Tống Văn Công
Trong tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán đã Việt hóa rất lâu, tuy vậy
vẫn thường bị dùng sai. Cách đây nhiều năm, trên diễn đàn này, tôi
có đánh động việc dùng sai từ “quyết liệt”. Từ này Từ điển Hán- Việt
của Đào duy Anh định nghĩa: “thật ra mặt xung đột”. Từ điển Tiếng
Việt 1992 do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa “Quyết liệt: tính từ. Hết
sức mạnh mẽ, tỏ ra kiên quyết đến cùng trong hoạt động đấu tranh,
chống đối. Cuộc chiến đấu quyết liệt. Chống cự quyết liệt. Thái độ
rất quyết liệt.” Hồi đó tôi cho rằng không thể nói “ Chỉ đạo
quyết liệt”, mà “chỉ đạo kịp thời, chỉ đạo cụ thể, chỉ đạo rành
mạch”. Nhưng ngày nay cách nói thiếu chính xác này đã trở thành phổ
biến trên các phương tiện truyền thông, bởi đó là cách nói của các
vị lãnh đạo cấp cao!
Hiện nay có một số từ gốc Hán thường bị dùng sai nếu không cảnh báo
sẽ có lúc phải sửa lại từ điển!
-
Từ “yếu điểm” thường bị dùng nhầm với “điểm yếu”,
“nhược điểm”. Trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, sách,
kịch…hằng ngày đều nghe thấy từ yếu điểm bị dùng sai. Nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn được nhiều người xem là “một thiên tài ngôn ngữ” (Lời
buồn của một người yêu tiếng Việt của nhà báo Hữu Bảo trong tập
Rơi lệ ru người). Vậy mà đã có một lần, “thiên tài ngôn
ngữ”dùng sai từ này, trong lá thư gửi Dao Ánh ngày 20-2-1965:
“Viết quá nhiều để bày tỏ những
muộn phiền của mình là một yếu điểm”. Ở đây rõ ràng là ông muốn nói
“một điểm yếu”, chứ không phải “yếu điểm có nghĩa là chỗ trọng
yếu”.
-
Từ “mạn phép”. Cách đây nhiều năm, tôi xem tiết mục Chuyện nhỏ
trên HTV, nghe MC Thanh Bạch dùng từ “mạn phép” khi công bố điểm của
những người chơi sau một vòng. Tôi nghĩ, có lẽ ông muốn tỏ ra khiêm
tốn nên đã dùng từ này không chính xác.”Mạn phép là chưa được phép
mà đã làm… Chúng tôi đã mạn phép anh xem trước.” (Từ điển Tiếng Việt
1992). Ở đây, anh là người dẫn chương trình, việc anh phải làm là
sau một vòng thi phải công bố số điểm của từng người chơi, sao lại
phải tự cho là mình mạn phép? Mới đây, xem Chuyện nhỏ, tôi
vẫn được nghe MC Thanh Bạch dùng từ mạn phép như thế!
-
Doanh nghiệp là động từ chỉ “làm các công việc kinh doanh”. Doanh
nhân là danh từ chỉ “người làm công việc kinh doanh”. Hai từ này
hiện cũng bị dùng nhầm khá nhiều. Trên một tờ báo giới thiệu phim do
Việt Trinh lần đầu đạo diễn, nhà báo viết: ”Ông Hân (Đức Tiến đóng)
một doanh nghiệp thành đạt, nhưng dường như không lúc nào yên vui…”
Lẽ ra phải viết ông Hân là một doanh nhân.
-
Những từ kép ghép với chữ “đặc” như đặc biệt, đặc tính, đặc thù, đặc
trưng, đặc cách… Đặc có nghĩa là riêng, cho nên khi dùng không cần
phải thêm từ riêng thuần việt nữa. Ví dụ, không nên viết “Anh ấy có
đặc tính riêng”.
-
Một số người cho rằng từ gốc Hán nghe sang trọng hơn từ thuần Việt,
nên đã cố bắt chước cách kết cấu của từ kép gốc Hán đã Việt hóa, để
đặt ra từ mới gồm một từ gốc Hán với một từ thuần Việt. Ví dụ: gọi
cô gái út là “út nữ” để ghi thiếp mời lễ cưới; thay vì đặt tên là
Quán cây mai đã đảo lại là Cây mai quán. Dịp mừng giỗ tổ Hùng vương
năm nay, trên báo Người Lao Động chủ nhật (1-4-2012) giáo sư tiến sĩ
Ngô Đức Thịnh có bài viết nhan đề “Quốc giỗ trong lòng người Việt”.
Các từ Út, Cây mai, Giỗ đều là từ thuần Việt, do đó không thể
kết cấu giống như hai từ gốc Hán được. Phải là hai từ đều có gốc Hán
mới có thể tạo từ kép như: Thứ nữ, Mai hoa quán, Quốc lễ.
6-4-12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét