Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Trước Giao Thừa

Buổi chiều đứng ở phố nghe cậu nhỏ nói "mẹ con đưa ông Táo ngày 23, cúng mời ông bà về ngày 30 rồi liên tiếp mùng 1,2,3 cúng cơm đến mùng 4 cúng tiễn đưa ông bà", cậu kể vanh vách những lễ nghi của đa số gia đình người Việt Nam thường thực hành. Mấy chị em tôi cứ đứng nhìn nhau cười hì hì, thấy mình cũng làm kiểu nửa nạc nửa mỡ, vì không biết sao mình làm như vậy và cũng không rõ ngày nào đón ông bà về hay đưa ông bà đi. Kể ra lớp chị em chúng tôi đoảng như thế thì hỏi làm sao con cháu mình còn biết cái gì.  Bảo nhau tới đời mình rải tro là xong, con cái chả còn biết mình đi đâu ở đâu mà đón về. Mà thôi đó là chuyện ngày cuối năm. Ngày đâu năm mà lại linh tinh như thế chả hay ho gì. 

Đã thế gặp cậu cháu bưng thùng báo về, hỏi "cô có viết gì cô viết đi, sẽ đăng báo cho cô, cháu nói thật đó". Trời, cậu tưởng là toà soạn của bạn gái cậu là của cậu hay sao đó, và cậu cũng nhầm lẫn cô của cậu, ngày xưa lầm lỡ viết bài cho báo sinh viên trường cậu, rồi cậu nghĩ cô mình là "nhà dzăng" hay sao đó, mà cứ gặp mặt lại bảo cô viết bài. Chuyện đã lâu không hiểu sao cậu cứ nghĩ cô của cậu thích viết báo mà sợ không có ai đăng nên không dám viết thì phải.  Định tíết lộ, thôi vào xem blog coi có bài nào đăng được thì đem về mà in báo, nhưng kịp nín thinh, chứ cậu cháu mà vào xem được chắc nó sẽ ngã lăn ra vì bao năm nay nó mang một giấc mộng ngỡ cô mình là nhà văn chưa nổi tiếng thì hỏng kiểu, tội nghiệp cho nó, cho nên thôi tôi cứ cười cười kiểu "Mona Lisa" cho chắc ăn.  Đợi mai đây tập viết blog rành nghề thì đưa cho nó in báo cũng không muộn.  Tờ báo Tết năm ngoái nó đưa tôi còn ở một góc chưa đọc, năm nay lại thêm tờ nữa xếp chờ ngày được đọc.  Người ta khổ công khổ trí, tôi cũng không phải là người không biết tôn trọng chữ của người ta, nhưng thì giờ hạn hẹp tôi chưa đọc kịp, nhưng tôi không bao giờ vứt đi những gì tôi chưa đọc.  Và đọc xong có giữ lại hay không thì còn tuỳ.  

Mới gõ mấy dòng gọi là trước giờ Giao thừa Nhâm Thìn, định kể câu chuyện vui cười mỗi khi đến phố Bolsa nghe quảng cáo, thì ông con trai tới, ngồi viết xuống cho con mấy tên con vật trong 12 con giáp, sắp xếp lại thành những con gọi là xung khắc và hợp, rồi giải thích nào là cung nào là mạng, nói một hồi tôi cũng không hiểu tôi nói cái gì nào là 4 con này thì xung khắc với nhau, nếu mạng cũng khắc thì không thể sống đời với nhau, nếu khắc mà mạng không khắc thì cũng...ok, mạng khắc mà tuổi không khắc thì cũng ... ok.  Nghe sao rất là ba phải, tôi đoan chắc ông con tôi không thể hiểu tôi đang nói cái gì mà linh tinh quá. Nhưng tôi thì cứ tự tin là đã nhét vào đầu ông con một tí "mê tín dị đoan" để cho tuổi trẻ bớt sốc nổi thì cũng là ok rồi. 
Nhiêu đó chuyện là hết thời gian cho giờ phút Giao Thừa, có lẽ tôi chưa bao giờ xa nhà vào đêm Giao Thừa, vì từ xưa tới nay tôi nghe cha mẹ nói đi đâu Giao Thừa cũng phải về nhà, thế mà năm nay tôi không ở nhà, thực ra tôi cũng ở nhà nhưng không ở nơi có bàn thờ hai bà mẹ của tôi, cho nên coi như không ở nhà, chỉ vì ngày mai tôi phải vác xe ra dealer cho người ta thay dầu nhớt, tôi phải ở lại thành phố nơi con tôi sinh sống.  Băn khoăn ngày nghỉ mà lại vác xe đi sửa chữa, vậy rồi cả năm xe có làm sao không nhỉ? Lại nói với con, chỗ sửa xe ở hướng nào, nếu hướng không tốt thì làm sao con nhỉ, con bảo không sao con sẽ chở mẹ đi lòng vòng, hi hi, thế là cả năm cứ đi lòng vòng.  

Mà thôi, tôi ngồi đọc lại cái post tôi gõ mấy năm trước ở một blog riêng, bây giờ post lại ở đây vì giờ phút này tôi cũng muốn thời gian dừng lại cho mình cảm nhận cuộc đời chung quanh, ở đây trong khung cảnh vắng lặng của một đêm Giao Thừa nơi xứ người.  Chợt nhận ra tôi đã làm biếng trong suy nghĩ của mình từ ngày tôi gõ cái post sau.

Giác quan của cuộc đời 

Friday, January 2, 2009

Cái blog Đàn gảy tai trâu cũ giới thiệu bài báo này đã qua một năm, nhưng 4 giờ sáng thức dậy để đọc một mạch về những nhận xét tinh tế của tác giả bài Pearls Before Breakfast ở Washington Post khi nói về cuộc sống bon chen, cũng như những chi tiết về âm nhạc và nhạc cụ mà người nghệ sĩ thể hiện cho lòng đam mê âm nhạc của họ.
Quả thực đời sống đi qua quá vội vàng, chúng ta đã không có giây phút nào dành cho tâm thức mình một sự yên tĩnh để thưởng thức cho vẹn toàn những nét đẹp của cuộc sống,
"It's about failing to see the beauty of what's plainly in front of your eyes".
Thực sự là thế.
Phải chăng tâm hồn ta bình yên hơn khi có giây phút nhìn ngắm tại sao cành trúc kia có thể mọc rất thẳng trước ngọn gió chập chờn chỉ muốn làm gãy nó, hay đoá hoa lung linh trong nắng mà tự hỏi sao hôm nay hoa đẹp quá. Có thời gian để lắng nghe một bản giao hưởng nào đó và tưởng tượng người nhạc sĩ đã nhìn thấy gì ở rặng núi Alps hay dòng sông Rhine. Để hồn mình lắng xuống với một bài thơ Đường, Hài cú nào đó, có không? Hay lại chỉ lo cơm áo gạo tiền, lo nhà chưa quét, áo chưa giặt, để rồi cuối ngày đổ xuống như khúc củi mục. Tại sao thế? Và tôi luôn nghĩ tới chuyện ra đi, rời khỏi những hệ luỵ đời thường, để có thể thong dong đâu đó ngắm nhìn thiên nhiên mà tưởng rằng tiếng nhạc của người nhạc sĩ xa xưa đang vang bên tai mình. Báo viết năm tới là năm du lịch đến Âu Châu, vì giá đô sẽ tăng lên. Và người ta lại rủ tôi đến xem Berlin kỷ niệm 20 bức tường bị đập đổ. Có đi hay không thì còn tuỳ thuộc thời gian và hoàn cảnh, nhưng chắc chắn sau bao nhiêu năm vật vã với cuộc đời, tôi đã chuẩn bị cho tôi một đời sống, ít nhất đó là của mình, sẽ có thời gian để đứng lại để ngắm nhìn. Hay vì thế mà người ta cho rằng ở cái tuổi tôi, người ta thường bị đổ tội là bỗng làm biếng, là chậm chạp. Làm biếng đâu phải là cái tội (as long as it doesn't hurt anyone (?)), bởi vì nhờ những giây phút yên lặng trong tâm tưởng, chúng ta mới không vô tình với những vật thể chung quanh, có thể cảm nhận chúng bằng tất cả các giác quan của chúng ta phải chăng?
Để có thể như Basho trên đường tới Yoshino ngắm hoa anh đào, đã soạn bài thơ này:
Năm dặm mỗi ngày
Ta đi tìm em đấy
Hoa đào yêu dấu ơi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog