêng tư.

Liền trong 8 năm sau, với hai album mang đậm chất tài tử - “Vẫn có em bên đời” (năm 2001) và “Lời ở phố về” (năm 2007) - được phổ biến trong giới trẻ yêu nhạc và “lưu hành” trên hàng loạt diễn đàn, các trang chia sẻ nhạc Liên mạng, cái tên Giang Trang đã trở thành khái niệm mới trong giới trẻ mê nhạc Trịnh ở Việt Nam.

Là người làm mới và làm khác nhạc Trịnh sau những Khánh Ly, Lệ Thu, Hồng Nhung... và nhiều người khác, Giang Trang đã thổi hồn vào các ca khúc Trịnh Công Sơn một cách tự nhiên, dung dị, mà có chiều sâu. Nhạc Trịnh với sự thể hiện của Giang Trang, vừa mang dáng dấp cổ điển với nét dịu dàng, đằm thắm, vừa “bảo lưu” được nét cô độc nhưng không bi lụy, khắc khoải nhưng không sầu thảm.

Tuy không là “fan cuồng” của nhạc Trịnh, nhưng vì tìm được cái gì đó của chính mình và thực sự có cái duyên với nhạc Trịnh từ khi khởi nghiệp ca hát, với “Lênh đênh nhớ phố”(2012) (*), Giang Trang đã đi thêm một bước dài: thoát khỏi vai trò một người hát nhạc Trịnh thầm lặng, “quyết tâm theo đuổi niềm đam mê ca hát, thu âm nghiêm túc trong phần còn lại của đời mình”, như lời chị chia sẻ với NCTG.

PV báo NCTG đã có cuộc trò chuyện với Giang Trang nhân dịp Ngày Tình yêu (Valentine’s Day 14-2), đồng thời cũng là lúc chị đang cùng các bạn âm nhạc chuẩn bị cho hai đêm nhạc nhân kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Trung tâm Văn hóa Pháp vào cuối tháng.
 
Giang Trang thân mến, NGTG rất vui khi được giới thiệu Giang Trang với bè bạn gần xa, với những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn nói riêng và yêu âm nhạc nói chung. Giang Trang có thể cho biết vì sao bạn chọn tên đêm diễn cũng như tên CD vừa phát hành là “Lênh đênh nhớ phố”?
 
- Em rất thích từ “lênh đênh” - chỉ một trạng thái thường thấy trong ca từ Trịnh Công Sơn - trạng thái bập bềnh như đang rơi khỏi một vùng cố định nào đó. Nó bâng quơ như những nỗi nhớ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Ở đây chính là “những nỗi nhớ lênh đênh về phố”, là không gian hoài niệm của một người ngồi bên dòng sông nhìn lại những tháng ngày xưa cũ trôi theo dòng nước, những tình yêu đến và đi, những mong đợi, hy vọng và chấp nhận, rồi thầm hỏi về đời mình.
 
Hai đêm diễn 28-2 và 29-2-2012 tại L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) có ý nghĩa gì với cá nhân Giang Trang?
 
- Em cảm thấy vui khi được chọn hát trong sự kiện kỷ niệm 73 năm ngày sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhân dịp này, em cũng ra mắt CD chính thức - phát hành lần đầu sau 10 năm “duyên nợ” với nhạc Trịnh. Đây cũng là quãng thời gian mà em thật sự muốn chia sẻ nhiều hơn với mọi người về niềm đam mê dành cho âm nhạc và tình yêu dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn. Với những động viên ưu ái và sự khuyến khích của bạn bè gần xa, lần này em sẽ thử thôi làm “người hát nhạc Trịnh thầm lặng”…
 
Vậy, người hát nhạc Trịnh - Giang Trang lần này muốn gửi gắm điều gì tới người nghe qua “Lênh đênh nhớ phố”?
 
- Em muốn chia sẻ một điều mà thực tế thời gian gần đây em đã trải qua… Khi thấy những ưu phiền ngày một lớn hơn, em đã tìm cách mở ra một khe cửa (dù hẹp) để hướng về những gì bình yên, giản đơn. Ở đó, con người từng đi qua những thăng trầm của cuộc sống vẫn còn hồn nhiên, vẫn yêu thương nhau và giữ lòng tin lẫn nhau để sống.

Đó chính là hành trình quay về với âm nhạc Trịnh Công Sơn của riêng em: lắng nghe con người bên trong của mình giữa những sự gắng gượng nản lòng thường thấy trong cuộc sống, được “ngồi yên dưới mái nhà” và tìm đến những vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình mà không nhất thiết phải cần đến sự hối hả cuồng nhiệt của tình yêu.

Vui sống, nhìn vào một mảng sáng nhiều hy vọng với sự chia sẻ về niềm tin vào những giá trị đẹp đẽ vẫn còn tồn tại ngay giữa guồng quay cuộc sống đương đại đang dồn dập, vội vã này – là điều em muốn cùng âm nhạc Trịnh Công Sơn gửi gắm tới người nghe.

Khi buồn, Giang Trang thường làm gì?
 
- Nếu buồn quá, em thường không làm gì ngoài các lựa chọn: 1) nằm dài nhìn trần nhà và nghe nhạc, thứ nhạc nào đó phù hợp với kiểu buồn đang phải đi qua; 2) một mình đi sang chùa cạnh nhà và ngồi nhìn cái hồ nhỏ sau chùa; 3) nếu chỉ hơi buồn có thể tìm đến ngồi bên một dòng sông, chỉ ngồi không, cố gắng nghĩ ngợi ít, đọc truyện, hoặc là mở youtube nghe nhạc một mình.
 
Vậy những điều gì đem lại niềm vui cho Giang Trang?
 
- Nhìn con gái lớn lên. Nhìn chồng chăm sóc con. Và bây giờ chắc chắn là em mong được hát thường xuyên…
 
Nếu là một bông hoa, Giang Trang sẽ là hoa gì?
 
- Em thích là hoa “Nhất chi mai” – Mai trắng.
 
Nếu là một con thú?
 
- Là một con chó, để luôn trung thành với chủ và liếm mặt lũ trẻ con trong nhà.
 
Là một đồ vật?
 
- Là cái… mở nút rượu vang (cười).
 
Đã bao giờ Giang Trang nhận được quà tặng nhân Ngày lễ Tình nhân (St. Valentin) chưa?
 
- Em có được nhận nhiều lần.
 
Giang Trang có thể kể một kỷ niệm, một món quà dễ thương nhân ngày này cho độc giả NCTG được không?
 
- Dễ thương nhất là một bức tượng thạch cao do một bạn trai bằng tuổi hì hụi nặn tặng. Bạn tặng và bảo: “Tớ chỉ quý mến cậu thôi, nhưng tớ sợ không có ai tặng quà cậu vào ngày này”. Mà năm đó đúng thế thật, tóc em húi cua, mặc quần bò, áo sơ mi kẻ, đi dép tổ ong, đá cầu đá bóng, hôm đó không có ai tặng quà ngoài cậu bạn kia.
 
Quan điểm ngắn gọn về hạnh phúc, tình yêu, tình bạn của Giang Trang?
 
- Em cho rằng hạnh phúc là những khoảnh khắc đẹp (kể cả buồn mà đẹp). Tình bạn cần dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, có thể chia sẻ với nhau nhiều về mặt tinh thần, và cần luôn thật với nhau. Tình yêu cần có cả cảm giác tình bạn và đặc biệt cần những khoảnh khắc đẹp, kể cả buồn đau mà đẹp (cười).
 
Ý định trong tương lai của Giang Trang là gì?
 
- Em vẫn tiếp tục hát, vì chính em, vì em cần âm nhạc như một người bạn. Và em hy vọng có thêm nhiều lần được hát “không thầm lặng” để có thể chia sẻ tới thêm nhiều người nghe…
 
Và bây giờ, câu cuối cùng xin được hỏi Giang Trang: Một vần thơ chợt đến trong ý nghĩ?
 
- Thôi, em đang nghĩ đến ca từ của Trịnh Công Sơn: “Làm con sông cho tháng ngày trôi. Chờ cây non trên núi đầu thai”.
 
Cám ơn Giang Trang đã dành cho bạn đọc NCTG một cuộc trò chuyện nhỏ và chúc bạn thực hiện được những mong muốn chia sẻ của mình. “Rừng xưa đã khép” “như tiếng thở dài”. Ta “ru đời đi nhé” để “góp lá mùa xuân”.

(*) “Lênh đênh nhớ phố” là đĩa nhạc lần đầu phát hành chính thức của Giang Trang gồm 9 ca khúc nhạc Trịnh, với sự tham gia của Anh Tú (violin) và Anh Hoàng (guitar). Đơn vị phát hành: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
FR thực hiện - Ảnh do nhân vật cung cấp

Hoa vàng mấy độ - Giang Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog